Hợp đồng vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức – Thực trạng và hướng hoàn thiện

Hình thức hợp đồng thực hiện hai chức năng: (i) là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng và (ii) là bằng chứng giao kết hợp đồng . Bài viết, đánh giá thực trạng các quy định của pháp luật Việt Nam về hợp đồng vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức; đồng thời đề xuất một số giải pháp hoàn thiện trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm pháp luật nước ngoài.

Dẫn nhập

Theo nguyên tắc chung thì một hợp đồng vô hiệu sẽ giải phóng toàn bộ cam kết của bên không những trong tương lai mà còn cho quá khứ[1].Một hợp đồng vô hiệu là một hợp đồng không tồn tại theo luật, không có giá trị pháp lý, không có giá trị bắt buộc thực hiện, không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với các bên tham gia hợp đồng từ thời điểm xác lập[2]. Hợp đồng vô hiệu là một hợp đồng mà pháp luật không thừa nhận, không có giá trị ràng buộc đối với các bên giao kết. Hợp đồng vô hiệu sẽ không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lý mà các bên đã cam kết trong hợp đồng.

1.Thực trạng pháp luật về hợp đồng vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức

Hình thức hợp đồng là sự biểu hiện ra bên ngoài của nội dung của hợp đồng, gồm tổng hợp các cách thức, thủ tục, phương tiện để thể hiện và công bố ý chí của các bên, ghi nhận nội dung của hợp đồng và là biểu hiện cho sự tồn tại của hợp đồng[3].

Hình thức của hợp đồng không chỉ là hình thức thể hiện nội dung của hợp đồng mà còn là những thủ tục mà pháp luật quy định bắt buộc các bên giao kết hợp đồng phải tuân thủ khi giao kết một số loại hợp đồng như phải có công chứng, chứng thực…[4].

Theo Vũ Văn Mẫu, vai trò của hình thức hợp đồng có thể tóm tắt trong bốn điểm: (i) các hình thức trọng thể được ấn định cho một số hành vi quan trọng, cốt để các đương sự chú trọng đặc biệt việc mình sắp làm; (ii) các hình thức chứng cứ để dẫn chứng trước pháp luật (luật tố tụng trong trường hợp này chỉ chấp nhận hai cách dẫn chứng: “chứng thư hợp đồng” và “sự thú nhận của đương sự”); (iii) các hình thức cấp-tư-năng nhằm đảm bảo quyền định đoạt của những người chưa hoàn toàn có tư cách chủ thể độc lập để tự mình xác lập các giao dịch dân sự (ví dụ người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi khi xác lập, thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản của mình); (iv) các hình thức công bố trong trường hợp có liên quan đến người thứ ba[5].

Về nguyền tắc, hợp đồng có thể được giao kết bằng bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể[6]. Đối với các loại hợp đồng mà pháp luật quy định phải tuân theo các hình thức nhất định thì phải tuân theo các quy định đó như bằng văn bản, phải công chứng hoặc chứng thực…  Ví dụ, theo quy định của Luật Thương mại năm 2005 thì đối với hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế [hợp đồng được ký kết giữa các bên có trụ sở thương mại nằm trên lãnh thổ của các quốc gia khác nhau[7]] thì phải được lập bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương[8].

Điều 129 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định:  “Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:

-Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó; 

-Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực”.

Theo quy định nêu trên của BLDS năm 2015, áp dụng với hợp đồng, chúng ta có thể thấy một số vấn đề sau đây:

 Thứ nhất, hình thức của hợp đồng là phương tiện thể hiện nội dung của hợp đồng. Có hai trường hợp hợp đồng được coi là không tuân thủ về hình thức đó là: (i) Hình thức văn bản không đúng quy định của pháp luật và; (ii) Hình thức văn bản vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực.

 Thứ hai, điều kiện để hợp đồng không tuân thủ hình thức được Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực đó là tồn tại trên thực tế việc một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ hợp đồng Nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền)[9].

Theo đó, đối tượng của nghĩa vụ là tài sản, công việc phải thực hiện hoặc không thực hiện, và đối tượng phải xác định được. Như vậy, theo Điều 129 BLDS năm 2015 việc thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch có thể hiểu là: (1). Một bên hoặc các bên đã chuyển giao ít nhất hai phần ba vật; (2) Đã chuyển giao ít nhất hai phần ba quyền. (3). Một bên hoặc các bên đã trả ít nhất hai phần ba tiền hoặc giấy tờ có giá. (4). Một bên hoặc các bên đã thực hiện hoặc không thực hiện ít nhất hai phần ba công việc đã thỏa thuận.

Tuy nhiên, không phải việc một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong hợp đồng thì hợp đồng đó đương nhiên có hiệu lực, mà cần có thêm điều kiện là phải thông qua con đường Tòa án. Cụ thể là, theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, sau khi xem xét đầy đủ các điều kiện của hợp đồng như đã nêu trên thì Tòa án sẽ ra quyết định công nhận hiệu lực của hợp đồng đó[10].

Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các quy định này đã bộc lộ những khó khăn nhất định, cụ thể:

 Một là, Không quy định cụ thể những loại hợp đồng nào phải tuân thủ điều kiện hình thức. Điều 129 BLDS năm 2015 không quy định cụ thể những loại hợp đồng nào phải tuân thủ điều kiện hình thức và khi nào thì hình thức của hợp đồng là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng mà chỉ quy định về hình thức bắt buộc của một số loại hợp đồng như: Hợp đồng mua bán, tặng cho nhà ở phải được lập thành văn bản, có công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, và có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật… Bên cạnh đó, một số văn bản pháp luật chuyên ngành đặt ra yêu cầu hợp đồng phải có một số nội dung bắt buộc như: Luật Xây dựng quy định hợp đồng xây dựng phải có ít nhất 14 nội dung như khối lượng công việc, yêu cầu kỹ thuật của công việc, thời gian và tiến độ thực hiện hợp đồng… hay Luật Kinh doanh bất động sản yêu cầu hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà hay công trình xây dựng phải có 12 nội dung gồm giá, phương thức và thời hạn thanh toán, thời hạn giao, nhận bất động sản… Trường hợp hợp đồng không có đầy đủ các nội dung bắt buộc trên thì có thể xem đã vi phạm điều kiện về hình thức của hợp đồng hay không?;

 Hai là, Điều 129 BLDS 2015 có hai khoản nhưng ranh giới giữa hai điều khoản này rất khó xác định trên thực tiễn. Cụ thể khoản 1 Điều 129 BLDS 2015  đề cập các hợp đồng đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật. Đồng thời, khoản 2 Điều 129 BLDS 2015 đề cập đến các hợp đồng đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực. Hai khoản này khác nhau ở điểm nào thì khó có câu trả lời, bởi  khoản 2 Điều 119 BLDS quy định về hình thức của hợp đồng chỉ ghi nhận hai hình thức phải tuân thủ là văn bản có công chứng, chứng thực với nội dung: “Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực thì phải tuân theo quy định đó”.

 Ba là, Theo quy định của Điều 129, hợp đồng vi phạm điều kiện về hình thức nhưng “một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó”. Thực tiễn thực hiện hợp đồng cho thấy, có rất nhiều dạng nghĩa vụ như: nghĩa vụ tài sản, nghĩa vụ phi tài sản …  Vì vậy, cần phải làm rõ việc xác định nghĩa vụ chỉ là nghĩa vụ tài sản hay phải bao gồm tất cả các nghĩa vụ mà hai bên thỏa thuận trong hợp đồng? Khi trong hợp đồng vừa có nghĩa vụ tài sản vừa có nghĩa vụ phi tài sản; một bên phải thực hiện nghĩa vụ tài sản vừa phải thực hiện nghĩa vụ phi tài sản (như thực hiện thủ tục sang tên…), hoặc các bên đều chỉ có nghĩa vụ phi tài sản thì dựa vào tiêu chí gì để được coi là đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ? [11]. Thực tiễn xét xử trong thời gian qua, việc Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu về hình thức là rất phổ biến, phổ biến tới mức có tác giả nhận xét: “Việt Nam là nước vô địch về hợp đồng vô hiệu”[12].  Ví  dụ, Bản án số 20/2015/KDTM-ST ngày  15/04/2015 về “Tranh chấp hợp đồng thuê nhà”  của Tòa án nhân dân Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh thì  hình thức của “Thỏa thuận thuê nhà” ngày 22/4/2009 đã lập thành văn bản tuy nhiên, thời hạn thuê nhà giữa hai bên đương sự thỏa thuận là 5 năm không phải 5 tháng như đã thể hiện nên theo quy định tại Điều 492 BLDS năm 2005 thì phải có công chứng hoặc chứng thực và phải đăng ký. Do vậy, “Thỏa thuận thuê nhà” ngày 22/4/2009 vi phạm Điều 492 BLDS nên “Thỏa thuận thuê nhà” ngày 22/4/2009 vô hiệu về mặt hình thức.

 2.Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về hợp đồng thương mại vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức

Quy định của pháp luật Việt Nam tại khoản 2 Điều 117 BLDS 2015 có vẻ khá dặt dè: “Hình thức của giao dịch là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”. Thực tế xảy ra hai cách giải thích đối với quy định này:

Thứ nhất, Chỉ khi nào luật có quy định. Ví dụ, “hợp đồng có hiệu lực khi được công chứng chứng thực” trong trường hợp này nếu không công chứng chứng thực thì xem là vi phạm điều kiện hình thức. Các hợp đồng này phổ biến trong các giao dịch liên quan đến bất động sản như nhà ở, quyền sử dụng đất…

 Thứ hai, Chỉ cần có quy định” hợp đồng phải được xác lập bằng văn bản” hoặc “hợp đồng là văn bản phải có công chứng, chứng thực”  nếu các bên không xác lập bằng văn bản hay không công chứng chứng thực thì được xem là vi phạm điều kiện hình thức của hợp đồng.

Theo chúng tôi, việc quy định hình thức là điều kiện bắt buộc trong một số loại hợp đồng là không hợp lý. Bởi lẽ, hình thức hợp đồng thực chất chỉ là sự thể hiện ý chí của các bên tham gia hợp đồng theo các ký tự bằng mực đen, giấy trắng; trong khi đó việc công chứng nhà nước chứng nhận hay chứng thực, đăng ký hoặc cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực chất là xác nhận sự kiện pháp lý giữa các bên. Khi có tranh chấp xảy ra, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền xác định có hay không có sự kiện này. Pháp luật quy định vi phạm hình thức dẫn tới hợp đồng vô hiệu thì sẽ tạo nên một khoảng cách nhất định giữa sự thống nhất ý chí thực và hiệu lực của hợp đồng.

Mặt khác, trong thực tiễn giải quyết tại Tòa án chúng tôi thấy  pháp luật quy định một số loại hợp đồng phải tuân thủ các quy định về hình thức, nếu các chủ thể tham gia hợp đồng không tuân thủ sẽ dẫn tới hợp đồng vô hiệu không phù hợp tình hình hiện nay, như việc quy định tuân thủ các quy định về hình thức đối với họp đồng mua bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Tham khảo pháp luật của một số trên thế giới hiện nay, thì thấy có những quốc gia yêu cầu một số loại hợp đồng khi giao kết phải được thể hiện bằng một hình thức nhất định, nếu vi phạm hình thức theo luật định sẽ bị vô hiệu. Pháp luật của Liên bang Đức đưa ra những đòi hỏi đầu tiên là khi giao kết hợp đồng phải tuân thủ nghiêm ngặt những điều kiện về hình thức, nếu không tuân thủ thì hợp đồng đó bị vô hiệu tuyệt đối. Việc quy định này nhằm bảo vệ những người không có kinh nghiệm đối mặt với những tình huống bất ngờ. Có những quốc gia không coi hình thức là điều kiện xác định hiệu lực của hợp đồng. Pháp luật của Cộng hòa Pháp tuyệt đối tôn trọng quyền tự do của các bên khi tham gia vào hợp đồng. Ngay cả một số loại hợp đồng mà pháp luật đòi hỏi phải tuân thủ hình thức nhất định nhưng khi các bên tham gia hợp đồng không tuân thủ các quy định về hình thức thì cũng không bị coi là vô hiệu[13].

 

[1] Cao Thùy Dương (2004), “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xử lý hợp đồng vô hiệu ở Việt Nam”, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr.11.

[2] Cao Thùy Dương (2004), “tlđd”, tr.12.

[3]Lê Minh Hùng (2010), “Hiệu lực của hợp đồng theo quy định của pháp luật Việt Nam”,  Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật Tp.Hồ Chí Minh, tr.51.

[4] Lê Thị Bích Thọ (2002), “Hợp đồng kinh tế vô hiệu và hậu quả pháp lý của hợp đồng kinh tế vô hiệu”, Thông tin khoa học pháp lý số 5, tr.48

[5]Dương Anh Sơn, Lê Minh Hùng (2010), “Hình thức văn bản,văn bản có chứng thực là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 17(178), tr.28-33.

[6] Khoản 1, Điều 24 Luật thương mại năm 2005

[7] Dương Anh Sơn (2004), “Tính quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa ngoại thương”, Tạp chí Khoa học pháp lý, Số 6(25), tr.32-36.

[8] Khoản 2, Điều 27 Luật thương mại năm 2005

[9] Theo Điều 274 BLDS năm 2015

[10]Nguyễn Thị Thu Hải (2016), “Về hiệu lực của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức theo Bộ luật dân sự năm 2015”, Tạp chí Kiểm sát, Số 23, tr. 38-41.

[11]Tưởng Duy Lượng (2018), “Những vấn đề cần lưu ý khi áp dụng Điều 129 Bộ luật Dân sự về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp,   Số 9 (361), tr. 42 – 46.

[12] Đỗ Văn Đại (2018), “Luật hợp đồng Việt Nam, bản án và bình luận bản án, Tập 1”, NXB. Hồng Đức, tr.584.

[13] Nguyễn Văn Cường (2005), “Giao dịch dân sự vô hiệu và việc giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu”, Luận án tiến sĩ luật học, Đại học Luật Hà Nội, tr.187-189.

Ths TRỊNH TUẤN ANH (Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng)