Cầm giữ tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo pháp luật Việt Nam

Bài viết tập trung làm rõ các quy định của pháp luật Việt Nam về cầm giữ tài sản, đồng thời chỉ ra những bất cập giữa quy định của pháp luật và thực tế áp dụng nhằm đề xuất một số giải pháp góp phần hoàn thiện các quy định về giao dịch bảo đảm nói chung và về cầm giữ tài sản nói riêng.

1. Đặt vấn đề

Cầm giữ tài sản được ghi nhận lần đầu tại Việt Nam trong Bộ luật Hàng hải năm 1990 tại Điều 30[1]. Cầm giữ tài sản sau đó cũng được ghi nhận trong BLDS năm 1995[2] và BLDS năm 2005[3] với tư cách là một điều khoản trong hợp đồng cụ thể mà BLDS dự liệu, không phải là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Tuy nhiên, xét bản chất của cầm giữ tài sản là một hành vi gây sức ép mà bên có quyền sử dụng để buộc bên có nghĩa vụ phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, phù hợp với bản chất của một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, BLDS năm 2015 đã quy định cầm giữ tài sản là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tại Mục 3, Chương XV. Theo đó, cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.[4]

Cầm giữ tài sản với vai trò là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ sẽ góp phần bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ trên thực tế được diễn ra một cách suôn sẻ hơn, do bên có nghĩa vụ ý thức được rằng, nếu muốn lấy lại tài sản bị cầm giữ thì cần nhanh chóng thực hiện nghĩa vụ đối với bên có quyền. Với các quy định trong BLDS năm 2015 từ Điều 346 đến Điều 350 và hướng dẫn thi hành tại Nghị định số 21/2021/NĐ-CP của Chính Phủ về “Quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”, pháp luật Việt Nam đã tạo hành lang pháp lý để các chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự cũng như cơ quan thi hành pháp luật vận dụng trong quá trình xác lập, thực hiện, cũng như giải quyết các tranh chấp liên quan đến quan hệ cầm giữ tài sản. Tuy nhiên, để cầm giữ tài sản có thể trở thành một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ phát huy hiệu quả thực thi, bảo đảm quyền lợi của chủ thể có quyền trong quan hệ nghĩa vụ thì còn phải tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện nhằm tránh những hậu quả không mong muốn trong quá trình áp dụng.

2. Quy định của pháp luật Việt Nam về cầm giữ tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

Cầm giữ tài sản theo quy định của BLDS năm 2015 là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ phát sinh theo luật định mà không phải là một giao dịch bảo đảm. Theo đó, giao dịch bảo đảm phát sinh theo thoả thuận của các bên nhưng cầm giữ tài sản chỉ phát sinh theo quy định của luật. Trong quan hệ cầm giữ, các bên không có thoả thuận về việc bên có nghĩa vụ dùng tài sản của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mà cầm giữ tài sản phát sinh từ “thời điểm đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.”[5] Do đó, khác với các trường hợp bảo đảm khác, cầm giữ tài sản phát sinh ngoài ý chí của các bên trong hợp đồng.

Trong quan hệ cầm giữ, bên có quyền trong hợp đồng song vụ (mà BLDS gọi là bên cầm giữ) được gọi là bên nhận bảo đảm và bên có nghĩa vụ là bên bảo đảm.[6] Bên có quyền đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Theo quy định này, đối tượng mà bên có quyền nắm giữ phải là tài sản. Theo quy định của BLDS năm 2015 thì tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.[7] Những đối tượng không phải là tài sản theo quy định thì không thuộc đối tượng của cầm giữ. Bên cạnh đó, tình trạng nắm giữ tài sản của bên có quyền phải là nắm giữ hợp pháp, nếu bên có quyền đang nắm giữ không hợp pháp tài sản thì tài sản đó cũng không phải là đối tượng của cầm giữ. Ví dụ như trường hợp chiếm hữu tài sản của người khác không có căn cứ pháp luật. Nắm giữ tài sản được hiểu là việc bên nhận bảo đảm trực tiếp quản lý, kiểm soát, chi phối tài sản bảo đảm hoặc là việc người khác quản lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật nhưng bên nhận bảo đảm vẫn kiểm soát, chi phối được tài sản này.[8] Như vậy, khi bên có quyền đang quản lý, kiểm soát, chi phối tài sản mà bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ thì bên có quyền được quyền chiếm giữ tài sản này để gây sức ép buộc bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đã thoả thuận trong hợp đồng.

BLDS năm 2015 và Nghị định số 21/2021/NĐ-CP không giải thích thế nào là “chiếm giữ” tài sản. Tuy nhiên, theo Từ điển Tiếng Việt thì chiếm giữ là “chiếm và giữ lấy cho riêng mình”[9]; theo quy định của BLHS năm 2015 về tội chiếm giữ trái phép tài sản thì “chiếm giữ là cố tình không trả lại tài sản…”[10]. Như vậy, có thể hiểu hành vi chiếm giữ tài sản trong biện pháp cầm giữ tài sản là bên có quyền khi đang quản lý, kiểm soát, chi phối tài sản mà bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ thì bên có quyền được quyền không trả lại tài sản đó một cách có chủ đích. Tài sản mà bên có quyền chiếm giữ phải là đối tượng của hợp đồng song vụ. Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau.[11] Nếu nghĩa vụ phát sinh từ một giao dịch dân sự không phải là hợp đồng song vụ thì bên có quyền không được quyền cầm giữ tài sản. Ví dụ, một người nhặt được tài sản do người khác bỏ quên không có quyền cầm giữ tài sản đó để yêu cầu chủ sở hữu thanh toán các chi phí bảo quản tài sản khi chủ sở hữu đến nhận lại tài sản đó.

 Theo Nghị Nghị định số 21/2021/NĐ-CP thì tài sản cầm giữ phải là tài sản thuộc đối tượng của nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ bị vi phạm.[12] Ví dụ, trong hợp đồng sửa chữa xe ô tô thì đối tượng của nghĩa vụ là chiếc xe ô tô được đưa vào sửa chữa. Trong hợp đồng gửi giữ tài sản thì đối tượng của nghĩa vụ là tài sản gửi giữ. Và đối tượng của nghĩa vụ này phải là nghĩa vụ “trong hợp đồng bị vi phạm”. Điều đó có nghĩa là không phải bất kỳ tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ nào bên có quyền cũng có quyền cầm giữ. Bên có quyền không được quyền cầm giữ một tài sản là đối tượng của nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ mà nghĩa vụ đó không phải là nghĩa vụ trong hợp đồng bị vi phạm để gây sức ép với bên có nghĩa vụ. Chẳng hạn, A cho B vay 500 triệu nhưng đến hạn B không trả. Sau đó, B thuê A sửa chữa chiếc ô tô của mình và vi phạm nghĩa vụ thanh toán. A đã giữ chiếc xe ô tô đó và yêu cầu B trả tiền sửa xe đồng thời trả nợ vay thì A mới trả xe. Trong ví dụ nêu trên, chiếc xe ô tô là đối tượng của nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ bị vi phạm là hợp đồng sửa chữa, và nghĩa vụ bị vi phạm là nghĩa vụ thanh toán tiền sửa xe, không phải nghĩa vụ thanh toán tiền vay. Do đó, A chỉ có quyền chiếm giữ chiếc xe nhằm mục đích buộc B thanh toán tiền sửa xe. Sau khi B đã thanh toán tiền sửa xe xong thì A không có quyền chiếm giữ chiếc xe đó nữa. Để buộc B thực hiện nghĩa vụ trả tiền vay, A phải thực hiện việc khởi kiện đòi nợ thông thường nếu khoản vay đó không có bảo đảm.

Cầm giữ tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên có quyền chiếm giữ tài sản bảo đảm. Kể từ thời điểm này, bên cầm giữ có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng cũng như các chi phí cần thiết cho việc bảo quản, giữ gìn tài sản cầm giữ. BLDS còn quy định, bên cầm giữ có quyền khai thác tài sản cầm giữ để thu hoa lợi, lợi tức nếu được bên có nghĩa vụ đồng ý. Bên cầm giữ phải thực hiện các nghĩa vụ bảo quản, giữ gìn tài sản cầm giữ, không được thay đổi tình trạng của tài sản cầm giữ, không được chuyển giao, sử dụng tài sản nếu không có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ và phải bồi thường thiệt hại nếu làm mất hoặc hư hỏng tài sản cầm giữ.

Bản chất của cầm giữ chỉ là cố tình không trả lại tài sản để buộc bên có nghĩa vụ phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, do đó, bên cầm giữ không được quyền xử lý tài sản bảo đảm mà chỉ có quyền khai thác tài sản để thu hoa lợi, lợi tức nhưng với điều kiện phải được sự đồng ý của bên có nghĩa vụ. Nếu bên có nghĩa vụ không đồng ý thì bên có quyền không được thực hiện khai thác công dụng của tài sản cầm giữ. Mục đích của biện pháp cầm giữ không phải là để hướng tới xử lý tài sản bảo đảm để bảo vệ cho bên có quyền, do đó việc xử lý tài sản bảo đảm không đặt ra trong quan hệ cầm giữ.

Biện pháp bảo đảm bằng cầm giữ chấm dứt khi thuộc một trong các trường hợp tại Điều 350 của BLDS năm 2015: (1) Bên cầm giữ không còn chiếm giữ tài sản trên thực tế; (2) Các bên thoả thuận sử dụng biện pháp bảo đảm khác để thay thế cho cầm giữ; (3) Nghĩa vụ đã được thực hiện xong; (4) Tài sản cầm giữ không còn; và (5) Theo thoả thuận của các bên. Như vậy, trong trường hợp bên có quyền để cho tài sản cầm giữ rời khỏi tay của mình thì biện pháp bảo đảm bằng cầm giữ chấm dứt, nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ phải thực hiện trở thành nghĩa vụ không có bảo đảm. BLDS cũng quy định việc cầm giữ chấm dứt khi nghĩa vụ đã được thực hiện xong mà không quy định là nghĩa vụ đó phải được thực hiện bởi bên có nghĩa vụ. Do đó, bất kì ai thực hiện nghĩa vụ đối với bên có quyền trong trường hợp này đều có thể được chấp nhận. Quy định này phản ánh rõ mục đích của bên có quyền cầm giữ tài sản là để cho nghĩa vụ được thực hiện, bởi vì bên cầm giữ không có quyền xử lý tài sản bảo đảm nên việc nghĩa vụ đã được thực hiện xong bởi bất kỳ người nào cũng làm cho biện pháp cầm giữ chấm dứt hiệu lực.

3. Thực trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật về cầm giữ tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

Nghiên cứu thực trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật về cầm giữ tài sản cho thấy quy định này có một số vấn đề còn bất cập và cần sớm có giải pháp hoàn thiện, cụ thể như sau:

* Về đối tượng của cầm giữ

Cầm giữ tài sản được quy định là một biện pháp bảo đảm áp dụng cho hợp đồng song vụ, và tài sản là đối tượng của cầm giữ phải chính là đối tượng của quan hệ nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ bị vi phạm. Quy định này giới hạn phạm vi của biện pháp cầm giữ chỉ có thể được sử dụng trong một số hợp đồng song vụ nhất định mà không phải là bất kỳ hợp đồng song vụ nào cũng có thể áp dụng. Mặc dù vậy, xét bản chất của cầm giữ là cho phép bên có quyền chiếm giữ tài sản để buộc bên có nghĩa vụ thực hiện đúng nghĩa vụ của mình mà không xử lý tài sản bảo đảm. Do đó, nếu BLDS năm 2015 chỉ giới hạn phạm vi áp dụng cầm giữ tài sản cho hợp đồng song vụ thì chưa phát huy hết tác dụng của biện pháp cầm giữ trong quan hệ nghĩa vụ. Có nhiều quan hệ nghĩa vụ tuy không phải là hợp đồng song vụ nhưng nếu bên có nghĩa vụ cố tình không thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ thì việc cho phép bên có quyền cầm giữ tài sản là rất cần thiết.

Theo quy định tại Điều 275 BLDS năm 2015 thì ngoài hợp đồng, nghĩa vụ còn có thể phát sinh bởi nhiều căn cứ khác, ví dụ như hành vi pháp lý đơn phương, thực hiện công việc không có uỷ quyền, chiếm hữu, sử dụng, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật,… Vì vậy, giả sử A đã bỏ chi phí để chăm sóc và chữa bệnh cho một con chó đi lạc vào nhà của A, đến khi chủ sở hữu của con chó đến xin nhận lại thú cưng thì phải thanh toán chi phí chăm sóc cho A. Đây là trường hợp nghĩa vụ phát sinh không do một sự thoả thuận nào từ trước nên đó không phải là hợp đồng song vụ. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của A, pháp luật nên cho phép A được chiếm giữ tài sản như một biện pháp bảo đảm để buộc chủ sở hữu tài sản phải thực hiện nghĩa vụ trước khi nhận lại tài sản. Mặc dù BLDS quy định khi nhận lại gia súc bị thất lạc thì chủ sở hữu phải thanh toán chi phí nuôi giữ cho người bắt được, tuy nhiên không có cơ chế nào đảm bảo cho bên có quyền được thanh toán khoản tiền đó một cách hiệu quả. Thiết nghĩ, trong trường hợp này, biện pháp cầm giữ tài sản sẽ phát huy tác dụng để bảo đảm nghĩa vụ được thực hiện.

*Về phạm vi quan hệ được áp dụng biện pháp cầm giữ

 BLDS và Nghị định hướng dẫn thi hành quy định việc cầm giữ tài sản chỉ được thực hiện trong hợp đồng song vụ có nghĩa vụ bị vi phạm. Có nghĩa là hợp đồng phải đã có hiệu lực và một bên vi phạm nghĩa vụ thì mới được cầm giữ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, do hợp đồng vô hiệu và phát sinh nghĩa vụ hoàn trả thì không có cơ chế bảo đảm cho bên có quyền có thể gây sức ép để bên có nghĩa vụ sớm thực hiện nghĩa vụ hoàn trả. Vì vậy, quy định chỉ được cầm giữ tài sản trong quan hệ hợp đồng song vụ là chưa bao quát hết các trường hợp cần bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Ví dụ, công ty A ký hợp đồng bán căn hộ cho anh B. Anh B đã thanh toán được một nửa số tiền và nhận bàn giao nhà. Tuy nhiên, sau đó hợp đồng được ký kết giữa công ty A và anh B bị tuyên vô hiệu do nhầm lẫn. Công ty A có nghĩa vụ hoàn trả lại tiền cho anh B và anh B bàn giao lại nhà cho công ty. Do công ty chưa hoàn trả hết tiền nên anh B vẫn chiếm giữ ngôi nhà như một biện pháp buộc công ty A phải hoàn thành nghĩa vụ. Trong trường hợp này, xét theo quy định của BLDS thì anh B không được phép chiếm giữ tài sản vì lúc này hợp đồng bị tuyên vô hiệu thì các bên không bị ràng buộc nhau về quyền, nghĩa vụ nữa nên nghĩa vụ hoàn trả của công ty A không phải là nghĩa vụ bị vi phạm trong hợp đồng song vụ.

*Về việc cầm giữ các đối tượng không phải là tài sản

 BLDS năm 2015 quy định đối tượng của biện pháp cầm giữ phải là tài sản. Tuy nhiên, Luật Thương mại năm 2005 lại có quy định về việc thương nhân kinh doanh dịch vụ logistic có quyền cầm giữ một số lượng hàng hoá nhất định và các chứng từ liên quan đến số lượng hàng hoá đó để đòi tiền nợ đã đến hạn của khách hàng nhưng phải thông báo ngay bằng văn bản cho khách hàng.[13] Vậy, bên cạnh tài sản là hàng hoá thì Luật Thương mại còn ghi nhận cho phép bên có quyền trong quan hệ nghĩa vụ được cầm giữ chứng từ liên quan đến hàng hoá để gây sức ép cho khách hàng khi đến hạn mà khách hàng còn nợ tiền dịch vụ. Xét quy định của Luật Thương mại là hoàn toàn phù hợp với bản chất của biện pháp cầm giữ. Do đó, thiết nghĩ, BLDS năm 2015 cần mở rộng đối tượng của cầm giữ là giấy tờ liên quan đến tài sản bên cạnh đối tượng là tài sản như hiện nay.

Đối chiếu với các giao dịch trong thực tiễn, không hiếm trường hợp bên có quyền giữ giấy tờ liên quan đến tài sản của bên có nghĩa vụ để bảo đảm bên có nghĩa vụ thực hiện đúng nghĩa vụ của mình và việc chiếm giữ giấy tờ đó là hoàn toàn có cơ sở do bên có nghĩa vụ tự nguyện giao cho bên có quyền thông qua một giao dịch dân sự. Chẳng hạn, theo một Bản án, Toà án đã nhận định: “Hội đồng xét xử nhận thấy việc Toà án cấp sơ thẩm nhận định việc bà Nga giao giấy tờ nhà đất cho bà Dung không phải là giao dịch thế chấp là có căn cứ, sự việc này chỉ là bên vay giao giấy tờ nhà đất cho bên cho vay để làm tin. Vì vậy, việc bà Dung cầm giữ giấy tờ nhà của căn nhà số 10/4 đường số 10 là có căn cứ vì bà Dung nhận từ bà Nga là người chiếm giữ hợp pháp giấy tờ này…

Từ những nhận định nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy… cần sửa một phần bản án theo hướng buộc bà Dung phải trả lại Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở số H00096/2007/ Bình Hưng Hoà A, do Uỷ ban nhân dân quận Bình Tân cấp cho bà Nga và ông Vinh ngày 18/5/2007 ngay sau khi bà Nga đã trả đủ số nợ riêng của bà Dung.”[14]

Trong trường hợp này, Toà án đã đi xa hơn so với phạm vi của văn bản lúc bấy giờ là BLDS năm 2005, Toà án đã chấp nhận việc bên có quyền được chiếm giữ giấy tờ liên quan đến tài sản cho đến khi bên có nghĩa vụ thực hiện xong nghĩa vụ của mình.

Ở một hoàn cảnh khác, Toà án cũng chấp nhận việc bên có quyền giữ giấy tờ liên quan đến tài sản để gây sức ép buộc bên có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng: Theo thoả thuận giữa bà Liên và ông Quang thì ông Quang sẽ bán xe cho bà Liên. Ông Quang sẽ phải trả tiền cho bà Liên sau mỗi lần bán được xe. Sau đó, hai bên xảy ra tranh chấp và ông Quang yêu cầu Toà án buộc bà Liên phải bồi thường do bà Liên đã giữ một số bộ đăng kiểm xe máy. Toà án đã nhận định: “Đối với yêu cầu của ông Quang cho rằng bà Liên đã giữ 44 bộ đăng kiểm là trái pháp luật nên ông yêu cầu bà Liên phải bồi thường thiệt hại cho ông số tiền 135.850.000 đồng, xét yêu cầu này nhận thấy: Tại Toà các bên thừa nhận khi ông Quang trả tiền xong chiếc xe nào thì bà Liên sẽ giao phiếu đăng kiểm chiếc xe đó cho ông Quang, như vậy ông Quang còn thiếu tiền bà Liên nên bà Liên giữ lại phiếu đăng kiểm là đúng, không vi phạm pháp luật.”[15] Trong trường hợp này, Toà án không xét đối tượng mà bên có quyền cầm giữ có phải là tài sản hay không mà là xét mục đích bên có quyền hướng tới khi cầm giữ đối tượng đó.

Thiết nghĩ, mục đích của biện pháp cầm giữ là để bảo đảm bên có nghĩa vụ thực hiện đúng nghĩa vụ nếu họ muốn nhanh chóng lấy lại tài sản hoặc giấy tờ liên quan đến tài sản đang do bên có quyền chiếm giữ. Do đó, dù đối tượng mà bên có quyền cầm giữ không phải là tài sản nhưng đủ để gây sức ép buộc bên có nghĩa vụ thực hiện đúng nghĩa vụ thì pháp luật cần ghi nhận nhu cầu đó.

*Về quyền của bên cầm giữ

 BLDS quy định bên có quyền chỉ được khai thác tài sản bảo đảm để thu hoa lợi, lợi tức thu được bù trừ vào nghĩa vụ nếu được bên có nghĩa vụ đồng ý. Tuy nhiên, trong thực tiễn, nếu tài sản mà bên có quyền đang chiếm giữ là tài sản dễ hư hỏng và cần phải bán gấp thì liệu bên cầm giữ có quyền bán tài sản đó không? Vấn đề này Luật Thương mại quy định rõ ràng hơn tại Điều 239. Luật này cho phép bên cầm giữ được quyền định đoạt tài sản cầm giữ trong trường hợp hàng hoá có dấu hiệu bị hư hỏng “thì thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có quyền định đoạt hàng hoá ngay khi có bất kỳ khoản nợ đến hạn nào của khách hàng. Trước khi định đoạt hàng hoá, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics phải thông báo ngay cho khách hàng biết về việc định đoạt hàng hoá đó. Mọi chi phí cầm giữ, định đoạt hàng hoá do khách hàng chịu.” Thiết nghĩ, BLDS cũng nên theo hướng này như một trường hợp đặc biệt của cầm giữ để đảm bảo quyền của bên cầm giữ. Quy định này không cho phép bên cầm giữ xử lý tài sản cầm giữ nhưng việc định đoạt tài sản cầm giữ có nguy cơ bị hư hỏng là việc làm cấp thiết để bảo vệ quyền lợi của các bên trong quan hệ cầm giữ.

*Về căn cứ chấm dứt cầm giữ

BLDS quy định một trong các trường hợp chấm dứt biện pháp cầm giữ là khi bên cầm giữ không còn chiếm giữ tài sản trên thực tế. Tuy nhiên, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP lại quy định, “trường hợp cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan yêu cầu bên cầm giữ giao tài sản cầm giữ để giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật thì việc giao tài sản cầm giữ trong trường hợp này không phải là căn cứ chấm dứt cầm giữ.”[16] Như vậy, Nghị định đang hướng dẫn không phù hợp với BLDS. Bởi vì việc để tài sản cầm giữ rời khỏi tay của bên có quyền dù bất kỳ vì lý do gì thì đó cũng là cơ sở để xác định rằng bên có quyền đã “không còn chiếm giữ tài sản trên thực tế”. Và nếu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan yêu cầu bên cầm giữ giao tài sản cầm giữ để giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật mà bên có quyền giao tài sản cầm giữ thì cơ sở pháp lý nào bảo đảm rằng bên cầm giữ sẽ có thể buộc bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ của mình? Chẳng hạn, theo yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự, bên có quyền phải giao tài sản cầm giữ để thực hiện bán đấu giá bởi vì tài sản mà bên có quyền đang cầm giữ là tài sản bảo đảm trong một giao dịch thế chấp đã phát sinh hiệu lực đối kháng trước đó. Vậy nếu bên có quyền giao tài sản để cơ quan thi hành án giải quyết theo quy định thì bên có quyền đã không còn chiếm giữ tài sản trên thực tế và không thể gây sức ép để buộc bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ.

Mặt khác, trong trường hợp này, BLDS quy định là việc cầm giữ chấm dứt nhưng Nghị định hướng dẫn lại quy định là việc cầm giữ không chấm dứt. Vậy, bên có quyền có thể không giao tài sản khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu phải giao tài sản hay không vì việc không giao tài sản là phù hợp với quy định của Luật? Việc hướng dẫn tại khoản 1 Điều 47 Nghị định 21/2021/NĐ-CP là xâm phạm đến quyền của bên cầm giữ, bởi lẽ quy định này không phù hợp với mục đích mà BLDS hướng đến khi xây dựng biện pháp cầm giữ là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

4. Một số kiến nghị góp phần hoàn thiện pháp luật về cầm giữ tài sản

Từ những phân tích nêu trên, bài viết xin đề xuất một số kiến nghị sau đây nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật về biện pháp cầm giữ tài sản bảo đảm thực hiện hợp đồng:

Thứ nhất, khái niệm cầm giữ tài sản cần được sửa đổi theo hướng bổ sung thêm đối tượng cầm giữ và nới rộng phạm vi áp dụng đối với quan hệ nghĩa vụ. Theo đó, khái niệm nên được sửa đổi như sau: “Cầm giữ là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản, giấy tờ, tài liệu liên quan đến tài sản là đối tượng của quan hệ song vụ được chiếm giữ tài sản, giấy tờ, tài liệu liên quan đến tài sản đó trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.” Và vì vậy, tiêu đề của Điều 346 cũng cần sửa lại thành “Cầm giữ” là đủ, thay vì “Cầm giữ tài sản” như hiện nay.

Thứ hai, quy định tại Điều 348 BLDS năm 2015 về quyền của bên cầm giữ, cần bổ sung thêm nội dung: “Bên có quyền được quyền định đoạt tài sản cầm giữ là tài sản có nguy cơ hư hỏng để bù trừ nghĩa vụ nhưng phải báo cho bên có nghĩa vụ biết. Các chi phí liên quan đến bảo quản, định đoạt tài sản do bên có nghĩa vụ chịu.” Quy định này nhằm giúp cho bên có quyền giải toả được áp lực khi đang chiếm giữ tài sản có nguy cơ hư hỏng. Mặt khác, nếu bên có nghĩa vụ không muốn chịu những chi phí phát sinh hoặc sợ bên có quyền định đoạt giá thấp hơn thị trường thì bên có nghĩa vụ cần nhanh chóng thực hiện đúng nghĩa vụ để có quyền định đoạt tài sản đó.

Thứ ba, cần bãi bỏ quy định tại khoản 1 Điều 47 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP vì hướng dẫn thi hành không phù hợp với bản chất của cầm giữ và không phù hợp với quy định của BLDS năm 2015, tạo ra sự mơ hồ trong áp dụng pháp luật và làm giảm hiệu quả bảo đảm của biện pháp cầm giữ.

5. Kết luận

Nhìn chung, quy định về cầm giữ tài sản trong BLDS năm 2015 đã tạo một bước đột phá mới trong tư duy pháp lý của nhà làm luật, cho thấy pháp luật ngày càng tiệm cận và đáp ứng nhu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên, để những quy định về cầm giữ thực sự phát huy hiệu quả và trở thành một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hữu hiệu thì BLDS cần có những sửa đổi nhằm nới rộng phạm vi bảo đảm của biện pháp này, không chỉ gói gọn trong hợp đồng song vụ như hiện nay./.

 

TAND tỉnh Đồng Nai xét xử một vụ tranh chấp dân sự liên quan đến các hợp đồng- Ảnh minh họa: T.TÂM

 

[1] Theo quy định tại Điều 30 của Bộ luật Hàng hải 1990: 1- Chủ nợ có quyền cầm giữ hàng hải theo luật định đối với tầu biển để bảo đảm cho các khoản nợ ưu tiên, mặc dù tầu biển đó đã được cầm giữ, cầm cố, thế chấp để bảo đảm cho các khoản nợ khác trên cơ sở hợp đồng hoặc quyết định của toà án.

2- Cầm giữ hàng hải đối với tầu biển không bị ảnh hưởng khi có sự thay đổi chủ tầu, người khai thác tầu, cho dù người mua tầu biết hay không biết về việc tầu đã bị cầm giữ.

3- Tuyên bố của chủ nợ về việc cầm giữ hàng hải đối với tầu biển chỉ có giá trị sau khi đã được ghi nhận vào "Sổ đăng ký tầu biển quốc gia", nơi tầu đã đăng ký.

[2] Khoản 3 Điều 570 BLDS năm 1995 về trả tiền công trong hợp đồng gửi giữ quy đinh: Bên giữ có quyền giữ lại tài sản gửi giữ cho đến khi nhận đủ tiền công hoặc được bồi thường thiệt hại.

[3] Điều 416 BLDS năm 2005 quy định về “cầm giữ tài sản trong hợp đồng song vụ”.

[4] Điều 346 BLDS năm 2015.

[5] Khoản 1 Điều 347 BLDS năm 2015.

[6] Khoản 1, Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP (đã dẫn).

[7] Điều 105 BLDS năm 2015.

[8] Khoản 2 Điều 23 Nghị định Nghị định số 21/2021/NĐ-CP (đã dẫn).

[9] http:// http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/Chiếm_giữ, truy cập ngày 27/3/2023.

[10] Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015.

[11] Khoản 1 Điều 402 BLDS năm 2015.

[12] Khoản 3 Điều 8 Nghị định Nghị định số 21/2021/NĐ-CP.

[13] Khoản 1 Điều 239 Luật Thương mại năm 2005.

[14] PGS. TS. Đỗ Văn Đại, Luật nghĩa vụ và bảo đảm thực hiện nghĩa vụ Việt Nam Bản án và bình luận bản án, Nxb Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam, 2017, Bản án số 874/2011/DS-PT ngày 28-7-2011 của Toà án nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh, tr 838-839.

[15] Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, TS. Đỗ Văn Đại (chủ biên), Các biện pháp xử lý việc không thực hiện đúng hợp đồng trong pháp luật Việt Nam, Sách chuyên khảo, Nxb Chính trị quốc gia, 2010, Bản án số 81/2009/DSST ngày 15-5-2009 của Toà án nhân dân thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, tr 170.

[16] Khoản 1 Điều 47 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP.

ThS PHAN THỊ HỒNG (Giảng viên Khoa Luật Dân sự, trường Đại học Luật, ĐH Huế)