Phòng văn hóa và thông tin huyện Tân Trụ & Văn phòng HĐND - UBND huyện Lý Nhân

Huyện Lý Nhân: huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - XÃ HỘI

Trong 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lý Nhân đã tích cực triển khai mọi nguồn lực, nhất là khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng toàn diện và bền vững đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Những kết quả đạt được là nền tảng quan trọng để huyện tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới ở địa phương trong giai đoạn mới.

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị, song Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục có bước phát triển; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Xây dựng nông thôn mới có chuyển biến tích cực, diện mạo nông thôn có những thay đổi rõ nét. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại. Giá trị sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản năm 2020 ước đạt 2.160 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 5,45%/năm; giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đến năm 2020 ước đạt 112 triệu đồng/ha.

DSC_1270.jpg
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân

Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp theo tinh thần nghị quyết của Tỉnh ủy về đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo bước đột phá, phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến 2035, Lý Nhân đã tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa, xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Hàng năm, huyện chỉ đạo gieo trồng đúng thời vụ, làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ cây trồng nên diện tích gieo cấy hàng năm giảm nhưng năng suất lúa duy trì ổn định, nâng cao (đạt bình quân 120 tạ/hạ/năm); chỉ đạo các địa phương duy trì và phát triển sản xuất cây vụ Đông, đặc biệt cây vụ Đông trên đất 2 lúa nên diện tích cây vụ Đông ngày càng mở rộng, tập trung chủ yếu là cây vụ Đông hàng hóa. Bên cạnh đó, Lý Nhân còn tích cực triển khai thực hiện mô hình, đề án phát triển kinh tế trong nông nghiệp có gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như: Đề án ứng dụng một số giống cây trồng mới được triển khai tại các xã Nhân Mỹ, Phú Phúc, Bắc Lý, Nguyên Lý; kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất trồng lúa sang trồng cây có giá trị kinh tế cao và nuôi trồng thủy sản; đề án ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, trên địa bàn huyện hiện có 724 máy làm đất các loại, 95 máy gặt, 01 máy cấy; 100% diện tích được làm đất bằng máy; 55 diện tích gieo thẳng bằng công cụ sạ hàng và gieo bằng tay; 95% diện tích lúa thu hoạch bằng máy gặt đập liên hoàn.

Thực hiện chủ trương quy hoạch ruộng đất cho doanh nghiệp thuê để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; huyện đã từng bước đầu tư củng cố, nâng cấp hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao làm mẫu để các hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác và các hộ dân làm theo. Hiện nay trên địa bàn huyện đã quy hoạch và đang triển khai thực hiện 02 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 358,33 ha; tích tụ được 204,18 ha và bàn giao cho doanh nghiệp sản xuất bước đầu đạt hiệu quả.

Với chủ trương từng bước phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp nên trong thời gian qua ngành chăn nuôi đã có bước phát triển mạnh cả về quy mô, tổng đàn, cơ cấu vật nuôi. Tỷ trọng chăn nuôi tăng khá, ước đến năm 2020 chiếm 53% trong cơ cấu ngành nông nghiệp (tăng 7% so với nhiệm kỳ trước), tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước năm 2020 đạt 19.334 tấn, trong đó sản lượng lợn là 14.107 tấn. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đến nay là 1.564,8 ha với 446 lồng cá; giá trị nuôi trồng thủy sản năm 2020 ước đạt 250 tỷ đồng; hệ thống đê, kè, cống, kênh, mương từng bước được kiên cố hóa; các công trình thủy lợi thường xuyên được nạo vét, sửa chữa và nâng cấp, đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Năm 2009, huyện Lý Nhân bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, chọn xã Nhân Bình làm điểm của tỉnh. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp giúp đỡ của các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lý Nhân đã phát huy truyền thống cách mạng, chung sức, đồng lòng khai thác tiềm năng, thế mạnh, huy động nội lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM. Sau 10 năm triển khai thực hiện, hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện được đầu tư xây mới, nâng cấp đảm bảo đạt chuẩn; Chất lượng giáo dục, đào tạo được duy trì ổn định; Hệ thống y tế cơ sở được củng cố, tăng cường; Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được quan tâm phát triển; Công tác bảo vệ, tạo cảnh quan môi trường nông thôn được chú trọng. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Hệ thống chính trị các cấp được củng cố, kiện toàn, hoạt động ngày càng chất lượng, hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được đảm bảo và giữ vững. Với những thành tích đạt được huyện Lý Nhân vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2019, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Ba. Đến sang ngày 19/9/2020, huyện Lý Nhân long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2019 và Huân chương Lao động.

Là huyện trọng điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, những năm qua, Lý Nhân đã xây dựng 15 vùng sản xuất cây vụ Đông hàng hóa với tổng diện tích là 1.390 ha; 22 cánh đồng mẫu với tổng diện tích 260 ha; 14 mô hình tích tụ ruộng đất với tổng diện tích 58,1 ha. Đặc biệt, xây dựng 02 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Nhân Bình - Xuân Khê và Nhân Khang với tổng diện tích 204,18 ha, đầu tư khu nhà kính, nhà lưới để sản xuất rau, củ, quả, tạo việc làm ổn định cho khoảng 300 - 350 lao động địa phương với thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng ...

Cùng với phát triển nông nghiệp, huyện Lý Nhân cũng luôn chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trong những năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, bình quân 15,02%/năm, năm 2020 ước đạt 6.013,7 tỷ đồng (vượt mục tiêu đại hội), hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và làng nghề tiếp tục tăng trưởng, qua đó đã tạo điều kiện cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng tích cực. Trên địa bàn huyện hiện có 418 doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả trong đó có 103 doanh nghiệp công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; 15 làng nghề truyền thống tiểu thủ công nghiệp; 07 làng nghề tiểu thủ công nghiệp và 27 làng có nghề đã được UBND tỉnh công nhận.

Huyện Lý Nhân triển khai thực hiện các nhiệm vụ trên trong điều kiện có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đan xen. Tuy nhiên, với tinh thần đổi mới quyết liệt, phát huy cao nhất những ưu điểm, nghiêm túc khắc phục hạn chế, tồn tại Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra, góp phần tích cực vào việc đưa nghị quyết đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vào cuộc sống, tiếp tục xây dựng huyện Lý Nhân ngày càng phát triển./.

 

 

 

HUYỆN Tân Trụ: Trên đường đổi mới

Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Trụ (Long An) nỗ lực khắc phục khó khăn, đưa KT-XH của huyện ngày càng phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Sự đổi mới từng ngày trên quê hương anh hùng được minh chứng bằng thành quả đã đạt được. Công nghiệp, thương mại - dịch vụ phát triển ngày càng rõ nét.

Huyện Tân Trụ được bao bọc bởi một hệ thống sông ngòi, kênh, rạch rất thuận lợi cho giao thông đường thủy và là huyện duy nhất của tỉnh Long An được bao bọc bởi 2 con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Với lợi thế trên, thời gian tới huyện sẽ tập trung khai thác những lợi thế từ 2 con sông này. Đầu tư nâng cấp tuyến đê bao ven sông trở thành đường giao thông chính bao quanh huyện kết nối với đường vành đai thành phố Tân An. Tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp ven sông Vàm Cỏ Đông; phát triển khu dân cư - đô thị sinh thái, khu nghỉ dưỡng ven sông Vàm Cỏ Tây. Với lợi thế sẵn có, cùng với nguồn nhân lực dồi dào, Tân Trụ đã và đang phát huy các tiềm năng, không ngừng khai thác các lợi thế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời tập trung mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến nghiên cứu để đầu tư dự án trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch sinh thái. Tương lai không xa, Tân Trụ sẽ bứt phá trở thành huyện phát triển về công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch sinh thái.

Bên cạnh đó, huyện đã tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn” ở Khu công nghiệp (KCN) An Nhựt Tân. Năm 2020, KCN An Nhựt Tân là một trong những dự án được UBND tỉnh đưa vào danh sách trọng điểm thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Như vậy, sau gần 15 năm chờ đợi, dự án KCN An Nhựt Tân đã tổ chức khởi công và san lấp mặt bằng được 42/119,2 ha; Khu tái định cư dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 11 năm 2020 và bàn giao nền cho người dân. Việc hoàn thành san lấp mặt bằng KCN An Nhựt Tân là điều kiện thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, đưa KCN đi vào hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho người dân, tháo gỡ điểm nghẽn về phát triển kinh tế cho huyện và là tiền đề để giải phóng mặt bằng 4 cụm công nghiệp, cũng như mời gọi nhà đầu tư thực hiện các khu, cụm công nghiệp trong thời gian tới.

https://baolongan.vn/image/news/2020/20200819/images/IMG_2841.jpg

Huyện Tân Trụ tập trung xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư (Trong ảnh: San lấp mặt bằng, khởi công xây dựng Khu công nghiệp và Khu tái định cư An Nhựt Tân)

Xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư

Việc tập trung mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng không chỉ tạo diện mạo mới mà còn tạo nền tảng, động lực lớn để đẩy mạnh phát triển KT-XH của huyện. Huyện tập trung đầu tư khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng thế mạnh, thúc đẩy kinh tế phát triển toàn diện, kêu gọi đầu tư trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị sinh thái, du lịch sinh thái. Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối với đường tỉnh 827E (thành phố Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang), cụ thể như đầu tư nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 832, 833, Hương lộ Cống bần, Cao Thị Mai, Huỳnh Văn Đảnh và sắp tới là Hương lộ Bình An, Thanh Phong, đường đê ven sông Vàm Cỏ Tây; hệ thống giao thông nông thôn được kết nối trên toàn huyện, đáp ứng nhu cầu vận chuyển, cung ứng hàng hóa lớn.

Đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ và du lịch

Xác định phát triển thương mại - dịch vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy KT-XH địa phương. Thời gian qua, huyện triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từng bước điều chỉnh cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ,… Trụ cột quan trọng trong phát triển KT-XH được huyện xác định là đẩy mạnh phát triển công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Phố đêm Tân Trụ được hình thành trên Đường tỉnh 833, bố trí hơn 50 gian hàng chính thức đi vào hoạt động từ tối ngày 02/9/2019; tổng kinh phí xây dựng hơn 1,4 tỉ đồng, là một điểm nhấn, hứa hẹn tạo sức lan tỏa về tiềm năng du lịch của huyện trong thời gian tới.

 

https://baolongan.vn/image/news/2020/20200819/images/IMG_3428.jpg

Đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, ngày càng có nhiều doanh nghiệp

đến đầu tư trên địa bàn

Đi đôi đó, huyện chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh phát triển trên lĩnh vực kinh tế, nhất là tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ và du lịch. Huyện thu hút khá nhiều doanh nghiệp đến liên hệ xúc tiến đầu tư các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, hệ thống thương mại, dịch vụ,... Từ một huyện thuần nông, đến nay cơ cấu kinh tế ở Tân Trụ đã và đang chuyển dần sang công nghiệp, thương mại - dịch vụ.

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh, liên kết với vùng phát triển công nghiệp, đô thị và vành đai phát triển của TP.HCM. Sắp tới, đường tỉnh 827E (kết nối thành phố Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang). Một trong những công trình trọng điểm của tỉnh đi qua địa bàn huyện Tân Trụ sẽ hình thành, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho huyện ngày càng phát triển vượt bậc trong thời gian không xa.

Với những lợi thế du lịch sẵn có về địa hình được bao bọc bởi 2 con sông xanh biếc Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, những hàng cau xanh mát, những đường hoa rực rỡ; các khu di tích lưu lại những dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc như miễu Ông Bần Quỳ, Đám lá tối trời, Đình Thần Tân Phước Tây, đặc biệt là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Vàm Nhựt Tảo (nơi tưởng niệm vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực); những làng nghề truyền thống nổi tiếng như làm trống, dệt chiếu và văn hóa ẩm thực Nam bộ phong phú, đa dạng. Với định hướng đưa du lịch sinh thái trở thành ngành kinh tế trọng điểm, huyện đang tập trung đầu tư và kêu gọi khai thác “Du lịch sinh thái gắn với du lịch tâm linh”.

Chủ tịch Quốc hội dạo đường cau đẹp nhất miền Tây, muốn phát triển đường ven biển ĐBSCL - Ảnh 2.

Đường Hàng cau Tân Trụ, tuyến đường nổi tiếng tại tỉnh Long An

Phát huy truyền thống quê hương Tân Trụ anh hùng và tinh thần đoàn kết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững./.

QC