Cháy và kinh nghiệm phòng cháy, chữa cháy

Trong mấy ngày qua, các vụ cháy liên tiếp xảy ra tại TP HCM, Hà Nội, Vĩnh Phúc… đặt ra vấn đề phòng cháy chữa cháy rất bức xúc. Làm gì để phòng cháy chữa cháy có hiệu quả?

Liên tiếp các vụ cháy vào rạng sáng

Vụ cháy nghiêm trọng nhất xảy ra tại chung cư Carina, TP HCM rạng sáng 23/3/2018.  Sau 1 giờ huy động toàn bộ lực lượng tích cực chữa cháy, đám cháy đã được dập tắt. Kết quả lực lượng chữa cháy đã tổ chức thoát nạn cho khoảng 1.000 người, trực tiếp cứu được trên 150 người. Bảo vệ được khoảng 21.700m2 phần diện tích còn lại của chung cư (gồm một phần Block A, toàn bộ Block B, Block C) và hơn 400 xe ô-tô, 800 xe gắn máy, ngăn chặn không để cháy lan sang các Block nhà khác. Tuy nhiên, vụ cháy kinh hoàng đã khiến 14 người thiệt mạng và nhiều người bị thương, hàng trăm gia đình đang phải tá túc trong thời gian chờ được trở về nhà.

Vụ cháy chưa hết kinh hoàng thì ngay sau đó, khoảng 4g30 sáng  ngày 25/3 một vụ cháy lớn xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vina Korea, khu công nghiệp Khai Quang, tp Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Do chưa đến giờ làm việc, nên vắng mặt 4000 công nhân đang làm việc tại đây. Không có thiệt hại về người, nhưng nhà máy may và 4 nhà xưởng chứa hàng, chủ yếu là vải và quần áo thành phẩm đã bị thiêu rụi.

Tiếp đó, vụ cháy xảy ra lúc 2g sáng ngày 26/3 tại căn nhà 1 tầng, 1 trệt, trên đường Nguyễn Ảnh Thủ, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn (TP.HCM). Khi phát hiện cháy, nhiều người hô hoán và tìm cách dập lửa nhưng không thành nên họ báo cơ quan chức năng. Lúc này, trong căn nhà có cặp vợ chồng và 3 con đang ngủ. Hai con lớn trèo qua nhà hàng xóm thoát thân. Còn 3 người bị ngạt khói, được người dân và cảnh sát dập lửa, phá cửa cứu ra ngoài, nhưng bé trai 2 tuổi tử vong, người mẹ bị thương rất nghiêm trọng. Vụ cháy đã thiêu rụi căn nhà và đồ đạc.

Trước đó ít ngày, rạng sáng 17/3, xảy ra cháy tại một công ty dệt ở khu công nghiệp Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng đã thiêu rụi hàng nghìn m2 nhà xưởng sản xuất găng tay. Vụ cháy dai dẳng kéo dài hơn 8 tiếng đồng hồ.

Sáng 12/1/2018, tại khu công nghiệp Tân Liên, TP Hải Phòng, xảy ra cháy tại nhà kho hóa chất ở một xưởng may. Ngọn lửa đen kịt bốc cao hàng chục mét khiến nhiều công nhân và người dân hoảng loạn. Đứng từ xa hàng cây số vẫn nhìn thấy cột khói đen này.

Rạng sáng 6/2/2018, cháy lớn đã xảy ra tại chợ Chà Là, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Ngọn lửa xuất phát từ một cửa hàng kinh doanh kim khí điện máy, sau đó lan ra xung quanh. Hai vợ chồng trong cửa hàng này đã thiệt mạng.

Theo số liệu thống kê của Cục cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, trong 3 tháng từ giữa tháng 12/2017 – 15/3/2018, cả nước đã xảy ra hơn 1.000 vụ cháy, khiến 31 người thiệt mạng. Có vụ xảy ra tối 12/3/2018 tại ngôi biệt thự cổ ở TP Đà Lạt,chỉ 5 phút sau khi nhận được tin báo lực lượng cứu hỏa đã tiếp cận hiện trường nhưng 5 người trong nhà đã thiệt mạng. Có thể nói, cháy luôn là hiểm họa có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.

Làm gì để đảm bảo an toàn PCCC?

Nguy cơ cháy, nổ vẫn luôn tiềm ẩn mọi lúc, mọi nơi. Sau mỗi vụ cháy, nổ là những nỗi đau của những gia đình mất đi người thân, là những thiệt hại nặng nề về kinh tế, là nỗi lo lắng của người lao động về một môi trường làm việc thiếu an toàn. Vì vậy những việc cần làm để đảm bảo an toàn PCCC là trách nhiệm của mỗi người. Phòng Cảnh sát PCCC TP HCM khuyến cáo một số biện pháp cụ thể như sau:

  1. a.Kiểm soát nguồn nhiệt

Kiểm soát nguồn điện: hệ thống bảo vệ điện như: cầu dao, cầu trì phải có chất lượng tốt; Tiết diện dây dẫn phải đủ tải dòng điện sinh hoạt; do mùa khô lượng điện tiêu thụ tăng cao nên sinh ra hiện tượng quá tải dễ dẫn đến cháy, nổ; Kiểm tra hệ thống ổ cắm, mấu nối dây điện phải so le; Mời người có kiến thức chuyên môn về điện hỗ trợ, kiểm tra an toàn điện trong các hộ gia đình.

Nơi thờ cúng: Không trải giấy, báo, nilong để lót lư nhang thờ cúng;  phía trên phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu 0,5m từ điểm nhang cháy đến trần nhà; hạn chế đến mức thấp nhất việc thắp hương thờ cúng và hóa vàng, khi cần thiết phải thắp hương thờ cúng để phục vụ cho việc hành lễ, cúng, tế phải có người trông coi; dụng cụ đỡ nhang, đèn bố trí nơi chắc chắn, cố định, tránh ngã, đổ.

Nơi đun nấu: Kiểm tra việc rò rỉ gas, khi nấu xong phải tắt bếp và đóng van xả gas.

Không để xăng, dầu, chất dễ cháy gần bếp, gần ổ điện.

  1. b.Giải pháp thoát hiểm

Mỗi gia đình nên có dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra để an toàn thoát nạn khi cháy cụ thể:

Trang bị dụng cụ trữ nước, xô thùng xách nước, đèn pin, khăn, mềm để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy; trang bị bình chữa cháy và mọi người trong gia đình phải biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị.

Nên sử dụng các loại khóa kiểu chìa khác nhau để dễ phân biệt khi mở và quy định nơi để chìa khóa dễ lấy, không nhầm lẫn.

Trang bị dụng cụ phá dỡ như búa, kiềm cắt sắt… để tạo lối thoát nạn. Không bố trí đồ vật cản trở đường lối, cửa thoát nạn.

Nhà tầng nên trang bị thang dây thoát hiểm sự cố. Nhà có một lối ra cần chú ý cửa khóa tiện dụng, bình tĩnh mở lối thoát hiểm.

Đặc biệt, khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho Cảnh sát PCCC 114 hoặc đội dân phòng, chính quyền, Công an xã, phường gần nhất.

Vụ cháy trên đường Nguyễn Ảnh Thủ, Hóc Môn, TP HCM

 

CAO THANH LOAN