Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 xuất bản ngày 10 tháng 10 năm 2024.
Trong bài giới thiệu này, chúng tôi xin gửi tới độc giả một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 09 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 năm 2024, cụ thể như sau:
Bài viết “Hoàn thiện quy định pháp luật về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong bộ luật hình sự năm 2015” của các tác giả Nguyễn Doãn Phương và Nguyễn Thành Long viết: “Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Đây được coi là bước đột phá trong lĩnh vực tư pháp nói chung và tư duy lập pháp hình sự của Việt Nam nói riêng. Sau một thời gian áp dụng trên thực tế, một số quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, cần nghiên cứu, sửa đổi và hoàn thiện để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thống nhất, bảo đảm Bộ luật này phát huy hiệu quả trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.”. Bài viết này, các tác giả tập trung phân tích, luận bàn về một số hạn chế, bất cập này; đồng thời đưa ra kiến nghị hoàn thiện cụ thể.
Trong bài viết “Dữ liệu điện tử và những vấn đề đặt ra trong quá trình giải quyết vụ án hình sự”, tác giả Lâm Hữu Hồng viết: Dữ liệu điện tử là một loại chứng cứ mới được bổ sung trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, có vai trò quan trọng trong việc giải quyết vụ án hình sự. Tuy nhiên, việc thu thập, bảo quản, giám định loại chứng cứ này chưa được quy định cụ thể, dẫn đến việc chứng minh vụ án hình sự gặp nhiều khó khăn. Hơn thế, công tác xử lý dữ liệu điện tử sau khi kết thúc vụ án cũng còn bỏ ngỏ. Do đó, việc hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự liên quan đến dữ liệu điện tử là rất cần thiết để đáp ứng với yêu cầu chứng minh và xử lý chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Với bài viết “Vướng mắc từ thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan tới tài sản và một số kiến nghị hoàn thiện”, tác giả Hoàng Thị Loan và Nguyễn Thị Hương nêu nhận định: “Quy định của pháp luật về tài sản tại các Bộ luật Dân sự đã được sửa đổi và hoàn thiện tương đối nhiều để phù hợp với đòi hỏi thực tế. Song, quá trình áp dụng pháp luật giải quyết tranh chấp vẫn gặp phải nhiều vướng mắc, bất cập.”. Trong phạm vi bài viết này, các tác giả nghiên cứu và chỉ ra một số vướng mắc, bất cập từ hoạt động thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan tới tài sản. Từ đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
Tác giả Lê Đình Nghĩa và Nguyễn Tấn Tùng viết trong bài “Một số vấn đề về trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội” như sau: “Người dưới 18 tuổi là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, trình độ nhận thức và kinh nghiệm sống còn hạn chế, dễ bị kích động, lôi kéo vào thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, chính sách hình sự của Nhà nước ta đối với người dưới 18 tuổi phạm tội chủ yếu là giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh để trở thành công dân có ích cho xã hội. Thực hiện chính sách hình sự đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định riêng tại Chương XII “Những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội” và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định riêng tại Chương XXVIII “Thủ tục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội”, đây là cơ sở pháp lý áp dụng khi xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội cơ bản đã đầy đủ. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, pháp luật hình sự về lĩnh vực này cần tiếp tục hoàn thiện.”. Bài viết phân tích một số vấn đề lý luận về trách nhiệm hình sự của người dưới 18 tuổi phạm tội; những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn xét xử người dưới 18 tuổi phạm tội và kiến nghị hoàn thiện.
Với bài viết “Phòng ngừa sai phạm của điều tra viên khi hỏi cung bị can trong điều kiện ghi âm, ghi hình có âm thanh”, tác giả Nguyễn Văn Sáng viết: Triển khai Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 14-NQ/ĐUCA ngày 08/11/2022 của Đảng ủy Công an TW, ngày 07/12/2022, Bộ Công an đã ban hành Đề án số 10/ĐA-BCA về việc xây dựng Cơ quan điều tra của Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Đề án xác định các mục tiêu về hoàn thiện pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, xây dựng các quy trình nghiệp vụ điều tra hình sự trong tổng thể xây dựng Cơ quan điều tra của Công an nhân dân. Trong hoạt động điều tra hình sự, công tác lấy lời khai, hỏi cung bị can đóng một vai trò cốt yếu. Bên cạnh những thành quả đã đạt được, hoạt động tố tụng của Cơ quan điều tra bộc lộ một số hạn chế khi vẫn còn để nhiều án oan, sai xuất phát từ những sai phạm của Điều tra viên, gây giảm sút uy tín của cơ quan bảo vệ pháp luật. Trong bài viết, tác giả tập trung phân tích, luận bàn làm rõ nhận định trên.
Tác giả Vũ Anh Tuấn và Hoàng Thị Thu Thủy viết trong bài “Kiểm soát quyền lực nhà nước trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân” như sau: “Kiểm soát quyền lực nhà nước trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân là yêu cầu khách quan, cấp thiết của cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay. Đây là một lộ trình phức tạp, có nhiều nội dung, yêu cầu, với những giải pháp đồng bộ, khả thi đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045.” Bài viết tiếp cận bước đầu về khái niệm, các đặc điểm chủ yếu và thực trạng của kiểm soát quyền lực nhà nước trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân; đồng thời, đưa ra một số đề xuất, giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác này trong tình hình mới.
Bài viết “Nguyễn Quang T được hưởng tình tiết giảm nhẹ nào?” của Phan Huy Viễn nêu các quan điểm về việc xác định tình tiết giảm nhẹ đối với hành vi của Nguyễn Quang T.
Bài viết “Phạm Hưng Q có phạm tội không?” của Đoàn Đắc Chinh nêu các quan điểm và phân tích, đánh giá của tác giả về việc xác định trách nhiệm pháp lý đối với Phạm Hưng Q.
Trong bài viết “Quy định về miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo các điều ước quốc tế và một số khuyến nghị cho Việt Nam”, tác giả Nguyễn Thị Kim Duyên trình bày: “Miễn hợp pháp hóa lãnh sự là việc một loại giấy tờ cụ thể được miễn bước xác nhận lãnh sự của cơ quan ngoại giao có thẩm quyền của nước sử dụng, từ đó, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính và thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia.”. Bài viết phân tích quy định về miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo các điều ước quốc tế và đề xuất một số khuyến nghị cho Việt Nam.
Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 kỳ I tháng 10 năm 2024.
* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hằng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 xuất bản ngày 25 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 xuất bản ngày 10 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 xuất bản ngày 25 tháng 10 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 18 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 18 xuất bản ngày 25 tháng 9 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao