Tòa án có thay đổi Thẩm phán khi đã ra quyết định  áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không?

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Thẩm phán V đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, sau đó Thẩm phán V được phân công tham gia Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án này. Thẩm phán V có thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi theo quy định của BLTTDS năm 2015.                                                                         

Hỏi: Năm 2017 bà Nguyễn Hồng L có khởi kiện yêu cầu tôi trả lại số tiền đã vay của bà L là 300.000.000 đồng, hợp đồng vay được lập ngày 12/5/2015. TAND Thành phố D đã thụ lý tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa tôi và bà L. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, bà V là Thẩm phán trong vụ án của tôi đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm tôi xuất cảnh đi Mỹ. Vì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện nên TAND Thành phố D đã huỷ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với tôi và chuyển hồ sơ cho TAND quận B giải quyết. Tôi đã có kháng cáo đối với bản án sơ thẩm của TAND quận B và TAND Thành phố D đã thụ lý theo thủ tục phúc thẩm. Tuy nhiên, tôi được biết Thẩm phán V là thành biên của Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án của tôi. Xin hỏi, tôi có quyền yêu cầu Hội đồng xét xử phúc thẩm thay đổi Thẩm phán V hay không?

                                                                (Trần Thị T, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh)

Trả lời: Theo Điều 68 BLTTDS năm 2015 thì “Đương sự” trong vụ việc dân sự được quy định như sau: “Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Căn cứ quy định tại Điều 70 BLTTDS năm 2015 thì một trong những quyền của đương sự là quyền: “Yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật này”. Như vậy, với vai trò là bị đơn trong vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản, bà hoàn toàn có quyền yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng và cụ thể ở đây là Thẩm phán V khi có căn cứ theo quy định của BLTTDS năm 2015.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 53 BLTTDS năm 2015 về “Thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân” thì một trong những căn cứ thay đổi Thẩm phán trong thủ tục tố tụng dân sự là: “Họ đã tham gia giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm vụ việc dân sự đó và đã ra bản án sơ thẩm, bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, quyết định giải quyết việc dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, trừ trường hợp là thành viên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao thì vẫn được tham gia giải quyết vụ việc đó theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm”.

Căn cứ theo quy định trên của pháp luật thì việc thay đổi Thẩm phán được tiến hành khi thoả mãn hai điều kiện là họ đã tham gia giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm vụ việc dân sự và đồng thời đã ra bản án sơ thẩm, bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, quyết định giải quyết việc dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, trừ trường hợp là thành viên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao.

Như vậy trong trường hợp của bà, Thẩm phán V đã tham gia giải quyết theo thủ tục sơ thẩm đối với vụ việc tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa bà và bà L. Tuy nhiên vì trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Thẩm phán V đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là cấm bà xuất cảnh sang Mỹ, quyết định này không thuộc các bản án, quyết định được liệt kê theo quy định tại khoản 3 Điều 53 BLTTDS năm 2015, do đó trong trường hợp của bà, Thẩm phán V không thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi theo quy định của BLTTDS năm 2015.

 

TAND quận Liên Chiểu, Tp Đà Nẵng xét xử vụ đòi nợ lương và BHXH - Ảnh: Ngọc Yến

     

Luật gia TRẦN BÌNH