Một số vấn đề vướng mắc khi xét xử tội cố ý gây thương tích

Quá trình áp dụng các quy định của BLHS về tội “Cố ý gây thương tích” cho thấy có nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Bài viết phân tích, bình luận một số vấn đề phát sinh trong quá trình xét xử gắn với các vụ án cụ thể và đề xuất một số ý kiến hoàn thiện BLHS về tội “Cố ý gây thương tích”.

1. Vấn đề áp dụng Án lệ số 17/2018/AL và Án lệ số 47/2021/AL

Kể từ ngày TANDTC ban hành Án lệ số 17/2018/AL và sau này là Án lệ số 47/2021/AL liên quan đến việc xác định hành vi cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” hay tội “Giết người” (phạm tội chưa đạt) thì những tranh luận liên quan đến định tội danh giữa hai tội này được đặt ra nhiều trong thực tiễn, nhất là quan điểm không đồng nhất giữa Tòa án, Viện kiểm sát và cơ quan điều tra. Sau đây là 3 vụ án cụ thể:

Vụ án 1: Vụ án Phan Chậm Q và đồng phạm bị truy tố về tội: “Cố ý gây thương tích”. Tòa án đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung với nội dung: Giữa các bị cáo và các bị hại không có mâu thuẫn nhưng các bị cáo vẫn cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe cho các bị hại, hành vi của các bị cáo thể hiện thái độ xem thường pháp luật, có tính chất côn đồ. Mặt khác các bị cáo đã có sự chuẩn bị hung khí nguy hiểm từ trước, có sự phân công và đã có hành vi dùng hung khí nguy hiểm là mác, đao, gậy... chém liên tiếp, gây thương tích (thương tích 14% và 11%) vào tay, đầu của bị hại, đây đều là những vị trí xung yếu có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho bị hại. Việc bị hại không chết là nằm ngoài ý muốn chủ quan của các bị cáo. Sau khi gây thương tích xong các bị cáo còn có hành vi rượt đuổi theo bị hại. Điều này thể hiện ý thức thực hiện hành vi phạm tội đến cùng của các bị cáo. Vì vậy, Cần tiến hành điều tra, truy tố các bị cáo về tội danh “Giết người” theo quy định tại Điều 123 của BLHS (vụ việc thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa theo khoản 2 Điều 268 của BLTTHS) và xem xét yếu tố côn đồ của các bị cáo trong vụ án. Vụ án sau đó được thống nhất tội danh “Giết người” và đã được TAND cấp tỉnh đưa ra xét xử sơ thẩm.

Vụ án 2: Vụ án Nguyễn Hữu Tr và đồng phạm bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích”. Tòa án đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung với nội dung: Giữa bị can Nguyễn Hữu Tr và người bị hại Nguyễn Quốc Bảo N không có mâu thuẫn nhưng bị can Tr vẫn cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe cho anh N, hành vi của bị can thể hiện thái độ xem thường pháp luật, có tính chất côn đồ. Các bị can đã có hành vi dùng hung khí nguy hiểm là rựa và đao (không truy tìm được hung khí) gây thương tích cho anh Đoàn Quốc Tr và anh Nguyễn Quốc Bảo N. Các bị can đều thực hiện hành vi chém từ trên xuống dưới (nhắm vào đầu) người bị hại, gây thương tích tại bả vai, lưng, cánh tay, cổ tay, khuỷu tay. Đây đều là những vị trí trọng yếu có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho người bị hại. Mặt khác, bị can Nguyễn Hữu Tr còn hô lớn “Chém chết mẹ tụi nó luôn” là thể hiện ý thức mong muốn chiếm đoạt tính mạng bị hại, chấp nhận hậu quả xảy ra. Việc bị hại không chết là nằm ngoài ý muốn chủ quan của các bị can. Sau khi gây thương tích xong các bị can còn có hành vi rượt đuổi theo bị hại. Do bị hại trốn vào trong phòng của cây xăng số 14 nên các bị can mới bỏ về. Điều này thể hiện ý thức thực hiện hành vi phạm tội đến cùng của các bị can. Vì vậy, Cần tiến hành điều tra, truy tố các bị can về tội danh “Giết người” theo quy định tại Điều 123 của BLHS (vụ việc thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa theo khoản 2 Điều 268 của BLTTHS). Vụ án sau đó được thống nhất tội danh “Cố ý gây thương tích” và đã được TAND cấp huyện đưa ra xét xử sơ thẩm.

Vụ án 3: Vụ án Nguyễn Văn H và đồng phạm bị truy tố về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Tòa án đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung với nội dung: Dẫn chiếu đến Án lệ số 17/2018/AL và Án lệ số 47/2021/AL thì hành vi của Bùi Văn D dùng rựa chém vào đầu ông Nguyễn Thành N có dấu hiệu của tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123 của BLHS  (thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt và có tính chất côn đồ). Bởi lẽ: Giữa bị cáo Bùi Văn D và ông Nguyễn Thành N không có mâu thuẫn nhưng bị cáo D vẫn cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe cho ông Nguyễn Thành N. Khi ông Nguyễn Thành N đang ngồi tại quán cà phê thì bị cáo D đã có hành vi dùng hung khí nguy hiểm là rựa chém vào đầu ông Nguyễn Thành N, gây thương tích 02%. Đây là vị trí xung yếu có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho ông Nguyễn Thành N. Việc ông Nguyễn Thành N không chết là nằm ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo Bùi Văn D. Viện kiểm sát giữ nguyên cáo trạng và chuyển trả hồ sơ lại cho Tòa án.

Từ các vụ án nêu trên cho thấy còn nhiều quan điểm trái chiều về việc định tội danh giữa tội “Cố ý gây thương tích” và tội “Giết người”. Về định tội danh, GS.TSKH Lê Cảm đưa ra khái niệm sau: “Định tội danh là một quá trình nhận thức lý luận có tính logic, là một trong những dạng của hoạt động thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự cũng như pháp luật tố tụng hình sự, và được tiến hành trên cơ sở các chứng cứ, tài liệu thu thập được và các tình tiết thực tế của vụ án hình sự để xác định sự phù hợp giữa các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm tương ứng do luật hình sự quy định, nhằm đạt được sự thật khách quan, tức là đưa ra sự đánh giá chính xác tội phạm về mặt pháp lý hình sự, làm tiền đề cho việc cá thể hóa và phân hóa trách nhiệm hình sự một cách công minh, có căn cứ và đúng pháp luật[2].

Nhận thức đúng là một quá trình. Trước đây, những vụ án có tính chất và tỷ lệ thương tích như trong hai án lệ nêu trên hầu hết được xét xử về tội “Cố ý gây thương tích”. Hiện tại, nhận thức này đã thay đổi, việc đánh giá hành vi nào đó phạm tội “Giết người” hay “Cố ý gây thương tích” không chỉ dựa vào hậu quả chết người và động cơ, mục đích nữa mà được đánh giá ở nhiều góc độ khác. Để làm rõ hơn vấn đề này, tác giả phân tích một số khía cạnh cụ thể liên quan đến các yếu tố cấu thành tội phạm như sau:

Về khách thể: Khách thể của tội “Giết người” có nội hàm rộng hơn bao gồm cả sức khỏe và tính mạng. Khi đã xâm phạm đến tính mạng rồi thì đương nhiên sẽ xâm phạm đến sức khỏe. Do vậy, xâm phạm đến sức khỏe mà chưa gây chết người cũng đã có thể phạm tội “Giết người”.

Về mặt khách quan: Cả hai tội đều có hành vi khách quan là tác động trái pháp luật lên cơ thể người khác. Khác nhau ở nơi bị tác động và hậu quả xảy ra. Nơi bị tác động của tội “Giết người” chứa đựng khả năng thực tế gây ra cái chết cho người khác; Hậu quả có thể chết có thể không chết, nếu không chết thì có thể phạm tội “Cố ý gây thương tích” hoặc “Giết người” chưa đạt. Vấn đề đặt ra ở đây là, các tình tiết định khung tại điểm a khoản 4 Điều 134 BLHS “Làm chết người” và điểm a khoản 2 Điều 134 BLHS “Làm chết 02 người trở lên” được áp dụng trong trường hợp nào?

(i) Nếu nạn nhân chết do quá trình điều trị sai, sơ cấp cứu sai thì không thuộc trách nhiệm của người gây ra thương tích. Ví dụ: Chém nhẹ vào tay nhưng do tiêm nhầm thuốc nên sốc thuốc và chết. (ii) Nếu tác động vào vùng nguy hiểm theo như hai án lệ nêu trên thì dù là dùng hung khí nguy hiểm hay tác động bằng tay (tay đấm vào yết hầu, gáy) dẫn đến chết người phải chăng đều là tội “Giết người”?. Trên thực tế không thấy trường hợp nào mà tác động vào vùng không phải trọng yếu của cơ thể mà có thể dẫn đến chết người hoặc làm chết người (Ví dụ: Lấy gậy tròn đánh vào bàn tay, bàn chân khó có thể dẫn đến chết người). (iii) Chỉ còn trường hợp tương tự như tình huống trong Án lệ 01/2016/AL là đâm vào đùi gây chảy nhiều máu chết và được kết luận là thuộc trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Theo tác giả, Án lệ 01/2016/AL mâu thuẫn với các án lệ đã phân tích ở trên. Nếu đâm vào đùi, mà vùng đùi có khả năng dẫn đến mất máu gây chết người thì đùi cũng là vùng trọng yếu của cơ thể.

Đến thời điểm này, BLHS cũng như các văn bản hướng dẫn chưa có khái niệm cụ thể nào thế nào là vùng trọng yếu để làm ranh giới cho hai tội danh trên. Do vậy, tình tiết định khung với hậu quả chết người tại tội “Cố ý gây thương tích” sẽ khó có “đất” để áp dụng.

Về mặt chủ quan (chỉ phân tích ở yếu tố lỗi): Cả hai tội danh đều là lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Khác biệt là tội “Giết người” thấy được hậu quả chết người có thể hoặc tất yếu xảy ra và mong muốn cho hậu quả xảy ra, có nghĩa là cố ý với hành vi và cố ý luôn với hậu quả. Đối với tội “Cố ý gây thương tích” dẫn đến chết người lại cố ý với hành vi nhưng vô ý với hậu quả chết người. Các Án lệ số 17/2018/AL và Án lệ số 47/2021/AL không dựa vào yếu tố lỗi vô ý hay cố ý với hậu quả để làm căn cứ phân định tội “Giết người”. Dường như, hành vi khách quan là nhân tố chính để phân biệt giữa tội “Cố ý gây thương tích” với tội “Giết người” mà không phải là các yếu tố thuộc về mặt chủ quan. Đây có lẽ là minh chứng cho việc “trọng chứng” hơn “trọng cung” trong xét xử án hình sự, một sự thay đổi lớn về nhận thức và áp dụng.

Tác giả rất tán thành việc áp dụng Án lệ số 17/2018/AL và sau này là Án lệ số 47/2021/AL vào thực tiễn xét xử. Án lệ đã tạo ra được sự thống nhất trong đường lối khi xét xử với các hành vi xâm phạm sức khỏe, tính mạng của người khác; tránh được tình trạng cảm tính, chủ quan duy ý chí của những người tiến hành tố tụng và có tính răn đe cao đối với các hành vi xâm phạm sức khỏe, tính mạng hiện xảy ra nhiều trong xã hội. Từ phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm cũng như việc áp dụng án lệ cho thấy rằng, để định tội danh chính xác và phân định giữa hai tội danh như đã nêu thì ngoài căn cứ hậu quả, động cơ, mục đích còn phải xem xét thấu đáo các yếu tố khác như: Vị trí bị tấn công, cường độ tấn công, mức độ mâu thuẫn, hung khí dùng phạm tội, cử chỉ, hành động trước, trong và sau khi tấn công... Đồng thời, kiến nghị cần sớm có quy định cụ thể về vùng trọng yếu và mối liên hệ giữa vùng trọng yếu với các yếu tố khác để xác định tội “Giết người”.

2. Vấn đề áp dụng khoản 6 Điều 134 BLHS năm 2015

Khoản 6 Điều 134 BLHS quy định: “Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”. Đến nay, chưa có hướng dẫn cụ thể về khoản 6 Điều 134 BLHS. Tại Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của TANDTC (Công văn số 89) hướng dẫn: “Quy định này không bắt buộc người phạm tội phải hoàn thành hành vi khách quan là gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác và cũng không bắt buộc phải có hậu quả xảy ra… Do đó, các đối tượng này có đủ dấu hiệu về mặt hành vi khách quan theo quy định tại khoản 6 Điều 134 của BLHS[3].

Khoản 6 Điều 134 BLHS là điểm mới của BLHS 2015 nhưng chứa đựng nhiều rủi ro pháp lý, bất cập và tính khả thi không cao. Thực tế, những hành vi được mô tả tại khoản 6 Điều 134 BLHS thường được các cơ quan tố tụng xem xét, xử lý về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Vấn đề được đặt ra với khoản 6 Điều 134 BLHS là: Nếu có hành vi cấu thành tội phạm được quy định tại khoản 6 Điều 134 BLHS, không có bị hại thì có xét xử được không? Không có câu trả lời rõ ràng và cũng đang có nhiều tranh luận trái chiều.

Quan điểm thứ nhất, cho rằng: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác là tội cấu thành vật chất, nên phải xác định được đối tượng mà những người chuẩn bị công cụ, phương tiện phạm tội hướng đến là ai? Từ đó, cơ quan tiến hành tố tụng mới có thể đủ cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 6 Điều 134 BLHS[4].

Quan điểm thứ hai, cho rằng: Căn cứ Công văn số 89, đối với tội cố ý gây thương tích theo như hướng dẫn thì không phải cấu thành các yếu tố tại khoản 1 Điều 134 là có đối tượng là người bị hại và hậu quả xảy ra, đồng thời không cần tìm ra người bị hại và cũng không cần xác định được đối tượng mà những người chuẩn bị công cụ, phương tiện phạm tội là với ai[5].

Quan điểm của tác giả: Đồng tình với quan điểm thứ nhất, Công văn số 89 chưa rõ ràng và không đảm bảo cho việc áp dụng khoản 6 Điều 134 BLHS (Công văn 89 mới chỉ khẳng định đủ điều kiện về mặt hành vi khách quan nhưng chưa đề cập đến khách thể). Vấn đề bị hại vẫn phải đặt ra và cho thấy bất cập của khoản 6 Điều 134 BLHS. Xem xét khoản 1 Điều 155 BLTTHS thì thấy rằng, điều luật này chỉ quy định quy định khởi tố khi có yêu cầu của bị hại đối với khoản 1 Điều 134 mà không quy định đối với khoản 6 Điều 134 BLHS. Trong khi đó tính chất mức độ nguy hiểm của khoản 6 Điều 134 BLHS không bằng khoản 1 Điều 134 BLHS vì chưa có đối tượng bị tác động, ảnh hưởng. Bị hại không yêu cầu khởi tố liệu cơ quan tố tụng có đủ căn cứ khởi tố theo khoản 6 Điều 134 BLHS hay không? Nếu cơ quan tố tụng khởi tố theo khoản 6 Điều 134 BLHS mà không có yêu cầu của bị hại sẽ rất mạo hiểm, dễ dẫn đến oan sai hoặc nhầm lẫn với tội “Gây rối trật tự công cộng”. Giải pháp pháp lý cần thiết là phải bổ sung khoản 6 Điều 134 BLHS vào trong các trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại hoặc bãi bỏ khoản 6 Điều 134 BLHS vì không có tính khả thi, những hành vi được mô tả tại khoản 6 Điều 134 BLHS được điều chỉnh bởi các quy định về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

3. Vấn đề áp dụng tình tiết “Có tính chất côn đồ” theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015

Vụ án cụ thể: Mang Kim H, Mang Đ trong lúc ngồi uống rượu đã xảy ra mâu thuẫn với Mang C. Trong lúc kình cãi, Mang C đã đánh Mang Kim H (H từ chối giám định) và đã chửi Mang Đ là con hoang rồi bỏ về nhà ngủ. Mang Kim H, Mang Đ thống nhất đến nhà Mang C tìm đánh C. Mang Kim H rủ thêm K, Ch, V, P, nói là đi đánh người thanh niên ở thôn Thịnh Sơn. Đến khoảng 18 giờ 30 phút, tất cả đều cầm đá đi đến nhà Mang C. Lúc này trời đã chập tối, Mang L là anh của Mang C đi ra ngoài xem có chuyện gì, thấy có người đi ra cả nhóm nhầm là Mang C nên đã dùng đá ném về phía Mang L gây thương tích (12%) và bỏ đi. Viện kiểm sát đã truy tố các bị cáo Mang Kim H, Mang Đ, K, Ch, V, P về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 BLHS (dẫn chiếu điểm a khoản 1 Điều 134 BLHS).

Trong tình huống nêu trên thì việc áp dụng tình tiết “Có tính chất côn đồ” theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 134 BLHS phát sinh một số vấn đề như sau:

(i) Giả sử: Mâu thuẫn giữa bị cáo H và Đ với bị hại C là nghiêm trọng, người bị đánh là Mang C và các bị cáo không bị áp dụng tình tiết “Có tính chất côn đồ”. Vậy trong vụ án này các bị cáo đánh nhầm Mang L (không có mâu thuẫn), thì các bị cáo có bị áp dụng tình tiết “Có tính chất côn đồ” hay không? Có quan điểm cho rằng, do có mâu thuẫn từ trước với C và mục đích của các bị cáo là tìm đánh C nhưng do nhầm tưởng L là C nên ném đá với mục đích gây thương tích cho C nên không áp dụng tình tiết “Có tính chất côn đồ”. Quan điểm khác cho rằng, áp dụng tình tiết “Có tính chất côn đồ” để xét xử với các bị cáo vì bị hại L không có mâu thuẫn với các bị cáo, việc nhầm lẫn đối tượng cũng là nguyên do chủ quan từ phía các bị cáo.

(ii) Trong vụ án, bị hại C đã có hành vi và lời nói không đúng với các bị cáo nên xảy ra mâu thuẫn. Vấn đề là, hành vi đánh (không xác định được thương tích) và chửi kiểu miệt thị (thực tế thì Mang Đ đúng là không có mẹ từ nhỏ do người mẹ bị điên khi mới sinh bị cáo) của bị hại có đến mức bị tấn công hay không? Quan điểm của tác giả cho rằng, dù chỉ là lời nói nhưng lại mang tính miệt thị, chạm vào nỗi đau có thật, mất mát của bị cáo như trong vụ án nêu trên thì nếu Mang Đ tấn công C không bị coi là trường hợp “Có tính chất côn đồ”. Đối với hành vi của C đánh Mang Kim H, do không xác định được mức độ của hành vi (các bị cáo và bị hại đều say rượu nên không nhớ tình tiết lúc đó) và cũng không có giám định thương tích nên không có căn cứ để xác định C có hành vi đến mức bị tấn công hay không, nên trường hợp này tác giả cho rằng không áp dụng tình tiết “Có tính chất côn đồ” theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo.

Từ một vụ án thực tế mà đã có rất nhiều vấn đề xoay quanh tình tiết “Có tính chất côn đồ”, thế mới thấy sẽ có rất nhiều vấn đề liên quan đến tình tiết này còn vướng mắc trong thực tiễn xét xử. Tuy vậy, đến nay vẫn chưa có một văn bản quy phạm nào định nghĩa, diễn giải về tình tiết “Có tính chất côn đồ”. Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 và tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Tòa án năm 1995, TANDTC có giải thích về “Côn đồ”. Tuy nhiên, hai thuật ngữ này là khác nhau, khi nói “Côn đồ” là nói đến một con người cụ thể; trong khi đó “Có tính chất côn đồ” là chỉ tính chất của hành vi tại thời điểm xảy ra. Một người “Côn đồ” chưa chắc hành động “Có tính chất côn đồ”. Án lệ số 17/2018/AL có hướng dẫn tình tiết này nhưng không mang tính phổ quát, điển hình.

Vì chưa có hướng dẫn cụ thể đối với tình tiết “Có tính chất côn đồ” theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 134 BLHS nên rất nhiều trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không thống nhất với nhau trong việc nhận định, đánh giá và áp dụng tình tiết này. Trong khi đó, đây là tình tiết định khung hình phạt, dẫn đến kết quả là một người có tội hay không có tội, nặng hay nhẹ hoặc được hưởng án treo hay không.

Do vậy, kiến nghị TANDTC có hướng dẫn cụ thể tình tiết “Có tính chất côn đồ” theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 134 BLHS. Trong lúc chờ hướng dẫn cụ thể, khi áp dụng tình tiết này, người tiến hành tố tụng phải có sự đánh giá thận trọng và toàn diện các yếu tố như: Nguyên nhân xảy ra sự việc, nguyên nhân mâu thuẫn; Hành vi trên thực tế của người phạm tội; Nhân thân người phạm tội; Địa điểm, không gian xảy ra sự việc; Hành vi cụ thể gây ra thương tích cho nạn nhân; Hoàn cảnh bị cáo; Mối quan hệ giữa các bên; Diễn biến sự việc, tương quan lực lượng của hai bên; Thái độ, lời nói và hành vi của bị hại…  

Lời kết

Tội “Cố ý gây thương tích” là một loại tội phạm phổ biến và có ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội. Việc áp dụng đúng các quy định pháp luật khi xét xử đối với loại tội phạm này góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và phòng chống các tội xâm phạm sức khỏe của con người nói riêng. Để đạt được hiệu quả cao thì việc hoàn thiện thể chế, pháp luật là cấp thiết. BLHS năm 2015 vẫn còn một số vấn đề cần sớm được xem xét sửa đổi và hướng dẫn thi hành để áp dụng thống nhất pháp luật.

 

TAND huyện Lộc Ninh, Bình Phước xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Nguyễn Khánh

[1]  Lê Cảm và Trịnh Quốc Toản (2004), Định tội danh: lý luận và hướng dẫn mẫu, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, Tr.8.

[2] Mục 14, phần I, Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020.

[3] Võ Văn Như, Không có người bị hại thì có truy cứu Tội cố ý gây thương tích?, Tạp chí Tòa án điện tử, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/khong-co-nguoi-bi-hai-thi-co-truy-cuu-toi-co-y-gay-thuong-tich-6425.html, truy cập ngày 08/6/2022.

[4] Duy Linh, Không có bị hại vẫn truy cứu tội cố ý gây thương tích theo luật định, Tạp chí Tòa án điện tử, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/khong-co%CC%81-bi%CC%A3-ha%CC%A3i-va%CC%83n-truy-cu%CC%81u-to%CC%A3i-co%CC%81-y%CC%81-gay-thuong-ti%CC%81ch-theo-lua%CC%A3t-di%CC%A3nh6454.html, truy cập ngày 08/6/2022.

NGUYỄN HUY HOÀNG (Thẩm phán TAND Tp Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa)