Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp –Thực trạng pháp luật và hướng hoàn thiện
Bài viết phân tích, đánh giá các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và nêu ra những thực trạng của pháp luật, thực tiễn áp dụng, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Luật Doanh nghiệp (LDN) năm 2014 được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2014 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2015, với những cải cách mạnh mẽ và sâu rộng, đặc biệt là cải cách về người đại diện theo pháp luật đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiến hành các hoạt động kinh doanh và tiệm cận hơn với các chuẩn mực của quốc tế[1]. Tuy nhiên, qua hơn 3 năm đi vào cuộc sống, quy định trên đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập nhất định. Vì vậy, chúng tôi đi sâu phân tích làm rõ những thực trạng đó và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trong LDN năm 2014.
1.Thực trạng pháp luật về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
1.1. Khái niệm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Ở một số nước trên thế giới, khái niệm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp quy định cũng không giống nhau. Chẳng hạn, Luật Công ty Anh quy định người đại diện theo pháp luật của công ty là: “Một thành viên cá nhân được ủy quyền bởi công ty có quyền thực hiện các quyền hạn tương tự công ty có thể thực hiện”.[2] LDN của Úc quy định: “Đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân do doanh nghiệp chỉ định để thực hiện tất cả hoặc bất kỳ quyền hạn nào mà doanh nghiệp có thể thực hiện”.[3] Pháp luật Nhật Bản tiếp cận người đại diện theo pháp luật thông qua chức năng quản lý, đó là: “Người quản lý có quyền thực hiện bất kỳ và tất cả các hành vi pháp lý và phi tư pháp nhân danh công ty liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình”.[4] Riêng đối với Luật Công ty trách nhiệm hữu hạn (CTTNHH) của Đức không đưa ra khái niệm một cách rõ ràng, mà theo hướng khẳng định: “Công ty sẽ do các Giám đốc làm đại diện. Nếu một công ty không có Giám đốc, công ty sẽ được đại diện bởi các cổ đông bất cứ khi nào có tuyên bố ý định hoặc các tài liệu được cung cấp trên đó”.[5] Như vậy, có thể hiểu một cách đơn giản là quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật trong các công ty trách nhiệm hữu hạn ở Đức được thể hiện thông qua quyền và nghĩa vụ của Giám đốc và các cổ đông (nếu công ty không có giám đốc).
Khảo sát quy định về người đại diện theo pháp luật của một số nước trên thế giới, chúng ta có thể khẳng định thuật ngữ “người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp” mang những nội dung khác nhau, tùy thuộc vào pháp luật của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, tựu chung lại thì pháp luật của các nước vẫn có điểm giao thoa nhau về khái niệm người đại diện theo pháp luật, đó là người được doanh nghiệp chỉ định để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn nhân danh doanh nghiệp.
Ở Việt Nam, trước đây LDN năm 2005 không đưa ra khái niệm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, mà quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chỉ nằm rải rác ở các điều luật quy định về cơ cấu tổ chức, quản lý của các loại hình doanh nghiệp.[6] Tuy nhiên, đến LDN năm 2014 đã thể hiện bước tiến khi có một điều khoản dành riêng để quy định về người đại diện theo pháp luật. Theo đó, khoản 1 Điều 13 LDN năm 2014 quy định: “Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”. Với quy định này, LDN năm 2014 đã ghi nhận chức năng đại diện theo pháp luật trong tố tụng của người đại diện theo pháp luật được quy định từ Điều 85 đến Điều 90 của Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015. Tuy nhiên, khái niệm trên chỉ mới đề cập đến việc “thực hiện” giao dịch nhân danh doanh nghiệp mà chưa đề cập đến chức năng “xác lập” giao dịch nhân danh doanh nghiệp – vốn là một trong các quyền hạn then chốt của chế định người đại diện theo pháp luật. Mặc dù, khoản 1 Điều 13 LDN năm 2014 có thêm quy định mở, đó là người đại diện theo pháp luật được thực hiện “các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”, tức là được thực hiện quyền xác lập giao dịch, song việc không quy định cụ thể quyền hạn này trong văn bản luật chuyên ngành cũng là một hạn chế.[7] Mặt khác, theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015 thì người đại diện là người nhân danh và vì lợi ích của người được đại diện xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Chính vì vậy, vai trò “xác lập” giao dịch dân sự là một trong những vai trò không thể thiếu trong việc xác định ai là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
1.2. Quy định về số lượng người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Pháp luật một số nước tiên tiến trên thế giới như Anh[8], Pháp, Thụy Sĩ, Đức, Úc, Hoa Kỳ, Singapore,… đều cho phép một công ty có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật. Điển hình như, LDN của Úc và Luật CTTNHH của Đức đều cùng quy định Giám đốc là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và một doanh nghiệp có thể có nhiều Giám đốc[9] (tức là một doanh nghiệp có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật). Ở Hoa Kỳ, những người điều hành là người đại diện theo pháp luật của công ty trong phạm vi thẩm quyền được giao bao gồm: Tổng Giám đốc, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Giám đốc tài chính,… những người đại diện theo pháp luật này sẽ điều hành các công việc hàng ngày của công ty theo lĩnh vực được phân công.[10] Còn ở Singapore, công ty có Ban Giám đốc, từng Giám đốc (như Giám đốc điều hành – CEO, Giám đốc nhân sự, Giám đốc bán hàng,…) đều có quyền đại diện cho công ty về những vấn đề trong phạm vi, quyền hạn của họ và phải có ít nhất một Giám đốc thường trú tại quốc gia sở tại.[11]
Ở Việt Nam, số lượng người đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) và Công ty hợp danh (CTHD) trong LDN năm 2014 không có gì thay đổi so với LDN năm 2005, đó là chủ DNTN vẫn là người đại diện duy nhất theo pháp luật của DNTN[12], còn tất cả các thành viên hợp danh là người đại diện theo pháp luật của CTHD[13]. Tuy nhiên, LDN năm 2014 đã tháo gỡ sự bế tắc cho hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là đối với những công ty lớn, có số lượng nhân viên đông và có cơ sở kinh doanh ở nhiều tỉnh thành khi quy định CTTNHH và Công ty cổ phần (CTCP) có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật, với điều kiện là điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.[14]
Quy định trên tuy là một trong những điểm mới mang tính đột phá của LDN năm 2014, nhưng xét ở góc độ kỹ thuật lập pháp thì vẫn còn chưa hợp lý khi được đặt ở phần quy định chung, nên sẽ dẫn đến cách hiểu là chỉ có CTTNHH và CTCP mới có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật, còn các loại hình doanh nghiệp còn lại sẽ không được có nhiều người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, CTHD luôn có ít nhất từ hai người đại diện theo pháp luật trở lên và tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty[15].
1.3. Quy định về điều kiện cư trú của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
LDN năm 2014 quy định đối với doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên (HĐTV), Hội đồng quản trị (HĐQT) cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp[16]. Đối với CTTNHH có hai thành viên trở lên, nếu người đại diện theo pháp luật của công ty trốn khỏi nơi cư trú thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của HĐTV về người đại diện theo pháp luật của công ty[17]. Quy định này nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp không bị trống chỗ người đại diện theo pháp luật quá lâu, vì sẽ gây cản trở cho các hoạt động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, LDN quy định doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam và nếu doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật, thì khi xuất cảnh mới thực hiện việc ủy quyền nêu trên là chưa được đầy đủ. LDN bắt buộc đối với doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật, thì nhất thiết phải có một người cư trú tại Việt Nam. Thế nhưng, vì một lý do nào đó mà tất cả người đại diện theo pháp luật xuất cảnh, thì doanh nghiệp lại không được phép ủy quyền hoặc nếu có ủy quyền đi chăng nữa mà thời hạn ủy quyền đã hết, thì cũng không được phép kéo dài thời hạn như trường hợp chỉ có một người đại diện theo pháp luật. Trong khi doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật và có thể mỗi người chỉ được phân công thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn nhất định theo Điều lệ công ty quy định. Như vậy, trong cùng một tình huống hoàn toàn tương tự nhau nhưng LDN năm 2014 lại quy định không thống nhất với nhau, tạo ra sự không bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp.
1.4. Sự mâu thuẫn về khái niệm “người quản lý doanh nghiệp” với các quy định còn lại của LDN năm 2014
Theo quy định tại khoản 18 Điều 4 LDN năm 2014 thì: “Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý công ty và người quản lý DNTN, bao gồm chủ DNTN, thành viên hợp danh (TVHD), Chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV, Chủ tịch công ty, Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty”. Quy định này cho thấy, mọi thành viên HĐTV đều là người quản lý doanh nghiệp, trong khi đó cơ cấu HĐTV của CTTNHH hai thành viên trở lên bao gồm tất cả các thành viên của công ty[18] và trong CTHD, HĐTV là cơ quan có quyền quản lý cao nhất, bao gồm mọi thành vên của công ty và thành viên góp vốn cũng nằm trong cơ cấu của HĐTV[19]. Trong cuộc họp của HĐTV, thì thành viên góp vốn chỉ được tham gia và thảo luận, chỉ có quyền biểu quyết về các nội dung có liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; sửa đổi, bổ sung các quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn; về tổ chức lại và giải thể công ty và các nội dung khác của Điều lệ công ty có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ[20]. Bên cạnh đó, LDN năm 2014 quy định thành viên góp vốn không được tham gia quản lý công ty, không được tiến hành công việc kinh doanh nhân danh công ty[21]. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thành viên góp vốn không thể trở thành người quản lý doanh nghiệp như định nghĩa tại khoản 18 Điều 4 LDN năm 2014. Như vậy, khái niệm người quản lý doanh nghiệp quy định tại khoản 18 Điều 4 đã có sự mâu thuẫn với Điều 55 (về cơ cấu tổ chức quản lý CTTNHH hai thành viên trở lên) và Điều 182 (về nghĩa vụ của thành viên góp vốn trong CTHD).
1.5. Sự mâu thuẫn giữa khoản 6 với khoản 1 Điều 13 LDN năm 2014 và không phù hợp với Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017
Theo quy định tại khoản 6 Điều 13 LDN năm 2014 thì: “Đối với CTTNHH có hai thành viên, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty bị tạm giam, kết án tù, trốn khỏi nơi cư trú, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề vì phạm tội buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa dối khách hàng và tội khác theo quy định của Bộ luật hình sự (BLHS) thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của HĐTV về người đại diện theo pháp luật của công ty”. Quy định này cho thấy, đối với CTTNHH có hai thành viên trở lên có thể có “thành viên là tổ chức” làm người đại diện theo pháp luật của công ty, trong khi đó khái niệm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 13 LDN năm 2014 thì chỉ có “cá nhân” mới được làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Ngoài ra, điều luật còn liệt kê các tội danh một cách cụ thể như tội buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa dối khách hàng sẽ dễ dàng khi áp dụng. Ngược lại, khi BLHS bổ sung hoặc bãi bỏ một tội danh như BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã bỏ tội “kinh doanh trái phép” thì việc liệt kê các tội danh như trên sẽ không còn phù hợp. Còn đối với “tội khác theo quy định của BLHS” thì đó có phải là các tội phạm còn lại được quy định trong BLHS không, nếu đúng như vậy thì có vẻ việc liệt kê các tội danh như trên lại tỏ ra thừa trong khi đã có quy định “quét” tất cả các tội danh. Có thể lý giải cho quy định này là nhằm mục đích nhấn mạnh các hành vi mà doanh nghiệp thường vi phạm, nhưng dù sao đi nữa việc quy định như vậy vẫn là một sự hạn chế của điều luật.
1.6. Sự không thống nhất trong quy định về người đại diện đương nhiên giữa CTTNHH một thành viên với CTTNHH hai thành viên trở lên
LDN năm 2014 cũng quy định những chức danh quản lý đương nhiên hoặc trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật của công ty. Chẳng hạn, đối với CTTNHH một thành viên, trong trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch HĐTV hoặc Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật.[22] Thế nhưng, cũng cùng là một loại hình doanh nghiệp nhưng CTTNHH hai thành viên trở lên thì lại không có quy định, trong khi đó Điều lệ và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lại thể hiện thông tin về người đại diện theo pháp luật. Mặt khác, LDN năm 2014 còn quy định quyền và nghĩa vụ của Giám đốc, Tổng Giám đốc được “ký kết hợp đồng nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên”.[23] Như vậy, theo logic suy nghĩ có thể hiểu, trong CTTNHH hai thành viên trở lên thì Giám đốc, Tổng Giám đốc hoặc Chủ tịch HĐTV là một trong hai chủ thể có thể làm người đại diện theo pháp luật. Cho nên, để đảm bảo thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, theo chúng tôi cần quy định bổ sung về trường hợp này vào LDN năm 2014.
1.7. Bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba khi xác lập giao dịch với doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật
Khi một công ty có nhiều người đại diện theo pháp luật thì sự phân công thẩm quyền đại diện giữa những người này sẽ như thế nào. Chẳng hạn, đối với CTHD thì các thành viên hợp danh phân công nhau quản lý và kiểm soát trong hoạt động kinh doanh[24], còn CTTNHH và CTCP thì sự phân công quyền và nghĩa vụ của những người đại diện theo pháp luật sẽ được quy định cụ thể trong điều lệ của công ty[25]. Tuy nhiên, trong trường hợp nếu không xác định được cụ thể phạm vi đại diện theo Điều lệ thì người đại diện theo pháp luật mới được quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch theo khoản 2 Điều 141 BLDS năm 2015. Mặc dù, Điều lệ là văn bản ghi nhận rõ nhất các chức danh quản lý, cũng như quyền và nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật, nhưng đây cũng chỉ là văn bản mang tính nội bộ và không phải là nội dung bắt buộc phải thông báo công khai[26]. Ngoài ra, chưa kể đến việc Điều lệ có thể thay đổi theo thời gian và nội dung dài nên có thể một số nội dung thay đổi mà bên thứ ba khó có thể kiểm chứng và xác định được tư cách đại diện của người đại diện theo pháp luật. Cho nên, rất dễ dẫn đến trường hợp giao dịch với người không có thẩm quyền đại diện hoặc người có thẩm quyền đại diện nhưng đã bị thay đổi, chấm dứt, từ đó sẽ dẫn đến những rủi ro do giao dịch vô hiệu mang lại.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp cũng gặp phải những vướng mắc và lúng túng trong quá trình áp dụng. Chẳng hạn như, trường hợp một lãnh đạo của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đã đưa ra vấn đề “Nếu xảy ra tình trạng hôm nay, một người đại diện theo pháp luật ký văn bản với nội dung A, gửi cho các bên có liên quan và cả cơ quan quản lý, ngày mai người đại diện theo pháp luật khác gửi một văn bản với nội dung hoàn toàn trái ngược thì các bên sẽ tin ai?” và điều này sẽ dẫn tới sự tranh chấp giữa các nhóm cổ đông, giữa những người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.[27] Mặc dù, pháp luật có quy định người đại diện phải thông báo cho bên thứ ba biết về phạm vi đại diện của mình, nhưng trong trường hợp người đại diện cố tình không thông báo thì lại không có chế tài để ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp đối với giao dịch trong trường hợp này.[28] Cho nên, theo chúng tôi nếu không có cơ chế để bên thứ ba tiếp cận Điều lệ hay các văn bản nội bộ khác của doanh nghiệp thì nên áp dụng tương tự như quy định tại khoản 1 Điều 179 LDN năm 2014, đó là: “Mọi hạn chế đối với thành viên hợp danh trong thực hiện công việc kinh doanh hằng ngày của công ty chỉ có hiệu lực đối với bên thứ ba khi người đó được biết về hạn chế đó”.
Cách tiếp cận này không quá mới, bởi không chỉ có quy định trên mà trong Điều 11.3 Luật Công ty Nhật Bản năm 2005 cũng đã quy định: “Có thể khẳng định quyền đại diện đầy đủ của người đại diện đối với người thứ ba mà họ không biết về những hạn chế đó”.[29] Pháp luật của Anh còn đi xa hơn khi quy định vì lợi ích của bên thứ ba giao dịch với công ty một cách ngay tình, quyền hạn của các giám đốc (người đại diện) nhân danh công ty (hoặc ủy quyền lại cho người khác hành động nhân danh công ty) không chịu bất cứ giới hạn nào theo các văn bản nội bộ của công ty.[30] Pháp luật của Úc còn cho phép người thứ ba ngay tình có quyền suy đoán (statutory assumptions)[31] về “thẩm quyền đương nhiên” (apparent authority) hoặc thẩm quyền mặc định (implied actual authority) của một đại diện công ty khi thực hiện các giao dịch với người đại diện[32]. Nghĩa là, về nguyên tắc, hợp đồng do người đại diện ký vượt quá phạm vi thẩm quyền đại điện (defective contracts) vẫn có hiệu lực, trừ khi công ty (người được đại diện) có thể chứng minh rằng người thứ ba không ngay tình. Nói cách khác, một bên giao dịch với công ty không có nghĩa vụ phải tìm hiểu việc giới hạn thẩm quyền của người đại diện và được coi là ngay tình, trừ khi công ty có thể chứng minh được điều ngược lại[33]. Trên thực tế, dù pháp luật không quy định cụ thể nhưng trong rất nhiều bản án, Tòa án đã theo hướng người đại diện theo pháp luật không có trách nhiệm đối với các giao dịch của doanh nghiệp mà họ đã xác lập một cách hợp lệ và khi có tranh chấp xảy ra thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong tranh chấp đó[34].
2.Một số đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
2.1. Đảm bảo thống nhất trong một số quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
– Thứ nhất, cần bổ sung vai trò “xác lập” các giao dịch vào khái niệm về người đại diện theo pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 13 LDN năm 2014. Cụ thể: “Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp xác lập, thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”. Việc bổ sung vai trò “xác lập” các giao dịch là cần thiết và phù hợp, vì người đại diện theo pháp luật không chỉ là người “thực hiện” mà còn là người ký kết, “xác lập” các giao dịch nhân danh doanh nghiệp, đó cũng chính là một trong các quyền hạn then chốt của người đại diện theo pháp luật và cũng đảm bảo thống nhất với quy định tại khoản 1 Điều 134 BLDS năm 2015.
– Thứ hai, cần sửa đổi thuật ngữ “người quản lý doanh nghiệp” để không mâu thuẫn với quy định tại Điều 55 và Điều 182 LDN năm 2014 như đã phân tích trên. Trong thời gian tới, khi sửa đổi LDN năm 2014 các nhà làm luật cần xây dựng khái niệm người quản lý doanh nghiệp sao cho phù hợp với cơ cấu tổ chức của từng mô hình doanh nghiệp và không mâu thuẫn với các điều luật còn lại của LDN. Và có thể tham khảo khái niệm người quản lý doanh nghiệp của LDN năm 2005[35], vì LDN năm 2005 đã tính toán hợp lý đến cơ cấu tổ chức của từng mô hình doanh nghiệp để xây dựng thuật ngữ người quản lý doanh nghiệp khá chính xác và không mâu thuẫn với các điều luật còn lại của LDN.
– Thứ ba, việc tách ra thành hai khoản (khoản 8 và khoản 9 Điều 24 LDN năm 2014) tạo cho người đọc sự hiểu nhầm là có sự khác nhau giữa hai khoản và cũng vừa tạo nên sự kém súc tích trong một văn bản luật. Vì vậy, theo chúng tôi nên gộp chung quy định tại khoản 8 và khoản 9 Điều 24 LDN năm 2014 thành một khoản như sau: “Họ, tên, chữ ký, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp”. Việc gộp chung và chỉ ghi “người đại diện theo pháp luật” là phù hợp, vì chủ DNTN và TVHD của CTHD cũng đều là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
– Thứ tư, LDN năm 2014 không quy định người đại diện theo pháp luật đương nhiên của doanh nghiệp đối với CTTNHH hai thành viên trở lên. Trong khi đó, cũng cùng một loại hình doanh nghiệp là CTTNHH một thành vên và CTCP lại có quy định về trường hợp người đại diện theo pháp luật đương nhiên[36]. Do vậy, cần bổ sung quy định về người đại diện theo pháp luật đương nhiên của CTTNHH hai thành viên trở lên vào Điều 55 LDN năm 2014 theo hướng như sau: “Trong trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch HĐTV hoặc Giám đốc, Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật”. Việc quy định các chức danh Chủ tịch HĐTV hoặc Giám đốc, Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật đương nhiên là phù hợp với quy định tại Điều 55 LDN năm 2014 về cơ cấu tổ chức quản lý công ty và cũng phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch HĐTV, Giám đốc, Tổng Giám đốc.[37]
– Thứ năm, để thống nhất với khái niệm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp được quy định tại khoản 1 Điều 13 LDN năm 2014 và phù hợp với quy định của BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, cũng như khi BLHS có thay đổi sẽ dẫn đến tình trạng không còn phù hợp khi liệt kê các tội danh cụ thể như hiện nay và phù hợp với các hành vi xảy ra trên thực tế của doanh nghiệp. Trong thời gian tới cần sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 13 LDN năm 2014 theo hướng: “Đối với CTTNHH hai thành viên trở lên, nếu có thành viên làm người đại diện theo pháp luật của công ty bị tạm giam, kết án tù, trốn khỏi nơi cư trú, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề vì phạm tội theo quy định tại Chương XVIII[38] và Chương XIX[39] của BLHS thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của HĐTV về người đại diện theo pháp luật của công ty”.
2.2. Cần xây dựng cơ chế để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba trong các giao dịch thông qua người đại diện theo pháp luật
– Thứ nhất, đối với trường hợp có nhiều người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, thì quyền hạn và nghĩa vụ của những người này được quy định trong Điều lệ của doanh nghiệp. Cho nên, nếu bên thứ ba không xem xét kỹ Điều lệ của doanh nghiệp trước khi xác lập giao dịch, thì có thể giao dịch với người không có thẩm quyền đại diện hoặc khi thông tin về việc phân công trách nhiệm chỉ giới hạn trong nội bộ doanh nghiệp[40]. Bên cạnh đó, nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũng không ghi nhận phạm vi được đại diện[41] và các thông tin về chức danh quản lý, quyền hạn, nghĩa vụ của từng người đại diện chỉ được thể hiện trong Điều lệ công ty, nhưng Điều lệ công ty không phải là nội dung phải được thông báo công khai[42].
Vì vậy, theo tác giả nên có quy định theo hướng: “Mọi quy định hạn chế của doanh nghiệp về phân công thẩm quyền giữa những người đại diện theo pháp luật trong cùng một doanh nghiệp chỉ có hiệu lực đối với bên thứ ba khi họ biết được về sự hạn chế đó”. Quy định này sẽ tạo cho doanh nghiệp chủ động hơn trong việc công bố thông tin về người đại diện theo pháp luật với bên thứ ba, từ đó hạn chế được những rủi ro do những giao dịch vô hiệu mang lại và đảm bảo phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 179 LDN năm 2014[43].
– Thứ hai, đối với những trường hợp thay đổi người đại diện theo pháp luật, nếu bên thứ ba xác lập với người đã không còn làm người đại diện theo pháp luật cho doanh nghiệp nữa và nếu giao dịch đó có phần bất lợi cho doanh nghiệp, thì doanh nghiệp đó có thể sẽ đề nghị tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nên sẽ dẫn đến rủi ro quá lớn cho bên thứ ba.
Do vậy, theo tác giả cần có quy định bắt buộc: “Doanh nghiệp phải công bố thông tin cho bên thứ ba biết về việc thay đổi, chấm dứt tư cách người đại diện của người đại diện theo pháp luật liên quan đến giao dịch tại thời điểm xác lập”. Đối với doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật, thì người đại diện theo pháp luật còn lại sẽ thực hiện việc công bố thông tin. Còn đối với doanh nghiệp có một người đại diện theo pháp luật thì cấp phó phụ trách mảng hành chính sẽ thực hiện việc công bố thông tin. Tuy nhiên, để đảm bảo việc công bố thông tin được kịp thời thì trước hết cần phải công bố ngay trên Cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp sau khi ban quyết định về việc thay đổi, chấm dứt tư cách của người đại diện theo pháp luật.
Nếu như doanh nghiệp không công bố thông tin, thì có thể coi bên thứ ba là ngay tình, lỗi sẽ thuộc về doanh nghiệp và giao dịch này có hiệu lực đối với các bên theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 142 BLDS năm 2015. Đi xa hơn nữa, án lệ cần thừa nhận một nguyên tắc trước hoặc tại thời điểm xác lập giao dịch với người thứ ba, nếu doanh nghiệp không tuyên bố bằng văn bản cho người thứ ba rằng người đại diện theo pháp luật nhân danh doanh nghiệp xác lập giao dịch với bên thứ ba không có thẩm quyền đối với giao dịch này, thì bên thứ ba được quyền mặc nhiên suy đoán là người đại diện theo pháp luật này có thẩm quyền và giao dịch này có hiệu lực đối với doanh nghiệp và bên thứ ba.
– Thứ ba, đối với trường hợp trong cùng một doanh nghiệp, khi một người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đã ra một quyết định, nhưng sau đó do quyết định đó gây bất lợi cho doanh nghiệp nên người đại diện theo pháp luật khác lại ra một quyết định phủ định lại quyết định này, từ đó chẳng những làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, mà còn mất niềm tin của bên thứ ba.
Vì vậy, để tránh tình trạng này, theo tác giả cần có văn bản hướng dẫn LDN năm 2014 theo hướng: “Khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đã ra một quyết định đối với bên thứ ba mà quyết định này đã được ban hành đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền, nội dung theo quy định của pháp luật và đã được công bố chính thức với bên thứ ba, thì có giá trị pháp lý đối với các bên, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.
Kết luận. LDN năm 2014 có những cải cách tiến bộ về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, thế nhưng mọi cải cách đều không thể tránh khỏi những hạn chế, bất cập nhất định, vẫn chưa đáp ứng được mong muốn và kỳ vọng thật sự của môi trường kinh doanh – nơi kiểm chứng sự cải cách đó. Có thể lý giải cho sự cải cách đó là LDN năm 2014 đã tìm ra lối thoát cho doanh nghiệp bằng việc định cơ chế nhiều người đại diện theo pháp luật, nhưng đây chỉ mới giải quyết ở phần bề nổi, mà vẫn chưa xử lý triệt để vấn đề.[44] Do vậy, qua hơn 03 năm đi vào cuộc sống thì hiệu quả thực chất trong thực tế đã được kiểm chứng và cho thấy vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng và phù hợp về mặt lý luận cũng như thực tiễn như đã phân tích trên. Chính vì vậy, trong thời gian tới[45] cần phải sửa đổi, bổ sung LDN năm 2014 để nhằm đảm bảo tính hợp lý và logic trong văn bản luật, đồng thời để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của bên thứ ba khi giao dịch với doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật./.
[1] Vũ Thị Lan Anh (2016), “Quy định mới của Luật doanh nghiệp năm 2014 về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp”, Tạp chí Luật học, số 4/2016, tr.11.
[2] Điều 323.2 Luật Công ty Anh năm 2006,
http://www.legislation.gov.uk/ukpga/2006/46/section/323 [Truy cập ngày 09/10/2018]
[3] Điều 250D Luật Doanh nghiệp Úc năm 2001,
http://www.austlii.edu.au/au/legis/cth/consol_act/ca2001172/s250d.html [Truy cập ngày 09/10/2018]
[4] Điều 11.1 Luật Công ty Nhật Bản năm 2005,
http://www.japaneselawtranslation.go.jp/law/detail/?id=2035&vm=04&re=02 [Truy cập ngày 09/10/2018]
[5] Điều 35.2 Luật Công ty trách nhiệm hữu hạn Đức năm 2016,
http://www.gesetze-im-internet.de/englisch_gmbhg/englisch_gmbhg.html [Truy cập ngày 09/10/2018]
[6] Chẳng hạn, Công ty trách nhiệm hữu hạn (khoản 5 Điều 67, khoản 1 Điều 74); Công ty cổ phần (khoản 1 Điều 116); Công ty hợp danh (khoản 1 Điều 137); Doanh nghiệp tư nhân (khoản 4 Điều 143).
[7] Bùi Đức Giang (2015), “Hành lang pháp lý mới về người đại diện theo pháp luật của Luật doanh nghiệp năm 2014”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 6/2015, tr. 18.
[8] Xem thêm: Geoffrey Morse and others, Palmer’s Company Law – Volume 1 (Sweet & Maxwell, 2015), para.8.101 and seq.
[9] Điều 201A Luật Doanh nghiệp Úc năm 2001,
http://www.austlii.edu.au/au/legis/cth/consol_act/ca2001172/s250d.html [Truy cập ngày 10/10/2018]
[10] Lê Thị Thu Thủy và Đỗ Minh Tuấn (2016), Thể chế pháp luật kinh tế một số quốc gia trên thế giới, Nxb. Tài Chính, Hà Nội, tr. 157.
[11] Vũ Thị Lan Anh (2009), “Pháp luật Singapore về các hình thức tổ chức kinh doanh”, Tạp chí Luật học, số 12/2009, tr. 55.
[12] Khoản 4 Điều 185 Luật doanh nghiệp năm 2014.
[13] Khoản 1 Điều 179 Luật doanh nghiệp năm 2014.
[14] Khoản 2 Điều 13 Luật doanh nghiệp năm 2014.
[15] Điểm a khoản 1 Điều 172 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định: “Công ty hợp doanh là doanh nghiệp phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng kinh doanh dưới một tên chung” và tại khoản 1 Điều 179 quy định: “Các thành viên hợp danh có quyền đại diện theo pháp luật và tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty”.
[16] Khoản 5 Điều 13 Luật doanh nghiệp năm 2014.
[17] Khoản 6 Điều 13 Luật doanh nghiệp năm 2014.
[18] Khoản 1 Điều 56 Luật doanh nghiệp năm 2014.
[19] Khoản 1 Điều 177 Luật doanh nghiệp năm 2014.
[20] Điểm a khoản 1 Điều 182 Luật doanh nghiệp năm 2014.
[21] Điểm b khoản 2 Điều 182 Luật doanh nghiệp năm 2014.
[22] Khoản 2 Điều 78 Luật doanh nghiệp năm 2014.
[23] Điểm e khoản 2 Điều 64 Luật doanh nghiệp năm 2014.
[24] Khoản 2 Điều 179 Luật doanh nghiệp năm 2014.
[25] Khoản 2 Điều 13 Luật doanh nghiệp năm 2014.
[26] Khoản 1 Điều 33 Luật doanh nghiệp năm 2014.
[27] Bùi Sưởng, “Nhiều người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp”, http://tinnhanhchungkhoan.vn/phap-luat/nhieu-nguoi-dai-dien-theo-phap-luat-can-song-van-vuong-155815.html [Truy cập ngày 10/10/2018]
[28] Khoản 4 Điều 141 Bộ luật dân sự năm 2015.
[29] Điều 11.3 Luật Công ty Nhật Bản năm 2005,
http://www.japaneselawtranslation.go.jp/law/detail/?id=2035&vm=04&re=02 [Truy cập ngày 10/10/2018]
[30] Điều 40 Luật Công ty Anh năm 2006,
http://www.legislation.gov.uk/ukpga/2006/46/section/323 [Truy cập ngày 10/10/2018]
[31] Luật công ty Úc đã đưa nguyên tắc “việc trong nhà” (indoor management rule) và quyền suy đoán dựa trên luật pháp (statutory assumptions) vào Điều 128 và Điều 129 Luật Công ty năm 2001.
[32] Quách Thúy Quỳnh – Nguyễn Thị Vân Anh (2016), “Lại chuyện hợp đồng vô hiệu do vi phạm thẩm quyền”, https://www.thesaigontimes.vn/148793/Lai-chuyen-hop-dong-vo-hieu-do-vi-pham-tham-quyen.html [Truy cập ngày 09/10/2018]
[33] Tim Sewell, Companies vol. 10(1) – Directors and other officers, shareholders, shares and share capital (Lexis Nexis, 2011), para. 76.
[34] Đỗ Văn Đại (2017), Luật hợp đồng Việt Nam – Bản án và bình luận bản án, tập 1, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, tr. 289.
[35] Khoản 13 Điều 4 Luật doanh nghiệp năm 2005: “Người quản lý doanh nghiệp là chủ sở hữu, giám đốc DNTN, TVHD CTHD, Chủ tịch HĐTV, Chủ tịch công ty, thành viên HĐQT, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và các chức danh quản lý khác do Điều lệ công ty quy định”.
[36] Khoản 2 Điều 78, khoản 2 Điều 134 Luật doanh nghiệp năm 2014.
[37] Điều 57 và Điều 64 Luật doanh nghiệp năm 2014.
[38] Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.
[39] Các tội phạm về môi trường.
[40] Nguyễn Thị Tình (2014), Một số ý kiến về quy định “người đại diện theo pháp luật” và “con dấu” trong Dự thảo Luật doanh nghiệp, Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, https://dangkykinhdoanh.gov.vn/NewsandUpdates/tabid/91/ArticleID/886/language/vi-vn/Default.aspx [Truy cập ngày 09/10/2018]
[41] Khoản 3 Điều 29 Luật doanh nghiệp năm 2014.
[42] Khoản 1 Điều 33 Luật doanh nghiệp năm 2014.
[43] Khoản 1 Điều 179 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định: “Mọi hạn chế đối với TVHD, trong thực hiện công việc kinh doanh hằng ngày của công ty chỉ có hiệu lực đối với bên thứ ba khi người đó được biết về hạn chế đó”.
[44] Trương Thanh Đức (2017), Luận giải về Luật doanh nghiệp năm 2014 (36 kế sách pháp lý của doanh nghiệp), (Tái bản có chỉnh sửa), Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tr. 171.
[45] Nghị quyết số 57/2018/QH14 ngày 08/6/2018 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, thì Luật doanh nghiệp năm 2014 là một trong các luật được sửa đổi vào năm 2019.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn đại biểu kiều bào tham dự Chương trình "Xuân Quê hương 2025"
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Bổ sung 6 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025
Bình luận