5 vấn đề cần lưu ý trong chuyển đổi số báo chí - xuất bản và 5 nhóm vấn đề điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc cho cơ quan báo chí
Ngày 30/11, tại Hội thảo chuyển đổi số báo chí, xuất bản - Lý luận và thực tiễn Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, thông tin về 5 vấn đề cần lưu ý trong chuyển đổi số báo chí - xuất bản. Trước đó, Bộ TT&TT cũng đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh một số quy định về cơ chế tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, cơ chế đặt hàng, định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước để tháo gỡ khó khăn cho cơ quan báo chí.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tham luận tại Hội thảo chuyển đổi số báo chí, xuất bản - Lý luận và thực tiễn |
Có hơn 800 cơ quan thông tấn, báo chí, với gần 1 triệu bài báo được sản xuất hàng ngày
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, hiện nay, Việt Nam có hơn 800 cơ quan thông tấn, báo chí, với gần 1 triệu bài báo được sản xuất hàng ngày. Doanh thu truyền thông đạt gần 4 tỷ USD, nhưng 50% doanh thu quảng cáo đang chảy vào các nền tảng xuyên biên giới và dữ liệu đang được các nền tảng này thu thập, sở hữu. Các cơ quan báo chí và truyền thông trong nước mất nguồn thu từ quảng cáo.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi số lĩnh vực báo chí, xuất bản thông qua việc tham mưu và ban hành các chương trình, chiến lược, quyết định về chuyển đổi số báo chí, xuất bản, ra mắt Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí; ứng dụng công nghệ số trong quản lý báo chí, xuất bản.
Trong lĩnh vực xuất bản, thông qua Chiến lược Chuyển đổi số ngành xuất bản, thời gian qua, quá trình chuyển đổi số xuất bản đã đạt được một số kết quả nhất định từ phát triển công nghệ số hỗ trợ hoạt động xuất bản; phát triển nền tảng xuất bản điện tử dùng chung đến triển khai hệ thống trợ lý ảo trong biên tập xuất bản…
5 vấn đề cần lưu ý trong chuyển đổi số báo chí - xuất bản
Quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, xuất bản đang diễn ra mạnh mẽ, nhanh chóng và mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, trong quá trình chuyển đổi số, báo chí, xuất bản, các cơ quan cần lưu ý một số vấn đề sau:
Một là, vấn đề bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật thông tin. Với việc lưu trữ và chia sẻ thông tin trực tuyến, nguy cơ xâm phạm quyền riêng tư và rò rỉ thông tin cá nhân là rất cao. Các nhà xuất bản và cơ quan báo chí cần bảo đảm rằng thông tin cá nhân của độc giả được bảo vệ và không bị lộ ra ngoài một cách trái phép. Đồng thời, cần có biện pháp bảo mật mạnh mẽ để ngăn chặn các cuộc tấn công mạng và việc xâm nhập vào hệ thống, bảo đảm an toàn cho người dùng.
Việc sao chép và phân phối nội dung trở nên dễ dàng hơn trong thời đại số hóa. Điều này đặt ra vấn đề về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của tác giả và nhà xuất bản. Cần có các giải pháp pháp lý và kỹ thuật để bảo đảm rằng nội dung được bảo vệ khỏi việc sao chép trái phép và phân phối không đúng nguồn gốc.
Hai là, vấn đề đào tạo nhân lực báo chí, xuất bản phục vụ chuyển đổi số. Cần quan tâm đến việc xây dựng nguồn nhân lực kỹ thuật phục vụ chuyển đổi số, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng chuyển đổi số cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, bảo đảm tối ưu hóa hoạt động sản xuất và phân phối nội dung, hình thành giá trị, mô hình kinh doanh mới. Các cơ sở đào tạo báo chí, xuất bản cần cải tiến nội dung chương trình đào tạo, đưa nội dung đào tạo chuyển đổi số báo chí thành một nội dung bắt buộc, liên tục cập nhật kiến thức mới, liên thông với các chuyên gia công nghệ để bảo đảm nhân lực báo chí có chất lượng phục vụ sự thay đổi mạnh mẽ về phương thức, cách thức làm báo trên không gian số.
Ba là, về cơ chế hợp tác. Chuyển đổi số cũng yêu cầu sự hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm Nhà nước; các cơ quan báo chí, nhà xuất bản; nhà quảng cáo; nhà công nghệ. Các cơ quan báo chí, nhà xuất bản cần có sự đổi mới liên tục về công nghệ và nội dung để đáp ứng nhu cầu người dùng, cải thiện trải nghiệm của độc giả, xây dựng môi trường thúc đẩy, khuyến khích sự sáng tạo mới. Chuyển đổi số lĩnh vực báo chí, xuất bản sẽ phải gắn chặt với quá trình phát triển theo hướng “tinh gọn, hiện đại hóa”, giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa việc thực hiện nhiệm vụ chính trị với bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Để làm được điều này, cần sự định hướng, dẫn dắt từ Nhà nước; các công nghệ do các công ty công nghệ Việt Nam phát triển; sự ủng hộ của nhà quảng cáo, đưa dòng chảy quảng cáo sạch về các nền tảng báo chí, xuất bản trong nước. Đối với lĩnh vực báo chí, cần triển khai kế hoạch thúc đẩy sự hợp tác giữa bốn nhà (Nhà nước; các cơ quan báo chí, nhà xuất bản; nhà quảng cáo; nhà công nghệ) để hình thành nền tảng lưu trữ và đánh giá dữ liệu “Make in Vietnam” về hành vi người đọc báo chí, tin tức, cạnh tranh với nền tảng xuyên nước ngoài. Đối với lĩnh vực xuất bản, cần có chính sách thích hợp nhằm khuyến khích các công ty công nghệ đầu tư phát triển các nền tảng (platform) dùng chung cho xuất bản và phát hành điện tử: các nền tảng hỗ trợ, kết nối người đọc như mạng xã hội về sách, giúp cho người đọc tiếp cận được các nội dung số một cách dễ dàng, nền tảng Review/Comment/VOC, nền tảng CRM người đọc/Membership/SubscriptionBased/Loyalty. Phát triển dữ liệu số của ngành xuất bản, in và phát hành trên nguyên tắc cơ sở dữ liệu tập trung, chia sẻ được lưu giữ hệ thống và lâu dài.
Bốn là, việc xác định mô hình kinh doanh của các cơ quan báo chí, nhà xuất bản cho phù hợp môi trường chuyển đổi số, không gian số để không bị lạc hậu, không theo kịp xu thế phát triển của thời đại. Các tòa soạn thực hiện chuyển đổi số thay đổi toàn diện hoạt động nhằm nâng cao chất lượng nội dung và giảm chi phí vận hành, sản xuất, phân phối, từ đó hình thành mô hình kinh doanh mới, hiệu quả. Bên cạnh đó, báo chí - truyền thông cần có công cụ giúp hiểu thị hiếu và hành vi của độc giả để cá nhân hóa thông tin. Ngoài ra, các tờ báo cần phải có mô hình kinh doanh quảng cáo hiệu quả, bằng cách ứng dụng công nghệ vào việc quản lý vận hành và sản xuất nội dung, đưa nội dung tiếp cận tới độc giả. Các nhà xuất bản phát triển theo hướng tin gọn, chất lượng, hiện đại dựa trên công nghệ số, tạo sự đổi mới căn bản trong mô hình hoạt động, từng bước hình thành mô hình, sản phẩm mới đáp ứng những nhu cầu, thói quen tiếp nhận, thụ hưởng thông tin của người dân trên nền tảng số. Bổ sung các quy định liên quan đến mô hình cơ quan báo chí hội tụ, đa nền tảng, đa phương tiện với các loại hình sản phẩm báo chí, truyền thông, phương thức truyền dẫn mới… nhằm tạo hành lang pháp lý cụ thể hơn cho các cơ quan báo chí trong quá trình triển khai, thực hiện.
Năm là, tiếp tục đo đếm hiệu quả chuyển đổi số để điều chỉnh cải thiện quy trình nội dung và nâng cao trải nghiệm người đọc. Phát triển, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành trên nguyên tắc cơ sở dữ liệu tập trung, chia sẻ được lưu giữ hệ thống và lâu dài. Ứng dụng các công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc xây dựng, lưu trữ dữ liệu chuyên ngành và nền tảng để triển khai các ứng dụng trực tuyến. Hỗ trợ các cơ quan báo chí công cụ, nền tảng đo đếm, phân tích dữ liệu độc giả, công bố dữ liệu phục vụ nắn dòng quảng cáo từ các nền tảng xuyên biên giới về báo chí trong nước.
Đề nghị Bộ Tài chính xem xét 5 nhóm vấn đề tháo gỡ vướng mắc cho cơ quan báo chí
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Hội Nhà Báo Việt Nam ngày 13/6/2023, về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ quan báo chí, Bộ TT&TT đã tổ chức lấy ý kiến các cơ quan báo chí.
Trên cơ sở ý kiến phản ánh, kiến nghị của các cơ quan báo chí và thực tiễn quản lý theo chức năng, nhiệm vụ, Bộ TT&TT đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất, cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước, quy định chi tiết thi hành Luật giá và chính sách về thuế đối với các cơ quan báo chí. Cụ thể,5 nhóm vấn đề sau:
Nhóm vấn đề thứ nhất là đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 60 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Nhóm vấn đề thứ 2 là nhóm ý kiến về cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Nhóm vấn đề thứ 3 là nhóm ý kiến liên quan đến pháp luật về giá.
Nhóm vấn đề thứ 4 là nhóm ý kiến về chính sách thuế.
Nhóm vấn đề thứ 5 là các ý kiến về bố trí kinh phí hoạt động, mua sắm phương tiện tác nghiệp cho các cơ quan báo chí và hướng dẫn chế độ chi cho các cơ quan báo chí.
Tổng hợp từ http://mic.gov.vn và dangcongsan.vn
Bài liên quan
-
Quyết liệt hoàn thành các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia
-
Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024: “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội
-
Một số giải pháp và kiến nghị để thực hiện tốt công tác chuyển đổi số tại Tòa án và xây dựng Tòa án điện tử
-
Làm rõ những điểm mới cần lưu ý để phục vụ công tác kiểm kê tài sản công trong hệ thống Tòa án
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận