Cần khắc phục những vướng mắc trong các quy định về án treo

Nhận thấy những văn bản pháp luật điều chỉnh quy định về án treo còn có những điểm chưa rõ ràng, chưa hợp lý, khiến cho đến việc áp dụng chưa thống nhất, tác giả xin phân tích, bình luận một số nội dung liên quan đến quy định về án treo.

Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù. Theo đó, chế định án treo là một biện pháp cho phép đưa người phạm tội bị xử phạt hình phạt tù được giáo dục cải tạo tại cộng đồng để phục thiện, sửa chữa lỗi lầm với sự giúp đỡ và giám sát của gia đình, các cơ quan, đoàn thể xã hội tuy nhiên họ sẽ bị giới hạn trong một thời gian thử thách để làm thước đo xem xét thái độ tự cải tạo của họ khi được hòa nhập cộng đồng. Án treo hiện nay được quy định tại Điều 65 BLHS 2015 và Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP. Các văn bản quy phạm pháp luật trên đã có hiệu lực và được thi hành hơn 03 năm, qua thực tiễn nghiên cứu, áp dụng và tham khảo ở một số các công trình nghiên cứu có liên quan, tác giả nhận thấy những văn bản pháp luật điều chỉnh án treo này đã phát sinh một số chưa rõ ràng, chưa hợp lý ảnh hưởng đến việc áp dụng án treo chưa thống nhất.

1.Một số điểm chưa hợp lý trong quy định về án treo

 Thứ nhất, về khái niệm án treo

Điều 65 BLHS năm 2015 vẫn chưa đưa ra được khái niệm về án treo; trong khi đó, khái niệm án treo lại được thể hiện trong văn bản hướng dẫn là Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/05/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo. Do đó, để thuận lợi trong việc tra cứu và áp dụng, cần bổ sung khái niệm án treo trong BLHS.

Thứ hai: Trường hợp phạm tội nhiều lần thì không được hưởng án treo

Tại khoản 5 Điều 3 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP quy định chung chung về việc khi người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần thì không được cho hưởng án treo. Vấn đề đặt ra trường hợp người phạm tội thỏa mãn đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP trong đó người phạm tội có 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS và bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại điểm g) Phạm tội 2 lần trở lên thì có được cho hưởng án treo hay không?

Áp dụng đúng theo quy định của tại Điều 3 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP thì đây thuộc trường hợp không được hưởng án treo, vậy ở đây đang có sự mâu thuẫn trong cùng 01 văn bản quy phạm pháp luật giữa nội dung Điều 2 và Điều 3. Mở rộng hơn có thể thấy đang có sự phân hóa giữa các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự với nhau cụ thể là các tình tiết: Có tính chất chuyên nghiệp, có tính chất côn đồ, Phạm tội 2 lần trở lên, Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm, Dùng thủ đoạn xảo quyệt. Khi người phạm tội bị áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự này thì sẽ không được cho hưởng án treo; còn nếu bị áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự khác mà đáp ứng được các điều kiện tại Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP thì vẫn có thể được hưởng án treo. Điều này thể hiện sự bất hợp lý bởi các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 BLHS là các tình tiết phản ánh cách thức thực hiện tội phạm là phương thức, thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng để thực hiện tội phạm. Phương thức thủ đoạn mà người phạm tội thực hiện hoặc là tạo điều kiện cho người phạm tội thực hiện tội phạm dễ dàng, hoặc là làm tăng mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội[1]. Do vậy không thể đánh giá, phân loại là tình tiết này là tình tiết tăng nặng hơn tình tiết khác để không cho hưởng án treo, còn tình tiết khác thì có thể được hưởng án treo, thiết nghĩ vấn đề này cần được xem xét lại cho thật sự phù hợp.

Thứ ba: Quy định về khấu trừ khi có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự

Đoạn 2 khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP có quy định: “Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự”.

Về nội dung này, tác giả hoàn toàn đồng tình với quan điểm của PGS.TS. Trần Văn Độ được nêu tại Hội thảo tổng kết Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP về việc khấu trừ tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự vào tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để xác định có nhiều tình tiết giảm nhẹ thỏa mãn điều kiện cho hưởng án treo, liệu quy định như vậy có phù hợp hay không, bởi tính chất chất mức độ nguy hiểm của tội phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tình tiết nhân thân thể hiện tính nguy hiểm của người phạm tội… đã được căn cứ để quyết định hình phạt.

Theo quan điểm của PGS.TS. Trần Văn Độ: Việc đánh giá tính chất giảm nhẹ và nhân thân của người phạm tội để quyết định cho hưởng án treo hay không (tức là có bắt người phạm tội phải chấp hành hình phạt tù hay không) khác hoàn toàn với đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự để lựa chọn loại và mức hình phạt áp dụng đối với bị cáo. Hay nói cách khác theo hướng quy định nêu trên đã có sự khác nhau giữa căn cứ quyết định hình phạt và căn cứ miễn chấp hành hình phạt tù. Ngoài ra Điều 65 BLHS 2015 cũng không quy định về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, bởi vậy Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP cũng không nên quy định để hạn chế việc áp dụng chế định nhân đạo này.

Thứ tư, về điều kiện được hưởng án treo

Tác giả đồng tình với vướng mắc được PGS.TS. Trần Văn Độ nêu: Khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP: “Được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc”. Trong thực tiễn có nhiều trường hợp bị cáo là công dân của địa phương nào đó, nhưng không cư trú và sinh sống tại địa phương đó mà đi làm ăn ở nơi khác, mỗi năm chỉ về 1, 2 lần nên họ không biết việc phải đóng góp các nghĩa vụ tại địa phương như thế nào nên không đóng góp đầy đủ. VD: không đóng quỹ khuyến học, quỹ đền ơn đáp nghĩa… Trường hợp này có bị coi là không “thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân nơi cư trú” hay không?, Khi áp dụng tình tiết này có cần thiết phải có ý kiến nhận xét, đánh giá của chính quyền địa phương hay không ?

Khoản 5 Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP quy định: “Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.” Như thế nào là ảnh hưởng xấu? Đây là quy định mang tính định tính dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau và không thể áp dụng thống nhất được.

2. Kiến nghị

Trên cơ sở một số hạn chế, bất cập đã được trình bày tại, tác giả kiến nghị một số nội dung nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về án treo như sau :

  Thứ nhất: Cần đưa khái niệm pháp lý về án treo từ Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15 tháng 5 năm 2018 Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo vào trong BLHS, để thống nhất nhận thức và áp dụng trong thực tiễn.

Thứ hai: Cần có hướng dẫn thế nào là nhân thân "không cần bắt chấp hành hình phạt tù" thay cho nhân thân tốt. Nên giành cho HĐXX đánh giá tình tiết này thay cho việc hướng dẫn các trường hợp không cho hưởng án treo một cách cứng nhắc như: Phạm nhiều tội; phạm tội hai lần trở lên; có tiền sự, tiền án; hướng dẫn thế nào là phạm tội lần đầu (người bị kết án đã được xoá án tích được coi như chưa can án mà phạm tội mới thì phải được coi là phạm tội lần đầu)...

Cần loại bỏ quy định hạn chế về khấu trừ tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi người pham tội bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Theo đó khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP cần quy định như sau: “Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự”.

 Theo quan điểm của tác giả, các tình tiết nêu trên quy định tại Điều 3 chỉ được sử dụng làm căn cứ để không cho hưởng án treo trong trường hợp bị áp dụng là tình tiết định khung tăng nặng; còn nếu người phạm tội bị áp dụng các tình tiết trên là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 52 BLHS 2015 và thỏa mãn các điều kiện quy định tại Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP thì vẫn có thể được hưởng án treo.

Thứ ba: Cần hướng dẫn thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách. Thiết nghĩ trong nội dung quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP cần phải được chia làm 02 trường hợp cụ thể để đảm bảo sự công bằng, không gây bất lợi đối với người phạm tội.

Khoản 3 Điều 5 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP cần được sửa đổi lại như sau: “3.1 Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo vì có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm.

3.2. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo vì xuất hiện tình tiết mới thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án phúc thẩm

Tương tự lập luận trên, khoản 6, 7 Điều 5 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP cần phải được sửa lại nội dung xác định thời điểm bắt đâu thời gian thử thách như sau: “6. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án sơ thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

7. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Thứ tư: Cần có hướng dẫn về nội dung “thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc”, “không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”, để tránh việc lạm quyền, tùy tiện của chính quyền địa phương nơi người được hưởng án treo cư trú, gây khó khăn trong quá trình áp dụng.

Do đó cơ quan có thẩm quyền cần phải hướng dẫn rõ theo hướng liệt kê các nghĩa vụ mà công dân phải thực hiện đầy đủ để có căn cứ pháp lý, cũng như giải thích rõ như thế nào là ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội làm cơ sở áp dụng thống nhất.

 

TAND Tp Hội An, Quảng Nam xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Lê Thu Thảo

 

[1] http://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/79/89

Ths. NGUYỄN XUÂN BÌNH (TAND tỉnh Bắc Ninh) Ths. TRƯƠNG THỊ TỐ UYÊN (TAND thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương)