Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an điều tra vụ nhiễm sán lợn tại Bắc Ninh

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tình hình bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn tại một số địa phương và giao Bộ Công an điều tra làm rõ vụ thực phẩm bị nhiễm ấu trùng sán lợn tại tỉnh Bắc Ninh.

Về vấn đề bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn có dấu hiệu xảy ra ở một số địa phương, để chủ động phòng, chống bệnh này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Y tế cử ngay đoàn công tác về tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh có phát hiện để chỉ đạo phòng, chống bệnh, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, kịp thời hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa; tăng cường công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc kịp thời khám, điều trị cho người bệnh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định về an toàn thực phẩm, nhất là các cơ sở có bếp ăn cho học sinh và vệ sinh trường học; tuyên truyền, vận động học sinh và phụ huynh học sinh thực hiện ăn uống hợp vệ sinh và vệ sinh thân thể.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an điều tra làm rõ thực phẩm bị nhiễm ấu trùng sán lợn tại tỉnh Bắc Ninh.

 

Nhân viên y tế tiến hành lấy mẫu máu xét nghiệm sán lợn cho các học sinh trên địa bàn hai xã Thanh Khương và Mão Điền (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).

 

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các ngành chức năng, nhất là các ngành Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường các hoạt động tuyên truyền để người dân hiểu đúng về bệnh, chủ động thực hành các biện pháp vệ sinh, an toàn thực phẩm, thực hiện “ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn”; thực hiện phương thức sản xuất an toàn, hiện đại; chỉ đạo ngành Y tế chủ động phát hiện bệnh, điều trị tích cực, kịp thời cho các trường hợp nhiễm bệnh.

Trước đó, ngày 16/3,Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh cũng đã chỉ đạo khẩn trương điều tra làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan đến việc cung cấp thực phẩm không đảm bảo an toàn cho các trường học. Cụ thể là Ban quản lý an toàn thực phẩm tỉnh phải phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học; Sở GD-ĐT tỉnh chỉ đạo các cơ sở chủ động thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát, truy xuất nguồn cho các bếp ăn tập thể bán trú tại trường học…

Sở Y tế Bắc Ninh đã tổ chức lấy mẫu máu của học sinh 19 trường mầm non và tiểu học thuộc huyện Thuận Thành để xét nghiệm do nghi nhiễm sán từ thực phẩm. Việc xét nghiệm này do Sở Y tế Bắc Ninh tổ chức. Các mẫu máu sẽ được gửi ra Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để xét nghiệm sán lợn. Chi phí xét nghiệm 600.000 đồng đến một triệu đồng sẽ do tỉnh chi trả. Với các cháu nhiễm sán, tỉnh sẽ cấp thuốc điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.

Việc xét nghiệm cho học sinh mầm non Thuận Thành được triển khai sau khi hàng nghìn gia đình đưa con về Hà Nội khám do nghi nhiễm sán lợn. Việc này dẫn đến quá tải và hỗn loạn ở Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương và Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Chưa rõ nguyên nhân học sinh bị nhiễm sán từ đâu, tuy vậy, hồi cuối tháng 2 một số phụ huynh phát hiện thịt gạo trong bữa ăn tại trường mầm non Thanh Khương. Công an đã niêm phong số thực phẩm và đưa đi kiểm nghiệm. Đơn vị cung cấp thức ăn cho trường mầm non Thanh Khương đồng thời cung cấp thực phẩm cho hầu hết trường mầm non và tiểu học ở huyện Thuận Thành.

Hiện tại, Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Hương Thành, địa chỉ tại phường Đại Phúc, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh – đơn vị nghi vấn cung cấp thực phẩm bẩn cho trường mầm non Thanh Khương trong vụ nghi lây nhiễm sán lợn cho hàng nghìn học sinh đã gỡ bỏ biển hiệu.

Công ty này mới hoạt động từ 23/3/2018, như vậy chưa đầy một năm nhưng đơn vị này có thể cung cấp thực phẩm cho 19 trường học trên địa bàn huyện Thuận Thành.Riêng trường mầm non Thanh Khương đã ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với Công ty này  từ đầu năm học 2018-2019.

Phụ huynh lo lắng, xót xa đưa con cháu đi xét nghiệm

 

Trước đó, ngày 15/3 có khoảng 400 học sinh trường Mầm non Thanh Khương –  Thuận Thành, Bắc Ninh được gia đình đưa đến BV Bệnh Nhiệt đới TƯ và Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TƯ xét nghiệm, sau khi 3 bé ăn thịt lợn tại trường đi xét nghiệm, trong đó 2/3 trẻ có kết quả xét nghiệm dương tính với sán.

Kết quả tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong ngày 15/3 có 230 trẻ từ Bắc Ninh đến xét nghiệm, có 173 ca có kết quả, trong đó 44 trẻ huyết thanh dương tính sán.

Tại Viện Sốt rét và Kí sinh trùng Trung ương cũng ghi nhận 135 cháu trường mầm non trên đến khám sáng nay. Trong đó, kết quả xét nghiệm cho thấy 13/135 trẻ dương tính với sán lợn.

Sáng 16/3, số trẻ từ Bắc Ninh đến BV Bệnh Nhiệt đới xét nghiệm tìm sán lợn vẫn tăng lên, với trên 200 trẻ đến khám buổi sáng. “Bình thường tỷ lệ nhiễm sán lợn trong cộng đồng rất thấp, việc Thanh Khương có nhiều cháu bé nhiễm sán là bất thường, cần được quan tâm”, giáo sư Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho hay.

Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện ăn chín, uống chín, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh.

Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm, không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn). Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông. Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.

 

Khoản 4  Ðiều 317 BLHS 2015 về Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm quy định:

” Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: 

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 201 người trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;

đ) Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

e) Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”.

 

MINH KHÔI