Không có người bị hại thì có truy cứu Tội cố ý gây thương tích?
Tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Khoản 6 Điều 134 của Bộ luật hình sự thì cần có phải xác định được bị hại hay không?
Tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” có điểm mới so với các Bộ luật hình sự (BLHS) trước đây về hành vi chuẩn bị phạm tội, cụ thể: Tại khoản 6 Điều 134BLHS quy định: “Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.
Tại Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của TANDTC hướng dẫn thì quy định tại khoản 6 Điều 134 BLHS không bắt buộc người phạm tội phải hoàn thành hành vi khách quan là gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác và cũng không bắt buộc phải có hậu quả xảy ra. Người có hành vi chuẩn bị một trong các loại công cụ, phương tiện như: Vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì đã đủ dấu hiệu về mặt hành vi khách quan để xử lý hình sự người phạm tội.
Thế nhưng thực tiễn đã đặt ra, Cơ quan tiến hành tố tụng chỉ cần chứng minh chủ thể người nào chuẩn bị công cụ, phương tiện hoặc thành lập nhóm nhằm gây thương tích cho người khác, mà không cần chứng minh người khác là chủ thể (đối tượng) mà chủ thể chuẩn bị thực hiện tội phạm là ai, thì có cấu thành tội phạm này hay không?
Dưới đây là ví dụ điển hình: Nguyễn Sinh Sự thấy nhóm người đi đến hướng mình, Sự cho rằng nhóm này định đánh Sự, nên Sự nhắn tin cho Trần Bao Đồng là Sự bị nhóm người dí đánh, ở Cầu chữ Y, địa bàn huyện S, tỉnh T. Trần Bao Đồng thấy tin nhắn của Sự nên rủ Trần Côn đi đến cầu chữ Y để đánh trả lại nhóm người đó. Khi đi, Đồng chở Côn trên xe mô tô biển số XYZ, cả hai cầm hai cây dao, lưỡi dài 90cm, cán dài 37cm, trên đường đi đến chỗ Sự thì Tổ tuần tra Công an huyện S phát hiện, đưa cả hai về trụ sở Công an gần nhất, để làm rõ sự việc.
Quá trình làm rõ, theo nội dung như trên, thì Sự khai là không biết ai dí đánh nhưng Sự thấy nhóm người này đi lại gần nên bỏ chạy. Cơ quan tiến hành tố tụng không xác định nhóm người này là ai.
Quan điểm thứ nhất: Hành vi của Trần Bao Đồng và Trần Côn đã chuẩn bị hai cây dao để nhằm gây thương tích cho người khác nên theo quy định tại khoản 6 Điều 134 BLHS nên Trần Bao Đồng và Trần Côn đủ yếu tố cấu thành tội phạm tội Cố ý gây thương tích.
Quan điểm thứ hai: Thống nhất quan điểm thứ nhất, nhưng cần xem xét hành vi của Nguyễn Sinh Sự có vai trò đồng phạm, là người đưa tin, khởi xướng để Trần Bao Đồng, Trần Côn chuẩn bị vũ khí để nhằm gây thương tích cho người khác.
Theo quan điểm một và hai thì không cần chứng minh người khác mà Trần Bao Đồng, Trần Côn gây thương tích có người cụ thể (đối tượng) là ai? Chỉ cần có hành vi khách quan chuẩn bị vũ khí và theo lời khai ý chí của Trần Bao Đồng và Trần Côn là nhằm gây thương tích cho người khác thông qua sự việc của Nguyễn Sinh Sự là thỏa mãn quy định tại khoản 6 Điều 134 BLHS.
Tuy nhiên, quan điểm thứ ba cũng là quan điểm của tác giả là không đồng tình với quan điểm một và hai, khi xem xét trách nhiệm hình sự của Trần Bao Đồng, Trần Côn, Nguyễn Sinh Sự theo quy định tại khoản 6 Điều 134 BLHS, mà không cần tìm ra người bị hại. Đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác, theo quy định BLHS trước đây cũng như hiện hành thì tại khoản 1 điều luật là cấu thành vật chất, thì cần phải có đối tượng (người bị hại) và hậu quả xảy ra. Đến BLHS hiện hành quy định tại khoản 6 Điều 134 người nào thực hiện các hành vi ở giai đoạn chuẩn bị (cấu thành hình thức) nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác thì cần phải xác định được đối tượng mà những người chuẩn bị công cụ, phương tiện phạm tội là với ai? Từ đó, cơ quan tiến hành tố tụng mới có thể đủ cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự theo quy định định tại khoản 6 Điều 134 BLHS.
Trên đây ý kiến cá nhân, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc.
Tòa án nhân dân huyện Thanh Bình, Đồng Tháp xét xử vụ án cố ý gây thương tích - Ảnh: Ngọc Thùy
Bài liên quan
-
S và Đ là bị hại trong vụ án
-
Cảnh sát điều tra tìm bị hại trong vụ án Tập đoàn Egroup
-
Bàn về việc tiếp xúc giữa người bị hại là người dưới 18 tuổi với bị cáo tại phiên tòa xét xử các vụ án xâm hại tình dục
theo quy định tại Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC -
S và Đ là bị hại hay người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan đến vụ án
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận