Góp ý dự thảo Sổ tay Thẩm phán về hướng dẫn một số tình tiêt giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Phạm vi góp ý Dự thảo Sổ tay Thẩm phán lần này là rất lớn, tuy nhiên trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ xin góp ý về việc Dự thảo Sổ tay Thẩm phán hướng dẫn một số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TTGNTNHS) quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS).

Năm 2006, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Phát triển quốc tế Austraylia, cuốn Sổ tay Thẩm phán đầu tiên được ra đời và đến năm 2009 được sửa đổi, bổ sung lần thứ nhất. Sau 13 năm kể từ ngày được sửa đổi, bổ sung nói trên, một số nội dung của cuốn Sổ tay Thẩm phán đến nay không còn phù hợp, vì vậy TANDTC đang tiến hành sửa đổi bổ sung lần thứ hai.

Tác giả xin góp ý về hướng dẫn một số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TTGNTNHS) mà trong thực tiễn xét xử, những tình tiết này đang có nhiều vướng mắc, trong khi đó hướng dẫn của Dự thảo lại chưa được thỏa đáng hoặc thiếu cụ thể. Những TTGNTNHS này thường được áp dụng, nếu chất lượng hướng dẫn cao, thì sẽ giúp ích rất nhiều cho các Thẩm phán trong công tác xét xử.

1.Tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” (quy định tại điểm i khoản 1 Điều BLHS)

Về phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, Dự thảo hướng dẫn như sau: “ Trường hợp ít nghiêm trọng bao gồm trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng (tội phạm không gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến 3 năm tù) và trường hợp phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, nhưng người phạm tội có vị trí, vai trò thứ yếu, không đáng kể trong vụ án có đồng phạm”.

Về hướng dẫn trên, tác giả xin có ý kiến như sau: Trong Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ Hội thẩm nhân dân quyển 1 năm 2014 của Trường cán bộ Toà án (nay là Học viện Toà án) có nêu vụ án hình sự có bị cáo Trần Văn Tính phạm tội vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên, theo khoản 1 Điều 172 BLHS năm 1999. Đối với vụ án này, tại phiên họp xét xử giám đốc thẩm ngày 6/1/2014, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao (HĐTPTANDTC) đã không chấp nhận cho bị cáo Trần Văn Tính được hưởng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”, mặc dù bị cáo Trần Văn Tính phạm tội lần đầu và khung hình phạt tù theo khoản 1 Điều 172 BLHS năm 1999 là tù từ 6 tháng đến 3 năm, với lập luận: Không phải cứ phạm tội ít nghiêm trọng là thuộc “trường hợp ít nghiêm trọng”.

Như vậy quan điểm của HĐTPTANDTC thể hiện qua việc xét xử giám đốc thẩm vụ án nói trên là không phải cứ phạm tội lần đầu và phạm vào tội ít nghiêm trọng là được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm i khoản 1 Điều BLHS.

Do đó, về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự này, theo tác giả, Dự thảo Sổ tay Thẩm phán lần này nên hướng dẫn theo quan điểm trên của HĐTPTANDTC.

2.Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” (quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS)

Đây là tình TTGNTNHS được các Toà án áp dụng thường xuyên nhất, nhưng thực tế qua công tác xét xử hiện nay, tác giả thấy đây là TTGNTNHS đang còn có nhiều vướng mắc.

Về tình tiết này, Dự thảo hướng dẫn như sau:

-Thành khẩn khai báo là trường hợp người phạm tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã khai đầy đủ và đúng sự thật tất cả những gì liên quan đến hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện.

-Ăn năn hối cải là trường hợp sau khi thực hiện tội phạm, người phạm tội thể hiện sự cắn rứt, dày vò lương tâm về tội lỗi của mình không chỉ bằng lời nói mà còn phải bằng những hành động, việc làm cụ thể để chứng minh cho việc mình muốn sửa chữa, cải tạo thành người tốt; bù đắp những tổn thất, thiệt hại do hành vi phạm tội của mình gây ra.

-Mức độ giảm nhẹ của việc thành khẩn khai báo phụ thuộc vào sự thành khẩn được thực hiện ở giai đoạn tố tụng nào và ý nghĩa thiết thực của sự thành khẩn trong việc giải quyết vụ án; mức độ giảm nhẹ của sự ăn năn hối cải phụ thuộc vào mức độ ăn năn hối cải của người phạm tội, những hành động, việc làm cụ thể chứng minh cho sự ăn năn hối cải đó.

Tác giả đồng tình với nội dung hướng dẫn trên, tuy vậy vẫn còn có những vướng mắc khác, mà Dự thảo chưa đề cập đến khi hướng dẫn TTGNTNHS này.

Về người phạm tội có các tình tiết thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, xảy ra ba trường hợp sau:

Trường hợp 1: Người phạm tội chỉ thành khẩn khai báo, không thể hiện sự ăn năn hối cải.

Trường hợp 2: Người phạm tội chỉ ăn năn hối cải, không thành khẩn khai báo.

Trường hợp 3: Người phạm tội vừa thành khẩn khai báo, vừa ăn năn hối cải.

Vướng mắc nhiều hiện nay là khi chỉ xảy ra trường hợp 1 hoặc chỉ xảy ra trường hợp 2, người phạm tội có được hưởng TTGNTNHS quy định tại điểm s khoản 1 Điều BLHS không, hay là chỉ khi xảy ra trường hợp 3, người phạm tội mới được hưởng TTGNTNHS này? Và nếu chỉ cần xảy ra trường hợp 1 hoặc chỉ cần xảy ra trường hợp 2 là người phạm tội  đã được hưởng TTGNTNHS này, thì trong trường hợp xảy ra trường hợp 3, người phạm tội có được tính là có hai TTGNTNHS hay không, hay vẫn chỉ được tính chỉ có một TTGNTNHS quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS.

Việc xác định người phạm tội có một TTGNTNHS hay hai TTGNTNHS có ý nghĩa quan trọng, vì liên quan đến vấn đề thường gặp trong xét xử hình sự là xem xét cho người phạm tội được hưởng mức án thấp, mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, hay cho họ được hưởng án treo.

Vướng mắc này còn liên quan đến vấn đề khác là việc trình bày bản án. Đó là trường hợp người phạm tội chỉ thành khẩn khai báo mà không có biểu hiện ăn năn hối cải, thì hầu hết các bản án đều ghi “người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”, vì nếu không ghi như vậy mà chỉ ghi người phạm tội “thành khẩn khai báo” thì Thẩm phán không chắc là chỉ với “thành khẩn khai báo” người phạm tội có đủ điều kiện để được áp dụng TTGNTNHS theo điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS hay không và nếu ghi theo cách này, rất có thể bị Tòa án cấp trên sửa án. Tức là có sự mập mờ trong việc áp dụng TTGNTNHS này, theo kiểu thà thừa còn hơn thiếu.

Với thực tế trên, tác giả xin kiến nghị là Ban Biên tập nên hướng dẫn rõ vấn đề này theo hướng đây là hai TTGNTNHS, người phạm tội có tình tiết giảm nhẹ nào thì chỉ ghi tình tiết ấy.

Trên đây là ý kiến của tác giả  về một số vấn đề thường gặp trong xét xử hình sự, đang có vướng mắc, rất cần được hướng dẫn trong cuốn Sổ tay Thẩm phán sửa đổi lần này, để giúp việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn xét xử được thuận lợi, thống nhất.

 

Tòa án quân sự khu vực Quân khu 1 xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Trương Thu Thảo

HOÀNG QUẢNG LỰC (TAND tỉnh Quảng Bình)