Những vướng mắc, bất cập của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 trong quá trình triển khai áp dụng

Bài viết được thực hiện nhằm mục đích tổng hợp những vấn đề bất cập, vướng mắc của Luật Xử lý VPHC năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020 và đề xuất những kiến nghị, đề xuất nhằm tháo gỡ, khắc phục những khó khăn vướng mắc đó.

1. Đặt vấn đề

Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) năm 2012 được Quốc hội ban hành ngày 20/6/2012 và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013. Sau gần 10 năm đi vào đời sống, Luật Xử lý VPHC năm 2012 là một trong những công cụ pháp lý quan trọng của các cơ quan thực thi pháp luật trong công tác đấu tranh, xử lý các hành vi VPHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước. Tuy nhiên, quá trình triển khai áp dụng, Luật Xử lý VPHC năm 2012 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật, đòi hỏi phải có sự sửa đổi, bổ sung nhằm phù hợp với thực tiễn đấu tranh, xử lý VPHC hiện nay. Trên cơ sở đó, ngày 13/11/2020, Luật Xử lý VPHC sửa đổi, bổ sung đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022. Văn bản quy phạm pháp luật này được kỳ vọng sẽ mang đến sự thay đổi tích cực trong công tác thực thi pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, xử lý VPHC, thế nhưng, chỉ trong thời gian ngắn từ khi có hiệu lực, Luật Xử lý VPHC năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020 (sau đây gọi tắt là Luật Xử lý VPHC) lại  bộc lộ những vướng mắc, bất cập, tiếp tục gây khó khăn cho công tác thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng trên nhiều lĩnh vực.

2. Những vướng mắc, bất cập chủ yếu của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020

2.1. Còn bỏ ngỏ quy định về yếu tố lỗi và và mức độ của hành vi vi phạm hành chính

Điều 2, Luật Xử lý VPHC (về giải thích từ ngữ) quy định: "Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính". Cho đến nay, Luật Xử lý VPHC vẫn chưa có quy định cụ thể về "yếu tố lỗi" trong VPHC (lỗi cố ý, lỗi vô ý), đồng thời các khái niệm về mức độ của hành vi VPHC (không nghiêm trọng, ít nghiêm trọng, nghiêm trọng…) vẫn còn bỏ ngỏ.

Tuy nhiên, Điều 26 Luật Xử lý VPHC lại quy định việc tịch thu tang vật, phương tiện VPHC được áp dụng đối với "vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức" khiến cho cơ quan thực thi pháp luật lúng túng, khi không biết căn cứ theo quy định nào để xác định lỗi cố ý và mức độ nghiêm trọng của hành vi VPHC. Đây là một trong những bất cập của Luật Xử lý VPHC năm 2012 mà Luật Xử lý VPHC sửa đổi, bổ sung năm 2020 vẫn chưa giải quyết được.

2.2. Quy định về tình tiết giảm nhẹ còn chung chung, định tính

Điều 9 Luật Xử lý VPHC năm 2020 quy định có 8 tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, các tình tiết giảm nhẹ phần lớn còn quy định khá chung chung, định tính, và chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trên thực tế.

Ví dụ: "Người vi phạm hành chính đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại"  “Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính;Vi phạm hành chính vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình gây ra”; “Vi phạm hành chính do trình độ lạc hậu.

 

Một chú khỉ mặt đỏ đang say ngủ trong khu cứu hộ động vật hoang dã

Do đó, khi căn cứ các quy định nói trên, cán bộ thực thi pháp luật thường có tâm lý “sợ sai” nên không áp dụng cho "an toàn", đồng thời dẫn đến tình trạng mỗi nơi hiểu một kiểu, áp dụng một kiểu, thiếu thống nhất trong việc áp dụng quy định của pháp luật.

2.3. Quy định về thời gian chuyển biên bản VPHC trong trường hợp không thuộc thẩm quyền xử lý thiếu tính khả thi

Khoản 5 Điều 58 Luật Xử lý VPHC quy định: "Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa”.

Thời hạn 24 giờ phải chuyển biên bản VPHC cho người có thẩm quyền xử phạt là làm khó cho cơ quan thực thi pháp luật. Bởi có những vụ việc phức tạp, cần nhiều thời gian để xác minh, làm rõ (hành vi, đối tượng, giá trị trị tang vật, phương tiện VPHC và các tình tiết khác có liên quan) nhằm xác định đúng thẩm quyền xử phạt, sau đó mới có thể hoàn thiện hồ sơ và chuyển giao cho cấp có thẩm quyền. Ngoài ra, có những vụ việc xảy ra ở nơi khó khăn về đi lại, tiếp cận, thông tin liên lạc hạn chế (ở sâu trong rừng, địa hình hiểm trở, điều kiện thời tiết không thuận lợi...), việc ngăn chặn hành vi VPHC, kiểm tra hiện trường, bảo vệ tang vật, phương tiện vi phạm, dẫn giải người vi phạm, lập hồ sơ ban đầu vô cùng khó khăn, cần rất nhiều thời gian để thực hiện.

Với khối lượng công việc và những khó khăn nói trên, quy định 24 giờ phải chuyển biên bản VPHC đến người có thẩm quyền phạt là không khả thi, thậm chí một số cơ quan có thẩm quyền (có thể) vì không muốn tiếp nhận, xử lý nên lấy lý do "quá thời hạn 24 giờ" nhằm không tiếp nhận, xử lý vụ việc, dẫn đến quá thời hạn không ra quyết định xử phạt VPHC, tang vật, phương tiện VPHC để lâu không được tịch thu, xử lý dẫn đến hư hỏng, suy giảm chất lượng.

2.4. Quy định về "giá thị trường" để xác định giá trị tang vật, phương tiện VPHC để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt còn chưa cụ thể

Điểm b khoản 2 Điều 60 Luật Xử lý VPHC quy định một trong những căn cứ xác định giá trị tang vật phương tiện VPHC là "trường hợp không có thông báo giá thì theo giá thị trường của địa phương tại thời điểm xảy ra vi phạm hành chính". Tuy nhiên, hiện nay, vẫn chưa có quy định cụ thể thế nào là "giá thị trường của địa phương tại thời điểm xảy ra vi phạm" bởi trên thị trường tại địa phương nơi xảy vi phạm, cùng một loại sản phẩm, hàng hóa tương tự với tang vật, phương tiện VPHC nhưng do nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối lại có các mức giá khác nhau, điều này khiến cho cơ quan chức năng lúng túng về xác định giá trị tang vật, phương tiện VPHC để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt.

2.6. Quy định niêm phong tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ thiếu tính thực tế

Khoản 5b Điều 126 Luật Xử lý VPHC quy định: “Khi thực hiện việc tạm giữ, người lập biên bản, người có thẩm quyền tạm giữ phải niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, trừ các trường hợp sau đây: a) Động vật, thực vật sống; b) Hàng hóa, vật phẩm dễ hư hỏng, khó bảo quản theo quy định của pháp luật”. Việc quy định bắt buộc phải niêm phong đối với tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ gây khó khăn cho cơ quan thực thi pháp luật, đặc biệt đối với các tang vật cồng kềnh, khó niêm phong, khó bảo quản; thêm thủ tục, kéo dài (làm phức tạp) quy trình xử lý đối với 01 vụ VPHC.

2.7. Thời hạn xử lý

Thời hạn xử lý đối với các tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ trong trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện quá dài, gây ảnh hưởng đến chất lượng tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ khi không được xử lý kịp thời.

Điểm b khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý VPHC quy định “Trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo 02 lần trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện… Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Thời hạn thông báo 01 năm là quá dài để xử lý một vụ việc VPHC, khiến cho tang vật, phương tiện bị tạm giữ lâu ngày không được xử lý bị hư hỏng, suy giảm về chất lượng, đặc tính (đặc biệt là đối với động vật hoang dã dễ bị suy giảm, mất tập tính nếu không được sớm thả về môi trường tự nhiên); ngoài ra, còn làm tăng số lượng tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ (do phải chờ xử lý) gây tồn đọng, đầy ứ (trong khi điều kiện kho bãi của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế) và chi phí bảo quản tang vật (đặc biệt là các chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng đối với tang vật là động vật hoang dã) rất cao.

2.8. Việc xử lý tịch thu đối với tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt VPHC dễ phát sinh khiếu nại về tài sản

Khoản 4a Điều 126 Luật Xử lý VPHC quy định “Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 125 của Luật này khi hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không thi hành quyết định xử phạt thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền tạm giữ phải chuyển tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho người có thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt để quyết định việc kê biên, bán đấu giá theo quy định của pháp luật để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt. Quy định trên chỉ áp dụng thuận tiện cho trường hợp tang vật, phương tiện VPHC đồng thời là tài sản của người vi phạm, nhưng đối với các tang vật, phương tiện VPHC không phải là tài sản của người vi phạm mà của người khác thì áp dụng quy định tại khoản 4a Điều 126 rất dễ phát sinh các khiếu nại về tài sản khi chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện biết được tài sản của mình bị tịch thu.

 3. Kiến nghị đề xuất

Trong khuôn khổ nội dung bài viết, tác giả xin được đề xuất một số kiến nghị, giải pháp sau:

Thứ nhất, tại Điều 2, Luật Xử lý VPHC, cần bổ sung quy định đối với các khái niệm về yếu tố lỗi trong VPHC (gồm lỗi cố ýlỗi vô ý), mức độ của hành hành vi (như ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng…) để cơ quan chức năng có căn cứ xác định.

Thứ hai, ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng các tình tiết giảm nhẹ (hoặc cả tăng nặng) tại Điều 9 và Điều 10 của Luật Xử lý VPHC theo hướng định lượng, cụ thể, tránh tâm lý "sợ sai" khi áp dụng của cán bộ thực thi pháp luật hoặc tình trạng mỗi nơi áp dụng một kiểu, thiếu thống nhất.

Thư ba, quy định lại thời gian chuyển biên bản VPHC (tại khoản 5 Điều 58) trong trường hợp không thuộc thẩm quyền xử lý từ 24 giờ lên 72 giờ để cơ quan thực thi pháp luật đủ thời gian hoàn thiện hồ sơ và chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt.

Thứ tư, ban hành quy định cụ thể về giá thị trường của địa phương tại thời điểm xảy ra vi phạm tại Điều 60 của Luật Xử lý VPHC để xác định giá trị tang vật VPHC để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền tịch thu và xử lý.

Thứ năm, quy định lại việc niêm phong tang vật, phương tiện VPHC tại khoản 5b Điều 126 Luật Xử lý VPHC theo hướng "khi thực hiện việc tạm giữ, người lập biên bản, người có thẩm quyền tạm giữ có thể niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ trong trường hợp xét thấy cần thiết trừ các trường hợp...".

Thứ sáu, tại điểm b khoản 4 Điều 126 của Luật Xử lý VPHC, cần giảm thời gian thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng đối với các tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ trong trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp từ 01 năm xuống còn 30 ngày như Luật Xử lý VPHC năm 2012 trước đây là phù hợp.

Thứ bảy, quy định lại việc xử lý tịch thu đối với tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt VPHC tại khoản 4a Điều 126 Luật Xử lý VPHC theo hướng:

- Đối với các tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ là tài sản của người vi phạm thì vẫn giữ nguyên việc tiến hành xử lý theo quy định tại khoản 4a Điều 126.

- Đối với các tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ không phải là tài sản của người vi phạm (hoặc người vi phạm không chứng minh được quyền sở hữu hợp pháp) thì vẫn phải tiến hành thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để tìm chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện VPHC trong thời hạn 30 ngày. Nếu hết thời hạn nói trên mà chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện VPHC không đến nhận thì tiến hành xử lý tịch thu, nhằm hạn chế việc phát sinh khiếu nại về tài sản.

Kết luận

Công tác đấu tranh, xử lý VPHC là một trong những lĩnh vực pháp lý phức tạp bởi sự đa dạng của nhiều lĩnh vực và sự đặc thù trong từng lĩnh vực cụ thể. Với những bất cập, vướng mắc nói trên, thiết nghĩ cần phải được nghiêm túc quan tâm, nghiên cứu và tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý VPHC hiện hành nhằm góp phần năng cao hiệu quả thực thi pháp luật nói chung cũng như công tác đấu tranh, xử lý VPHC nói riêng trong bối cảnh hiện nay.

 

Cán bộ Kiểm lâm làm việc với người vi phạm - Ảnh: TG

NGUYỄN ANH TUẤN - LÊ QUÝ TÀI (Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng)