Thời hạn giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng dân sự và thực tiễn áp dụng pháp luật tại Tòa án

Hiện nay về thời hạn xét xử các vụ việc theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 còn có nhiều quan điểm khác nhau, trong phạm vi bài viết này tôi xin nêu một số quan điểm của mình về vấn đề này. thông qua thực tiễn xét xử, giải quyết các loại vụ án theo thủ tục tố tụng dân sự.

1. Quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 thì thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, được quy định như sau: Đối với các vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này thì thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án; Đối với các vụ án quy định tại Điều 30 và Điều 32 của BLTTDS thì thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.

Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 203 và không quá 01 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 203.

Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: Lập hồ sơ vụ án; Xác định tư cách đương sự, người tham gia tố tụng khác; Xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự và pháp luật cần áp dụng; Làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án; Xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này; Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn; Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật này.

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều này, tùy từng trường hợp, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây: Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; Đưa vụ án ra xét xử. Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.

Tại khoản 3 Điều 14 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS: “Những vụ án có tính chất phức tạp” là những vụ án có nhiều đương sự, có liên quan đến nhiều lĩnh vực; vụ án có nhiều tài liệu, có các chứng cứ mâu thuẫn với nhau cần có thêm thời gian để nghiên cứu tổng hợp các tài liệu có trong hồ sơ vụ án hoặc tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn hoặc cần phải giám định kỹ thuật phức tạp; những vụ án mà đương sự là người nước ngoài đang ở nước ngoài hoặc người Việt Nam đang cư trú, học tập, làm việc ở nước ngoài, tài sản ở nước ngoài cần phải có thời gian uỷ thác tư pháp cho cơ quan lãnh sự, ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài… Tuy nhiên, đối với trường hợp cần phải chờ ý kiến của các cơ quan chuyên môn, cần phải chờ kết quả giám định kỹ thuật phức tạp hoặc cần phải chờ kết quả uỷ thác tư pháp mà đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử (kể cả thời gian gia hạn), thì Thẩm phán căn cứ vào khoản 4 Điều 189 BLTTDS ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

Thời hạn xét xử 01 vụ án dân sự được tính kể từ thời điểm Tòa án có thẩm quyền thụ lý vụ án chứ không tính từ thời điểm người khởi kiện nộp đơn khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết vụ án vụ án. Thông thường 01 vụ án dân sự thì thời hạn xét xử là 4 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án: Đối với các vụ án tranh chấp về dân sự được quy định tại Điều 26 và các vụ án tranh chấp về hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 28 BLTTDS năm 2015. Đối với các vụ án tranh chấp về kinh doanh, thương mại được quy định tại Điều 30 và các tranh chấp về lao động được quy định tại Điều 32 của BLTTDS năm 2015 là 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Các vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án nơi vụ án được thụ lý có quyền quyết định gia hạn thời hạn xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 và 01 tháng đối với vụ án quy định tại Điều 30 và Điều 32 BLTTDS.

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, tùy từng trường hợp, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây: Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự và Đưa vụ án ra xét xử. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa, trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 205 BLTTDS thì trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án sẽ tiến hành hòa giải vụ án để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 BLTTDS. Trên cơ sở Biên bản hòa giải thành tại Tòa án thì trong thời hạn 07 ngày, Thẩm phán sẽ ra quyết định hòa giải thành khi không có đương sự thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận. Trong trường hợp hòa giải không thành, Thẩm phán chủ tọa phiên hòa giải lập biên bản hòa giải không thành và đưa vụ án ra xét xử.

Điều 222 BLTTDS quy định Thẩm phán mở phiên tòa bằng Quyết định đưa vụ án ra xét xử, phiên tòa phải được tiến hành đúng thời gian, địa điểm đã được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc trong giấy báo mở lại phiên tòa trong trường hợp phải hoãn phiên tòa. Thành phần tham gia phiên tòa, gồm: Đương sự; Người đại diện của đương sự; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; Người làm chứng; Người giám định; Người phiên dịch và Kiểm sát viên. (Từ Điều 227 đến Điều 232 BLTTDS)

Đối với vụ án được thụ lý, giải quyết theo thủ tục rút gọn thì trong thời hạn không quá 01 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn và mở phiên tòa xét xử trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định. Trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, thì Tòa án phải gửi hồ sơ vụ án cùng quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Viện kiểm sát phải nghiên cứu và trả lại hồ sơ cho Tòa án. (Điều 318 BLTTDS).

2. Bất cập trong quy định

Thực tế hiện nay nhiều Tòa án nhân dân địa phương vẫn còn lúng túng trong việc thụ lý và giải quyết các vụ án theo thủ tục tố tụng dân sự, có nhiều vụ án dân sự thì thời hạn xét xử Tòa án giải quyết án kéo dài nhiều năm, phải tạm đình chỉ giải quyết vụ án, tạm ngưng phiên tòa… nhiều lần, nhưng cũng có những vụ án thì Tòa án vừa ban hành Thông báo thụ lý vụ án thì đã tiến hành hòa giải, thời gian giải quyết vụ án quá ngắn. Trong phạm vi bài viết này tôi xin đề cập về thời hạn giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng dân sự và thực tiễn hiện nay.

Ví dụ, tại Quyết định công nhận sự thỏa thuận số 59/2021/QĐST-HNGĐ 18/3/2021 của TAND huyện K, tỉnh G đã công nhận sự thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự.

Theo đó chị NTA và anh NLĐ thuận tình ly hôn; về con chung giao cho chị A được nuôi cháu N. và cháu NLP; anh Đ không phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung. Ngoài ra, quyết định còn nêu về quyền thăm non con, thay đổi người nuôi con và về chung án phí… Theo quyết định công nhận nêu trên thì TAND huyện K đã thụ lý vụ án ngày 10/3/2021 cùng ngày thì Tòa án tiến hành các bước theo trình tự thủ tục quy định và mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải. Do các bên được sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án, nên Thẩm phán đã lập biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn và hòa giải thành. Hết thời gian 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn và hòa giải thành tức đến ngày 18/3/2021, Tòa án huyện K đã ra quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự. 

Hoặc vụ án dân sự  “Tranh chấp về hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn bà NTB với bị đơn chị HTT và anh NTM. Sau khi thụ lý vụ án Thẩm phán tiến hành hòa mở phiên họp về việc kiểm tra giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thành, hết thời hạn 07 ngày thì Thẩm phán đã căn cứ vào Điều 212, Điều 213 của BLTTDS ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 24/2020/QĐST-DS ngày 01/8/2020 theo đó chị HTT và anh NTM phải trả cho bà NTB với số tiền 500.000.000 đồng. Thời hạn trả nợ trong vòng 07 ngày.

Quan điểm thứ nhất: Cho rằng Tòa án huyện K thụ lý vụ án, sau đó đã tiến hành các bước theo quy định của BLTTDS và hòa giải thành trong cùng thời gian 01 ngày là không trái quy định của pháp luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành. Vì đây là sự tự thỏa thỏa thuận, định đoạt của các đương sự không trái pháp luật, nên cần được tôn trọng và công nhận sự thỏa thuận này. Trên thực tế hiện nay nhiều vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại… thì ngay sau khi thụ lý vụ án, nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau thì Thẩm phán tiến hành hòa giải thành vụ án trên cơ sở sự thỏa thuận của các đương sự.

Quan điểm thứ hai: Cho rằng việc Tòa án thụ lý và hòa giải trong cùng một ngày là không đúng quy định của BLTTDS và vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Bởi lẽ, theo quy định sau khi thụ lý vụ án thì Tòa án phải thông báo thụ lý vụ án, thông báo này được gửi cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 03 ngày (Điều 196 BLTTDS) và trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận Thông báo thụ lý thì các đương sự phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo (Điều 199 BLTTDS)… Ngoài ra đương sự có quyền yêu cầu Tòa án cho xem, ghi chép, sao chụp đơn khởi kiện. Vì vậy, việc Tòa án tiến hành thụ lý và hòa giải vụ án trong cùng một ngày là chưa đảm bảo quyền và lợi ích của các đương sự, vì họ chưa có thời gian để suy nghĩ, để xem xét nên sự thỏa thuận nêu trên có thể đang ở trạng thái tâm lý bị bức xúc, suy nghĩ thiếu chín chắn hoặc có thể vì mục đích động cơ nào đó… Mặc khác, Viện kiểm sát cùng cấp có thể chưa nhận được Thông báo thụ lý vụ án.

Ngoài ra, đối với các vụ án hôn nhân - gia đình thì theo quy định tại Điều 208 BLTTDS, Điều 81 Luật HN & GĐ cũng như mục IV điểm 25 Giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ số 01/2017/GĐ-TANDTC, ngày 07 tháng 4 năm 2017 của Chánh án TANDTC thì trước khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự thì Thẩm phán, Thẩm tra viên được Chánh án Tòa án phân công phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp. Khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh tranh chấp và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án. Đối với vụ án tranh chấp về nuôi con khi ly hôn, Thẩm phán phải lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên, trường hợp cần thiết có thể mời đại diện cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em chứng kiến, tham gia ý kiến. Việc lấy ý kiến của con chưa thành niên và các thủ tục tố tụng khác đối với người chưa thành niên phải bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người chưa thành niên, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, giữ bí mật cá nhân của người chưa thành niên.

Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm thực tế hiện nay đa số các Tòa án địa phương đang thực hiện.

3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc mỗi Tòa án ở mỗi cấp, mỗi tỉnh có cách hiểu khác nhau về việc thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự nói chung và vụ án hôn nhân và gia đình nói riêng, khi các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án. Qua nghiên cứu các quy định của BLTTDS hiện hành, các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC và các văn bản hướng, thi hành BLTTDS thì việc Tòa án nhận đơn khởi kiện, thụ lý và giải quyết bằng Quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự trong các vụ án thực tiễn hiện nay vẫn còn lúng túng. Do đó, để áp dụng thống nhất pháp luật trong việc thụ lý, giải quyết các vụ án theo tác giả cần chỉ đạo thống nhất những nội dung cụ thể như sau:

Một là, cần có văn bản hướng dẫn thi hành BLTTDS theo hướng việc thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự trên nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Tuy nhiên, sau khi thụ lý vụ án thì tiến hành các bước theo thủ tục tố tụng dân sự. Hết thời hạn 15 ngày kể từ ngày ban hành Thông báo thụ lý vụ án nếu đủ các điều kiện về tố tụng, nội dung vụ án thì Thẩm phán có thể Thông báo cho các đương sự mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Trong trường hợp các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì Thẩm phán, Thư ký sẽ lập biên bản hòa giải thành. Hết thời gian 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành không có đương sự nào thay đổi ý kiến đã thỏa thuận, Thẩm phán ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

Hai là, cần có Nghị quyết hướng dẫn thi hành về mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải tại Chương XVIII “Giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn tại Tòa án cấp sơ thẩm” đối với các vụ án Thẩm phán xác định giải quyết theo thủ tục rút gọn; cụ thể: Thẩm phán có thể Thông báo mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải các bên đương sự theo thủ tục rút gọn trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày thụ lý đối với các vụ án theo thủ tục tố tụng dân sự (Phù hợp Điều 196 BLTTDS) nếu đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại khoản 1 Điều 317 BLTTDS.

Ba là, theo quy định tại Điều 361 BLTTDS thì “Việc dân sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình...”. Ban đầu nếu Thẩm phán thụ lý việc dân sự nhưng trong quá trình giải quyết việc dân sự các đương sự không thống nhất được với nhau thì sẽ chuyển sang thụ lý vụ án; còn ngược lại nếu Thẩm phán thụ lý vụ án nhưng các đương sự thỏa thuận thống nhất các vấn đề trong vụ án và đương sự có đơn đề nghị Tòa án chuyển sang giải quyết việc dân sự thì Tòa án không thể thực hiện được. Nên chăng cũng cần có hướng dẫn bổ sung theo hướng mở rộng vấn đề này trong thụ lý, giải quyết các vụ, việc theo thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án theo hướng “Vụ án dân sự” cũng có thể chuyển sang việc dân sự, nếu đương sự có đơn yêu cầu và đảm bảo các điều kiện theo quy định BLTTDS thì chuyển sang “Việc dân sự”.

Trên đây là một số vấn đề vướng mắc và kiến nghị liên quan đến giải quyết các vụ án theo thủ tục tố tụng dân sự, rất mong nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của đồng nghiệp và bạn đọc.

 

Một phiên hòa giải tại TAND tỉnh Gia Lai - Ảnh: TG

 

HÀ VIẾT TOÀN (Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai)