Một số vướng mắc trong việc áp dụng thủ tục rút gọn để xét xử các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi

Thủ tục rút gọn và thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi là hai chế định cùng thuộc Phần thứ Bảy - Thủ tục đặc biệt của BLTTHS 2015. Trong quá trình áp dụng những thủ tục này, tác giả nhận thấy phát sinh một vấn đề liên quan đến chủ thể có thẩm quyền xét xử, cần khắc phục.

Quy định của pháp luật

Nếu như thủ tục rút gọn lấy tính chất đơn giản, rõ ràng, ít nghiêm trọng của vụ án để làm nền tảng xây dựng các quy định với tinh thần giải quyết vụ án kịp thời, nhanh chóng… thì thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi lại dựa trên tính chất đặc biệt về độ tuổi, tâm lý, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của chủ thể tham gia tố tụng để xây dựng các quy định với tinh thần đảm bảo lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi. Trong một thể thống nhất thì thủ tục rút gọn có ý nghĩa rất lớn cho việc giải quyết các vụ án, đặc biệt đối với các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi, nếu có thể áp dụng được thủ tục rút gọn thì sẽ giúp cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, kịp thời - và đó cũng chính là một trong các nguyên tắc tiến hành tố tụng đối với những vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi.

Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng pháp luật đối với những vụ án có người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng dưới 18 tuổi (sau đây gọi tắt là người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi) nhưng lại áp dụng thủ tục rút gọn, tác giả nhận thấy phát sinh một vấn đề liên quan đến chủ thể có thẩm quyền xét xử cần được trao đổi và đưa ra nhận thức thống nhất như sau:

Điều 463 BLTTHS quy định về phiên toà xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn, tại khoản 1 xác định “Phiên toà xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán tiến hành”, điều đó có nghĩa chủ thể có thẩm quyền xét xử đã được rút gọn, không còn là một Hội đồng, không có Hội thẩm tham gia mà chỉ là Thẩm phán.

Điều 423 BLTTHS quy định về việc xét xử trong phiên toà xét xử sơ thẩm đối với những vụ án có người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi, tại khoản 1 xác định “Thành phần xét xử sơ thẩm vụ án phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi” (Sau đây gọi là Hội thẩm đặc biệt).

Vậy, đối với những vụ án có người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi nhưng lại áp dụng thủ tục rút gọn thì chủ thể có thẩm quyền xét xử sẽ được xác định như thế nào (?) Liên quan đến vấn đề này, hiện đang tồn tại các quan điểm sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Tại Điều 22 của BLTTHS quy định về nguyên tắc thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm tham gia như sau: “Việc xét xử sơ thẩm của Toà án có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn do Bộ luật này quy định”. Đồng thời, theo quy định tại Điều 463 BLTTHS về phiên toà xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn thì “Phiên toà xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán tiến hành”. Những quy định này là sự cụ thể hoá quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 103 Hiến pháp năm 2013, theo đó “Việc xét xử sơ thẩm của Toà án nhân dân có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn” và “Toà án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn”.

Ngoài các quy định trên thì tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP có quy định: "a) Áp dụng thủ tục rút gọn đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của Luật tố tụng hình sự".

Từ những quy định trên, có thể xác định rằng, đối với những vụ án áp dụng theo thủ tục rút gọn thì chủ thể có thẩm quyền xét xử sẽ không có Hội thẩm, không phải là một Hội đồng mà chỉ là một Thẩm phán, không loại trừ cả những vụ án có người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi. Quy định tại khoản 1 Điều 423 BLTTHS cần phải hiểu theo hướng: Đối với những vụ án đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn thì sự tham gia của Hội thẩm trong việc xét xử là không cần thiết (Điều 463 BLTTHS đã thể hiện nội dung này bằng việc quy định việc xét xử chỉ do một Thẩm phán tiến hành), do đó vấn đề về Hội thẩm đặc biệt cũng không còn cần thiết phải đặt ra.

Quan điểm thứ hai cho rằng, tại Điều 413 BLTTHS quy định về phạm vi áp dụng thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi, theo đó “Thủ tục tố tụng đối với người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi được áp dụng theo quy định của Chương này (Chương XXVIII) đồng thời theo những quy định khác của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này”. Điều 455 BLTTHS quy định về phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn cũng xác định “Thủ tục rút gọn đối với việc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm được thực hiện theo quy định của Chương này (Chương XXXI) và những quy định khác của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này”.

Áp dụng các quy định được viện dẫn trên đây sẽ xảy ra xung đột trên thực tế, vì Điều 413 quy định thủ tục tố tụng đối với những vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi được áp dụng theo quy định tại Chương XVIII đồng thời áp dụng những quy định khác của BLTTHS nhưng không được trái với những quy định của Chương XXVIII (trong đó có quy định về thành phần HĐXX phải có HTND đặc biệt tham gia). Còn Điều 455 lại quy định quy định khi áp dụng thủ tục rút gọn được thực hiện theo quy định tại Chương XXXI và những quy định khác của BLTTHS không trái với quy định tại Chương XXXI. Có thể thấy rằng, quy định tại khoản 1 Điều 463 và khoản 1 Điều 423 BLTTHS là những quy định trái nhau, loại trừ nhau và không thể đồng thời được áp dụng. Sự tồn tại những quy định trái nhau này sẽ dẫn đến việc không thể áp dụng áp dụng thủ tục rút gọn đối với những vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.

Nghiên cứu các quy định tại Chương XXVIII BLTTHS không có quy định nào loại trừ sự tham gia của HTND đặc biệt khi xét xử vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi. Cũng không có quy định nào quy định cho phép xét xử vụ án người dưới 18 tuổi do 1 Thẩm phán tiến hành (Kiểu quy định: "… trừ trường hợp vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn."

