Giải quyết yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu

Bài nghiên cứu này bàn về việc xác định vụ việc yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, phân biệt loại vụ việc này với yêu cầu tuyên bố hợp đồng, giao dịch vô hiệu; bàn về một số vướng mắc trong thực tiễn xét xử về tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu; và cả về một lĩnh vực tranh chấp gần gũi là yêu cầu hủy chứng thực trái pháp luật.

Giải quyết yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu bao gồm cả giải quyết vụ án dân sự “Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu” theo quy định tại khoản 11 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) và giải quyết việc dân sự “Yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu” theo quy định tại khoản 6 Điều 27 BLTTDS. Đây là những loại vụ việc dân sự mới nên nhận thức và áp dụng pháp luật còn nhiều vấn đề chưa thống nhất. Chỉ riêng việc xác định thế nào là “văn bản công chứng” cũng đã khác nhau. Một số trường hợp sau khi kiện về yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không được chấp nhận (bị bác yêu cầu) lại chuyển sang kiện yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu và vẫn được Tòa án thụ lý giải quyết. Cùng là vụ án có yêu cầu tuyên bố một hợp đồng đã được công chứng vô hiệu, có Tòa án xác định tổ chức hành nghề công chứng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, có Tòa án chỉ xác định công chứng viên là nhân chứng, có trường hợp không đưa tổ chức hành nghề công chứng vào tham gia tố tụng.

1.Văn bản công chứng

1.1. Khái niệm văn bản công chứng

“Văn bản công chứng là hợp đồng, giao dịch, bản dịch đã được công chứng viên chứng nhận theo quy định” (khoản 4 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014 – sau đây gọi là Luật Công chứng).

Trong thực tế, có ý kiến cho rằng “Văn bản công chứng” chỉ là phần “Lời chứng của công chứng viên” vì tranh chấp về hợp đồng dân sự, giao dịch dân sự đã được quy định là một loại tranh chấp tại khoản 3 Điều 26 BLTTDS. Quan điểm này cho rằng đó là hai phần riêng biệt nên có thể khởi kiện về hợp đồng mà không khởi kiện về lời chứng, và ngược lại.

Trong đề tài này, tác giả nhận thấy rằng để hiểu rõ hơn những quy định hiện hành, có một số vấn đề phải tham khảo những quy định cũ. Vì vậy, ngoài pháp luật hiện hành là Luật công chứng, Nghị định 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng, cần tham khảo một số văn bản pháp quy như:

– Luật Công chứng năm 2006, có hiệu lực thi hành từ 01/7/2007;

– Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ Về Công chứng, chứng thực, có hiệu lực từ 01/4/2001;

– Nghị định số 31/CP ngày 18/5/1996 của Chính phủ Về Tổ chức và hoạt động Công chứng Nhà nước;

-Nghị định số 45/HĐBT ngày 27/2/1991 của Hội đồng Bộ trưởng Về Tổ chức và hoạt động Công chứng Nhà nước.

Trong quy định về Văn bản công chứng của Luật Công chứng năm 2006 có quy định rõ tại Điều 4 là:

“1. Hợp đồng, giao dịch bằng văn bản đã được công chứng theo quy định của Luật này gọi là văn bản công chứng.

Văn bản công chứng bao gồm các nội dung sau đây: a) Hợp đồng, giao dịch; b) Lời chứng của công chứng viên”.

Trong quy định về Lời chứng của công chứng viên tại khoản 1 Điều 46 Luật Công chứng cũng bao gồm “chứng nhận người tham gia hợp đồng, giao dịch hoàn toàn tự nguyên, có năng lực hành vi dân sự, mục đích, nội dung của hợp đồng, giao dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội…”.

Từ quy định của Luật Công chứng và tham khảo quy định của Luật Công chứng năm 2006 như nêu ở trên cho thấy Văn bản công chứng không phải chỉ là Lời chứng mà bao gồm cả hợp đồng, giao dịch và lời chứng về hợp đồng, giao dịch ấy.

1.2. Phân biệt Văn bản công chứng và Văn bản chứng thực

Văn bản công chứng có bao gồm cả văn bản chứng thực hay không là một vấn đề cần làm rõ trong thực tiễn xét xử. Thực tế, phần chứng nhận trong văn bản công chứng hay văn bản chứng thực đều được ghi là “Lời chứng”. Có trường hợp văn bản hợp đồng được UBND cấp xã ghi là chứng nhận nhưng lại vào sổ công chứng, có số với mã hiệu công chứng. Văn bản này bị khởi kiện yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu. UBND cho rằng chỉ là chứng thực nhưng vào sổ công chứng do cấp xã cũng có sổ công chứng từ trước đây để lại. Tòa án đã thụ lý vụ án tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, tuyên bố văn bản này vô hiệu vì thời điểm công chứng thì pháp luật quy định UBND cấp xã chỉ có thẩm quyền chứng thực chứ không có thẩm quyền công chứng. Đây là trường hợp phải làm rõ đối tượng bị khởi kiện là văn bản công chứng hay văn bản chứng thực, từ đó mới xác định được loại vụ việc và tố tụng thích hợp.

Trước đây, việc phân biệt công chứng với chứng thực không được rõ ràng. Nghị định 45-HĐBT không có quy định về chứng thực và còn có quy định UBND cũng thực hiện việc công chứng. Điều 20 Nghị định 45-HĐBT quy định:

“Ở các huyện, thị xã nơi chưa có Phòng công chứng Nhà nước, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã thực hiện các việc công chứng sau đây: 1- Chứng nhận hợp đồng dân sự; 2- Chứng nhận giấy ủy quyền…”.

Đến thời kỳ thi hành Nghị định 31/CP mới có quy định việc chứng thực của UBND đồng thời với quy định việc công chứng của công chứng Nhà nước.

Thời kỳ thi hành Nghị định 75/2000/NĐ-CP đã có quy định phân biệt rõ ràng về công chứng với chứng thực. Điều 2 của Nghị định này quy định:

“1. Công chứng là việc Phòng công chứng chứng nhận tính xác thực của hợp đồng được giao kết hoặc giao dịch khác được xác lập trong quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại và quan hệ xã hội khác (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch) và thực hiện các việc khác theo quy định của nghị định này.

Chứng thực là việc Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã xác nhận sao y giấy tờ, hợp đồng, giao dịch và chữ ký của cá nhân trong các giấy tờ phục vụ cho việc thực hiện các giao dịch của họ theo quy định của Nghị định này”.

Theo quy định của Điều 2 nêu trên thì phân biệt công chứng hay chứng thực là căn cứ vào cơ quan thực hiện việc chứng nhận chứ không phải căn cứ vào đối tượng được chứng nhận. Hợp đồng dân sự hay di chúc đều có thể được công chứng hoặc chứng thực; chứng nhận do Phòng công chứng thực hiện thì gọi là công chứng, do UBND thực hiện thì gọi là chứng thực.

Luật Công chứng năm 2006 và sau này là Luật Công chứng hiện hành chỉ quy định về hoạt động công chứng. Do vậy, phần quy định về chứng thực của Nghị định 75/2000/NĐ-CP vẫn tiếp tục có hiệu lực thi hành sau khi có Luật Công chứng năm 2006. Vì thế, cần phải tiếp tục phân biệt công chứng với chứng thực theo quy định tại Nghị định 75/2000/NĐ-CP.

Công chứng và chứng thực cùng là hoạt động chứng nhận nhưng do hai chủ thể khác nhau thực hiện. Trước khi có Luật Công chứng năm 2006, việc công chứng chỉ do Phòng Công chứng thực hiện (thời kỳ thi hành Nghị định 45-HĐBT thì Phòng Công chứng Nhà nước là đơn vị thuộc UBND tỉnh, từ thời kỳ thi hành Nghị định 31/CP là đơn vị thuộc Sở Tư pháp). Như vậy, thời kỳ này việc công chứng hay chứng thực đều do cơ quan hành chính nhà nước thực hiên. Do đó, Nghị định 75/2000/NĐ-CP quy định về quyền khởi kiện của người yêu cầu công chứng, chứng thực là “tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính” (Điều 69).

Quy định về người được Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu chỉ có từ Luật Công chứng năm 2006 (Điều 45). Loại vụ việc này cũng chỉ chính thức quy định trong BLTTDS từ BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011. Như vậy, kiện về chứng thực vẫn là kiện hành chính, chỉ có kiện về công chứng mới là kiện về dân sự (giải quyết theo tố tụng dân sự). Và cũng vì vậy, văn bản công chứng không bao gồm văn bản chứng thực, hay nói cách khác, văn bản chứng thực không phải là đối tượng của vụ việc tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.

1.3. Chứng nhận của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có phải văn bản công chứng không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật Công chứng thì:

“1. Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản, văn bản ủy quyền và các hợp đồng, giao dịch khác theo quy định của Luật này và pháp luật về lãnh sự, ngoại giao trừ hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng bất động sản tại Việt Nam”.

Như vậy, văn bản có chứng nhận của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về các giao dịch quy định tại khoản 1 Điều 78 nêu trên cũng là “văn bản công chứng”. Tuy nhiên, cần phải phân biệt “văn bản công chúng” nêu trên với “văn bản hợp pháp hóa lãnh sự” và “văn bản chứng nhận lãnh sự”. Theo quy định tại khoản 1 Nghị định 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ Về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự thì:

“1. “Chứng nhận lãnh sự” là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu của Việt Nam để giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng ở nước ngoài.

“Hợp pháp hóa lãnh sự” là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu của nước ngoài để giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng tại Việt Nam.”.

1.4. Phân biệt Văn bản công chứng với hợp đồng, giao dịch, bản dịch được công chứng

Văn bản công chứng bao gồm cả đối tượng được công chứng và lời chứng của công chứng viên. Do vậy cần có sự phân biệt, không đồng nhất văn bản công chứng với các đối tượng được công chứng là hợp đồng, giao dịch khác, bản dịch được công chứng.

Một văn bản công chứng bị tuyên bố vô hiệu nhưng giao dịch, hợp đồng trong văn bản công chứng đó có thể không vô hiệu. Ví dụ:

– Hợp đồng cho thuê nhà ở theo Luật Nhà ở năm 2014 là không bắt buộc phải công chứng nhưng có quyền yêu cầu công chứng. Do đó, nếu việc công chứng không đúng thủ tục thì văn bản công chứng về hợp đồng thuê nhà ở vô hiệu nhưng hợp đồng thuê nhà ở vẫn có hiệu lực.

– Một người tự viết di chúc và đã ký, ủy quyền cho một người khác đi công chứng di chúc này. Di chúc tự viết và ký là một loại di chúc hợp pháp, không cần phải công chứng, theo quy định tại Điều 633 BLDS năm 2015. Tuy nhiên, việc công chứng di chúc thì người lập di chúc phải tự mình yêu cầu. Văn bản công chứng di chúc không do người lập trực tiếp yêu cầu bị tuyên bố vô hiệu nhưng bản di chúc để ở nhà (có nội dung và hình thức như bản di chúc đưa đi công chứng) vẫn là một bản di chúc hợp pháp.

2.Giải quyết tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu (khoản 11 Điều 26 BLTTDS)

2.1. Về phạm vi giải quyết tranh chấp

Từ khái niệm văn bản công chứng nêu ở mục 1 cho thấy khi có yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu thì phải hiểu yêu cầu đó bao gồm cả yêu cầu xem xét, phán quyết về Lời chứng của công chứng viên và xem xét, phán quyết về nội dung giao dịch, hợp đồng. Người khởi kiện có thể chỉ nêu vi phạm của giao dịch, hợp đồng, hoặc chỉ nêu vi phạm của thủ tục công chứng thì phạm vi xem xét vẫn phải là toàn bộ văn bản công chứng. Người khởi kiện có thể sử dụng không đúng thuật ngữ pháp lý như yêu cầu “hủy công chứng vô hiệu” nhưng nếu nội dung yêu cầu xác định đó là một văn bản không có hiệu lực thì vẫn là yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, thuộc loại tranh chấp quy định tại khoản 11 Điều 26 BLTTDS.

