Áp dụng không thống nhất về miễn trách nhiệm hình sự, quy định tại khoản 3, Điều 29 BLHS 2015

Bộ luật hình sự năm 2015 (BLHS), có nhiều quy định mới về miễn trách nhiệm hình sự, tuy nhiên trong thực tế áp dụng các quy định này trong điều tra, truy tố, xét xử còn chưa thống nhất, gây ra thực tế thiếu công bằng giữa những người phạm tội có điều kiện tương đồng.

1.Quy định mới về miễn trách nhiệm hình sự

Bộ luật hình sự năm 2015 (BLHS), có nhiều quy định mới về miễn trách nhiệm hình sự, trong đó có quy định tại khoản 3, Điều 29: “Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.

Quy định này có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 theo Nghị quyết số 144/2016/QH1 ngày 29 tháng 6 năm 2016 của Quốc hội.

Việc quy định thêm trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 3, Điều 29, BLHS là nhằm khuyến khích người phạm tội có những hành động tích cực khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại thỏa đáng cho bị hại hoặc đại diện của bị hại để giảm bớt hậu quả của tội phạm. Thể hiện ý thức và trách nhiệm của người thực hiện tội phạm đối với hành vi phạm tội cần được các cơ quan tiến hành tố tụng để xem xét để có thể miễn trách nhiệm hình sự.

Với quy định này, để áp dụng miễn trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện tội phạm cần có các điều kiện sau:

Thứ nhất: Được áp dụng đối với loại tội phạm là tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác.

Thứ hai: Người phạm tội đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả.

Thứ ba: Người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải.

Thứ tư: Người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại có đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.

Như vậy khi đủ các điều kiện nêu trên thì người thực hiện tội phạm có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Qua thực tiễn giải quyết các vụ án “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại Điều 260, BLHS thấy rằng việc áp dụng quy định này còn tùy nghi, thiếu sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, qua các vụ án sau.

2.Áp dụng không thống nhất

21.Người phạm tội không được áp dụng để miễn trách nhiệm hình sự

Theo nội dung Bản án số 46/2018/HS-ST ngày 31/7/2018 của TAND huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên: Lê Văn T có Giấy phép lái xe hạng C do Sở Giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên cấp ngày 16 /11/2016, ngày 23 /02 /2018 T ký hợp đồng thuê 3 chiếc xe ô tô có tải trọng hàng hóa 8.500kg, biển số 89C-061.xx của Công ty TNHH thương mại và xây dựng M (sau đây viết tắt là Công ty M ) trong thời hạn từ ngày 23/02/2018 đến ngày 22 / 5/2018 để chuyên chở vật liệu xây dựng.

Khoảng 00 giờ 50 phút ngày 03/3/2018, T điều khiển xe ô tô biển số 89C-061.xx chở cát đi trên đường 380 theo hướng từ Phố Nối đi thành phố Hưng Yên đến Km 9+400 thuộc địa phận xã N, huyện Yên Mỹ thì điều khiển xe ô tô quay đầu theo hướng thành phố Hưng Yên đi Phố Nối. Khi T điều khiển xe chuyển hướng thì xe mô tô biển số 60A1-060.xx do anh Lê Văn T2 điều khiển đi trên làn đường chiều Phố Nối đi thành phố Hưng Yên đã đâm vào giữa xe ôtô do T điều khiển.

Hậu quả anh T2 chết tại chỗ, xe mô tô biển số 60A1-060.xx bị hư hỏng thiệt hại 12.000.000 đồng; xe ô tô bị hư hỏng thiệt hại không lớn.

Ông Lê Mạnh S là người đại diện theo ủy quyền của người đại diện hợp pháp của người bị hại ngày 03 /10 /2017 đã được Lê Văn T cùng gia đình và Chủ sở hữu xe ô tô biển số 89C-061.xx bồi thường thiệt hại tổng số tiền 150.000.000 đồng; Ông S không có yêu cầu gì về tài sản, bồi thường thiệt hại và có đơn xin miễn trách nhiệm hình sự cho Lê Văn T.

Lê Văn T không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, khi quyết định hình phạt Hội đồng xét xử thấy bị cáo có bà nội là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, bố bác là liệt sĩ; sau khi ra đầu thú đã thành khẩn khai nhận, ăn năn hối cải đồng thời cùng Công ty M bồi thường thiệt hại được người đại diện hợp pháp của người bị hại đề nghị miễn trách nhiệm hình sự. Mặt khác trong vụ án người bị hại có lỗi chính khi tham gia giao thông khi trong trường hợp bị cấm vì máu có nồng độ cồn vượt mức cho phép và không có giấy phép lái xe theo quy định khi điều khiển xe có dung tích xi lanh trên 175cm3 để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo theo quy định tại điểm b, 5 s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 của BLHS.

