Ba đối tượng phạm tội gì ?

Một vụ bắt cóc rồi tự trả tự do cho nạn nhân và đầu thú nhưng có đến bốn quan điểm giải quyết khác nhau.

Trần Ngọc A và Nguyễn Văn H quen biết gia đình em Nguyễn Thị Ngọc S (sinh ngày 8/5/2002) là gia đình giàu có trong khu vực, có mẹ là bà Cao Thị Đ làm Giám đốc một Công ty bất động sản ở Thành phố H, nên nảy sinh ý định bắt cóc S để đòi tiền chuộc từ gia đình. Vào khoảng 10 giờ 00 phút ngày 6/9/2018, H và A có rủ Trần Thị T tham gia, phân công T có nhiệm vụ dụ dỗ em S lên xe đưa đến một khách sạn ở tỉnh LA để ép buộc gia đình đưa tiền chuộc. Bàn bạc xong cả nhóm đi taxi đến trường PVT Thành phố H (nơi em S đang học) để tìm gặp em Nguyễn Thị Ngọc S.

T vào trường, tìm gặp S và nói: “Em có phải tên S không? Em có quà của anh Đ bên Lào gửi cho, theo chị đi mà nhận”. Do S có một người chú đang sinh sống bên Lào nên tin lời T. S và vào trường cất xe đạp và cặp sách rồi rủ thêm bạn cùng lớp là Lâm Thị K đi cùng, cả hai lên xe taxi đi với T đến điểm hẹn đón A và H (do sợ S biết mặt nên A và H đã đeo khẩu trang). T nói với K lên xe taxi về trường học trước còn S sẽ về sau.  Các đối tượng đưa S đến một nhà nghỉ trên địa bàn tỉnh LA (cách trường PVT, Thành phố H khoảng 80 km) rồi dọa đánh, hù doạ lột quần áo quay phim đăng lên mạng để buộc em S gọi điện về cho gia đình đưa tiền chuộc.

Các đối tượng gọi điện, nhắn tin đòi mẹ S là bà Cao Thị Đ phải đưa tiền chuộc 600 triệu đồng và hẹn địa điểm giao nhận tiền, đồng thời yêu cầu bà Đ đi một mình bằng taxi đến điểm hẹn. Khi chuẩn bị tiền xong, bà Đ nói với T: “Cho thêm 2 người nhà đi cùng đến điểm giao tiền, vì số tiền lớn nên đi một mình sợ bị cướp”. Nghe bà Đ nói vậy nên cả nhóm nghi ngờ gia đình đã báo Công an nên sợ, H đã nói với A và T thả S ra. Sau đó các đối tượng quay lại nhà nghỉ (nơi đang giữ S) để thả S ra (vào khoảng 22 giờ 30 phút ngày 6/9/2018) và thuê xe ôm chở S về nhà.

Đến 14 giờ ngày 8/9 các đối tượng ra Công an phường AL, Quận B, Thành phố H trình diện và khai nhận hành vi phạm tội của mình. Bị hại và đại diện hợp pháp của bị hại không yêu cầu gì, xin được miễn trách nhiệm hình sự cho các đối tượng trên.

Xung quanh nội dung vụ án có các quan điểm như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, cần xem xét cho các đối tượng được miễn trách nhiệm hình sự về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 169 BLHS năm 2015.

Bởi lẽ, hành vi của các đối tượng tuy cấu thành tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” nhưng hậu quả của vụ án đã được hạn chế, do các đối tượng lo sợ nên đã thả người bị hại. Các đối tượng chưa chiếm đoạt được tài sản và gia đình bị hại chưa mất tài sản, thiệt về tinh thần là không nhiều. S không bị tổn hại sức khỏe và tinh thần đáng kể do không bị trói, đánh hoặc đối xử tệ (các đối tượng chỉ hù doạ đánh và quay video đăng lên mạng). Các đối tượng H, A và T đã ra tự thú, tỏ ra hối cải và chịu trách nhiệm trước gia đình bị hại và pháp luật. Gia đình và bị hại đã xin miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo và không có yêu cầu gì.

Hơn nữa, có thể coi các đối tượng đã “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội”. Tuy nhiên, hành vi của các đối tượng có đủ căn cứ và cấu thành tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” theo khoản 1 Điều 157 BLHS và cần truy tố, xét xử họ về tội này mới phù hợp.

Quan điểm thứ hai cho rằng, cần truy tố, xét xử các bị cáo về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” vì hành vi của các đối tượng đã cấu thành tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” là loại tội có cấu thành hình thức nên không nhất thiết phải có hậu quả chiếm đoạt tài sản xảy ra.

Tuy nhiên, khi thực hiện hành vi bắt cóc S, các đối tượng không biết S là trẻ em vì thể trạng S đã lớn, nhìn bên ngoài không biết S chưa đủ 16 tuổi. Mặt khác, các đối tượng không hiểu biết quy định pháp luật về việc đề cao việc bảo vệ trẻ em tức là chế tài pháp luật hình sự sẽ nghiêm khắc hơn, họ cũng không nhận thức được tính nguy hiểm mà hành vi của họ đang thực hiện đối với trẻ em cao hơn. Đến khi xét xử thì người bị hại đã hơn 16 tuổi nên có thể áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo theo ý thức chủ quan là "không biết” thì không áp dụng tình tiết định khung tăng nặng. Hậu quả của vụ án được hạn chế đáng kể, gia đình bị hại xin miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo.

Quan điểm thứ ba cho rằng, cần truy tố, xét xử các bị cáo về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” với tình tiết định khung là “Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 169 BLHS năm 2015 vì khi bị bắt cóc, bị hại S chưa đủ 16 tuổi.

Quan điểm thứ tư cho rằng, cần truy tố, xét xử các bị cáo về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” với tình tiết định khung “Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 169 BLHS năm 2015 vì tuy chưa lấy được tiền của gia đình bị hại, nhưng các đối tượng đòi tiền chuộc qua điện thoại là 600 triệu đồng, là đã thỏa mãn dấu hiệu “Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên” và tình tiết tăng nặng là “Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi” theo điểm i khoản 1 Điều 52 BLHS.

Tác giả ủng hộ quan điểm thứ ba.

Trên đây là nội dung vụ án và các quan điểm về việc xác định tội danh, tác giả rất mong nhận được ý trao đổi của các độc giả.

 

TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử vụ án chiếm đoạt người dưới 16 tuổi

 

TRẦN THANH SƠN (Toà án quân sự Khu vực Quân khu 7)