Cần xác định lại thời gian sử dụng và quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất

Đất đã được gia đình bà Đàm Thị Ngọc Lý quản lý, cải tạo và sử dụng từ thế kỷ trước, nhưng chính quyền địa phương lại xác định “mới lấn chiếm, sử dụng vài năm”. Điều đó đã khiến cho cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa không thể xem xét giao đất có thu tiền sử dụng đất cho bà Lý theo quy định của pháp luật.

Cơ sở xác định thời gian gia đình bà Lý quản lý cải tạo và sử dụng lô đất số 05

Tháng 4/2014, ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND P.Ninh Hiệp ra thông báo số 23/TB-UBND về việc yêu cầu gia đình bà Đàm Thị Ngọc Lý (thường gọi Cô giáo Lý – ngụ Tổ dân phố 8, P.Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) tháo dỡ vật kiến trúc, trả lại mặt bằng để bán đấu giá quyền sử dụng đất đối với lô đất số 05, bản đồ trích đo phân lô chi tiết khu dân cư P.Ninh Hiệp.

Ngay sau đó, bà Lý có đơn khiếu nại thông báo số 23 nói trên. Ngày 29/8/2016, ông Nguyễn Văn Lanh (lúc này là Chủ tịch UBND P.Ninh Hiệp) ra quyết định bác đơn khiếu nại của bà Lý vì cho rằng đất do gia đình bà Lý đang quản lý và sử dụng thuộc lô khác, thửa khác. Lô đất số 05 căn cứ bản đồ địa chính năm 1994 và 2005 là đất thừa của Sông Cạn do UBND thị trấn Ninh Hòa (nay là P.Ninh Hiệp) quản lý.

Tháng 12/2016, UBND thị xã Ninh Hòa cũng ra quyết định số 3665 bác toàn bộ nội dung khiếu nại của bà Đàm Thị Ngọc Lý. Quyết định này khẳng định lô đất số 05 thuộc diện tích đường đi và bầu nước Sông Cạn, đây cũng là đất dôi dư hình thành sau khi xây dựng đường Sông Cạn năm 2003.

Thực tế, việc cơ quan chức năng phường Ninh Hiệp và thị xã Ninh Hòa xác định nguồn gốc đất như nói trên là đúng nhưng chưa đủ. Cái còn thiếu ở đây chính là việc chưa xem xét đến việc quản lý, cải tạo và sử dụng của gia đình bà Lý qua các thời kỳ.

 

Văn bản UBND thị xã Ninh Hòa báo cáo UBND tỉnh (bên phải) xác định "lô đất này bà Lý tạm sử dụng những năm gần đây", tuy nhiên văn bản bên trái thể hiện ông Nguyễn Cáp Lài (người thân và sau đó ủy quyền toàn bộ cho bà Lý) đã sử dụng lô đất này từ trước năm 1999. Chính việc xác định chưa chính xác thời điểm sử dụng của người dân đã khiến UBND tỉnh Khánh Hòa không thể xem xét cấp đất có thu tiền sử dụng đất cho dân theo quy định của pháp luật.

Theo tài liệu PV Tạp chí Tòa án nhân dân thu thập được, năm 1952, điều kiện để ông Đinh Thọ Phúc (là cậu của bà Lý, uỷ quyền đất cho bà Lý từ năm 1984) được làng Mỹ Hiệp chấp thuận cấp thêm đất là “ông Phúc phải chừa 1 phần đất để sửa 1 con đường dọc theo bờ cừ cho người dân xóm sau đi lại”. Lô đất số 05 theo xác định của chính quyền địa phương (hiện tại) thuộc con đường đó. Sau khi con đường được ông, cha rồi tới thế hệ bà Lý bồi đắp không còn được sử dụng (vì nhà nước mở 1 con đường khác) thì gia đình bà cũng đã canh tác từ đó đến nay.

Bằng chứng rõ ràng nhất chính là gia đình bà Lý được đền bù tài sản trên đất là cây trồng được xác lập biên bản vào tháng 8/1999. Nội dung biên bản thể hiện “tre – loại A – có nhiều gốc”, điều đó có thể khẳng định rằng, gia đình bà Lý đã canh tác trên lô đất số 05 trước đó rất lâu.

Đến năm 2003, khi sông Cạn được san lấp và hình thành đường Sông Cạn, gia đình đã Lý đã sử dụng phần đất này làm quán cà phê. Điều này cũng đã được cơ quan chức năng P.Ninh Hiệp và thị xã Ninh Hòa xác nhận ở rất nhiều văn bản. Tuy nhiên, việc xác lập gia đình bà Lý sử dụng, quản lý thửa đất 05 từ năm 2003 là đúng nhưng tính đến nguồn gốc. 

UBND tỉnh Khánh Hòa cần xem xét lại

Theo báo cáo tại văn bản số 606/BC-UBND ngày 25/12/2020 của UBND thị xã Ninh Hòa do Chủ tịch UBND thị xã ông Nguyễn Vĩnh Thạnh ký và văn bản số 2667 ngày 15/7/2021 của UBND thị xã Ninh Hòa do Phó Chủ tịch bà Nguyễn Thị Hồng Hải ký đều xác định rằng gia đình bà Đàm Thị Ngọc Lý đã sử dụng phần đất thuộc lô 05 từ năm 2003. Tuy nhiên có thể khẳng định rằng gia đình bà Lý đã sử dụng phần đất này trước khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực thi hành.

Điều 12, Luật Đất đai năm 2003: Khuyến khích đầu tư vào đất đai: Nhà nước có chính sách khuyến khích người sử dụng đất đầu tư lao động, vật tư, tiền vốn và áp dụng thành tựu khoa học công nghệ vào các việc sau đây: 1. Bảo vệ, cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất; 2. Khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước hoang hóa vào sử dụng; 3. Phát triển kết cấu hạ tầng để làm tăng giá trị của đất.

Như vậy, lô đất 05 được UBND P.Ninh Hiệp xác lập là đất do phường quản lý nhưng thực tế người có công bảo vệ, cải tạo (theo khoản 1), đưa vào sử dụng (theo khoản 2), phát triển kết cấu hạ tầng (theo khoản 3) lại là gia đình bà Đàm Thị Ngọc Lý. Bằng chứng đơn giản và rõ ràng nhất cho những việc mà gia đình bà Lý đã làm với lô đất 05 chính là việc gia đình bà được bồi thường cây trồng trên đất năm 1999 và bán cà phê từ năm 2003. Đây là một sự thật không thể chối cãi.

 

Lô đất số 05 nằm ngay điểm giao nhau của đường Sông Cạn và Đường Lê Lợi (P.Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa)

Nếu căn cứ vào Luật Đất đai năm 2013, tại khoản 2 Điều 101: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Thực tế, áp dụng luật này vào lô đất 05, gia đình bà Đàm Thị Ngọc Lý thỏa mãn toàn bộ các điều kiện như: Sử dụng ổn định trước ngày 1/7/2004, đất không tranh chấp với ai, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất… Đối với điều kiện vi phạm pháp luật về đất đai thì UBND P.Ninh Hiệp (trước đây là thị trấn Ninh Hòa) đã không có biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trước khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành; đã không có quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho đến thời điểm hiện tại.

Bên cạnh đó, việc đưa lô đất 05 ra bán đấu giá là chưa đúng quy định của pháp luật. Bởi lẽ, việc thực hiện phân lô nhưng cơ quan nhà nước không thực hiện việc thu hồi đất đối với thửa đất bà Đàm Thị Ngọc Lý đang sử dụng và không bồi thường, hỗ trợ tài sản, vật kiến trúc trên đất mà bà Lý đã đầu tư xây dựng.

Ở một diễn biến khác, việc quản lý, cải tạo và sử dụng đất dôi dư sau khi làm đường Sông Cạn không chỉ riêng gia đình bà Lý. Hiện tại, theo quan sát của PV Tạp chí Tòa án nhân dân, hầu như hai bên đường Sông Cạn người dân đã xây dựng nhà ở kiên cố. Như vậy, nếu thu hồi lô đất 05 để bán đấu giá xét về lý và cả về tình đều chưa phù hợp.

“Cả tôi và chồng tôi đều theo nghề giáo nên cũng phần nào hiểu biết và luôn chấp hành pháp luật. Đã từng có người bảo gia đình tôi nên xây dựng hết đất để tránh những phiền phức sau này nhưng chúng tôi không làm. Chúng tôi tin rằng pháp luật luôn công bằng và những gì thuộc quyền quản lý, sử dụng của chúng tôi sẽ được cơ quan chức năng các cấp xem xét thấu tình đạt lý”, bà Đàm Thị Ngọc Lý cho biết.

 

Lô đất số 05 (phần viền đỏ) được xác định rộng 96,3m2, tuy nhiên một phần trong lô đất này là bờ kè đã được chính quyền cũ cấp cho gia đình bà Lý. Như vậy, liệu rằng trừ ra khoảng 1,5m chiều rộng (đất bờ kè) thì liệu rằng lô 05 có đủ diện tích và kích thước cạnh để xây dựng? Bên cạnh đó, điều khó hiểu ở đây là các lô 02, 03, 04 (phần viền xanh) chỉ kéo theo mặt đường rất ngắn, như lô 05 lại quy hoạch rất dài, vì sao như thế?

Bà Lý cho biết thêm, kể từ lúc UBND P.Ninh Hiệp ra thông báo số 23 yêu cầu gia đình bà bàn giao lô đất số 5, bà đã gửi đơn khiếu nại, cầu cứu và đề nghị xem xét đến cơ quan chức năng các cấp. Nhưng vì việc xác định thời gian gia đình bà quản lý, sử dụng chỉ "vài năm gần đây" nên mọi đơn thư của bà đều bị bác bỏ. Bà Lý khẳng định thời gian gia đình bà sử dụng lô đất số 5 (cũng như lô 2, 3, 4) đủ điều kiện để nhà nước cấp đất cho bà.

Từ việc xác định chưa chính xác thời gian sử dụng đất của công dân, đã khiến những văn bản, chỉ đạo giải quyết giai đoạn trước năm 2020 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa không trái luật nhưng lại không đúng với thực tế khách quan. Quyền và lợi ích của nhà nước phải được đảm bảo, nhưng phải hài hòa với quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

 

THẾ MỸ