Hội đồng xét xử tuyên bố Lê Văn T phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Căn cứ vào khoản 1 Điều 260; điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; khoản 1 và 2 Điều 65 của BLHS. Xử phạt Lê Văn T 01 năm 3 tháng tù cho hưởng án treo.

Đối chiếu với quy định tại khoản 3, Điều 29, BLHS thì Lê Văn T đủ điều kiện được miễn trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử không áp dụng để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự là không sai quy định của pháp luật. Vì điều luật quy định là “Có thể” được miễn trách nhiệm hình sự, không phải là đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự.

Theo Bản án số: 60/2017/HSST ngày 25/7/2017 của TAND quận Sơn Trà, thành phố Đà Nặng lý do không áp dụng: Xét đề nghị của đại diện theo ủy quyền của gia đình người bị hại xin miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo theo hướng có lợi cho người phạm tội của BLHS 2015 thì thấy: Hiện nay, tình hình tội phạm vi  phạm qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ có chiều hướng gia tăng phức tạp, hậu quả của việc phạm tội để lại hết sức nặng nề, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Do đó, cần phải xử  lý nghiêm minh để răn đe và phòng ngừa đối với loại tội phạm này.

2.2. Người thực hiện tội phạm được áp dụng để miễn trách nhiệm hình sự.

Vào khoảng 15 giờ 15 phút ngày 07/7/2018, Đặng X. T điều khiển xe ôtô BKS 30A- 24x.xx đi theo hướng Quốc lộ 3 vào khu vực đền Gióng. Khi đi đến địa phận thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội thì phát hiện con chó ở dải phân cách giữa đường lao ra nên Đặng X. T đánh lái sang phải để tránh, do xử lý tình huống kém, không làm chủ tốc độ dẫn đến xe mất lái lao lên vỉa hè bên phải và đâm vào ông Nguyễn V. Th, đang đứng trên vỉa hè, tiếp tục đâm vào gốc cây sấu, xe ôtô bị bật ra và đổ nghiêng ra lòng đường.  Hậu quả: ông Nguyễn Văn Th tử vong tại chỗ, phương tiện bị hư hỏng.

Sau tai nạn T đã tự nguyện hỗ trợ cho gia đình bị hại tổng số tiền một lần là 130.000.000 đồng. Đại diện gia đình bị hại có đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho T. Anh T và chủ sở hữu xe ôtô BKS 30A-24x.xx đã tiến hành hòa giải dân sự, T tự nguyện bồi thường tổng số tiền một lần là 300.000.000 đồng. Chủ xe ô tô có đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho T.

Quá trình điều tra xác định nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội là do Đặng X.T khi điều khiển xe ôtô BKS: 30A-243.xx xử lý tình huống kém, không làm chủ được tốc độ nên khi gặp tình huống bất ngờ đã để xe mất lái, lao lên vỉa hè đâm vào ông Nguyễn V. T đang đứng trên vỉa hè làm ông Th tử vong tại chỗ.

Hành vi của Đặng X.T vi phạm khoản 23, Điều 8; khoản 1 Điều 12 Luật Giao thông đường bộ và khoản 5, Điều 5 Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT ngày 31/12/2015 của Bộ giao thông vận tải. Phạm vào tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại khoản 1, Điều 260, BLHS.

Cơ quan điều tra đã ra quyết định đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự đối với Đặng X. T vì có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, nhận thức đ­ược hành vi phạm tội của mình, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực khắc phục hậu quả, bản thân có nhiều thành tích trong quá trình công tác, đại diện các bên đã có đơn đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị can Đặng X T. Căn cứ Khoản 3, Điều 29, BLHS xác định có đủ điều kiện để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị can Đặng X. T. Việc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị can Thọ là do chính sách nhân đạo, khoan hồng của pháp luật.

Như vậy, Đặng X.T có đủ điều kiện để được miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 3, Điều 29, BLHS năm 2015 và được cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng và quyết định miễn truy cứu trách nhiệm hình sự là đúng quy định của pháp luật.

3.Cần có hướng dẫn liên ngành

Qua hai vụ án trên thấy rằng, người phạm tội có đủ các điều kiện để được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 3, Điều 29, BLHS nhưng có sự áp dụng khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Như vậy có sự không bình đẳng trong việc áp dụng pháp luật đối với người thực hiện tội phạm là không đúng quy định nguyên tắc xử lý được quy định tại Điều 3, BLHS là mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần và địa vị xã hội.

Vì vậy để áp dụng thống nhất quy định tại khoản 3, Điều 29, BLHS, cơ quan liên ngành trung ương cần có hướng dẫn cụ thể về trình tự, điều kiện áp dụng để đảm bảo áp dụng thống nhất trong cả nước, trách tùy nghi trong việc áp dụng pháp luật, đảm bảo mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật./.

 

 

 

HOÀNG ĐÌNH DUYÊN (Phòng Điều tra hình sự - Tổng cục Hậu cần - Bộ Quốc phòng)