Một số ý kiến về dự thảo Quy chế tổ chức phiên tòa trực tuyến

Hiện nay, các văn bản về tố tụng tư pháp đã có một số quy định về tố tụng điện tử, trực tuyến. TANDTC cũng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm từng bước xây dựng Tòa án điện tử, Tòa án số, tiến tới xây dựng và vận hành Tòa án thông minh. TANDTC đang dự thảo (lần 2) Thông tư Ban hành Quy chế tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Để làm rõ thêm một số nội dung trong dự thảo Quy chế tổ chức phiên tòa trực tuyến (Dự thảo Quy chế) chúng tôi đóng góp một số ý kiến về văn bản này.

1. Về từ ngữ “Phiên tòa trực tuyến” 

Khoản 1 Điều 3 Dự thảo Quy chế đề cập “Phiên tòa trực tuyến là việc tổ chức phiên tòa xét xử vụ án theo trình tự luật định có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại các điểm cầu, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia tất cả trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể vào cùng một thời điểm”.

Trong phần giải thích nêu trên, cụm từ “có sự chứng kiến của các chủ thể vào cùng một thời điểm” chưa được diễn giải rõ nghĩa, chưa cụ thể hóa những chủ thể nào chứng kiến phiên tòa trực tuyến vào cùng một thời điểm. Chủ thể này chỉ bao gồm người tiến hành tố tụng hay người tham gia tố tụng hoặc cả hai nhóm nêu trên, trong phần giải thích từ ngữ “phiên tòa trực tuyến” cũng không đề cập đến nhóm chủ thể người tiến hành tố tụng.

Đề xuất: Bỏ cụm từ “có sự chứng kiến của các chủ thể vào cùng một thời điểm” thay bằng cụm từ “được thực hiện vào cùng một thời điểm”.

2. Chưa có sự logic trong việc liệt kê các vụ án

Trong Dự thảo Quy chế các vụ án, cụ thể là vụ án dân sự và vụ án hành chính được liệt kê không theo thứ tự, có nhiều điều khoản liệt kê vụ án dân sự trước rồi tới vụ án hành chính; có trường hợp lại liệt kê ngược lại. Cụ thể như sau:

- Khoản 3 Điều 4 Dự thảo Quy chế “Xét xử sơ thẩm, phúc thẩm đối với các vụ án dân sự, hành chính có tính chất đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, các đương sự có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng”.

 - Khoản 1 Điều 5 Dự thảo Quy chế “Vụ án hình sự, hành chính, dân sự có tài sản ở nước ngoài”.

- Khoản 2 Điều 6 Dự thảo Quy chế “Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến đối với vụ án hành chính, dân sự,...”

- Điểm a khoản 2 Điều 7 Dự thảo Quy chế “Đối với phiên tòa hành chính, dân sự phải bảo đảm không gian...”

Đề xuất: Việc liệt kê vụ án dân sự trước hay vụ án hành chính trước không ảnh hưởng đến nội dung văn bản. Tuy nhiên, để đảm bảo tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật cần liệt kê logic vụ án nào trước, vụ án nào sau.

3. Tránh việc sử dụng ký hiệu “/” trong Dự thảo Quy chế

 - Khoản 1 Điều 12 Dự thảo Quy chế ghi “... kiểm sát việc xét xử vụ án/Kiểm sát viên kiểm sát việc xét xử...”

- Khoản 5 Điều 13 Dự thảo Quy chế ghi “... chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu/thẻ luật sư/thẻ trợ giúp viên pháp lý để đối chiếu”.

Đề xuất: Để đảm bảo tính trang nghiêm của văn bản, tránh những cách hiểu khác nhau, Dự thảo Quy chế không nên sử dụng ký hiệu “/” trong văn bản.

4. Chưa có quy định cụ thể

Dự thảo chưa quy định về việc bị hại, người đại diện hợp pháp của bị cáo, người bào chữa cũng như người tham gia tố tụng khác trong vụ án hình sự sơ thẩm hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án hành chính, dân sự không đồng ý việc tổ chức phiên tòa trực tuyên thì phiên tòa có được diễn ra hay không?

Điều 6 Dự thảo Quy chế chỉ quy định theo hướng 01 chiều việc xét xử vụ án hình sự sơ thẩm chỉ cần có sự đồng ý của bị cáo hay trong vụ án dân sự, hành chính thì các đương sự có đơn đề nghị mở phiên tòa trực tuyến mà không đề cập đến ý kiến của những chủ thể khác như bị hại, người đại diện hợp pháp của bị cáo, người bào chữa cũng như người tham gia tố tụng khác về việc tổ chức phiên tòa trực tuyên. Nếu những chủ thể này không đồng ý thì phiên tòa có được tổ chức hay không? Nếu như không cần có sự đồng ý của những chủ thể này thì có đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, dân chủ đã được đề cập trong khoản 4 Điều 2 về nguyên tắc tổ chức phiên tòa trực tuyến trong Dự thảo Quy chế hay không? Thiết nghĩ, việc cần có ý kiến của những chủ thể này là điều cần thiết.

Đề xuất: Điều 6 Dự thảo Quy chế cần bổ sung theo một trong hai hướng sau đây:

Hướng 1: Bổ sung phải có ý kiến bị hại, người đại diện hợp pháp của bị cáo, người bào chữa cũng như người tham gia tố tụng khác trong vụ án hình sự sơ thẩm hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án hành chính, dân sự thì mới tổ chức phiên tòa trực tuyên.

Hướng 2: Quy định rõ việc bị hại, người đại diện hợp pháp của bị cáo, người bào chữa cũng như người tham gia tố tụng khác trong vụ án hình sự sơ thẩm hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án hành chính, dân sự không đồng ý việc tổ chức phiên tòa trực tuyên thì phiên tòa có được diễn ra hay không?

 5. Cần thống nhất gọi chung cụm từ “người tham gia tố tụng”

Trong Dự thảo Quy chế liệt kê trong các điều khoản cụm từ bị cáo, bị hại, đương sự, người bào chữa, người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, bị hại... Việc liệt kê các cụm từ này trong một số điều khoản bị thiếu. Cụ thể như sau:

- Khoản 2 Điều 11 Dự thảo Quy chế thể hiện “Tòa án đang thụ lý giải quyết vụ án hình sự, hành chính, dân sự phải thông báo cho Tòa án hoặc cơ sở giam giữ tham gia hỗ trợ tổ chức phiên tòa trực tuyến tại điểm cầu thành phần; đương sự, bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, bị hại...” mà không đề cập đến thông báo cho người bào chữa, người đại diện hợp pháp.

- Điểm b khoản 2 Điều 14 Dự thảo Quy chế “Khi khai mạc, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải phổ biến thêm việc xét xử trực tuyến vẫn đảm bảo các trình tự, thủ tục tố tụng; các quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, bị hại, đương sự vẫn được thực hiện theo quy định pháp luật tố tụng” mà không đề cập đến các quyền và lợi ích hợp pháp của người bào chữa, người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.

Đề xuất: Cần bổ sung vào Điều 3 Dự thảo từ ngữ được sử dụng trong Quy chế cụm từ “người tham gia tố tụng” và sử dụng thống nhất cụm từ này trong Dự thảo Quy chế để tránh các trường hợp liệt kê người tham gia tố tụng bị thiếu.

6. Dự thảo Quy chế chưa đề cập việc cách thức ghi những sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng trong biên bản phiên tòa

Điểm đ khoản 2 Điều 14 Dự thảo Quy chế thể hiện “Biên bản phiên tòa tuân thủ biểu mẫu theo quy định của pháp luật tố tụng. Ghi rõ phiên tòa diễn ra tại các điểm cầu nào; ghi rõ họ, tên Kiểm sát viên, công chức Tòa án hoặc cán bộ, chiến sỹ thuộc cơ sở giam giữ, tại điểm cầu thành phần”. Thực tế cho thấy, nhiều vụ án Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng muốn sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong biên bản phiên tòa. Tuy nhiện, Dự thảo Quy chế vẫn chưa đề cập cách thức ghi những sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của họ.

Đề xuất: Dự thảo Quy chế cần bổ sung cách thức ghi những sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng trong biên bản phiên tòa.

7. Việc xác định tư cách tham gia tố tụng của Kiểm sát viên, công chức Tòa án hoặc cán bộ, chiến sỹ thuộc cơ sở giam giữ, tại điểm cầu thành phần với tư cách “Người tham gia tố tụng khác”.

Khoản 3 Điều 14 Dự thảo Quy chế thể hiện “Xác định tư cách tham gia tố tụng của Kiểm sát viên, công chức Tòa án hoặc cán bộ, chiến sỹ thuộc cơ sở giam giữ, tại điểm cầu thành phần với tư cách “Người tham gia tố tụng khác””. Tuy nhiên, cả Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính không quy định nhóm chủ thể “Người tham gia tố tụng khác” bao gồm những chủ thể nêu trên. Khoản 1 Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định một trong những nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật “Bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật”. Thêm vào đó, việc xác định tư cách tham gia tố tụng của các chủ thể đồng thời phải xác định quyền, nghĩa vụ của họ và hậu quả pháp lý khi những người này không thực hiện hoặc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình.

Đề xuất: Bỏ Khoản 3 Điều 14 trong Dự thảo Quy chế.

Hiện nay, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là cần thiết và là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp. Với những đóng góp nêu trên, hy vọng sẽ góp phần hoàn thiện văn bản về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến vừa bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng vừa tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục tố tụng./.

 

Sử dụng thiết bị công nghệ thông tin để trình chiếu các tài liệu, chứng cứ trong quá trình xét xử tại huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) - Ảnh: Báo ND

 

CHÂU THANH QUYỀN (TAND thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) NGUYỄN PHÁT LỘC (TAND huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang)