PC Hà Nam tăng cường công tác an toàn và tuyên truyền đến khách hàng về công tác phòng chống cháy nổ

Hưởng ứng ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy năm 2021 và đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra. Công ty Điện lực Hà Nam (PC Hà Nam) chú trọng tăng cường công tác đảm bảo an toàn và tuyên truyền đến khách hàng sử dụng điện về công tác phòng chống cháy nổ.

Xác định công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn lưới điện. Những năm qua Công ty Ðiện lực Hà Nam đã chú trọng củng cố, kiện toàn lực lượng chữa cháy cơ sở đảm bảo đủ quân số, hoạt động hiệu quả. Ðơn vị thành lập Ban chỉ huy, đội PCCC và cứu nạn cứu hộ cơ sở với quân số hàng trăm đội viên. Ðồng thời, xây dựng nội quy, quy định, biển cấm, biển báo, chỉ dẫn về PCCC tại các cơ sở sản xuất, văn phòng làm việc từ Công ty đến các đơn vị.

Thực hành công tác PCCC tai hiện trường

Để công tác PCCC đạt hiệu quả, PC Hà Nam đã chủ động tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật PCCC tới cán bộ công nhân viên toàn Công ty, thông qua nhiều hoạt động thiết thực như: Phổ biến kiến thức, treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy nhân dịp “Tuần lễ Quốc gia an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ” và “Ngày toàn dân phòng chống cháy nổ”...  nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cán bộ công nhân viên trong công ty về công tác PCCC. Chú trọng củng cố, kiện toàn lực lượng chữa cháy cơ sở đảm bảo đủ quân số, hoạt động hiệu quả. PC Hà Nam cũng luôn quan tâm thực hiện công việc rà soát thay thế các tuyến dây và trạm biến áp quá tải, đo các điểm phát nhiệt trên dây dẫn để kịp thời phát hiện và có phương án xử lý ngăn chặn nguy cơ mất an toàn và cháy nổ trên hệ thống cung cấp điện, xử lý và bó gọn theo tiêu chuẩn 5S đối với hàng trăm cột điện có dây cáp viễn thông bùng nhùng gây mất an toàn.

Bên cạnh đó, PC Hà Nam tăng cường phối hợp với UBND, Công an tỉnh, Đài PTTH tỉnh, đài phát thanh huyện, thị tuyên truyền và hướng dẫn các điểm có nguy cơ mất an toàn, cháy nổ trên địa bàn theo quy định tại Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Để chủ động trong công tác ngăn chặn sự cố do cháy nổ, giảm nguy cơ cháy nổ từ chập cháy do điện và giảm thiểu thiệt hại từ các vụ cháy của nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn. PC Hà Nam đề nghị các cơ quan, đơn vị, các cơ sở kinh doanh dịch vụ và toàn thể nhân dân thực hiện tốt một số biện pháp phòng chống cháy nổ, cụ thể như sau:

Đối với các hộ gia đình:

1. Kiểm tra hệ thống điện, khắc phục các hỏng hóc có nguy cơ dẫn đén chạm chập, ngắt mạch điện. Các dây dẫn vỏ cách điện bị lão hóa, rạn nứt phải được thay thế. Các mối nối trên dây dẫn điện phải được bắt chặt. Các thiết bị điện lắp đặt trong nhà phải đảm bảo an toàn.

2. Kiểm tra nơi để đồ dùng, hàng hóa và các vật liệu khác có khả năng cháy được, nơi để các loại hàng hóa và đồ dùng dễ cháy phải cách xa nơi đun nấu và các nguồn nhiệt khác.

3. Thường xuyên kiểm tra hệ thống bếp gas, thay mới các ống dẫn gas đã bị rạn nứt, hư hỏng. Khi phát hiện có rò rỉ gas hoặc ngửi thấy mùi gas tuyệt đối không bật bộ phận đánh lửa của bếp, không bật công tắc điện, đèn hay bất cứ dụng cụ thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt nào, nhanh chóng mở cửa để gió tự nhiên vào cho thông thoáng khu vực nhà bếp, đồng thời kiểm tra vị trí bị rò rỉ. Yêu cầu những người không có nhiệm vụ bình tĩnh rời khỏi khu vực nguy hiểm, sử dụng máy điện thoại ngoài khu vực nguy hiểm để báo cho nhà cung cấp.

4. Thực hiện việc bảo quản, sắp xếp đồ dung trong gia đình ngăn nắp, đúng quy định, không lấn chiếm lối thoát nạn. Không dự trữ xăng, dầu, cồn trong nhà khi không cần thiết. Trường hợp phải dự trữ thì phải bảo quản trong các dụng cụ kín, chắc chắn, để cách xa các nguồn nhiệt.

5. Dự kiến các tình huống thoát nạn khi có sự cố cháy, bổ xảy ra, trang bị các dụng cụ trữ nước như xô thùng, các gia đình nên trang bị thêm các bình chữa cháy xách tay để phục vụ chữa cháy.

Đối với nơi làm việc, nơi sản xuất kinh doanh:

1. Trước khi tiến hành công việc phải thực hiện kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại nơi làm việc, nơi sản xuất kinh doanh do chính mình đảm nhiệm, nếu phát hiện có dấu hiệu mất an toàn về phòng cháy và chữa cháy phải tìm mọi cách để khắc phục.

2. Các hàng hóa, vật liệu dễ cháy phải được bố trí cách xa đường dây dẫn điện, chấn lưu đèn neon, bảng điện khoảng cách tối thiểu 0,5m. Không dung bàn là, bếp điện, bóng đèn sợi đốt để sấy khô hàng hóa (trừ các thiết bị chuyên dung). Khi sử dụng quạt di động hoặc quạt cố định ở khu vực có nhiều vật tư, hàng hóa phải có lồng bảo hiểm.

3. Không để vật tư, hàng hóa, phương tiện cản trở lối đi, lối thoát nạn. Không tàng trữ các chất nguy hiểm như xăng, dầu, ga tại nơi làm việc và trong khu vực làm việc, kinh doanh. Những nơi quá trình sản xuất, kinh doanh liên quan đến các chất dễ cháy phải tuân thủ các quy định về sử dụng, bảo quản các chất dễ cháy đó.

4. Khi nghỉ làm việc phải tắt các nguồn điện, nguồn nhiệt đồng thời kiểm tra các yếu tố khác có thể phát sinh nguồn nhiệt tại khu vực do mình đảm nhiệm. Khi phát hiện có cháy, nổ xảy ra dù là nơi ở hay nơi làm việc phải hô hoán cho mọi người cùng biết, nhanh chóng sử dụng các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị để khống chế đám cháy, đồng thời phải báo ngay cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy qua số điện thoại 114 để được hỗ trợ kịp thời.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật phòng cháy chữa cháy, mỗi người hãy tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng chống cháy nổ để có biện pháp phòng ngừa. Thường xuyên chú trọng việc quản lý và sử dụng an toàn nguồn nhiệt, nguồn lửa và các chất dễ cháy ở mọi lúc, mọi nơi, biết cách xử lý kịp thời khi có cháy xảy ra, hạn chế thấp nhất các vụ cháy nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra góp phần đảm bảo ANTT bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của mọi người.

QC