Các văn bản hướng dẫn

Ngoài các quy định của BLTTHS thì các văn bản hướng dẫn quy định của BLTTHS, như Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/9/2018 của TANDTC, Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 và Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, cũng không có quy định nào nói về việc áp dụng thủ tục rút gọn. Mà trong các văn bản này, có những quy định cần phải được việc xét xử các vụ án có người thâm gia tố tụng là người dưới 18 tuổi phải được tiến hành bởi HĐXX có sự tham gia của HTND đặc biệt.

Ví dụ: Điều 6 Thông tư 02/2018 quy đinh về Phân công Thẩm phán, Hội thẩm, tại khoản 2 "Có 01 Hội thẩm là giáo viên hoặc …".  Tại điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP quy định: "… Khi tuyên án, Hội đồng xét xử chỉ đọc phần quyết định trong bản án". Còn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị quyết 06 của HĐTP thì chỉ được áp dụng khi đủ điều kiện theo quy định của luật tố tụng hình sự, điều nàu phải được hiểu là ngoài các các quy định về điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn thì cũng phải đủ điều kiện, phù hợp với các quy định tại Chương XXVIII quy định về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi. Bởi lẽ, nếu các thủ tục tố tụng khác áp dụng đối với vụ án người dưới 18 tuổi mà vi phạm các quy định đặc biệt (được quy định tại Chương XXVIII Phần thứ bảy: Thủ tục đặc biệt) thì sẽ là những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.

Quan điểm này cũng đặt ra vấn đề rằng, nếu áp dụng thủ tục rút gọn đối với những vụ án có người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi, theo đó sẽ không có sự tham gia của Hội thẩm (chưa nói đến Hội thẩm đặc biệt) thì liệu có đảm bảo được nguyên tắc “đảm bảo lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi” (quy định tại khoản 1 Điều 414 BLTTHS) hay không. Cũng có ý kiến cho rằng, để đảm bảo tính chất của Hội thẩm đặc biệt (là giáo viên, cán bộ Đoàn thanh niên hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi) thì có thể thay thế bằng cách đảm bảo sự tham gia tố tụng của những người cũng có tính chất đó với tư cách đại diện của người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, tư cách tố tụng khác nhau thì quyền và nghĩa vụ cũng khác nhau, Hội thẩm là người tiến hành tố tụng và là chủ thể có quyền biểu quyết quyết định những vấn đề quan trọng của vụ án, do đó, không thể cho rằng việc tham gia của người đại diện (có cùng đặc điểm tính chất như Hội thẩm đặc biệt) sẽ thay thế được vai trò của Hội thẩm đặc biệt trong Hội đồng xét xử.

Quan điểm thứ nhất có cơ sở pháp lý khá vững chắc, tuy nhiên, tác giả cho rằng nếu hiểu và áp dụng khoản 1 Điều 423 theo quan điểm thứ nhất thì không đảm bảo được sự tuân thủ của các quy định đặc biệt áp dụng đối với người dưới 18 được quy định tại Chương XXVIII của BLTTHS. Mặt khác, theo logic khoa học chỉ khi không cần đến thành tố đặc biệt (Hội thẩm đặc biệt) thì mới được phép đặt ra vấn đề bỏ qua thành tố cơ bản (Hội thẩm) chứ không thể vì bỏ qua thành tố cơ bản mà cho rằng đương nhiên không cần đến thành tố đặc biệt hơn, chặt chẽ hơn. Còn nếu hiểu vấn đề theo quan điểm thứ 2 thì rõ ràng là đang tồn tại vướng mắc và cần được tháo gỡ.

Nếu như BLTTHS 2003 cho phép các cơ quan tiến hành tố tụng tuỳ nghi lựa chọn việc áp dụng hay không áp dụng thủ tục rút gọn thì BLTTHS 2015 lại buộc các cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ án đủ điều kiện. Cụ thể hóa quy định của BLTTHS, trong các văn bản quy phạm khác như Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/9/2018 của TANDTC, Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 và Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì vấn đề giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời hay phải “Áp dụng thủ tục rút gọn đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự” được nhấn mạnh, đồng thời, việc đảm bảo sự có mặt của Hội thẩm đặc biệt trong Hội đồng xét xử cũng đều được lưu ý. Do đó, nếu như nhận thức của tác giả về vấn đề nêu ra trên đây là đúng đắn, tức là thực tế có sự vướng mắc giữa các quy định liên quan đến việc áp dụng thủ tục rút gọn trong những vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi thì vấn đề này cần sớm được hướng dẫn để đảm bảo việc giải quyết các vụ án được nhanh chóng, kịp thời nhưng vẫn phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi.

**

Với những quy định như hiện nay đã được viện dẫn, phân tích ở trên, thì tác giả đồng tình với quan điểm thứ 2. Còn nếu muốn áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thì các cơ quan tư pháp Trung ương, TANDTC cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể để áp dụng thống nhất, đồng thời cần kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung BLTTHS để đảm bảo sự phù hợp, thống nhất giữa các chương quy định về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi (Chương XXVIII) và quy định về thủ tục rút gọn (Chương XXXI).

Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các chuyên gia pháp lý, các đồng nghiệp và quý độc giả.

 

Một phiên tòa hình sự của TAND huyện Na Rì - Ảnh: Võ Thanh Bình

              

 

Th.s VÕ THANH BÌNH (Chánh án TAND huyện Na Rì, Bắc Kạn) - LƯU THỊ QUỲNH (TAND huyện Chợ Mới, Bắc Kạn)