Án tăng nhưng phải giảm tiếp 1.200 người, áp lực rất lớn với Tòa án
Tại phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình tiếp tục nhận được những câu hỏi chất vấn về những vấn đề nóng của hệ thống Tòa án, đó là án treo và tinh giản biên chế trong khi số lượng các vụ án phải giải quyết ngày càng tăng.
Tỷ lệ án treo mới chiếm hơn 23%
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến ( TP Hà Nội) đặt câu hỏi chất vấn Chánh án TANDTC rằng: Quyết định án treo trong các vụ án hình sự là một chế định rất nhân văn đã được Hội đồng thẩm phán TANDTC ban hành ở Nghị quyết 01/2013 và nay là ban hành ở Nghị quyết 02/2018 để hướng dẫn Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017). Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử thời gian qua, có rất nhiều vụ án trong đó bị cáo nay là bị án đủ đều kiện để cho hưởng án treo nhưng mà Tòa án các cấp vẫn quyết định phạt tù giam. Để pháp luật được thực thi nghiêm minh, những trường hợp mà quyền lợi của người dân và để giảm áp lực của trại giam thì Chánh án có biện pháp gì để giải quyết vấn đề này? Cũng được biết ngành Tòa án có tổ chức kiểm tra và cho hưởng án treo, tuy nhiên, xin hỏi là ngành Tòa án có tổ chức kiểm tra về án giam hay chưa?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cảm ơn đại biểu Nguyễn Văn Chiến đã có câu hỏi này. Đây là một câu hỏi chia sẻ.
Chánh án nói: Về chế định án treo được quy định trong luật và được xem như là một chế định nhân đạo khi mà chúng ta ứng xử đối với các hành vi vi phạm. Theo chủ trương của Đảng được ghi trong Nghị quyết 49, phải giảm hình phạt tù, tăng các hình phạt không giam giữ. Trên thực tế, đối với các nước, các hình phạt không giam giữ thông thường chiếm 60% nhưng án treo của ta trong nhiều năm dưới 20%, khoảng 18 – 19%. Năm nay lên được hơn 23%, có tăng hơn một chút. Tại sao có việc như này thì cũng chia sẻ với các Kiểm sát viên khi đề nghị truy tố hay là các Thẩm phán bởi khi tuyên án treo thì xã hội hay đặt ra câu chuyện có tiêu cực trong này hay không? Nên trong một số trường hợp có thể đủ điều kiện án treo nhưng các Công tố viên cũng như Thẩm phán để đảm bảo an toàn thì thường không áp dụng án treo. Đây là một hạn chế, mặc dù về mặt chủ trương là đã có.
Trước tình hình này, Hội đồng thẩm phán cũng đã có Nghị quyết 02 thay thế Nghị quyết 01 cũ khắc phục những hạn chế về quy định án treo quá khắt khe. Cũng đã có tập huấn hướng dẫn đối với những vụ án mà người phạm tội lấy đồng tiền làm phương tiện và mục đích phạm tội. Ví dụ, như là đánh bạc, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm… thì hình phạt kinh tế, hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ là hình phạt chính chứ không phải là hình phạt tù. Mặc dù đã có hướng dẫn như vậy nhưng mà thực tế khi kiểm tra không chỉ có ngành dọc Viện, Tòa hay Bộ Công an mà kể cả các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân khi giám sát cũng đặt câu chuyện án treo có vấn đề gì không. Những năm gần đây có nâng lên và tình hình này với nghị quyết mới của Hội đồng thẩm phán TANDTC tình hình sẽ cải thiện nhưng phải thấy một việc là nhìn nhận vấn đề này khách quan hơn.
Tha thiết đề nghị không phải giảm số biên chế
Đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) chất vấn Chánh án TANDTC nội dung sau: Thời gian qua việc tồn đọng rất lớn các loại án tại Tòa án các cấp, đặc biệt là án giám đốc thẩm, tái thẩm, nhưng theo báo cáo của Chánh án thời gian tới toàn ngành sẽ giảm hơn 1100 biên chế theo kế hoạch đã được duyệt. Đề nghị Chánh án cho biết việc tinh giản biên chế như trên có đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ của ngành, chất lượng giải quyết, xét xử các loại án và giảm thiểu tồn đọng các loại án trong thời gian tới không?
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn đã rất hoan nghênh câu hỏi của đại biểu Lưu Văn Đức. Chánh án nói: “Đúng là số lượng công việc của chúng tôi tăng hàng năm là 9% từ năm 2012 là thời điểm Quốc hội phân biên chế là 15.000 người cho đến nay, sau 6 năm thì số lượng công việc tăng lên gấp đôi. Chính vì vậy, biên chế không được tăng mà thậm chí bị giảm. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2021 chúng tôi phải giảm 1.200 người, đây là một áp lực rất lớn, nói không phải áp lực là không đúng.
Về phía giải pháp, không có cách nào khác chúng tôi vẫn phải tuân thủ quy định của Đảng về việc tinh giản biên chế, chúng tôi đã triển khai kế hoạch này. Tuy nhiên, chúng tôi cũng động viên anh em cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, áp lực đặt lên vai các Thẩm phán càng ngày càng nặng, với xu thế này thì quá tải là nhìn thấy trước. Chúng tôi cũng đã có giải pháp là tìm các biện pháp thay thế, ví dụ như tăng cường hòa giải và đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự và hành chính. Chủ trương này đã được triển khai thí điểm ở 16 tỉnh, thành phố và trong tương lai chúng tôi sẽ triển khai trong toàn quốc. Nếu như được Quốc hội chấp nhận như một chế định hòa giải trước tố tụng thì các vụ án dân sự sẽ không phải đưa ra xét xử giảm đi. Đây là một giải pháp căn cơ để giảm tải cho Tòa án.
Hiện nay chúng tôi vẫn phải giảm biên chế theo quy định, từ nay đến 2020 là 1.200 nhưng với tình hình hiện nay. Chúng tôi đề nghị Thường vụ Quốc hội ghi nhận ý kiến của đại biểu và cũng tha thiết đề nghị nếu có thể cho chúng tôi không phải giảm số biên chế này”.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
2 Bình luận
Nguyễn Thành
00:56 22/12.2024Trả lời
Hoàng Phương Linh
00:56 22/12.2024Trả lời