Trần Đình A phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay Tham ô tài sản?
Trần Đình A là nhân viên bán hàng tại Chi nhánh Bưu chính huyện X. Khi bán sim, thẻ cào điện thoại… được 100 triệu đồng, A không nạp vào tài khoản của Tổng Công ty mà tiêu xài cá nhân. A phạm tội gì?
Trần Đình A kí hợp đồng lao động không xác định thời hạn với Tổng Công ty Bưu chính viễn thông B. Trần Đình A có chức danh là nhân viên bán hàng điểm bán và được phân công làm việc tại Chi nhánh Bưu chính huyện X. Trần Đình A có nhiệm vụ phát triển, chăm sóc điểm bán, bán sim, thẻ cào điện thoại và chuyển tiền bankplus cho các điểm bán trong khu vực quản lý. Khi nhận được tiền bán hàng A có trách nhiệm quản lý số tiền trên và chậm nhất đến 10 giờ sáng ngày hôm sau A phải nộp lại số tiền trên vào tài khoản của công ty. Để phục vụ công viêc, A được Tổng Công ty cung cấp 01 user và được sử dụng vào mục đích bán hàng hóa cho các điểm bán và chuyển tiền dịch vụ cho các điểm bán. Trong khoảng tháng 03/2022, Trần Đình A nhiều lần chuyển tiền dịch vụ cho các điểm bán trên địa bàn huyện X, tuy nhiên sau khi thu tiền các đại lý bán hàng về A đã không nạp vào tài khoản chuyên thu của Tổng công ty mà tiêu xài cá nhân. Tính đến 16/3/2022, A đã chiếm đoạt số tiền của Tổng công ty bưu chính viễn thông B với số tiền 100 triệu đồng.
Ở đây phát sinh hai quan điểm:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trần Đình A là nhân viên của Tổng Công ty được giao đi bán sim thẻ điện thoại và chuyển tiền dịch vụ cho các đại lý bán hàng. Sau khi bán hàng A nhận được tiền hàng của các đại lý, tức là A có được số tiền trên một cách hợp pháp chứ không phải do thủ đoạn gian dối để có số tiền đó. Sau khi A có tiền, A mới nảy sinh ý định chiếm đoạt, không nộp lại số tiền trên và tự ý sử dụng số tiền đó khi không được sự cho phép của công ty. Hành vi của Trần Đình A đã cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 175 BLHS.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Trần Đình A tuy chỉ có chức vụ là nhân viên bán hàng, nhưng trong hợp đồng lao động ký kết giữa A và Tổng Công ty Bưu chính B có ghi rõ A có trách nhiệm quản lý số tiền mình bán được kể từ khi thu được tiền hàng ngày hôm đó đến 10 giờ sáng ngày hôm sau. Số tiền 100 triệu đồng nêu trên A có trách quản lý theo quy định của Tổng Công ty. A đã không sử dụng bất kỳ hành vi gian dối nào cũng không thông qua việc vay mượn, cũng như hình thức hợp đồng nào để có số tiền trên, nên hành vi của Trần Đình A không thể cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 175 BLHS. Trần Đình A đã lợi dụng chức năng được quản lý tài sản do công ty quy định để chiếm đoạt tài sản, do đó, hành vi của Trần Đình A đã phạm vào tội “Tham ô tài sản” quy định tại Điều 353 BLHS.
Trên đây là ý kiến của tác giả kính mong độc giả gần xa đóng góp ý kiến.
TAND huyện Ninh Phước, Ninh Thuận xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Thế Huynh
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Từ ngày 01/7/2025, Nghị quyết số 02/2025/NQ-HĐTP chính thức có hiệu lực thi hành, bảo đảm áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của Luật Phá sản, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Hình sự
-
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định về tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của các Tòa án nhân dân
-
Bình Phước: Tìm nhân chứng là hành khách trên xe khách mang biển kiểm soát 47B–022.22
-
Cần làm rõ quy định tại Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là xác định chứng cứ hay đó chỉ là nguồn chứng cứ
-
Từ ngày 01/6/2025 sẽ "hết mẹo" trong sát hạch giấy phép lái xe
Bình luận