2.2.Về hậu quả tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu

Khi chấp nhận yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu thì toàn bộ văn bản đó vô hiệu. Tuy nhiên, văn bản đó vô hiệu có thể do vi phạm về thủ tục công chứng, có thể do vi phạm về nội dung, có thể do vi phạm cả về thủ tục và nội dung. Do văn bản công chứng không đồng nhất với đối tượng được công chứng như đã nêu ở tiểu mục 1.4. nên đồng thời với việc chấp nhận yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, Tòa án phải phán quyết rõ đã có vi phạm về thủ tục hay về nội dung, bao gồm cả việc tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu. Nếu chỉ xác định Văn bản công chứng vô hiệu do vi phạm về thủ tục công chứng thì phải xác định giao dịch có  hiệu lực (nếu đủ điều kiện có hiệu lực). Tòa án đã giải quyết về yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu là đã xem xét cả về thủ tục và nội dung của văn bản  nên nếu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu mà không tuyên giao dịch vô hiệu thì cũng là đã giải quyết tranh chấp về giao dịch, các chủ thể có liên quan không được khởi kiện lại về giao dịch này. Tất nhiên, nếu không có yêu cầu giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu thì Tòa án không giải quyết về hậu quả giao dịch vô hiệu; các chủ thể liên quan có quyền khởi kiện về hậu quả giao dịch vô hiệu bằng vụ án khác.

2.3. Về xác định đương sự

Trong vụ án tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, người có quyền khởi kiện được quy định rộng hơn nhiều so với các tranh chấp dân sự khác. Theo quy định tại Điều 52 Luật Công chứng thì: “Công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật”.

Những người quy định tại Điều 52 nêu trên đều có thể là nguyên đơn trong vụ án tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu. Tổ chức hành nghề công chứng (Phòng công chứng, Văn phòng công chứng) không được nêu trong Điều 52 thì họ có thể là nguyên đơn hay không? Điều 38 Luật Công chứng quy định về trách nhiệm bồi thường là: “1. Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà công chứng viên, nhân viên, hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng”. Như vậy, trách nhiệm bồi thường là của pháp nhân. Do đó, pháp nhân có trách nhiệm bồi thường cũng phải có quyền yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu để ngăn chặn thiết hại có thể tiếp tục xảy ra. Xác định Tổ chức hành nghề công chứng có quyền khởi kiện yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu không trái với Điều 52 nêu trên; đây là trường hợp “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” được quy định tại Điều 52.

Theo quy định của khoản 3 Điều 68 BLTTDS thì bị đơn đã được nguyên đơn xác định từ việc khởi kiện. Tuy nhiên, việc xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp liên quan đến tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu có đặc biệt hơn so với các vụ án dân sự thông thường.

Khoản 2 Điều 38 Luật Công chứng quy định: “Công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên gây thiệt hại phải hoàn trả lại một khoản tiền cho tổ chức hành nghề công chứng đã chi trả khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật; trường hợp không hoàn trả thì tổ chức hành nghề công chứng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết”. Như vậy, trách nhiệm dân sự hoàn trả cụ thể của công chứng viên, nhân viên, người phiên dịch không được giải quyết ngay trong vụ án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu nhưng đã có thể phát sinh từ việc giải quyết vụ án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu. Do đó, dù tổ chức hành nghề công chứng đã tham gia tố tụng với tư cách đương sự thì vẫn phải đưa công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch bị cho rằng có vi phạm gây ra thiệt hại tham gia tố tụng với tư cách đương sự (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) chứ không phải chỉ là nhân chứng.

2.4. Về tranh chấp về hợp đồng, giao dịch có văn bản được công chứng

Trong thực tiễn tranh chấp về hợp đồng, giao dịch có nhiều trường hợp chỉ có  yêu cầu tuyên bố giao dịch hoặc hợp đồng vô hiệu mà không có yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu. Tuy nhiên, đối với một giao dịch, hợp đồng đã có công chứng thì khi có yêu cầu tuyên bố giao dịch, hợp đồng vô hiệu phải coi là có cả yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, và việc xác định đương sự thì cũng phải xác định như vụ án liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.

Ví dụ: Nguyên đơn A khởi kiện chia thừa kế theo pháp luật của cha là ông X. Các thừa kế hàng thứ nhất của ông X là anh A, chị B, anh C. Anh C xuất trình Di chúc của ông X, có công chứng, có nội dung cho anh C hưởng toàn bộ di sản. Anh A và chị B yêu cầu không công nhận di chúc. Trong trường hợp này phải xác định có yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu (quy định tại khoản 11 Điều 26 BLTTDS) chứ không phải chỉ có tranh chấp về thừa kế tài sản (quy định tại khoản 5 Điều 26 BLTTDS); tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên phải được tham gia tố tụng với tư cách đương sự.

Tuy nhiên, có tranh chấp về giao dịch, hợp đồng đã được công chứng nhưng không có ai yêu cầu xác định giao dịch, hợp đồng đó vô hiệu, chỉ có yêu cầu thực hiện quyền, nghĩa vụ của giao dịch, hợp đồng có hiệu lực thì không thuộc trường hợp có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu.

Ví dụ: N ký hợp đồng bán nhà ở cho M. Hợp đồng đã được công chứng. N khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng vì M đã có vi phạm hợp đồng nghiêm trọng là không trả tiền đúng hạn theo hợp đồng. M không đồng ý hủy hợp đồng với lý do chậm trả tiền do trở ngại khách quan nên chỉ đồng ý trả thêm tiền lãi chậm thanh toán. Đây là trường hợp hợp đồng đã có công chứng nhưng không có yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu (N và M đều thừa nhận việc công chứng không có vi phạm, hợp đồng mua bán nhà ở đã có hiệu lực). Do đó, Tòa án không phải giải quyết việc công chứng đúng hay sai và tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên không phải tham gia tố tụng với tư cách đương sự.

2.5. Phân biệt với các tranh chấp khác về công chứng

Cũng cần phân biệt vụ án tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu với các tranh chấp khác về công chứng. Điều 76 Luật Công chứng quy định: “Trong tường hợp giữa người yêu cầu công chứng và công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng có tranh chấp liên quan đến hoạt động hành nghề công chứng thì các bên có quyền khởi kiện vụ việc ra Tòa án để giải quyết tranh chấp đó”. Đây là những tranh chấp không thuộc tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu. Ví dụ: Yêu cầu công chứng viên hoàn trả tiền Phòng Công chứng đã phải bồi thường thiệt hại do vi phạm của công chứng viên; yêu cầu bồi thường thiệt hại do việc từ chối công chứng không đúng quy định của pháp luật; yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên; yêu cầu trả lại phí công chứng và chi phí khác thu vượt quá quy định… Những tranh chấp này là “các tranh chấp khác về dân sự” theo quy định tại khoản 14 BLTTDS

3.Giải quyết yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu (khoản 6 Điều 27 BLTTDS)

Giải quyết yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu là một việc dân sự. Theo quy định tại Điều 361 BLTTDS thì “Việc dân sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý…công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động”. Như vậy, đây là trường hợp yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu không bị tranh chấp. Không bị tranh chấp bao gồm cả trường hợp các đương sự thỏa thuận và cả trường hợp không có thỏa thuận nhưng không có tranh chấp (như trường hợp có một trong những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã chết).

Đương sự trong việc dân sự không có nguyên đơn, bị đơn, mà chỉ có người yêu cầu và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu là một loại việc dân sự đặc biệt nên việc xác định đương sự, xác định phạm vi giải quyết cũng có những yếu tố đặc biệt cần lưu ý như nội dung phân tích ở các tiểu mục 2.1, 2.2, 2.3 nêu trên.

4.Giải quyết yêu cầu hủy văn bản chứng thực

Văn bản chứng thực không phải là văn bản công chứng nên yêu cầu hủy văn bản chứng thực vẫn là khiếu kiện hành chính (như quy định tại Điều 69 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP đã nêu ở trên).

Hoạt động chứng thực, sau Nghị định số 75/2000/NĐ-CP được thay thế phần Chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký bằng Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007, còn phần Chứng thực hợp đồng, giao dịch thì đến Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 mới được quy định mới.

Văn bản pháp quy có hiệu lực hiện hành về chứng thực là Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ Về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch. Bộ Tư pháp đã có Thông tư 01/2020/TT-BTP ngày 03/3/2020 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 23/2015/NĐ-CP. Quy định của pháp luật hiện hành về chứng thực hợp đồng, giao dịch khác có một số vấn đề cần lưu ý là:

– Điều 35 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định: “1. Người yêu cầu chứng thực phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; tính hợp lệ, hợp pháp của các giấy tờ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 36 của Nghị định này. 2. Người thực hiện chứng thực chịu trách nhiệm về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch”. Như vậy, khác với người thực hiện công chứng, người thực hiện chứng thực không chịu trách nhiệm về nội dung của hợp đồng, giao dịch. Họ có quyền từ chối khi phát hiện nội dung hợp đồng, giao dịch trái pháp luật, đạo đức xã hội; có quyền lập biên bản vi phạm, giữ lại hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý (Điều 21 Thông tư số 01/2020/TT-BTP).

– Khoản 1 Điều 38 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định: “Việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực chỉ được thực hiện khi có thỏa thuận bằng văn bản của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch”. Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 01/2020/TT-BTP cũng quy định: “ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm ban hành quyết định hủy bỏ giá trị pháp lý của giấy tờ, văn bản chứng thực quy định tại khoản 1 Điều này đối với giấy tờ, văn bản do Phòng Tư pháp chứng thực. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm ban hành quyết định hủy bỏ giá trị pháp lý của giấy tờ, văn bản chứng thực quy định tại khoản 1 Điều này đối với giấy tờ, văn bản do cơ quan mình chứng thực”. Như vậy, khác với hoạt động công chứng, thủ tục chứng thực có quy định về việc cơ quan chứng thực tự hủy bỏ văn bản chứng thực.

Văn bản chứng thực không phải là Quyết định hành chính, không phải một quyết định cá biệt làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của một tổ chúc, cá nhân mà chỉ là hành vi chứng nhận một sự kiện pháp lý. Vì vậy, khởi kiện yêu cầu hủy văn bản chứng thực là khởi kiện hành chính đối với Hành vi hành chính. Khởi kiện hành chính yêu cầu hủy văn bản chứng thực chính là khởi kiện yêu cầu xác định hành vi chứng thực là không đúng pháp luật hoặc là khởi kiện yêu cầu thực hiện hành vi hủy bỏ văn bản chứng thực. Việc giải quyết yêu cầu hủy văn bản chứng thực theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính.

Người khởi kiện có thể lựa chọn khởi kiện hành chính hoặc khởi kiện dân sự về hợp đồng, giao dịch. Nếu khởi kiện hành chính, có thể đồng thời yêu cầu cơ quan hành chính bồi thường thiệt hại nhưng không thể yêu cầu giải quyết tranh chấp hợp đồng, giao dịch (kể cả yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu) trong vụ án hành chính. Nếu lựa chọn khởi kiện dân sự, văn bản chứng thực không phải là Quyết định hành chính cá biệt nên khi giải quyết các vụ việc dân sự có văn bản chứng thực (như tranh chấp một hợp đồng mà văn bản hợp đồng có chứng thực của UBND) thì Tòa án không bắt buộc phải hủy văn bản chứng thực, không phải đưa cơ quan chứng thực vào tham gia tố tụng.

CHU XUÂN MINH (Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao)