Lê Trung A phạm tội gì?

Ông Lê Trung A – giám đốc phòng khám đa khoa, thực hiện hành vi cấp giấy sức khỏe cho người không khám sức khỏe thật. Có nhiều quan điểm khác nhau trong việc định tội danh với ông Lê Trung A.

B với Đ (làm nghề xe ôm) thường xuyên đến cổng các bệnh viện, trung tâm y tế để thăm dò, tiếp cận với những ai có nhu cầu cần giấy khám sức khỏe "siêu tốc" để đi học lái xe, xin việc làm… mà không cần phải được bác sĩ thăm khám, kết luận tình trạng sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế. Do đó, có một số người nhờ B và  Đ làm giấy khám sức khỏe để xin việc. Sau đó, B, Đ đến gặp ông Lê Trung A, Giám đốc phòng khám đa khoa B (chi nhánh Công ty cổ phần Bệnh viện X, được Sở Y tế thành phố cấp giấy phép hoạt động), đưa thông tin, ảnh chân dung của khách hàng. Liền đó, ông Lê Trung A sẽ ký và cấp giấy khám sức khỏe cho khách hàng, với giá 300.000 vnđ/ giấy khám sức khỏe.

Qua quá trình điều tra, ông Lê Trung A khai, tại các cuộc họp giao ban, ông Lê Trung A đồng ý thống nhất với nhân viên phòng khám, cấp giấy sức khỏe cho người đến khám khi có đầy đủ thông tin cá nhân và ảnh chân dung 4x6. Và sẽ được cấp giấy khám sức khỏe với chữ ký, con dấu của các bác sĩ và phòng khám đều là thật.

Xác định tội danh đối với ông Lê Trung A, hiện có ba quan điểm như sau:

Quan điểm thứ nhất, ông Lê Trung A không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, vì khách thể của tội phạm này là xâm phạm trật tự quản lý hành chính nên người thực hiện hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc sử dụng con dấu giả, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật mà hành vi trái pháp luật này là thực hiện các hành vi phạm tội thì mới chịu trách nhiệm hình sự còn thực hiện hành vi sử dụng tài liệu giả mà không nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật hình sự thì chỉ bị xử lý hành chính.

Theo quy định tại Điều 46 mục 2, chương II Nghị định số 117/2020 NĐ-CP ngày 28/9/2020: Điều 46. Vi phạm quy định về khám sức khỏe

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cung cấp giấy khám sức khỏe khi không thực hiện việc khám đầy đủ các nội dung theo yêu cầu;

b) Phân loại sức khỏe không đúng với tình trạng sức khỏe của người yêu cầu khám sức khỏe.

Hành vi cấp Giấy khám sức khỏe không có người khám thật được xác định là hành vi Cung cấp giấy khám sức khỏe khi không thực hiện việc khám đầy đủ các nội dung theo yêu cầu chứ không phải hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác. Và tất cả các giấy khám chữa bệnh đều được do phòng khám phát hành ra, đúng các chữ kí của các bác sĩ, tức là các giấy khám sức khỏe đều là thật, không bị làm giả như cấu thành tội theo quy định tại Điều 341 BLHS.

Hành vi cấp Giấy khám sức khỏe không có người khám thật được xác định là một trong các hành vi vi phạm hành chính về khám, chữa bệnh và phải chịu xử phạt hành chính với mức tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.

Quan điểm thứ hai, cũng là quan điểm của tác giả cho rằng, ông Lê Trung A phạm tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 BLHS năm 2015. Người thực hiện hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc sử dụng con dấu giả, tài liệu giả của cơ quan tổ chức nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật, bất kể là hành vi vi phạm pháp luật nào kể cả hình sự, hành chính… đều phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Bởi vì, hành vi khám sức khỏe không đúng các trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư 14/2013/TT-BYT hoặc không đến khám sức khỏe thực tế mà mua giấy khám sức khỏe (dù giấy khám sức khỏe đúng là do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp với con dấu và chữ ký chính xác) đều coi là giấy khám sức khỏe giả.

Mà khách thể của tội này là hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính cơ quan Nhà nước về con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác. Bảo vệ sự an toàn của con dấu và các tài liệu, giấy tờ trên cũng chính là bảo đảm sự hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính của Nhà nước về con dấu và các loại tài liệu, giấy tờ này. Đối tương tác động của tội phạm này là con dấu giả, tài liệu giả, giấy tờ giả. Và hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành cơ bản của phạm tội này, tức là người phạm tội chỉ cần thực hiện hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân là tội phạm đã hoàn thành.

Cho nên, hành vi của ông Lê Trung A cấp giấy sức khỏe cho 03 đối tượng trên để đi xin việc khi không thưc hiện nội dung khám chữa bệnh là trái pháp luật. Mặc dù chữ ký và con dấu là đúng nhưng nội dung giấy khám chữa bệnh là sai, khi đó không phải là thông tin bệnh án chính xác của bệnh nhân.

Quan điểm thứ ba, ông Lê Trung A phạm tội giả mạo trong công tác theo điều 359 BLHS năm 2015.

 Vì ông Lê Trung A là người có chức vụ - “người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức” theo điểm d khoản 2 Điều 3 của Luật Phòng, chống tham nhũng, cụ thể là giữ chức vụ giám đốc phòng khám đa khoa B (chi nhánh Công ty cổ phần Bệnh viện X, được Sở Y tế thành phố cấp giấy phép hoạt động). Và xuất phát từ động cơ vụ lợi mà ông Lê Văn A đã cho nhân viên phòng khám mình thực hiện hành vi làm, cấp giấy tờ giả cụ thể là cấp giấy khám sức khỏe giả với trị giá là 300.000 vnđ/ giấy khám sức khỏe. Do đó, ông  A phạm “tội giả mạo trong công tác” chứ không phải “tội làm giả tài liệu cơ quan, tổ chức”.

Trên đây là nội dung và quan điểm về tình huống trên, rất mong nhận được sự trao đổi từ các bạn đọc.

 

Khám sức khỏe định kỳ ở Bệnh viện Uông Bí, Quảng Ninh - Ảnh: MH

VŨ VĂN HOÀNG (Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân)