Cần Thơ: Vụ bản án 4 năm vẫn chưa thi hành: Người được thi hành án có quyền rút lại số tiền tăng thêm?

Mặc dù tổng số tiền hỗ trợ của người được thi hành án dành cho người bị thi hành án được tăng thêm gần 600 triệu đồng nhưng bản án vẫn kéo dài hơn 4 năm mà không được thi hành. Vậy, người được thi hành án có quyền rút lại số tiền tăng thêm đó và chỉ thực hiện đúng với bản án của toà án hay không?

Đơn nêu ý kiến (V/v Thực hiện bản án dân sự sơ thẩm số 22/2018/DSST ngày 25/5/2018)

Sau bài viết “Cần Thơ: Bản án dân sự có hiệu lực hơn 4 năm vẫn chưa được thi hành”, Tạp chí Toà án nhân dân đã nhận được phản hồi từ người được thi hành án, Chi cục TTHADS Q.Cái Răng. Bên cạnh đó Cục Thi hành án dân sự TP.Cần Thơ cũng có văn bản báo cáo Tổng cục Thi hành án dân sự theo yêu cầu của Tổng cục.

Theo đó, bản án dân sự sơ thẩm số 22/2018/DSST ngày 25/5/2018 không có kháng cáo, kháng nghị nên có hiệu lực thi hành theo luật định. Bn án điều kiện thi hành, không phải không thể thi hành. Bên cạnh đó trong những lần họp ban chỉ đạo thi hành án, không ai có ý kiến gì về nội dung bản án.

Thông báo (V/v hoãn bàn giao đất bị thu hồi thuộc Dự án kè bờ sông Cần Thơ - ứng phó biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ)

Là nguyên đơn trong vụ án, mòn mõi chờ đợi hơn 4 năm nay, bà Trần Huỳnh Mai cho biết bà đã chờ đợi quá lâu và đến hiện tại đã hết kiên nhẫn: “Vợ chồng tôi vì tự nguyện giao đất để nhà nước thực hiện dự án vì lợi ích Quốc gia, cộng đồng nên mới mua miếng đất này (thửa đất trong vụ án) để chuyển nhà xưởng, kho bãi về đó nhằm bảo vệ công ăn việc làm cho gần 100 công nhân. Thế nhưng bản án đã có, hiệu lực thi hành đã có, tiền họ vận động tăng thêm gần 600 triệu đồng chúng tôi cũng đã đồng ý mà mọi thứ vẫn giậm chân tại chỗ. Tôi đã gửi văn bản nêu ý kiến cho Chi cục THADS Q.Cái Răng khẳng định ý chí của tôi rằng trong năm nay (năm 2022-PV), nếu vẫn không thi hành án thì tôi sẽ rút lại số tiền hỗ trợ tăng thêm, chỉ thực hiện đúng những gì TAND Q.Cái Răng đã tuyên”.

Bà Mai cho biết thêm sau khi được vận động tăng thêm tiền và bà đã đồng ý, nhưng những người vận động lại đề nghị bà phải mua đất, xây nhà và sau đó sang tên cho những người bị thi hành án. Trước phương án này thì bà Mai không đồng ý bởi lẽ không có gì đảm bảo rằng khi bà thực hiện xong thì những người bị thi hành án tự nguyện thi hành.

“Lúc đó họ yêu cầu chỉ lấy tiền thì tôi phải làm sao? Không có cơ quan hay cá nhân nào dám đứng ra bảo lãnh hoặc nhận trách nhiệm khi tôi hỏi lại. Hoặc tôi đã sang tên nhà đất cho họ, và họ vẫn không chịu tự nguyện thi hành án thì lúc đó tôi phải đau đầu thêm với một vụ tranh chấp khác trong khi vụ này vẫn chưa xong”, bà Mai cho biết.

Thông tin thêm về việc tự nguyện giao đất để thực hiện dự án vì lợi ích Quốc gia, cộng đồng, bà Mai cho biết mới đây bà đã gửi văn bản đến lãnh đạo HĐND, UBND thành phố Cần Thơ, cơ quan, ban ngành Q.Cái Răng để xin tạm hoãn giao đất. Bởi việc cơ quan Thi hành án Q.Cái Răng chậm trễ thi hành đã đẩy bà Mai vào thế khó vì nếu bàn giao đất để nhà nước thực hiện dự án thì cơ sở kinh doanh phải ngưng hoạt động. Và lúc đó sẽ vô tình đẩy gần 100 người lao động vào tình thế mất việc.

“Nếu cơ quan thi hành án không thi hành bản án của TAND Q.Cái Răng thì tôi đành chấp nhận bị cưỡng chế phần đất mà nhà nước thu hồi để thực hiện dự án. Bởi máy móc, thiết bị tôi chẳng biết phải chuyển đi đâu?”, bà Mai thông tin.

Trước câu hỏi người được thi hành án có quyền rút lại số tiền đã đồng ý hỗ trợ tăng thêm không? Chi cục trưởng Chi cục THADS Q.Cái Răng Nguyễn Thành Lập cho biết, Chấp hành viên cũng đã thông báo cho bên bị thi hành án nếu không tự nguyện thi hành án thì Chi cục cũng không có đi thu (tiền hỗ trợ tăng thêm). Nghĩa là người được thi hành án có quyền rút lại khoản hỗ trợ tăng thêm, điều đó không trái quy định của pháp luật.

Trả lời về việc vì sao bản án có hiệu lực đã hơn 4 năm, quyết định cưỡng chế thi hành án đã ban hành nhưng đến hiện tại vẫn chưa cưỡng chế? Ông Lập cho biết rất muốn sớm thi hành bản án này, nhưng vì chỉ đạo của ban chỉ đạo thi hành án nên vẫn chưa thể cưỡng chế.

“Tôi đích thân làm chấp hành viên thi hành bản án này (trước đây là Chấp hành viên khác) và tôi đã đề nghị Ban chỉ đạo thi hành án trong tháng 10 tổ chức cuộc họp để báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo tiếp theo. Quan điểm của tôi là kiên quyết thi hành bản án, nếu không tự nguyện thì phải cưỡng chế thi hành án”, ông Lập cho biết.

Trước đó, trong văn bản trả lời công dân của Chi cục THADS Q.Cái Răng ngày 18/4/2022 thể hiện, Chi cục có dự cuộc họp xin ý kiến của Ban chỉ đạo thi hành án về việc xin tiến hành cưỡng chế. Sau khi kết thúc cuộc họp, Trưởng Ban chỉ đạo thi hành án kết luận và chỉ đạo giao Chi cục THADS Q.Cái Răng tiếp tục kết hợp cùng chính quyền địa phương mời các bên thi hành án thỏa thuận trực tiếp với nhau, vận động thuyết phục thi hành án, vận động bên được thi hành án hỗ trợ cho các hộ dân được di dời đặc biệt là là hộ Huỳnh Thị Mai (có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn). Thời gian thực hiện đến hết tháng 6/2022 báo cáo kết quả cho Ban chỉ đạo để có hướng xử lý tiếp theo.

PV Tạp chí TAND đã liên hệ qua điện thoại với Trưởng Ban chỉ đạo thi hành án để hỏi về quan điểm của Ban chỉ đạo trong việc thi hành bản án này như thế nào? Người này đề nghị PV liên hệ ngành chức năng (Chi cục THADS Q.Cái Răng) vì mọi chỉ đạo đều có văn bản.

Được biết, ngày 26/9/2022, Tổng cục Thi hành án dân sự có công văn số 3023/TCTHADS-VP yêu cầu Cục Thi hành án dân sự TP.Cần Thơ xử lý thông tin báo chí của công dân.

Ngày 6/10/2022 Cục Thi hành án dân sự TP.Cần Thơ có văn bản số 898/CTHADS-KNTC gửi Tổng cục. Theo đó, văn bản của Cục Thi hành án dân sự TP.Cần Thơ thể hiện đúng với những gì Tạp chí Tòa án nhân dân đã nêu. Quá trình thi hành án, người được thi hành án đã từng có đơn khiếu nại Chi cục Thi hành án dân sự Q.Cái Răng chậm thi hành án, tuy nhiên sau đó người khiếu nại đã rút đơn.

Quyết định (V/v Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng)

Văn bản 898 của Cục Thi hành án dân sự TP.Cần Thơ cũng cho biết rằng quá trình thi hành án, Chấp hành viên đã nhiều lần vận động, thuyết phục nhưng đương sự không tự nguyện thi hành án, không thỏa thuận được phương thức giải quyết. Bên cạnh đó, đây là sự việc khó khăn phức tạp, đương sự có thái độ chống đối, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương nên hướng tới, Chi cục Thi hành án dân sự Q.Cái Răng sẽ báo cáo đề xuất họp Ban chỉ đạo để có hướng xử lý dứt điểm.

Điều 106, Hiến pháp năm 2013 quy định: Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành. Vì vậy, cơ quan Thi hành án là cơ quan có trách nhiệm cao nhất trong việc chấp hành và thi hành bản án. Mọi chỉ đạo nằm ngoài bản án chỉ có giá trị xem xét chứ không thể thay thế cho phán quyết đã có hiệu lực trong bản án.

Và nên chăng cần có quy định cụ thể hơn, gắn quyền lợi và trách nhiệm cao hơn đối với cơ quan thi hành án để mọi bản án phải được thực thi đúng thời hạn luật định.

Trần Tú - Thế Mỹ