Ai phải chịu án phí trong vụ án Tòa án công nhận thỏa thuận của các đương sự?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, một trong những điều kiện để Tòa án thụ lý đơn khởi kiện là người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí. Tuy nhiên, trên thực tế khi giải quyết các vụ án dân sự, việc xác định ai là người có nghĩa vụ chịu án phí vẫn còn có vướng mắc.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, một trong những điều kiện để Tòa án thụ lý đơn khởi kiện là người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí. Việc quy định nộp tiền tạm ứng án phí là một trong những điều kiện để thụ lý đơn khởi kiện là hoàn toàn hợp lý, bởi người khởi kiện khi sử dụng dịch vụ của Cơ quan nhà nước phải trả phí là phù hợp. Tuy nhiên, trên thực tế khi giải quyết các vụ án dân sự, việc xác định ai là người có nghĩa vụ chịu án phí vẫn còn có vướng mắc, trong bài viết này tác giả nêu ra một tình huống như sau mong muốn cùng trao đổi với bạn đọc:
Ngày 18/4/2019 bà Hoàng Thị C khởi kiện yêu cầu TAND huyện L giải quyết buộc bà Lê Thị T phải trả cho bà C số tiền 100.000.000 đồng (Một trăm triệu đồng) mà bà T đã vay trước đó. Qúa trình giải quyết vụ án, các đương sự tự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án nên Tòa án đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trước khi mở phiên tòa. Về phần án phí, Tòa án huyện L xác định, bị đơn là người phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm, bởi bị đơn thỏa thuận chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn. Nhưng bị đơn là đối tượng được miễn án phí theo quy định của pháp luật (người dân tộc thiểu số sinh sống ở xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn nên được miễn án phí theo khoản 1, Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTVQH, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án), nên Tòa án huyện L tuyên miễn toàn bộ tiền án phí dân sự sơ thẩm cho bị đơn Lê Thị T.
Qua nghiên cứu Quyết định có hai luồng quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Tòa án xác định bị đơn chịu toàn bộ tiền án phí dân sự sơ thẩm là phù hợp, bởi trong vụ án này toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn đã được bị đơn chấp nhận, bị đơn là bên thua kiện nên bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm là đúng với quy định tại khoản 2, Điều 26, Nghị quyết số 326 của UBTVQH quy định về nghĩa vụ chịu án phí “ 2. Bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận.”
Quan điểm thứ hai cho rằng: Việc Tòa án xác định bị đơn chịu toàn bộ tiền án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án đã nêu là không phù hợp, bởi theo quy định tại khoản 7, Điều 26 Nghị quyết số 326 của UBNVQH quy định trường hợp “Các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch.” Theo đó trong trường hợp này, nguyên đơn và bị đơn mỗi bên phải chịu một nửa tiền án phí. Vì vậy, việc Tòa án quyết định miễn toàn bộ án phí cho bị đơn, không yêu cầu nguyên đơn nộp tiền án phí là vi phạm quy định của pháp luật về án phí, làm thất thoát tài sản của Nhà nước.
Từ hai quan điểm đã nêu, tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai khi xác định mỗi bên đương sự phải chịu một nửa tiền án phí trong vụ án mà các đương sự tự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án trước khi mở phiên tòa (trừ trường hợp các bên đương sự có sự thỏa thuận khác về án phí). Quan điểm thứ nhất cho rằng, vì bị đơn thỏa thuận chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn là bên “thua kiện” nên phải chịu toàn bộ tiền án phí dân sự sơ thẩm, quan điểm này là không hợp lý bởi vụ án này chưa được giải quyết bằng việc mở phiên tòa, việc Tòa án ra quyết định là để ghi nhận ý chí thỏa thuận của các đương sự, Tòa án chưa đưa ra bất cứ đường lối giải quyết vụ án nào nên không thể coi đây là trường hợp Tòa án chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn.
Do đó, để có cái nhìn thống nhất về trường hợp này, chúng tôi kiến nghị sửa đổi khoản 7, Điều 26, Nghị quyết số 326 của UBTVQH là bổ sung thêm cụm từ “Mức án phí được chia đều cho các bên, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.” Sau khi sửa đổi điều luật có nội dung như sau: Các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch. Mức án phí được chia đều cho các bên, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.
TAND quận 10 TPHCM xét xử vụ án dân sự – Ảnh minh họa của Mai Phong
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
4 Bình luận
Lê trung kiên
20:58 11/01.2025Trả lời
Nguyễn Thị Linh
20:58 11/01.2025Trả lời
Hiệp
20:58 11/01.2025Trả lời
Thành Luân Võ
20:58 11/01.2025Trả lời