Tạp chí Tòa án nhân dân số 12 năm 2024

Tạp chí Tòa án nhân dân số 12 xuất bản ngày 25 tháng 6 năm 2024.

     Trong bài giới thiệu này, chúng tôi xin gửi tới độc giả một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 09 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 12 năm 2024, cụ thể như sau:

     Với bài viết Một số vướng mắc trong quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng đối với tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và định hướng hoàn thiện”, tác giả Nguyễn Trung Kiên nêu nhận định: “So với Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009, quy định về các tội liên quan đến ma túy trong Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có nhiều điểm mới, tạo cơ sở pháp lý để đấu tranh, phòng, chống có hiệu quả đối với loại tội phạm này. Đối với tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, Bộ luật Hình sự hiện hành đã có một số thay đổi về mặt câu từ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc diễn giải, nhận thức và áp dụng thống nhất, hiệu quả. Tuy vậy, quá trình áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành đối với tội danh trên vẫn gặp phải những khó khăn, vướng mắc, bất cập”. Bài viết phân tích những khó khăn, vướng mắc, bất cập đó, đồng thời nêu ra một số giải pháp hoàn thiện pháp luật.

     Bài viết “Định tội danh đối với hành vi hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo Bộ luật Hình sự Việt Nam” của tác giả Bùi Đình Tiến chỉ ra những bất cập trong quy định của pháp luật và hạn chế trong thực tiễn định tội danh đối với hành vi hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân từ việc luận giải cơ sở khoa học pháp lý và thực tiễn định tội danh đối với hành vi này. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra kiến nghị cho việc tiếp tục hoàn thiện một số quy định của Bộ luật Hình sự và giải pháp khác góp phần nâng cao hiệu quả định tội danh đối với hành vi hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo Bộ luật Hình sự Việt Nam.

     Tác giả Phùng Văn Hà và tác giả Vũ Văn Thuận viết trong bài “Một số khó khăn, vướng mắc trong áp dụng Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và kiến nghị hoàn thiện”: “Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định về quy trình, thủ tục giữ người trong trường hợp khẩn cấp tại Điều 110. Quá trình áp dụng trong thực tiễn, chế định giữ người trong trường hợp khẩn cấp đã nảy sinh những hạn chế, bất cập gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng như: căn cứ giữ người; giá trị của lệnh giữ người trong thời gian bao lâu; thủ tục giữ người…”. Bài viết nêu một số bất cập, thiếu sót và kiến nghị hoàn thiện trong thời gian tới, như: hướng dẫn về căn cứ giữ người; hoàn thiện quy trình, thủ tục giữ người; bảo đảm thống nhất về thủ tục giữ người trong trường hợp khẩn cấp và bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp…

     Với bài viết “Một số bất cập của pháp luật về trưng cầu, yêu cầu giám định và giám định tư pháp”, tác giả Lê Minh Truyền và Hoàng Ngọc Anh nêu nhận định: “Giám định tư pháp có vai trò rất quan trọng trong việc bổ trợ giải quyết các vụ án, vụ việc và được trưng cầu bởi cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp. Tuy vậy, quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng về vấn đề này vẫn còn một số vướng mắc, bất cập”. Trong bài viết này, các tác giả làm rõ những vướng mắc, bất cập đó và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện.

     Tác giả Trịnh Bửu Châu nêu trong bài viết “Bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh - một số bất cập và hướng hoàn thiện” như sau:Quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe là một trong các quyền con người quan trọng được ghi nhận trong Hiến pháp. Do đó, cá nhân có quyền được sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của mình. Trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh, nếu xảy ra tai biến y khoa đối với người bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bồi thường cho người bệnh theo quy định của pháp luật”. Bài viết phân tích về vấn đề bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, chỉ ra một số hạn chế của pháp luật về vấn đề này, đồng thời đưa ra các kiến nghị hoàn thiện.

     Tác giả Trần Hoàng Tú và Nguyễn Thị Khánh Ngọc nêu nhận định trong bài “Pháp luật về phí bảo vệ môi trường - thực trạng và giải pháp”: “Phí bảo vệ môi trường là khoản tiền mà cá nhân, tổ chức xả thải ra môi trường hoặc làm phát sinh tác động xấu đối với môi trường phải nộp nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp dịch vụ cho hoạt động bảo vệ, xây dựng, bảo dưỡng môi trường”. Bài viết tập trung phân tích một số vướng mắc, bất cập trong pháp luật thực tiễn về thu phí bảo vệ môi trường, từ đó đề xuất giải pháp, kiến nghị hoàn thiện.  

     Với bài viết “Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng và quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành”, tác giả Nguyễn Phương Hiền - Nguyễn Thị Phương Thảo - Bùi Bảo Ngọc viết: “Hiện nay, xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng là một vấn đề nghiêm trọng và ngày càng gia tăng tại Việt Nam, đe dọa đến sự an toàn và sự phát triển lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần của trẻ em. Dưới góc độ pháp luật, Việt Nam đã xây dựng khung pháp lý nhằm bảo vệ trẻ em khỏi những hành vi xâm hại tình dục trên không gian mạng. Hệ thống pháp luật Việt Nam đã có một số văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh vấn đề bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục trên không gian mạng như Luật Trẻ em năm 2016, Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018 ...”. Bài viết tập trung phân tích các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng, đánh giá hiệu quả của các quy định đó, chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và đưa ra đề xuất nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao nhận thức và tăng cường bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, giúp phòng, chống hành vi xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng.

    Trong bài viết Trần Văn T phạm tội gì?”, tác giả Lê Đình Nghĩa nêu quan điểm về việc xác định tội danh với hành vi của bị cáo trong một tình huống cụ thể và mong nhận được ý kiến trao đổi của đồng nghiệp và quý bạn đọc.

     Bài viết Quy định của pháp luật New Zealand về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội và những gợi mở cho Việt Nam” của tác giả Mai Thị Thủy phân tích quy định của pháp luật New Zealand về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội. Từ đó, bài viết đưa ra một số gợi mở cho Việt Nam trong việc hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự về vấn đề này.

     Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 12 kỳ II tháng 6 năm 2024.

 

* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hằng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

BTK