Bàn về quy định cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho mục đích kết hôn đồng tính

Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích quy định mới về cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trong trường hợp yêu cầu vì mục đích kết hôn đồng tính theo thông tư 04/2020/TT-BTP Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch. Bởi lẽ, quy định mới này đã có những dấu hiệu cản trở quyền kết hôn của công dân.

1.Tổng quan quy định về cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân

Xác nhận tình trạng hôn nhân (XNTTHN) được hiểu là việc cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng hôn nhân của một cá nhân như: đã kết hôn, ly hôn, độc thân,… Việc xác nhận này được thể hiện qua việc cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho cá nhân để nhằm mục đích thực hiện các giao dịch dân sự cần thiết. Tùy thuộc vào từng mục đích của giao dịch dân sự mà việc cấp giấy XNTTHN sẽ phải đáp ứng điều kiện khác nhau.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, giấy XNTTHN có giá trị 06 tháng kể từ ngày cấp, được sử dụng để kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài hoặc sử dụng vào mục đích khác. Giấy XNTTHN không có giá trị khi sử dụng vào mục đích khác với mục đích ghi trong Giấy xác nhận[1]. Như vậy, sẽ có 03 trường hợp yêu cầu cấp giấy XNTTHN, đó là (1) yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân nhằm mục đích kết hôn ; (2) yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã có vợ hoặc chồng nhưng đã ly hôn hoặc người vợ hoặc chồng đã chết và ; (3) cá nhân yêu cầu cấp lại giấy XNTTHN để sử dụng vào mục đích khác hoặc do giấy XNTTHN đã hết thời hạn sử dụng[2].

Về mặt thẩm quyền, theo Điều 21 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Hộ tịch 2014 thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của công dân Việt Nam thực hiện việc cấp XNTTHN. Trường hợp công dân Việt Nam không có nơi thường trú, nhưng có đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó đăng ký tạm trú cấp. Quy định nêu trên cũng được áp dụng để cấp XNTTHN  cho công dân nước ngoài và người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam, nếu có yêu cầu. Trường hợp người yêu cầu đăng ký kết hôn đang công tác, học tập, lao động có thời hạn ở nước ngoài thì phải nộp XNTTHN do Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ quan đại diện) cấp[3].

2.Cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho mục đích kết hôn

Để làm thủ tục đăng ký kết hôn, người đăng ký kết hôn được yêu cầu phải xuất trình đầy đủ giấy tờ theo quy định, trong đó có giấy XNTTHN được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền. Đối với yêu cầu cấp GXNTTHN vì mục đích kết hôn, thì cá nhân yêu cầu cấp cần phải đáp ứng các điều kiện kết hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành (Luật HNGĐ 2014), cụ thể tại khoản 1 Điều 8 như sau :

« Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân gia đình. »

Như vậy, có thể hiểu là nam hoặc nữ nếu muốn kết hôn và đáp ứng đủ các điều kiện về độ tuổi, tính tự nguyện, năng lực hành vi và không thuộc trường hợp vi phạm điều cấm sẽ được cơ quan hộ tịch cấp giấy XNTTHN cho mục đích kết hôn. Giấy XNTTHN có giá trị đến thời điểm thay đổi tình trạng hôn nhân hoặc 06 tháng kể từ ngày cấp, tùy theo thời điểm nào đến trước. Trường hợp yêu cầu cấp  XNTTHN  để sử dụng vào mục đích kết hôn thì cơ quan đăng ký hộ tịch chỉ cấp một (01) bản cho người yêu cầu. Trong   XNTTHN phải ghi rõ họ tên, năm sinh, quốc tịch, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi dự định đăng ký kết hôn. Trường hợp yêu cầu cấp XNTTHN để sử dụng vào mục đích khác, không phải để đăng ký kết hôn, thì người yêu cầu không phải đáp ứng điều kiện kết hôn[4].

3.Vấn đề cấp giấy xác nhận trình trạng hôn nhân cho mục đích kết hôn với người có cùng giới tính

Với quy định nêu trên thì sẽ đặt ra câu hỏi là nếu cá nhân muốn xin giấy XNTTHN để kết hôn với người có cùng giới tính thì liệu có được hay không? Trước hết, cần phải biết rằng, khoản 2 Điều 8 Luật HNGĐ 2014 nêu rõ « Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính ». Như vậy, việc xin cấp giấy XNTTHN để kết hôn đồng tính ở trong nước là không có ý nghĩa và không cần thiết vì việc kết hôn sẽ không được thừa nhận và các cặp đôi cũng không thể tiến hành thủ tục kết hôn dân sự tại cơ quan có thẩm quyền.

Vấn đề đặt ra khi cá nhân muốn xin giấy XNTTHN để kết hôn với người có cùng giới tính ở nước ngoài, nơi mà HNĐT được pháp luật sở tại thừa nhận và bảo hộ. Cũng như Việt Nam, giấy XNTTHN hay giấy chứng nhận độc thân là một yêu cầu bắt buộc để tiến hành thủ tục kết hôn ở nhiều quốc gia, chẳng hạn như Cộng hòa Pháp. Nếu người Việt Nam muốn kết hôn tại nước ngoài thì cần phải có giấy tờ này. Thực tiễn cho thấy, nhiều trường hợp công dân Việt Nam xin giấy XNTTHN để kết hôn đồng tính tại nước ngoài đã bị từ chối vì lý do không đủ điều kiện kết hôn[5], tiếp cận về vấn đề này có thể chia làm hai quan điểm:

  • Quan điểm phản đối cho rằng, Điều 8 về Điều kiện kết hôn bao gồm cả khoản 1 và khoản 2. Vì thế, tại khoản 2 chỉ rõ Nhà nước không thừa nhận việc kết hôn giữa những người có cùng giới tính thì điều đó có nghĩa là người muốn kết hôn đồng tính không đáp ứng được các điều kiện đăng ký kết hôn và do đó không thể được cấp giấy XNTTHN.
  • Quan điểm ủng hộ cho rằng, chỉ có khoản 1 Điều 8 là đề cập đến điều kiện kết hôn và luật không nói rõ giới tính của đối tượng kết hôn là nam hay nữ trong các quy định về điều kiện nêu trên. Bên cạnh đó, Luật HNGĐ 2014 không còn cấm kết hôn đồng tính như phiên bản cũ 2005 mà chỉ là "không thừa nhận", trong các quy định về hành vi bị cấm kết hôn cũng không còn liệt kê việc hai người cùng giới tính kết hôn. Do đó, có thể hiểu là nếu kết hôn tại nước ngoài thì cá nhân vẫn đáp ứng được các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 8 luật HNGĐ 2014 và vẫn được cấp giấy XNTTHN nếu có nhu cầu kết hôn đồng tính tại nước ngoài.

4.Hạn chế của quy định mới liên quan đến cấp giấy XNTTHN để kết hôn đồng tính và kiến nghị điều chỉnh

Trước đây, dù rất nhiều trường hợp gặp phải quan điểm phản đối của cơ quan chức năng, và đã phải chuyển sang phương án xin giấy XNTTHN với lý do khác ngoài mục đích kết hôn, nhưng vẫn có một vài trường hợp gặp được quan điểm ủng hộ và xin được giấy XNTTHN để kết hôn đồng tính tại nước ngoài. Tuy nhiên, vừa qua với việc Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 04/2020/TT-BTP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Hộ tịch, khả năng xin giấy XNTTHN để kết hôn với người cùng giới tính tại nước ngoài đã không còn nữa.

Cụ thể, khoản 5 Điều 12 Thông tư 04/2020/TT-BTP nêu rõ : « Trường hợp yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn với người cùng giới tính hoặc kết hôn với người nước ngoài tại Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam thì cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết ».

Với quy định này, thông tư đã lấp khoảng trống của Luật Hộ tịch 2014 và Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Hộ tịch, qua việc nêu rõ trường hợp hạn chế được cấp giấy XNTTHN và sẽ không giải quyết nếu với mục đích kết hôn đồng tính. Tuy nhiên, quy định mới này lại tạo ra những hạn chế mới bất cập hơn so với thực trạng pháp luật trước đó. Cụ thể là thông tư không nêu rõ ràng liệu kết hôn đồng tính tại nước ngoài thì có thuộc đối tượng điều chỉnh của khoản 5 Điều 12 nêu trên hay không. Và với lối diễn đạt hiện tại, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể hiểu theo hướng là dù kết hôn ở Việt Nam hay nước ngoài thì chỉ cần là kết hôn với người có cùng giới tính thì sẽ không giải quyết cấp giấy XNTTHN.

Như vậy, vô hình trung, khoản 5 Điều 12 của Thông tư 04/2020/TT-BTP đã ngăn cản quyền kết hôn của công dân Việt Nam kể cả khi họ muốn kết hôn tại một quốc gia khác cho phép HNĐT. Nếu trước đây,Luật HNGĐ và Nghị định 123/2015 chỉ mới dừng lại ở việc hạn chế không thừa nhận hôn nhân đồng tính, thì nay Thông tư 04/2020, qua việc chi tiết hóa cơ chế cấp giấy XNTTHN, đã trực tiếp hạn chế quyền kết hôn của công dân đối với trường hợp kết hôn đồng tính kể cả trong nước lẫn ở nước ngoài. Từ đó, làm sâu thêm sự bất bình đẳng giữa cộng đồng người dị tính và người đồng tính đối với quyền hôn nhân.

Tác giả cho rằng cần phải điều chỉnh quy định nói trên theo hướng hoặc là bỏ trường hợp từ chối giải quyết vì xin giấy xác nhận để kết hôn đồng tính, hoặc phải nêu rõ nếu kết hôn đồng tính tại Việt Nam thì từ chối giải quyết cấp giấy XNTTHN ; còn nếu kết hôn đồng tính tại nước ngoài nơi thừa nhận HNĐT thì vẫn giải quyết cấp giấy XNTTHN cho họ. Bởi lẽ, suy cho cùng, thì nếu kết hôn trong nước mà thuộc trường hợp chưa đủ điều kiện hoặc nhà nước chưa công nhận thì việc cấp giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân cũng không có ý nghĩa. Còn nếu kết hôn đồng tính tại một quốc gia đã công nhận HNĐT, thì cá nhân đó chỉ phải tuân theo pháp luật nước sở tại và được pháp luật nước sở tại bảo hộ về các quyền đối với cuộc hôn nhân, pháp luật Việt Nam đã không còn phạm vi thẩm quyền trong trường hợp này, trừ trường hợp cá nhân đó về Việt Nam xin công nhận việc kết hôn ở nước ngoài.  Cơ chế cấp « giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân » theo quy định mới hiện nay sẽ là rào cản rất lớn đối với những người Việt Nam muốn ra nước ngoài tìm kiếm hạnh phúc và sự bảo hộ pháp lý đối với cuộc hôn nhân đồng tính của họ.

Kết luận

Tóm lại, liên quan đến quy định về cấp giấy XNTTHN, Thông tư 04/2020/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 16/07/2020 đã chi tiết hóa về quy trình, thủ tục và các trường hợp xét giải quyết yêu cầu. Tuy nhiên, việc chỉ rõ từ chối cấp giấy XNTTHN trong trường hợp kết hôn với người cùng giới tính có thể xem là một bước đi lùi làm cho điều luật trở nên vi hiến và gây nhiều bất cập, khó khăn cho công dân Việt Nam ở nước ngoài. Tác giả cho rằng cần phải nhanh chóng có những điều chỉnh phù hợp và kịp thời để đảm bảo quyền được kết hôn của cá nhân – một quyền cơ bản được Hiến pháp bảo vệ và cũng là quyền con người đối với mưu cầu hạnh phúc.

 

 

 

 

 

[1] Điều 23 Nghị định 123/2015/NĐ-CP Hướng dẫn thi hành luật Hộ tịch 2014

[2] Điều 22 Nghị định 123/2015/NĐ-CP Hướng dẫn thi hành luật Hộ tịch 2014

[3] Khoản 2 Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP Hướng dẫn thi hành luật Hộ tịch 2014

[4] Khoản 2 Điều 12 Thông tư số 04/2020/TT-BTP Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Hộ tịch

[5] http://www.thuvien.lgbt/chungnhandocthan

Th.S HOÀNG THẢO ANH (Giảng viên khoa luật Dân sự, Trường Đại học luật, Đại học Huế)