Thông tin tiếp theo về việc mời thầu quốc tế Nhà máy điện Nhơn Trạch 3& 4 Bài 2: Câu hỏi về trách nhiệm của chủ đầu tư PV POWER?

Tạp chí Tòa án nhân dân Điện tử số ra ngày 11/8 có bài “Nhà thầu nghi ngờ hồ sơ mời thầu có “khuất tất”, PV POWER nói gì?”. Tiếp tục tìm hiểu thông tin về sự việc, Tòa soạn ghi nhận nhiều ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp quốc tế đặt câu hỏi về việc bảo đảm tính minh bạch của pháp luật trong mời thầu.

Cơ quan quản lý Bộ Công Thương nói gì?

Đáng chú ý, tại Văn bản số 515/ĐL-NĐ&ĐHN ngày 21/4/2020 về việc thông báo kết quả thẩm định thiết kế cơ sở dự án NMĐ NT3 & NT4, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo đã lưu ý chủ đầu tư trong trường hợp đến thời điểm đấu thầu, nếu không có hoặc có ít các nhà sản xuất có thể đáp ứng điều kiện mời thầu, chủ đầu tư nên xem xét áp dụng các điều kiện quy đổi (như áp dụng các điều khoản tăng thời gian bảo hành, điều kiện về bảo hiểm gián đoạn trong vận hành và thay thế thiết bị hoặc xem xét kinh nghiệm số giờ vận hành tương đương của chủng loại tua bin khí của thế hệ H, J/JAC trước đó) để làm cơ sở đánh giá, lựa chọn nhà cung cấp.

Trích ý kiến của Cục ĐL tại Văn bản số 515/ĐL-NĐ&ĐHN ngày 21/4/2020

Tuy nhiên, khi phát hành hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư lại dường như “phớt lờ” ý kiến này, đưa ra một số yêu cầu để chỉ duy nhất một nhà thầu đáp ứng, dẫn tới phản ứng của các nhà sản xuất tua bin khí (OEM) hàng đầu thế giới. Cụ thể, hồ sơ mời thầu đã yêu cầu loại tua bin khí do nhà thầu chào cho dự án phải đã được cung cấp ít nhất 02 tổ máy trên toàn cầu, trong đó có ít nhất 01 tổ máy đã đưa vào vận hành thương mại với cùng tần số hay trong dải công suất định sẵn. Với yêu cầu này thì chỉ có thiết bị của GE do nhà thầu Samsung C&T Corporation đáp ứng, hay nói cách khác, chưa mở thầu cũng biết chỉ có doanh nghiệp này đương nhiên trúng thầu, việc đấu thầu chỉ còn hình thức.

Đấu thầu như vậy không đạt mục đích tiết kiệm mà còn làm tốn kém ngân sách

Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, nếu thiết bị của GE có tính ưu việt hơn hẳn thiết bị của các nhà sản xuất khác như chủ đầu tư khẳng định thì chủ đầu tư tổ chức đấu thầu làm gì cho tốn kém ngân sách của nhà nước, của doanh nghiệp? Lưu ý đây là gói thầu rất lớn, lên tới hơn 24 nghìn tỷ đồng và chỉ hồ sơ dự thầu đã chi phí tới 70 triệu đồng với mỗi doanh nghiệp!

Một chuyên gia về lĩnh vực tua bin khí cho biết: Đối với những người am hiểu lĩnh vực này thì công nghệ chế tạo tua bin khí rất đặc thù và chỉ có vài ba công ty trên thế giới có được. Mỗi nhà sản xuất đều có kinh nghiệm riêng và chỉ có họ mới có thể tối ưu hóa chu trình khí - hơi cho ra công suất, hiệu suất cao nhất. Thông số quan trọng như nhiệt độ đầu vào tua bin, thông số hơi lò thu hồi nhiệt vốn có sự khác biệt giữa các nhà sản xuất. Hồ sơ mời thầu mà quy định quá chi tiết về thông số kiểu này thoạt nhìn như là để đảm bảo độ chính xác chọn lựa cho chủ đầu tư nhưng thực ra là một dạng bẫy kĩ thuật tinh vi để lựa chọn nhà sản xuất này hay loại nhà sản xuất kia, và đương nhiên loại bỏ tính cạnh tranh trong công tác đấu thầu.

Tất cả tua bin khí thế hệ J như được gọi trong ngành đều trong giai đoạn phát triển đầu. Thực tế cho thấy, một tua bin được coi là kiểm chứng khi và chỉ khi vượt qua mốc 8.000 giờ vận hành thương mại, thậm chí là 25.000 giờ vận hành. Việc một tua bin được đưa vào vận hành (CoD) như yêu cầu của hồ sơ mời thầu hiện tại không nói lên được điều gì về tính kiểm chứng của tua bin. Nếu chủ đầu tư cần tua bin thế hệ mới (thế hệ J) thì phải chấp nhận thực tế là công nghệ đang được hoàn thiện, không thể đánh giá là tua bin này hoàn thiện hơn tua bin kia khi thiết bị chưa trải qua thời gian vận hành.

Trong hồ sơ mời thầu của mình, PV Power đã chấp nhận tua bin có thể chưa đủ 8.000 giờ vận hành (chỉ cần thiết bị  được đưa vào vận hành thương mại) là đã chấp nhận rủi ro của tua bin chưa kiểm chứng. Lí luận rằng tua-bin này có CoD mới là hơn tua bin kia là không chính xác về mặt kĩ thuật.

Tất cả 3 nhà sản xuất tua bin thế hệ J đều có những tổ máy đầu tiên đang xây dựng hay mới đốt lửa vận hành, do đó nói rằng các nhà sản xuất chào tua bin chưa có ở đâu cho PV Power là không đúng. Ít nhiều các nhà sản xuất này đều đã bán được hàng chục tua bin thế hệ mới trên thế giới. Thực tiễn cho thấy dự án tua bin khí nào trên thế giới đều phải có cả ba nhà sản xuất (GE – Mitsubishi Power – Siemens Energy) tham gia mới có thể đánh giá được tính cạnh tranh (cả kĩ thuật và thương mại), thiếu 1 trong 3 thôi đã là có vấn đề về cạnh tranh không lành mạnh.

Chúng tôi được biết, ngay trong giai đoạn chuẩn bị đấu thầu đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu là Công ty cổ phần Tư vấn Điện 2 (“PECC2”) đã nói rõ là với tình hình thị trường hiện tại và với dự thảo nội dung hồ sơ mời thầu, dự kiến sẽ có ít hơn 4 nhà sản xuất (OEM) tua bin có thể đáp ứng yêu cầu. Việc này sẽ làm giới hạn khả năng lựa chọn được nhà OEM cho tua bin khí tốt, giá thiết bị cạnh tranh, và đảm bảo lợi ích tốt nhất của chủ đầu tư. Để đảm bảo tính cạnh tranh, PECC2 đã khuyến nghị bên mời thầu có thể xem xét “mở rộng phạm vi yêu cầu năng lực kinh nghiệm đối với tua bin khí, cho phép các nhà thầu đệ trình hồ sơ chứng minh năng lực kinh nghiệm của cả hai dòng máy 50Hz và 60Hz để làm thông tin tham chiếu. Các tổ máy đã phát điện thương mại lên lưới cũng nên được chấp nhận dùng làm tham chiếu”. Khuyến nghị này phù hợp với ý kiến khi thẩm định thiết kế cơ sở của Cục Điện lực và năng lượng tái tạo như đã dẫn ở trên. Cần biết rằng, PECC2 có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nhiệt điện, đặc biệt là lĩnh vực điện khí, đã lập Báo cáo nghiên cứu khả thi cho nhiều dự án nhiệt điện khí như: Phú Mỹ 2-1; Phú Mỹ 1; Phú Mỹ 5; Phú Mỹ 3-2; Phú Mỹ 3; Cà Mau 1, 2; Nhơn Trạch 1, 2; Sơn Mỹ 1; Dung Quất 2….

Chuyên gia nói gì?

Về vấn đề này, PGS, TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam cho biết: Hiện nay, trên thế giới có một số quốc gia sử dụng mạng lưới điện tần số 60 Hz, một số quốc gia khác sử dụng tần số 50 Hz. Để đáp ứng đặc điểm này, các hãng chế tạo tuabin (cả tuabin hơi và tuabin khí) đều thực hiện việc chế tạo tuabin tần số 50 Hz và 60 Hz theo yêu cầu của người mua. Về thiết kế, cấu tạo và chế tạo, các hãng chế tạo đều không có gì khó khăn khi thực hiện chế tạo hai loại tuabin này và luôn luôn đáp ứng yêu cầu về tần số của người đặt hàng.

Sự khác nhau chủ yếu giữa hai loại tuabin là tốc độ quay của roto (3.000 và 3.600 vòng/phút). Tất nhiên, sự khác nhau về tốc độ quay của roto cũng sẽ dẫn đến sự khác nhau đôi chút về cấu tạo và các chỉ tiêu vận hành của hai loại tuabin, song sự khác nhau này là tiểu tiết và hoàn toàn trong khả năng thực hiện của nhà chế tạo.

Vì thế, hầu như không có chuyện trang bị tuabin 50 Hz cho hệ thống điện 60 Hz hoặc ngược lại. Vấn đề chủ yếu cần nhấn mạnh là nhà chế tạo hoàn toàn có khả năng và luôn đáp ứng yêu cầu về tần số của người đặt mua tuabin.

“Siemens cũng như nhiều hãng chế tạo tuabin khác đã cung cấp cho thị trường thế giới hàng trăm tuabin tần số 50 Hz và 60 Hz. Tại Việt Nam, đã có các nhà máy điện theo chu trình kết hợp khí - hơi công suất 750 MW của Siemens dùng tần số 50 Hz như Cà Mau 1 và 2, Nhơn Trạch 2. Việc Siemens có các nhà máy điện khác trên thế giới dùng tần số 60 Hz là do đặt hàng của người mua. Các tổ máy của Siemens trang bị tại Việt Nam đều là loại tổ máy tuabin khí công suất lớn nhất thế giới tại thời điểm đó, đạt các chỉ tiêu vận hành an toàn và kinh tế như các tổ máy của các hãng khác” – PGS, TS Trương Duy Nghĩa khẳng định.

Cần sửa đổi các yêu cầu kỹ thuật

Tuy nhiên, bất chấp khuyến nghị của các cơ quan chức năng và chuyên gia, chủ đầu tư một lần nữa không để ý đến các khuyến nghị của đơn vị tư vấn khi không có bất kỳ động thái sửa đổi hay làm rõ hồ sơ mời thầu phù hợp. Thực tế cho thấy tại thời điểm đóng thầu (13h30 ngày 06/8/2021), mặc dù có tới 16 nhà thầu trong và ngoài nước mua hồ sơ nhưng chỉ có duy nhất Samsung C&T Corporation (sử dụng thiết bị của nhà sản xuất GE) nộp hồ sơ dự thầu.

PV Power đến nay đã gia hạn thời điểm đóng thầu thêm 2 tuần, đến ngày 23/8/2021 để có thêm nhà thầu nộp hồ sơ. Tuy nhiên, nếu PV Power vẫn cố tình tiếp tục “phớt lờ”, không sửa đổi các yêu cầu mang tính kỹ thuật nêu trên theo ý kiến của Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cũng như khuyến nghị của PECC2 thì cũng sẽ chỉ có duy nhất một nhà thầu đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Như vậy việc đấu thầu chỉ còn mang tính hình thức, không đạt được yêu cầu đề ra là tiết kiệm cho ngân sách khi mà chỉ có duy nhất một nhà thầu tham gia và trúng thầu. Ngược lại, việc đấu thầu chỉ làm lãng phí, tốn kém thêm thời gian của doanh nghiệp và xã hội.

Dư luận hoàn toàn có thể đặt câu hỏi tại sao có tới 16 nhà thầu trong và ngoài nước mua hồ sơ nhưng chỉ có duy nhất một nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu thì có hay không những câu hỏi về sự dàn xếp ngầm phía sau hoặc ít ra là những tiêu chí quy định quá nhiều bất cập vô hình chung tạo thành một rào cản ngầm để “cài thầu”, khiến cho cuộc đấu thầu chỉ còn là hình thức. Điều này sẽ tạo tiền lệ không tốt trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, niềm tin của doanh nghiệp nước ngoài vào Chính phủ kiến tạo với nhiều đổi mới hiện nay.

Đó cũng là điều Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan ngại và đã nêu rõ trong Công văn số 5112/BKHĐT-QLĐT ngày 4/8/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Thứ trưởng Trần Quốc Phương ký gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Chúng tôi trích lại nội dung Công văn trên: “Đề nghị quý Tập đoàn lưu ý: Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (Điều 12 khoản 2) quy định trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Trường hợp phản ánh của Công ty Siemens Energy là chính xác, quý Tập đoàn cần có các biện pháp xử lý kịp thời, yêu cầu chủ đầu tư sửa đổi hồ sơ mời thầu, gia hạn thời điểm đóng thầu đảm bảo đủ thời gian cho nhà thầu chuẩn bị hồ sơ dự thầu (nếu cần thiết) để đảm bảo tính cạnh tranh, hiệu quả của gói thầu và dự án".

Tài liệu đính kèm

NHÓM PV