Vướng mắc về thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “phong toả tài sản của người có nghĩa vụ”
Biện pháp khẩn cấp tạm thời “Phong tỏa tài sản của người nghĩa vụ” được quy định tại Điều 126 BLTTHS năm 2015 và Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Thực tiễn quá trình tiến hành xem xét yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) này tại còn nhiều bất cập, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự chưa được đảm bảo. Tác giả xin nêu ra một số ví dụ trong thực tiễn, mong muốn được nhận ý kiến trao đổi của các bạn đọc để việc áp dụng được thống nhất.
1. Quy định của pháp luật
1.1. Điều 126 BLTTSD năm 2015 quy định “Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án”.
1.2. Khoản 4 Điều 133 quy định “Trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 10 và khoản 11 Điều 114 của Bộ luật này thì chỉ được phong tỏa tài khoản, tài sản có giá trị tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện”
1.3. Điều 12 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC quy định “Về xác định giá trị tương đương khi phong tỏa tài khoản, tài sản quy định tại khoản 4 Điều 133 của BLTTDS quy định:
…2. Tòa án chỉ được phong tỏa tài khoản, tài sản có giá trị bằng hoặc thấp hơn nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện. Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ chứng minh giá trị tài khoản, tài sản bị phong tỏa. Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của tài liệu liên quan đến việc xác định giá trị tài sản và tài khoản cần phong tỏa. Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ và quy định pháp luật liên quan để xác định giá trị tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời...
2. Thực tiễn áp dụng pháp luật
2.1. Tình huống cụ thể
Ngày 05/01/2024, TAND TP NT đã thụ lý vụ án dân sự về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn là ông A, bị đơn Trần Văn B. Theo yêu cầu khởi kiện, ông A yêu cầu ông B phải trả số tiền 900.000.000đ. Ngày 06/01/2024, ông A yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT phong tỏa tài sản của ông B là quyền sử dụng đất tại thôn B, xã D, thành phố D vì lý do ông B đã chuyển nhượng tài sản trên cho ông C.
Để có cơ sở xem xét, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thờim căn cứ Điều 126, khoản 1 Điều 133 của BLTTDS; khoản 1 Điều 10 của Nghị quyết 02/2020/NQHĐTP, Thẩm phán yêu cầu ông A cung cấp tài liệu chứng cứ liên quan đến tài sản bị yêu cầu áp dụng khẩn cấp tạm thời và xác định giá trị của tài sản yêu cầu bị phong tỏa. Ông A đã cung cấp giá trị theo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa B và ông C là 620.000.000đ
Đồng thời, Thẩm phán đã tiến hành xác minh quyền tài sản ông B. Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố H đã cung cấp thông tin như sau: Ông B là người đang đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Ngày 25/12/2023, ông B đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông C với giá 620.000.000đ. Do đó, Thẩm phán đã tiến hành các thủ tục buộc ông A thực hiện biện pháp bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều 136 BLTTDS. Tuy nhiên, sau khi nhận được thông tin ông A yêu cầu áp dụng khẩn cấp tạm thời, ông B, và ông C đã tiến hành thủ tục điều chỉnh giá tại hợp đồng chuyển nhượng đất cao hơn hợp đồng chuyển nhượng (Cụ thể là 1.200.000.000đ) và ông B xuất trình biên bản giao nhận tiền giữa ông B và ông C theo giá trị của hợp đồng chuyển nhượng đã được điều chỉnh.
Vấn đề đặt ra là: Trong trường hợp trên Thẩm phán có được tiếp tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi giá trị tài sản phong tỏa bị thay đổi trong quá trình thực hiện thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hay không? Căn cứ nào để xác định giá trị tài sản bị phong tỏa? Hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất: Khoản 4 Điều 133 BLTTDS năm 2015 quy định “Trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 10 và khoản 11 Điều 114 của Bộ luật này thì chỉ được phong tỏa tài khoản, tài sản có giá trị tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện”. Vì vậy, trong trường hợp trên, căn cứ vào phụ lục về việc điều chỉnh giá hợp đồng do ông B cung cấp, Thẩm phán phải ban hành Quyết định hủy bỏ Quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm và ra Thông báo không chấp nhận áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Quan điểm thứ 2 cũng là quan điểm của tác giả: Thẩm phán vẫn yêu cầu ông A tiếp tục thực hiện biện pháp bảo đảm để áp dụng biện pháp “Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ” đối với tài sản của ông B vì lý do:
Thứ nhất, căn cứ vào Điều 500 của BLDS năm 2015, “Hợp đồng về quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên…”. Do đó, khi giao kết hợp đồng các bên đã tự nguyện thỏa thuận với nhau về giá hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng giữa ông B và ông C đã được công chứng theo quy định. Vì vậy, việc các bên điều chỉnh giá của hợp đồng sau thời điểm không khách quan, có dấu hiệu “gian dối” nhằm trốn tránh, tẩu tán tài sản.
Thứ hai, mặc dù khoản 3 Điều 10 Nghị quyết 02/2020/NQHĐTP có quy định “…Thẩm phán có thể yêu cầu người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trình bày ý kiến trước khi ra quyết định nếu việc trình bày đó bảo đảm cho việc ra quyết định đúng đắn và không làm ảnh hưởng đến việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”. Tuy nhiên, trên thực tế người bị áp dụng khẩn cấp tạm thời thường cố tình không hợp tác để cung cấp chứng cứ liên quan đến tài sản bị yêu cầu áp dụng khẩn cấp tạm thời. Trong khi đó, Thẩm phán chỉ có 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Thẩm phán phải xem xét đơn và các tài liệu, chứng cứ kèm theo chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó. Hành vi của ông B và ông C là không trung thực, cố tình thay đổi chứng cứ.
Thứ ba, căn cứ vào khoản 2 Điều 12 Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP, Tòa án chỉ được phong tỏa tài khoản, tài sản có giá trị bằng hoặc thấp hơn nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện. Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ chứng minh giá trị tài khoản, tài sản bị phong tỏa. Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của tài liệu liên quan đến việc xác định giá trị tài sản và tài khoản cần phong tỏa. Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ và quy định pháp luật liên quan để xác định giá trị tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trong tình huống pháp lý nêu trên ông A đã cung cấp giá trị theo hợp đồng chuyển nhượng được ký kết giữa ông B và ông C và có văn bản cam kết chịu trách nhiệm về tính trung thực về giá trị tài sản. Ông A đã thực hiện biện pháp bảo đảm. Do đó, yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của ông A hoàn toàn có cơ sở chấp nhận.
Như vậy, qua thực tế tình huống trên, Thẩm phán đã căn cứ vào đâu để xác định giá trị tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời? Người bị yêu cầu có được điều chỉnh giá hợp đồng khi Tòa án đang thu thập chứng cứ liên quan đến yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hay không? Hiện nay, pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể nên dẫn đến việc áp dụng không thống nhất khi áp dụng pháp luật.
2.2. Vướng mắc về việc xác định thời điểm bên chuyển nhượng đã nhận đủ tiền và đã nhận bàn giao nhà khi áp dụng phong tỏa tài sản có nghĩa vụ là nhà gắn liền với đất
Căn cứ tiểu mục 8 Mục IV Công văn 89/TANDTC-PC năm 2020 quy định trường hợp tài sản là nhà ở, theo quy định của pháp luật, thời điểm hợp đồng mua bán nhà có hiệu lực là thời điểm hợp đồng đó được công chứng, chứng thực, còn việc chuyển giao quyền sở hữu từ người bán sang người mua là thời điểm bên mua đã thanh toán đủ tiền và nhận bàn giao nhà. Nếu hợp đồng mua bán nhà ở giữa bên bán với bên mua đã được công chứng, nhưng người mua chưa thanh toán đủ tiền mua hoặc chưa nhận nhà từ bên bán bàn giao thì tài sản đó vẫn còn thuộc quyền sở hữu của người bị áp dụng, nên Tòa án được áp dụng BPKCTT phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ theo quy định của BLTTDS.
Thực tế, khi áp dụng quy định trên có nhiều bất cấp cụ thể:
Một là, người yêu cầu áp dụng khẩn cấp tạm thời không thể chứng minh được việc người bị áp dụng khẩn cấp tạm thời đã nhận đủ tiền hay chưa? Bởi vì người bị áp dụng cố tình không cung cấp tài liệu chứng cứ, việc sao kê tài khoản ở tổ chức tín dụng không thể thực hiện, do họ không phải là chủ tài khoản.
Hai là, việc bàn giao nhà có Thẩm phán cho rằng chỉ căn cứ là bên chuyển nhượng đã sinh sống trên nhà đã nhận chuyển nhượng thì việc bàn giao nhà đã hoàn thành. Tuy nhiên, có Thẩm phán cho rằng việc bàn giao nhà phải có biên bản giao nhận nhà, các bên đã thực hiện quyền của chủ sở hữu (đã đăng ký tạm trú và thực tế sinh sống trong nhà đã mua…). Do đó, có Thẩm phán chấp nhận ban hành Quyết định áp dụng khẩn cấp tạm thời nhưng có Thẩm phán ban hành Thông báo không chấp nhận áp dụng.
3. Kiến nghị hoàn thiện để tháo gỡ vướng mắc
Từ những vướng mắc trên, tác giả đưa ra những kiến nghị để khắc phục những vướng mắc trên như sau:
Thứ nhất, pháp luật cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về các chứng cứ để xác định “giá trị tài sản” là cơ sở để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như giá tại hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hồ sơ thẩm định giá… Đồng thời cần quy định rõ, đối việc chuyển nhượng tài sản là nhà và đất, các bên phải lập văn bản về việc bàn giao. Trong đó, cần ghi rõ thời điểm nhận bàn giao tài sản…
Thứ hai, cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp chứng cứ khi có yêu cầu của Tòa án liên quan đến yêu cầu xác minh liên quan đến thủ tục biện pháp khẩn cấp tạm thời (Ví dụ: Quy định về thời hạn các cơ quan liên quan phải cung cấp thông tin, trách nhiệm thông báo trên hệ thống của Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai về việc “tạm dừng việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi có văn bản yêu cầu xác minh biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án nhằm đảm bảo chứng cứ).
Thứ ba, cần thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn chuyên môn để nâng cao trình độ, trao đổi nghiệp vụ cho đội ngũ Thẩm phán để đáp ứng yêu cầu giải quyết vụ án.
Trên đây là một số vướng mắc trong quá trình xem xét áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Phong toả tài sản của người có nghĩa vụ” . Tác giả mong muốn nhận được ý kiến của các bạn đọc để việc áp dụng pháp luật được thống nhất hơn nhằm bảo đảo quyền và lợi ích của đương sự.
Một góc TP Nha Trang, Khánh Hòa - Ảnh: Thái Vũ
Bài liên quan
-
TAND TP.Thủ Đức và TAND tỉnh Lâm Đồng hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với dự án Tòa nhà CLB Golf Đồi Cù
-
Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời khi đã có quyết định xét xử
-
Vướng mắc khi áp dụng quy định của BLTTDS về hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
-
Một số hạn chế trong quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận