Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 năm 2024

Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 xuất bản ngày 10 tháng 11 năm 2024.

Trong bài giới thiệu này, chúng tôi xin gửi tới độc giả một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 09 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 năm 2024, cụ thể như sau:

Bài viết “Hoạt động vận động giao nộp, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội” của  tác giả Trần Minh Luân trình bày quy định của pháp luật về trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; thực trạng hoạt động vận động giao nộp, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội và kiến nghị, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động này trong thời gian tới.
Với bài viết “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện Tòa án”, tác giả Nguyễn Thanh Hải và Nguyễn Hoài Phương nêu nhận định: “Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận cơ chế bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đây là căn cứ pháp lý quan trọng để tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ quyền con người, quyền công dân trên thực tế.”. Trên cơ sở đường lối, chủ trương về đưa nội dung phù hợp về Hiến pháp và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng của hệ thống giáo dục quốc dân theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, bài viết làm rõ sự ra đời và những kết quả bước đầu về việc nghiên cứu, triển khai đưa nội dung quyền con người vào hệ thống giáo dục quốc dân; qua đó, đưa ra một số phương hướng, giải pháp về việc thực hiện đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện Tòa án.
Với bài viết “Hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian”, tác giả Phạm Võ Văn và Nguyễn Công Thịnh nêu nhận định: “Hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện nhiều lần, vào nhiều ngày, nhiều địa điểm khác nhau thì khi nào được xác định là hành vi thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.”. Bài viết tập trung phân tích, đánh giá quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 và các văn bản giải đáp, hướng dẫn; từ đó, bài viết chỉ ra hạn chế, vướng mắc và đưa ra kiến nghị hoàn thiện đối với vấn đề này.
Bài viết “Một số kỹ năng cần lưu ý khi thu thập, đánh giá chứng cứ trong điều tra vụ án dùng nhục hình thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra viện kiểm sát nhân dân tối cao”, tác giả Hoàng Ngọc Anh trình bày những quy định của pháp luật trong việc phát hiện, thu thập, đánh giá chứng cứ trong điều tra vụ án dùng nhục hình thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đồng thời, bài viết phân tích nội dung thu thập, đánh giá những chứng cứ chủ yếu, cơ bản trong điều tra vụ án dùng nhục hình; từ đó, nêu ra một số kỹ năng cần lưu ý khi thu thập, đánh giá những chứng cứ trong vụ án dùng nhục hình thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao. 
Với bài viết “Một số hạn chế, vướng mắc trong quy định của luật thi hành án dân sự và đề xuất, kiến nghị”, tác giả Đặng Thị Thu Phương nêu nhận định: “Thi hành án dân sự được xem là khâu cuối của quá trình tố tụng, đây là giai đoạn thực thi những phán quyết của Tòa án, Trọng tài đối với các vụ việc dân sự vào thực tiễn cuộc sống. Có thể nói, thi hành án dân sự có vị trí, ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thực thi công lý, xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương và ổn định. Hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật quy định về thi hành án dân sự có tính pháp lý cao nhất là Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2022). Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Thi hành án dân sự cho thấy, một số quy định đã dần bộc lộ những tồn tại, hạn chế, gây khó khăn, vướng mắc cho trong quá trình áp dụng.”. Bài viết tập trung phân tích, làm rõ một số hạn chế, bất cập này; từ đó đưa ra một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật để phù hợp với bối cảnh và điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay.
Tác giả Trần Văn Minh viết trong bài “Hoàn thiện quy định của pháp luật về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” như sau: “Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) ra đời với nhiều điểm mới đáp ứng yêu cầu cao trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Hiện nay, hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự diễn ra ngày càng rộng khắp trên cả nước với nhiều phương thức, thủ đoạn mới tinh vi. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự nói riêng thì việc hoàn thiện quy định của pháp luật là một trong những đòi hỏi cấp bách hiện nay”. Bài viết tập trung phân tích, đánh giá một số vướng mắc, bất cập trong quy định của pháp luật; từ đó đưa ra kiến nghị hoàn thiện và nâng cao hiệu quả áp dụng quy định của pháp luật về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Bài viết “Thực trạng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật rừng và kiến nghị hoàn thiện” của tác giả Lê Bá Đức tập trung phân tích các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật rừng, đồng thời, chỉ ra các điểm còn hạn chế, bất cập của quy định này. Qua đó, tác giả đề xuất một số kiến nghị để hoàn thiện quy định pháp luật và nâng cao hiệu quả thực hiện.
Tác giả Lưu Quang Anh và Bùi Lê Hiếu viết trong bài “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản  - vướng mắc và một số kiến nghị” như sau: "Cuộc cách mạng công nghiệp lần thư tư đã mở rộng không gian hoạt động của con người lên không gian mạng. Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông xuất hiện, trở thành thách thức mang tính toàn cầu, đòi hỏi những quy định của pháp luật hình sự phải ghi nhận”. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích dấu hiệu pháp lý và thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự Việt Nam về “tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Từ đó, tác giả đưa ra đánh giá và khuyến nghị nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật, nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật trong việc phòng ngừa và xử lý tội phạm trên. 
Bài viết “Về bài viết: “tổng hợp hình phạt đối với Ngô Thành V như thế nào cho đúng?”” tổng hợp ý kiến của các tác giả về việc nêu quan điểm đối với một tình huống cụ thể đăng ở Tạp chí Tòa án nhân dân số 03/2024.
Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 kỳ I tháng 11 năm 2024.

* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hằng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

BTK