70 năm đã trôi qua, nhưng những bài học kinh nghiệm của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên giá trị

Tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày bài diễn văn quan trọng.

Trong Diễn văn tại Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - một chiến thắng vĩ đại "được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa của thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ lòng biết ơn và tri ân:

"Trong giờ phút thiêng liêng này, chúng ta thành kính nghiêng mình tưởng nhớ công lao vĩ đại và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - Vị Lãnh tụ thiên tài của Cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới - Người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân và hòa bình, tiến bộ của nhân loại.

 

Các đại biểu trên Lễ đài

Chúng ta tưởng nhớ và tri ân sâu sắc Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng - Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chúng ta khắc ghi và biết ơn công lao to lớn của các bậc tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các thế hệ cán bộ, tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ cùng toàn thể các lực lượng vũ trang và Nhân dân ta trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã tận tâm, tận lực, anh dũng chiến đấu, hy sinh quên mình, cùng góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Sau 70 năm ngày Chiến thắng, chúng ta vẫn băn khoăn, trăn trở, ngậm ngùi khi còn đó nhiều liệt sĩ chưa xác định được đủ thông tin; nhiều cựu chiến binh vẫn đau đáu nỗi niềm tìm kiếm đồng đội; nhiều gia đình vẫn ngày đêm trông ngóng thông tin về người thân đã hy sinh trên chiến trường; máu xương của các anh hùng liệt sĩ đã hòa quện vào lòng đất Điện Biên - Tây Bắc, để góp phần cho ngày hôm nay đất nước ta được độc lập, tự do và Nhân dân được sống trong ấm no, hạnh phúc.

Với truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, thủy chung của dân tộc, chúng ta chân thành biết ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ quý báu, chí tình, chí nghĩa của Trung Quốc, các nước Liên Xô cũ, các nước xã hội chủ nghĩa, bạn bè quốc tế, các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, đặc biệt là các nước Lào, Campuchia anh em trong liên minh đoàn kết chiến đấu Ba nước Đông Dương đối với Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân Việt Nam nói chung.

Ôn lại cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau 9 năm gian khổ, hy sinh kết thúc bằng Chiến thắng Điện Biên Phủ, Thủ tướng nêu rõ: "Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng", giáng đòn quyết định, đánh bại nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đây là đỉnh cao thắng lợi của cuộc kháng chiến "Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính", là thắng lợi của tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", là sự kết tinh sức mạnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh; buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneve (21/7/1954) về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam; tạo cơ sở, tiền đề cho việc giải phóng, xây dựng miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội và nền tảng vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước".

Đến nay, 70 năm đã trôi qua, nhưng những bài học kinh nghiệm đó vẫn vẹn nguyên giá trị cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, dân tộc ta đã giành được nhiều thắng lợi to lớn, viết tiếp bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh, lập nên những chiến công hiển hách như Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 và đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau khi đất nước thống nhất, chúng ta vừa tập trung khôi phục kinh tế - xã hội, vừa chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc, vừa làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp Nhân dân Campuchia lật đổ và thoát khỏi chế độ diệt chủng.

Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: "Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, chịu nhiều đau thương, mất mát nhất sau Chiến tranh thế giới thứ II, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; GDP bình quân đầu người tăng 58 lần so với thời kỳ đầu đổi mới, đạt 4.300 USD năm 2023; thuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhóm 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất toàn cầu. Việt Nam được Liên hợp quốc công nhận là một trong những nước đi đầu trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) và đang nỗ lực cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG). Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 nước, mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại với 230 quốc gia, vùng lãnh thổ và là hình mẫu của hàn gắn và khôi phục vết thương sau chiến tranh. Tình hình chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; gìn giữ được môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho hợp tác phát triển.

Toàn cảnh lễ mít tinh

Thủ tướng nhấn mạnh: Tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, về dân tộc Việt Nam anh hùng, nghìn năm văn hiến, phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, thời gian tới chúng ta nguyện tiến bước dưới lá cờ vẻ vang của Đảng chung sức, đồng lòng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập trung: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện thật tốt chủ trương: Phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt, công tác cán bộ là "then chốt của then chốt"; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên để hiện thực hoá khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:

1. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả. Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, liên kết vùng, đô thị hóa...

2. Phát triển văn hóa, xã hội đồng bộ, hài hòa, ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị với quan điểm xuyên suốt là: lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển nhanh, bền vững; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng; phát huy mạnh mẽ truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm và khát vọng cống hiến, vươn lên, nhất là đối với thế hệ trẻ. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Tiếp tục củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo; ưu tiên bố trí nguồn lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; trong đó có tỉnh Điện Biên, vùng Tây Bắc "phên giậu" thân yêu của Tổ quốc.

3. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Thực hiện chính sách quốc phòng "bốn không" (không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế). Tập trung xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc. Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó một số quân, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

4. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại, là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân mang đậm bản sắc "Cây tre Việt Nam": gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển; góp phần gìn giữ môi trường hoà bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

5. Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên. Kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; lan toả gương người tốt, việc tốt; tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo đồng thuận xã hội, phát triển nhanh, bền vững.

 

THÁI VŨ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính diễn văn