Vietcombank là ngân hàng đầu tiên khai thác Dịch vụ xác thực điện tử của Bộ Công an
Vietcombank và Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (RAR) đã ký kết “Dịch vụ xác thực điện tử” để ứng dụng Dịch vụ xác thực điện tử của Bộ Công an vào thu thập, làm sạch thông tin và xác thực Sinh trắc học cho khách hàng trên kênh ngân hàng số.
Chiều ngày 01/7/2024, tại trụ sở Bộ Công an (số 47 Phạm Văn Đồng, Hà Nội), trong khuôn khổ “Lễ phát động triển khai Luật Căn cước năm 2023 và Nghị định số 69/2024/NĐ-CP về Định danh và xác thực điện tử”, đã diễn ra lễ ký kết “Dịch vụ xác thực điện tử” giữa Vietcombank và Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (RAR) thuộc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư - Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an.
Vietcombank là ngân hàng ký hợp đồng sử dụng dịch vụ đầu tiên với RAR để ứng dụng Dịch vụ xác thực điện tử của Bộ Công an vào thu thập, làm sạch thông tin và xác thực Sinh trắc học cho khách hàng trên kênh ngân hàng số, làm cơ sở đáp ứng quy định của Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Ngân hàng Nhà nước về việc “Triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng”.
Lễ phát động triển khai Luật Căn cước năm 2023 và Nghị định số 69/2024/NĐ-CP về Định danh và xác thực điện tử
Với sự hợp tác này, khách hàng của Vietcombank có thể cập nhật thông tin sinh trắc học online một cách đơn giản thông qua giải pháp kết nối app-to-app giữa ứng dụng VCB Digibank và ứng dụng VNeID (bên cạnh giải pháp sử dụng căn cước công dân gắn chip và điện thoại có kết nối NFC như đã triển khai), giúp khách hàng có thêm lựa chọn về hình thức cập nhật thông tin sinh trắc học. Trong thời gian tới, Vietcombank sẽ tiếp tục ứng dụng dịch vụ xác thực điện tử của Bộ Công an để cung cấp tới khách hàng các trải nghiệm giao dịch an toàn, đơn giản và thuận tiện hơn.
Để chuẩn bị cho việc triển khai cập nhật và xác thực bằng sinh trắc học, Vietcombank đã làm việc chặt chẽ với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) để tích hợp hệ thống, đồng thời đầu tư vào hạ tầng công nghệ, trang thiết bị phục vụ và ứng dụng nhiều giải pháp hiện đại để mang lại trải nghiệm thuận tiện nhất cho khách hàng khi đăng ký/cập nhật thông tin sinh trắc học cũng như xác thực giao dịch bằng sinh trắc học.
Bà Đoàn Hồng Nhung - Giám đốc Khối Bán lẻ Vietcombank và Thiếu tá Trần Duy Hiển - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (RAR) đại diện hai bên ký kết “Dịch vụ xác thực điện tử”
Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Lê Quang Vinh - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank đã chia sẻ: “Trong gần một năm vừa qua, với sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Công an và Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về Dân cư (C06), RAR và Tổng Công ty GTEL, chúng tôi đã hoàn thành kết nối và tích hợp dữ liệu quốc gia về dân cư, ứng dụng nhiều giải pháp nhằm xác thực và định danh chính xác công dân - khách hàng trên môi trường điện tử. Đặc biệt, việc ứng dụng VNeID trong xác thực điện tử đã giúp khai thác nguồn dữ liệu tin cậy từ cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, phục vụ cho công tác định danh khách hàng mới và xác thực khách hàng hiện hữu, mang tới các hành trình giao dịch an toàn, đơn giản, dễ dàng nhất cho khách hàng của Vietcombank”.
Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) với nội dung cho phép các đơn vị trong ngành Ngân hàng được khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khai thác thông tin trên căn cước công dân gắp chíp và sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) do Bộ Công an cung cấp có vai trò rất quan trọng để ngành Ngân hàng ứng dụng triển khai cung cấp các dịch vụ ngân hàng số trên môi trường mạng, xác thực khách hàng chính xác, ngăn ngừa tội phạm gian lận hồ sơ giấy tờ, mở/sử dụng tài khoản mạo danh hoặc lừa đảo khách hàng chiếm quyền truy cập các dịch vụ ngân hàng số. Việc triển khai thành công thu thập và xác thực sinh trắc học cho khách hàng qua VneID của Vietcombank thể hiện việc triển khai nghiêm túc Kế hoạch 01 giữa ngành Ngân hàng và Bộ Công an trong Triển khai Đề án 06 của Chính phủ.
Ông Lê Quang Vinh - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank phát biểu tại buổi lễ
Trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã nỗ lực không ngừng và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong công cuộc chuyển đổi số, qua đó đã đạt được nhiều thành quả trên các trụ cột quan trọng: Chuyển đổi nhận thức, hoàn thiện thể chế, nâng cấp hạ tầng, ứng dụng khai thác dữ liệu và phát triển các mô hình ngân hàng số; cùng với nâng cao công tác đảm bảo an ninh, an toàn...
Với vai trò là một ngân hàng chủ lực của hệ thống tài chính ngân hàng tại Việt Nam, Vietcombank đã luôn tiên phong, đi đầu trong việc hợp tác khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khai thác thông tin trên căn cước công dân gắp chíp và sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) để giúp cho người dân được hưởng nhiều lợi ích từ các dịch vụ ngành ngân hàng như mở tài khoản trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt và mới nhất là xác thực giao dịch bằng sinh trắc học, góp phần thực hiện Kế hoạch 01 về việc triển khai các nhiệm vụ tại Đề án 06 giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an.
Bài liên quan
-
Vietcombank cập nhật tính năng chuyển tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và mưa lũ trên VCB Digibank
-
Cán bộ nhân viên Vietcombank ủng hộ 1 ngày lương hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3
-
HR ASIA vinh danh Vietcombank tại tất cả các hạng mục giải thưởng “Nơi làm việc tốt nhất châu Á” năm 2024
-
Chủ tịch Công đoàn TSC Vietcombank nhận giải thưởng Nguyễn Văn Linh
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận