VICMC- thúc đẩy hoạt động hòa giải tại Việt Nam

Với những ưu điểm nổi bật, hòa giải đã và đang trở thành xu thế giải quyết tranh chấp trên thế giới, trong khu vực và tại Việt Nam. Chiều ngày 07/6/2019, tại Khách sạn Melia, 44 Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã diễn ra Lễ ra mắt Trung tâm Hoà giải Thương mại Quốc tế Việt Nam (VICMC)- một trong những Trung tâm Hòa giải Thương mại đầu tiên có tư cách pháp nhân độc lập được Bộ Tư pháp cấp Giấy phép thành lập vào năm 2018

Trung tâm hòa giải thương mại Quốc tế Việt Nam đầu tiên tại Việt Nam 

Trung tâm hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam (Vietnam International Commercial Mediation Center- VICMC) là trung tâm hòa giải thương mại đầu tiên được Bộ Tư pháp cấp Giấy phép thành lập theo Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hoà giải thương mại (Giấy phép số 01/BTP/GP ngày 20/12/2018).

Là một thành viên của Hội Luật Quốc tế Việt Nam (Vietnam Society of International Law-VSIL), Trung tâm hòa giải thương mại Quốc tế Việt Nam (VICMC) được thành lập và hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Mục đích của VICMC là đem đến cho khách hàng, doanh nghiệp, nhà đầu tư thêm một giải pháp về giải quyết tranh chấp thương mại ngoài tòa án- đó là hòa giải thương mại.

VICMC có năm sáng lập viên đều là hội viên của VSIL, trong đó ba thành viên Ban chấp hành VSIL là TS. Nguyễn Bá Sơn – Chủ tịch VSIL, LS. Nguyễn Hưng Quang – Ủy viên Ban chấp hành VSIL và TS. Nguyễn Minh Hằng – Ủy viên Ban chấp hành VSIL; LS. Lương Văn Lý – Trưởng ban Kiểm tra; LS. Vũ Thị Quế – Hội viên VSIL. Được sự giới thiệu của VSIL và sự tín nhiệm của các Sáng lập viên, LS. Nguyễn Hưng Quang giữ chức Chủ tịch Trung tâm hòa giải thương mại Quốc tế Việt Nam.

Hội đồng sáng lập Trung tâm hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam

Phát biểu tại buổi lễ ra mắt bà Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ tư pháp nhấn mạnh: Hiện nay, giải quyết tranh chấp dân sự, thương mại bằng hoà giải ngày càng được ưa chuộng trên thế giới bên cạnh phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống là tòa án và trọng tài bởi những lợi ích mà nó mang lại, như: (i) tiết kiệm thời gian, chi phí cho các bên; (ii) kiểm soát được kết quả đầu ra, tăng khả năng tự nguyện thi hành; (iii) duy trì được quan hệ làm ăn giữa các bên và (iv) mức độ bảo mật thông tin cao. Báo cáo Môi trường Kinh doanh (Doing Business) của Ngân hàng Thế giới đã nhận định hoạt động hoà giải là công cụ quan trọng để hỗ trợ cho việc thúc đẩy môi trường kinh doanh và tăng cường phát triển kinh tế. Trong tranh chấp thương mại quốc tế, hoà giải được coi là giải pháp vượt qua các rào cản về văn hoá và quyền tài phán.

 

Thứ trưởng Bộ tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại buổi Lễ (ảnh Đài truyền hình Hà Nội)

Không đứng ngoài xu thế phát triển chung của thế giới, việc phát triển các  phương thức giải quyết tranh chấp trong đó có phương thức hòa giải đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm từ rất sơm. Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” đã đề ra nhiệm vụ “khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài”. Đặc biệt, với việc Chính phủ ban hành Nghị định 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 về hoà giải thương mại, phương thức hòa giải thương mại đã có được nền tảng pháp lý vững chắc để phát triển và là mốc đánh dấu một bước chuyển quan trọng cho hoạt động hòa giải thương mại ở Việt Nam.

Sau nhiều nỗ lực, phối hợp của các Bộ, ngành, các tổ chức có liên quan, đặc biệt là sự hợp tác tích cực giữa Bộ Tư pháp và Hội Luật Quốc tế Việt Nam, ngày 20/12/2018, Bộ Tư pháp đã cấp giấy phép hoạt động cho Trung tâm hoà giải thương mại Quốc tế Việt Nam (VICMC)

Hòa giải giúp giảm thiểu thời gian, chi phí giải quyết tranh chấp

Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hỗ trợ. Với những ưu điểm nổi bật, hòa giải đã và đang trở thành xu thế giải quyết tranh chấp trên thế giới, trong khu vực và tại Việt Nam. Hòa giải giúp giảm thiểu thời gian, chi phí giải quyết tranh chấp. VICMC ra đời đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp đảm bảo thời gian giải quyết tranh chấp tại VICMC từ một ngày đến vài tuần, tùy mức độ phức tạp của vụ tranh chấp và thời gian của các bên tranh chấp.

Bảo mật là nguyên tắc quan trọng trong tiến trình hòa giải

Nguyên tắc bảo mật là nguyên tắc quan trọng trong tiến trình hòa giải và được đảm bảo theo Quy tắc hòa giải của VICMC, các bên vì vậy không lo vấn đề tranh chấp bị đưa ra công khai, làm ảnh hưởng uy tín.

Theo Quy tắc hòa giải của VICMC có hiệu lực từ ngày 7/6/2019, quy trình hòa giải được tiến hành với các phiên họp chung và các phiên họp riêng với các bên để các bên có thể cùng tìm giải pháp giải quyết vướng mắc, bất đồng. Hòa giải viên sẽ giúp mỗi bên hiểu vị thế hiện tại của bên đó, thúc đẩy các bên tự đưa ra phương án giải quyết. Hòa giải viên có thể đề xuất một phương án hòa giải tối ưu cho các bên. Với hòa giải, các bên có thể đi đến các giải pháp mang tính đột phá và thân thiện. Thỏa thuận hoà giải thành đạt được từ tiến trình hòa giải sẽ có hiệu lực ràng buộc và có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật dân sự, vì vậy, hòa giải còn được gọi là phương thức theo đó công lý được thiết lập bởi chính các bên tranh chấp.

VICMC thúc đẩy hoạt động hòa giải tại Việt Nam.

Ngoài việc thực hiện các hoạt động về hòa giải thương mại, VICMC còn chú trọng thực hiện trách nhiệm xã hội thông qua hoạt động đào tạo, tập huấn về hòa giải, nghiên cứu và thúc đẩy hoạt động hòa giải tại Việt Nam. Nhằm thực hiện mục tiêu này.

Tại buổi Lễ ra mắt, Trung tâm hoà giải thương mại Quốc tế Việt Nam ký kết thoả thuận hợp tác về đào tạo hoà giải thương mại với các cơ sở đào tạo luật và thương mại ở Việt Nam, Khoa Luật Trường Đại học Quốc Gia Hà Nội, Khoa Luật Trường Đại học Ngoại thương.

 

Ông Nguyễn Hưng Quang, Chủ tịch Trung tâm Hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam, thay mặt Trung tâm ký kết thỏa thuận hợp tác với các Trường Đại học (ảnh Đài Truyền hình Hà Nội)

Sự ra đời của Trung tâm hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động hòa giải thương mại tại Việt Nam, từ đó đóng góp vào việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, đồng thời đặt nền móng cho việc xây dựng, phát triển một lĩnh vực hành nghề pháp lý mới ở Việt Nam – nghề hoà giải thương mại./.

 

 

 

 

 

 

XUÂN BÁCH