Không cần sửa đổi Điều 262 BLTTDS năm 2015 về phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự sơ thẩm

Tạp chí điện tử Tòa án nhân dân ngày 26/11/2020 có bài “Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm trong tố tụng dân sự từ thực tiễn xét xử” của tác giả Hà Viết Toàn, nêu những tồn tại, hạn chế về phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự sơ thẩm để từ đó kiến nghị sửa đổi Điều 262 BLTTDS năm 2015 về chế định này. Chúng tôi xin trao đổi về những quan điểm của tác giả để vấn đề được đánh giá thấu đáo.

Tác giả bài viết đã nêu căn cứ pháp luật, thực tế áp dụng, chỉ ra 5 lý do để đề nghị sửa đổi Điều 262 BLTTDS năm 2015 theo hướng giữ nguyên Điều 234 của BLTTDS năm 2004, cụ thể là “Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án”. Tác giả đề nghị bỏ cụm từ “và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án”. Theo tác giả thì Viện kiểm sát cùng cấp không cần phát biểu quan điểm về đường lối giải quyết vụ án mà thay vào đó chỉ phát biểu về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký và những người tham gia tố tụng: Các đương sự, Luật sư… trong quá trình giải quyết các vụ việc tại Tòa án.

Theo chúng tôi, các lý do nêu trong bài viết cần được xem xét khách quan, toàn diện hơn để có quan điểm đúng đắn, cụ thể là:

Thứ nhất, theo tác giả thì do Điều 262 BLTTDS năm 2015 quy định thời điểm phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên là khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, trước khi Hội đồng xét xử vào nghị án thì Kiểm sát viên “phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án”. Việc Kiểm sát viên phát biểu ý kiến nhưng không cho các đương sự có ý kiến đối đáp với phát biểu này là không đảm bảo quyền tranh tụng của các đương sự.

Trước tiên cần phân biệt vai trò của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự và phiên tòa hình sự là khác nhau. Bởi lẽ, ở phiên tòa hình sự thì Kiểm sát viên thay mặt Nhà nước thực hiện chức năng buộc tội và đề nghị mức hình phạt đối với người bị truy tố, còn người bị truy tố có quyền trình bày ý kiến và được hưởng mức hình phạt nhẹ nhất, giữa Kiểm sát viên và người bị truy tố có khác biệt, đôi khi đối lập về quan điểm nên có sự tranh tụng. Còn ở phiên tòa dân sự, với vai trò kiểm sát việc tuân theo pháp luật, Kiểm sát viên “phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án” dựa trên các chứng cứ có trong hồ sơ, diễn biến tại phiên tòa và các căn cứ, cơ sở pháp luật, ý kiến của Kiểm sát viên không phải để bảo vệ quan điểm trong thực hiện chức năng như ở phiên tòa hình sự, cũng không thiên lệch cho bên đương sự nào, cho nên không có sự tranh tụng giữa Kiểm sát viên với những người tham gia tố tụng. Do đó, quy định tại Điều 262 BLTTDS năm 2015 là phù hợp và đúng đắn. Đương nhiên “ý kiến về việc giải quyết vụ án” của Kiểm sát viên đề nghị theo quy định của pháp luật, chứ không phải là để bảo vệ quan điểm, quyền lợi cho bên đương sự nào. Trong bản án của Hội đồng xét xử cũng phán quyết việc thắng, thua trên cơ sở áp dụng pháp luật với vai trò, cách thức thực hiện tương tự như của Kiểm sát viên, cho nên nếu đòi hỏi việc đương sự có quyền tranh tụng với Kiểm sát viên, vậy đương sự cũng có quyền tranh tụng với Hội đồng xét xử hay sao.

Thứ hai, theo tác giả thì việc Kiểm sát viên “phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án” là vượt quá phạm vi các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định tại Điều 21 BLTTDS năm 2015.

Chúng tôi cho rằng, quan điểm trên là có nhầm lẫn, bởi vì VKSND được thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định tại Điều 21 BLTTDS năm 2015. Còn việc thực hiện nhiệm vụ “phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án” của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự được quy định tại Điều 58 và Điều 262 BLTTDS năm 2015. Nội dung hai việc này là hoàn toàn khác nhau, được quy định cụ thể ở các điều luật độc lập nhau, nhiệm vụ “phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án” của Kiểm sát viên không liên quan gì đến quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát. Cho nên quan điểm trên của bài viết là nhầm lẫn, cũng giống như cho rằng việc Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ “phát hiện và đề nghị Chánh án Tòa án kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật…” theo quy định tại Điều 48 BLTTDS là vượt quá phạm vi thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về dân sự của Tòa án được quy định tại Điều 26 BLTTDS năm 2015.

Thứ ba, tác giả cho rằng thực tiễn công tác xét xử tại Tòa án cấp sơ thẩm cho thấy không phải lúc nào ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa cũng được HĐXX chấp nhận, nhiều khi trái ngược nhau một phần hoặc toàn bộ nội dung vụ việc đang được Tòa án giải quyết, gây tâm lý hoài nghi cho các đương sự về việc giải quyết vụ án…

Nhận thấy, việc phản ánh trên của tác giả trong thực tế là có xảy ra. Tuy nhiên, lý do này không đủ sức thuyết phục để bỏ quy định phát biểu ý kiến giải quyết vụ án của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Bởi vì:

Không phải những ý kiến của Kiểm sát viên không được HĐXX chấp nhận đều là những ý kiến không đúng, thực tế có không ít trường hợp trái quan điểm, Viện kiểm sát kháng nghị và Tòa phúc thẩm xét xử chấp nhận quan điểm của Viện kiểm sát cấp sơ thẩm. Do Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật nên ý kiến của Kiểm sát viên luôn đề cao việc đảm bảo pháp luật (đảm bảo về lý); còn HĐXX có Thẩm phán đại diện cho Cơ quan pháp luật (đảm bảo về lý) và có sự tham gia của Hội thẩm nhân dân thể hiện ý chí nhân dân trong cuộc sống tình cảm thực tế (đảm bảo về tình) nên giữa lý và tình có sự thống nhất với nhau hoặc đôi khi không thống nhất là sự phản ánh đúng thực tế, chứ không phải là tồn tại, hạn chế.

Cũng có những trường hợp ý kiến của Kiểm sát viên là chưa đúng, trái quan điểm với HĐXX nhưng sau đó không kháng nghị được, nhưng trường hợp này không nhiều, nên không thể lấy số ít biểu hiện để đánh giá bản chất được. Thực tế thì án dân sự có nhiều vụ khó khăn, phức tạp, trong khi vẫn còn một số Kiểm sát viên chưa có nhiều kinh nghiệm nên còn lúng túng về trình tự thủ tục tố tụng hoặc chưa nắm vững các quy định của pháp luật nội dung, dẫn đến không phát hiện được vi phạm để tham mưu lãnh đạo Viện ban hành kiến nghị, kháng nghị theo quy định. Thời gian qua, số bản án bị Tòa án cấp trên hủy, sửa vẫn còn nhiều.

Khi xét xử, HĐXX có thời gian nghị án, nhiều trường hợp nghị án kéo dài để có thời gian nghiên cứu, đối chiếu, thu thập, bổ sung chứng cứ, tham khảo hoặc xin ý kiến Tòa án cấp trên để có quan điểm giải quyết vụ án đúng pháp luật. Còn Kiểm sát viên tham gia phiên tòa vừa phải theo dõi kiểm sát việc tuân theo pháp luật của những người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng, vừa phải nắm chắc nội dung diễn biến phiên tòa, yêu cầu, ý kiến, cơ sở chứng cứ của các bên đương sự và phải phát biểu ý kiến ngay sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, không có thêm bất kỳ thời gian nào để Kiểm sát viên có thể tổng hợp, nghiên cứu đối chiếu trước khi phát biểu. Đồng thời, Kiểm sát viên cũng mới thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất quan điểm giải quyết vụ án dân sự từ khi BLTTDS năm 2015 có hiệu lực pháp luật đến nay, nên cần thêm thời gian để tích lũy, rèn luyện nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao.

Mặt khác, ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa chỉ là đề nghị, chưa ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các đương sự, không phải là phán quyết như bản án, ý kiến này là một định hướng giải quyết để HĐXX rộng đường cân nhắc, thận trọng quyết định. Các đương sự tham gia phiên tòa đủ sức nhận thức được ý nghĩa, mức độ, sự khác nhau giữa ý kiến đề nghị của Viện kiểm sát và phán quyết của Tòa, quan trọng là Tòa xử đúng. Trong xu thế đất nước ta tăng cường mở rộng hội nhập quốc tế, xã hội không ngừng phát huy dân chủ nên càng nhiều thông tin, quan điểm là càng thể hiện sự dân chủ, càng tạo được niềm tin về lẽ phải, sự công bằng trong nhân dân, nếu Tòa án xét xử đúng thì không ngại việc đương sự hoài nghi.

Thứ tư, tác giả bài viết viện dẫn Quyết định số 120/QĐ-TANDTC, ngày 19/6/2017 của Chánh án TANDTC “Quy định về xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân” để gián tiếp phản ánh việc Kiểm sát viên đề xuất quan điểm giải quyết vụ án không đúng, Thẩm phán nghe theo nên xét xử sai, dẫn tới án bị hủy, sửa nhiều và Thẩm phán phải bị xử lý theo quyết định nêu trên.

Như đã nêu trên, ý kiến của Viện kiểm sát chỉ là đề nghị, HĐXX có quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận. Còn việc HĐXX phán quyết  đúng hay sai là do nhiều yếu tố quyết định, trong đó có năng lực, bản lĩnh nghiệp vụ của Thẩm phán là rất quan trọng, không thể cho rằng do Viện kiểm sát đề nghị nên HĐXX phán quyết sai.

Đối với ngành Kiểm sát nhân dân cũng có Quyết định số 424/QĐ-VKSTC ngày 25/11/2020 quy định Tiêu chí chấm điểm, xếp loại thi đua trong ngành, làm căn cứ xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Kiểm sát viên, là cơ sở để đánh giá, sử dụng cán bộ.

Thứ năm, bài viết còn nêu một số nội dung khác để bảo vệ quan điểm. Tuy nhiên, theo chúng tôi những nội dung này là không chính xác, thiếu tính thuyết phục, cụ thể là:

- Tác giả cho rằng luật quy định thời gian nghiên cứu hồ sơ của Viện kiểm sát 15 ngày là ngắn, đối với những vụ án phức tạp không kịp nghiên cứu nên đề xuất, phát biểu ý kiến khác so với HĐXX.

Cần khẳng định rằng ý kiến đề xuất giải quyết vụ án của Kiểm sát viên phải đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật, không yêu cầu phải giống với HĐXX (vì quan điểm của HĐXX chưa chắc đã đúng pháp luật). Thực tế cho thấy, thời hạn Tòa án chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nghiên cứu chuẩn bị xét xử là 15 ngày theo quy định tại Điều 220 BLTTDS là chưa phù hợp, do có nhiều vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất với nội dung và tính chất đặc biệt phức tạp, cần phải có nhiều thời gian để nghiên cứu kỹ và sâu hơn. Mặt khác, cũng còn nhiều trường hợp Tòa án gửi hồ sơ đến Viện kiểm sát không đủ 15 ngày, thiếu thời gian để nghiên cứu, vi phạm này đã được Viện kiểm sát kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục

- Tác giả cho rằng, phát biểu của Kiểm sát viên dựa trên kết quả nghiên cứu hồ sơ, trong khi các tài liệu này so với diễn biến tại phiên tòa có khác nhau, do tranh tụng, xuất trình chứng cứ của các đương sự, luật sư, việc thỏa thuận, yêu cầu, đề nghị, chấm dứt, thay đổi… tại phiên tòa.

Theo chúng tôi, vấn đề này không phải như tác giả nêu vì theo quy chế nghiệp vụ của ngành và thực tế thực hiện thì khi nghiên cứu hồ sơ Kiểm sát viên chỉ dự thảo bài phát biểu. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải theo dõi chặt chẽ, nắm chắc diễn biến, các nội dung yêu cầu, tranh tụng, xuất trình chứng cứ của các đương sự, luật sư… để cập nhật, bổ sung hoàn chỉnh bài phát biểu phù hợp với diễn biến phiên tòa.

- Bài viết phản ánh một số trường hợp Kiểm sát viên mới được bổ nhiệm, còn lúng túng trong đề xuất giải quyết những vụ việc khó khăn, phức tạp với Viện trưởng nên thường liên hệ với Thẩm phán, Thư ký được phân công giải quyết vụ án để trao đổi trước về đường lối giải quyết vụ án…

Vấn đề này không phải là tồn tại, hạn chế, vì Kiểm sát viên có thể trao đổi với Thẩm phán, Thư ký để nắm thông tin, quan điểm nhằm phục vụ cho quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ án. Trong trường hợp trao đổi để học tập cũng là điều tốt, cần được phát huy. Bởi vì không biết thì phải học, cũng giống như một số Thẩm phán mới được bổ nhiệm kinh nghiệm còn ít, chủ động trao đổi với các Kiểm sát viên lâu năm, nhiều kinh nghiệm, mục đích chung là để có được hướng giải quyết vụ án có căn cứ, đúng pháp luật.

Chúng tôi trân trọng tiếp thu sự quan tâm, đóng góp của tác giả bài viết, là cán bộ ngành Kiểm sát chúng tôi tự liên hệ bản thân với những tồn tại, hạn chế bài viết đã nêu để có định hướng đúng đắn, nhưng chúng tôi không đồng tình với quan điểm đề xuất bỏ nhiệm vụ Kiểm sát viên phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án. Bởi vì, những lý do tác giả đưa ra có nội dung chưa đúng, không thuyết phục. Nhận thấy, mặc dù còn những tồn tại, hạn chế nhất định nhưng trong 5 năm qua, quy định này đã được ngành Kiểm sát nhân dân thực hiện ngày càng tốt hơn, góp phần cùng ngành Tòa án giải quyết các vụ án dân sự đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn. Thực tế chứng minh trước khi Viện kiểm sát thực hiện quy định này, vào giai đoạn năm 2011-2016, theo báo cáo của TANDTC thì tỷ lệ án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán trung bình hàng năm là 1,35%, từ khi Viện kiểm sát thực hiện quy định này, tỷ lệ trên đã giảm dần năm 2017 là 1,2%; năm 2018 là 1,14%; năm 2019 là 1,13%.

Quy định “Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án” tại Điều 58 và Điều 262 BLTTDS năm 2015 nêu trên là sự kế thừa và phát triển những quy định trước đó về vai trò, nhiệm vụ của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự. Có thể còn những hạn chế, tồn tại ở một số ít Viện kiểm sát địa phương như tác giả bài viết đã nêu, nếu có thì phải được khắc phục kịp thời. Chúng tôi cũng như các Kiểm sát viên ngành Kiểm sát nhân dân luôn cầu thị, tiếp thu và không ngừng phấn đấu để hoàn thiện hơn, chứ không đồng tình với đề xuất bỏ quy định trên như quan điểm của tác giả, vì như vậy là sự thụt lùi, đi ngược lại xu thế cải cách tư pháp và tiến bộ xã hội của đất nước ta./.

 

Kiểm sát viên phát biểu tại phiên tòa xét xử vụ tranh chấp hợp đồng đầu tư tại TAND quận Bình Thạnh, TP HCM - Ảnh: Dương Thị Diễm 

THANH TOÀN – THƯ KỲ (Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang)