Tòa án – điểm tựa cho hòa giải ngoài Tòa án

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới tại 190 nền kinh tế, có đến 173 nền kinh tế chấp nhận hoạt động hoà giải tự nguyện ngoài Tòa án. Ở Việt Nam, BLTTDS 2015 có một chương mới về công nhận thoả thuận hoà giải thành ngoài Toà án. Tháng 2 năm 2017, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hoà giải thương mại. Bài viết này sẽ phân tích các ưu điểm và nhược điểm của phương thức giải quyết tranh chấp này so với hai phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài và Toà án. Để qua đó, tìm giải pháp thúc đẩy các điểm mạnh và khắc phục các điểm yếu của phương thức giải quyết tranh chấp này.

“Việc dân sự cốt ở đôi bên” nhằm nói lên một phương thức giải quyết tranh chấp bằng hoà giải. Đó là phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả nhất mà thực tiễn từ lâu đã đúc rút.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy hoạt động hoà giải trong tranh chấp dân sự là một phương thức giải quyết tranh chấp lâu đời trên thế giới. Tại Việt Nam, hoạt động hoà giải những tranh chấp có giá trị nhỏ, tranh chấp trong nội bộ gia đình… đã được thực hiện khá nhiều thông qua các mô hình giải quyết tranh chấp của người già, người có uy tín trong cộng đồng, gia đình. Khối lượng các vụ tranh chấp được hoà giải cơ sở giải quyết khá nhiều so với các vụ việc dân sự do Toà án thụ lý[1]. Hoạt động hoà giải cơ sở được đánh giá là “đã giúp giữ gìn tình làng, nghĩa xóm; tăng cường tình đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư; ngăn ngừa kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giảm bớt vụ việc phải đưa lên Tòa án nhân dân giải quyết, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển” [2].

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, hoạt động hoà giải là công cụ quan trọng để hỗ trợ kinh doanh và tăng cường phát triển kinh tế. Trong tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài, hoà giải được coi là vượt qua các rào cản về văn hoá và quyền tài phán[3]. Các hoạt động về hoà giải, Trọng tài không phải là thay thế hoạt động giải quyết tranh chấp truyền thống của Toà án mà được coi là hỗ trợ cho hoạt động giải quyết tranh chấp được nhanh, hiệu quả về chi phí và minh bạch hơn[4]. Hoà giải giúp cho xử lý được những vụ việc tranh chấp rất khó khăn trong việc giải quyết bằng phương thức tố tụng truyền thống. Với nhiều ưu điểm của hoạt động hoà giải ngoài Toà án trong việc giải quyết tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại… mà nhiều quốc gia trên thế giới có nhiều biện pháp thúc đẩy hoạt động này. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới tại 190 nền kinh tế, có đến 173 nền kinh tế chấp nhận hoạt động hoà giải tự nguyện ngoài Tòa án[5]. Tại Châu Âu, các nước muốn tham gia vào Liên minh Châu Âu thì phải chấp nhận áp dụng hoà giải ngoài Toà án[6]. Ở Việt Nam, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có một chương mới về công nhận thoả thuận hoà giải thành ngoài Toà án. Tháng 2 năm 2017, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hoà giải thương mại. Những quy định là khuôn khổ pháp lý cần thiết để thúc đẩy sự phát triển hoạt động hoà giải ngoài Toà án tại Việt Nam.

Bài viết này sẽ phân tích các ưu điểm và nhược điểm của phương thức giải quyết tranh chấp này so với hai phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài và Toà án. Để qua đó, tìm giải pháp thúc đẩy các điểm mạnh và khắc phục các điểm yếu của phương thức giải quyết tranh chấp này.

1.Ưu điểm của hoà giải

Có nhiều lý do mà các bên lựa chọn hoà giải chuyên nghiệp để giải quyết tranh chấp, đặc biệt là những tranh chấp liên quan đến nội bộ gia đình, tài chính, hàng xóm, quyền sở hữu tài sản, phụ huynh với nhà trường, lao động và kinh doanh thương mại:

Bảo đảm bí mật của vụ việc;

Thời gian giải quyết tranh chấp nhanh chóng;

Chi phí giải quyết tranh chấp thấp;

Kiểm soát của các bên về mức độ tranh chấp và giữ được mối quan hệ giữa các bên sau khi giải quyết được tranh chấp;

Khả năng tôn trọng thoả thuận hoà giải;

Thủ tục giải quyết tranh chấp thân thiện;

Văn bản về kết quả hòa giải thành được xem xét công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

1.1. Bảo đảm bí mật của vụ việc và danh tiếng các bên tranh chấp

Bảo đảm bí mật của vụ việc và tên của các bên tranh chấp là nguyên tắc chính của hoà giải thương mại và là nghĩa vụ của các hoà giải viên theo quy định của pháp luật Việt Nam[7]. Bảo đảm bí mật về vụ việc được coi là một điều kiện tiên quyết trong hoạt động  hoà giải chuyên nghiệp trên thế giới và là một đặc điểm khác biệt so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác. Trong tố tụng Trọng tài và Toà án, mỗi bên tranh chấp thường phải chấp nhận tiết lộ thông tin và tài liệu của vụ việc để bảo vệ quyền lợi của mình. Thông tin và tài liệu phải được gửi tới hội đồng Trọng tài hoặc hội đồng xét xử và tới bên tranh chấp còn lại[8] mặc dù nguyên tắc của tố tụng Trọng tài là không công khai[9] và tố tụng Toà án cho phép được giữ xét xử kín trong trường hợp đặc biệt nhằm bảo vệ bí mật kinh doanh[10]. Phần lớn các vụ án dân sự nếu không chứng minh được sự cần thiết bảo vệ bí mật kinh doanh trong hoạt động tố tụng, Toà án sẽ tiến hành xét xử và tuyên án công khai.

Để thực hiện nghĩa vụ bảo đảm bí mật, các hoà giải viên chuyên nghiệp thường:

Không tiết lộ công việc, vai trò của mình khi giải quyết vụ việc đối với bất kỳ bên nào không phải là các bên tranh chấp. Đặc biệt, các hoà giải viên không được phép vì lý do cá nhân mà công bố thông tin về tranh chấp hay kinh nghiệm giải quyết tranh chấp cho các bên tranh chấp;

Không được tiết lộ thông tin của một bên mà mình có được để cung cấp cho bên kia dù là vô tình hay hữu ý. Để nhắc nhở bản thân mình cũng như các bên tranh chấp về nguyên tắc bảo đảm bí mật, các hoà giải viên chuyên nghiệp thường nhắc lại nguyên tắc này mỗi khi gặp gỡ riêng các bên hoặc gặp gỡ cả hai bên;

Thông báo các bên hoặc từng bên tranh chấp về quyền của họ là không bắt buộc phải công khai, tiết lộ thông tin cho hoà giải viên hoặc bên kia, trừ trường hợp họ muốn hoà giải viên làm công việc chuyển tải thông tin tới bên kia. Mỗi bên tranh chấp có thể giữ kín được lý do dẫn đến tranh chấp trong quá trình hoà giải;

Huỷ các bản ghi chép cá nhân của mình trong quá trình giải quyết hoà giải khi vụ việc kết thúc để bảo vệ các thông tin không bị lộ ra bên ngoài.

1.2. Thời gian giải quyết tranh chấp nhanh chóng

Theo thống kê, giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài hoặc Toà án thường mất vài tháng cho đến vài năm, tuỳ theo mức độ phức tạp của vụ việc[11]. Thời gian giải quyết tranh chấp tại Trọng tài hoặc Toà án phụ thuộc chủ yếu vào quyết định của hội đồng Trọng tài hoặc hội đồng xét xử. Trong khi đó, thời gian giải quyết tranh chấp bằng hoà giải chủ yếu phụ thuộc vào thoả thuận giữa các bên tranh chấp với hoà giải viên. Thời gian diễn ra hoà giải không quá lâu, thường là một ngày với mục tiêu hoàn tất việc giải quyết tranh chấp trong ngày đó. Trong ngày hoà giải, hoà giải viên với tư cách là người quản lý quy trình sẽ tổ chức thực hiện quy trình phù hợp với các bên và tranh chấp, đề xuất một loạt các phiên họp chung và riêng cũng như trình tự tiến hành các phiên họp đó. Tuy nhiên, cũng có hàng loạt những biến thể có thể sử dụng để phù hợp với các tình huống cụ thể.

 1.3. Chi phí giải quyết tranh chấp thấp

Chi phí giải quyết tranh chấp bằng hoà giải thường thấp hơn so với giải quyết tranh chấp bằng tranh tụng Trọng tài hoặc Toà án. Nếu hoà giải do Toà án thực hiện nhưng trước khi mở phiên toà xét xử sơ thẩm thì các bên chỉ chịu 50% mức án phí sơ thẩm giải quyết theo thủ tục thông thường[12]. Còn đối với hoạt động hoà giải ngoài Toà án, chi phí để giải quyết vụ việc thông thường là mức chi phí cho từ một hoà giải viên làm việc trong một khoảng thời gian ngắn để thực hiện việc hoà giải. Trong một số trường hợp do các bên tranh chấp lựa chọn, thủ tục hoà giải có thể được thực hiện bằng ba hoà giải viên nhưng mức chi phí thường cũng thấp hơn nếu phải thuê những người có cùng năng lực, trình độ tương đương để tham gia giải quyết tranh chấp theo các thủ tục tố tụng khác.

1.4. Kiểm soát của các bên về mức độ tranh chấp và giữ được mối quan hệ giữa các bên sau khi giải quyết được tranh chấp

Hoà giải là một phương thức giải quyết tranh chấp mà các bên có thể kiểm soát được mức độ tranh chấp từ thời gian, quá trình giải quyết, chi phí, bảo mật thông tin, giảm thiểu tối đa những yếu tố bất lợi cho bản thân, giữ được uy tín và giữ được mối quan hệ đối tác giữa các bên tranh chấp. Đây cũng là một lợi thế khác biệt của phương thức hoà giải so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác. Để phát huy được ưu thế này, hoà giải viên cần phải có kỹ năng thúc đẩy sự đối thoại giữa các bên và kiểm soát được cảm xúc cá nhân của từng bên khi tham gia tranh chấp. Văn hoá Việt Nam nói riêng và văn hoá Á đông nói chung thường khuyến khích các bên tranh chấp tìm phương án hoà giải thân thiện để giải quyết tranh chấp hơn là phương án xét xử (“vô phúc đáo tụng đình”).

1.5. Khả năng tôn trọng kết quả hoà giải thành

Một trong những điều kiện cần của hoà giải là tất cả các bên tranh chấp cùng phải có thoả thuận hoà giải[13]. Trên cơ sở thoả thuận hoà giải, các bên phải thống nhất lựa chọn tổ chức hoà giải, hoà giải viên để giải quyết tranh chấp. Những hành động sẽ giúp nâng cao nhận thức của các bên về vai trò của hoà giải để qua đó nâng cao nhận thức về tôn trọng kết quả hoà giải thành. Việc các bên tự tôn trọng kết quả hoà giải cũng sẽ giúp cho các bên tiết kiệm được thời gian, chi phí thay vì phải đề nghị Toà án công nhận kết quả hoà giải thành và thực hiện các hoạt động thi hành án. Việc tôn trọng kết quả hoà giải thành cũng sẽ giúp cho các bên giữ được uy tín, mối quan hệ kinh doanh với nhau trước khi hai bên có tranh chấp.

1.6. Thủ tục giải quyết tranh chấp thân thiện

Khác với các phương án giải quyết tranh chấp khác, thủ tục để tiến hành hoà giải không chặt chẽ như thủ tục tố tụng Trọng tài hay Toà án. Các bên giải quyết tranh chấp có thể thảo luận với hoà giải viên về trình tự hoà giải[14]. Hoà giải viên có trách nhiệm điều phối thủ tục hoà giải một cách thích hợp để từng bên cảm thấy thoải mái trong quá trình hoà giải, dẫn đến giảm bớt các bức xúc trong quá trình giải quyết tranh chấp. Trong hoạt động hoà giải, các bên tranh chấp hoặc đại diện của họ sẽ là người tham gia chính. Luật sư hay cố vấn pháp lý sẽ chỉ giữ vai trò là những nhà tư vấn mang tính hỗ trợ. Những tranh luận về pháp lý thường không được khuyến khích trong hoạt động hoà giải để tránh những căng thẳng chưa cần thiết trong quá trình hoà giải. Tuy nhiên, tư vấn của các luật sư, cố vấn pháp lý vẫn rất cần thiết để mỗi bên hiểu rõ hơn về vị thế pháp lý của mình cũng như của bên kia và đánh giá được khả năng giải quyết tranh chấp nếu hoà giải không thành.

1.7. Văn bản về kết quả hòa giải thành được xem xét công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Khác với thực tế hoà giải ở một số nước trên thế giới, văn bản về kết quả hoà giải thành của hoạt động hoà giải tranh chấp thương mại ngoài Toà án sẽ được tòa án công nhận và được bảo đảm thi hành theo quy định của pháp luật[15]. Đây thực sự là một ưu điểm của hoạt động hoà giải tại Việt Nam để các bên có động lực tham gia giải quyết tranh chấp bằng hoà giải ngoài Toà án.

2.Nhược điểm của hoà giải

Mặc dù có nhiều ưu điểm như đã nêu ở trên, hoạt động hoà giải còn có một số các nhược điểm mà phương thức này còn có thể gây lưỡng lự cho các bên tranh chấp khi lựa chọn, như:

Hình thức giải quyết khép kín, không công khai có thể nảy sinh những tiêu cực, trái pháp luật;

Hoà giải viên không được đưa ra quyết định ràng buộc hay áp đặt các bên khi giải quyết tranh chấp nên tranh chấp có thể kéo dài;

Một trong bên có thể dừng hoà giải để lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác;

Nhận thức về các phương thức giải quyết tranh chấp còn yếu nên không tôn trọng hoạt động hoà giải của các bên tranh chấp;

Các quy định pháp luật liên quan đến thời hiệu chưa thực sự rõ ràng đối với thời gian hoà giải;

Khả năng Toà án có thể xem xét lại nội dung của thoả thuận hoà giải thành.

2.1. Hình thức giải quyết khép kín, không công khai có thể nảy sinh những tiêu cực, trái pháp luật

Như đã phân tích ở trên, ưu điểm lớn nhất của hoạt động hoà giải là bảo đảm tính bí mật của vụ việc và các bên. Nhưng nếu hoạt động hoà giải không được chuyên nghiệp hoặc hoà giải viên không tuân thủ các nguyên tắc về nghề nghiệp và đạo đức của hoà giải viên thì tiêu cực có thể nảy sinh trong quá trình hoà giải mà có thể gây bất lợi cho một bên. Khác với thủ tục tố tụng Trọng tài hoặc Toà án, hoà giải viên không bị giới hạn trong việc gặp gỡ riêng từng bên trong quá trình hoà giải để tìm hiểu mong muốn của bên đó đối với tranh chấp. Theo nguyên tắc giữ bí mật thông tin, hoà giải viên chỉ có thể tiết lộ thông tin từ cuộc gặp gỡ riêng đó cho bên kia nếu được bên gặp gỡ đồng ý. Tuy nhiên, nếu hoà giải viên vô ý hoặc cố ý làm lộ thông tin mà một bên đã tin tưởng giao phó thì sẽ gây bất lợi cho bên đó trong quá trình thương lượng, hoà giải.

2.2. Hoà giải viên không được đưa ra quyết định ràng buộc hay áp đặt các bên khi giải quyết tranh chấp nên tranh chấp có thể kéo dài

Theo quy định của pháp luật, hòa giải viên thương mại chỉ có quyền đưa ra đề xuất nhằm giải quyết tranh chấp trong quá trình hoà giải mà không có quyền đưa ra các phân tích, lời khuyên pháp lý[16]. Hoà giải viên luôn luôn phải tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm pháp luật và không trái đạo đức xã hội[17]. Chính vì những ràng buộc này, nếu một bên tranh chấp cố ý kéo dài thời gian hoặc làm phức tạp thêm quá trình hoà giải hoặc do năng lực hiểu biết về pháp luật hạn chế thì hoà giải viên cũng không thể đưa ra các ý kiến tư vấn hoặc các quyết định có tính ràng buộc, áp đặt các bên.

2.3. Một trong bên có thể dừng hoà giải để lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác

Trong quá trình hoà giải, một trong bên có thể dừng hoà giải để lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác vào bất kỳ thời điểm nào[18].  Dựa trên đặc điểm này, các nỗ lực giải quyết tranh chấp bằng hoà giải có thể trở nên vô nghĩa khi mà một bên không đồng ý tiếp tục. Như đã phân tích ở trên, các bên tranh chấp có thể kiểm soát được toàn bộ quá trình hoà giải là một ưu điểm thì cũng đồng thời là nhược điểm vì hoà giải viên không thể bắt buộc các bên phải tiếp tục giải quyết tranh chấp đến tận cùng.

2.4. Nhận thức về các phương thức giải quyết tranh chấp còn yếu nên không tôn trọng hoạt động hoà giải của các bên tranh chấp

Nhược điểm này là khá phổ biến ở Việt Nam khi mà nhận thức pháp luật của người dân và doanh nghiệp còn hạn chế. Trên thực tế, nhược điểm này không chỉ thách thức hoạt động hoà giải mà cũng thách thức cả hoạt động giải quyết tranh chấp của Trọng tài và Toà án. Nhiều người dân, doanh nghiệp chưa nhận thức được hậu quả kéo dài của quá trình giải quyết tranh chấp bằng tố tụng cũng như thi hành án sau này nên chưa thực sự chú tâm vào giải quyết tranh chấp bằng hoà giải.

2.5. Các quy định pháp luật liên quan đến thời hiệu chưa thực sự rõ ràng đối với thời gian hoà giải

Khác với tố tụng Trọng tài, thời gian từ ngày nguyên đơn khởi kiện tại Trọng tài đến ngày Toà án ra quyết định thụ lý giải quyết vụ tranh chấp không tính vào thời hiệu khởi kiện” [19]. Quy định pháp luật đối với thời hiệu khởi kiện liên quan đến hoạt động hoà giải ngoài tố tụng Trọng tài hay Toà án chưa thực sự rõ ràng, thống nhất, bao gồm cả thời hiệu theo tố tụng Trọng tài và tố tụng Toà án.

Theo quy định theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010 thì “trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác, thời hiệu khởi kiện theo thủ tục Trọng tài là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm”[20]. Quy định này phù hợp với quy định tại Luật thương mại 2005 về thời hiệu khởi kiện[21]. Nhưng Luật Trọng tài thương mại 2010 không xác định thời gian giải quyết tranh chấp bằng hoà giải bên ngoài thủ tục Trọng tài có được loại trừ khỏi thời hiệu khởi kiện hay không?

Tương tự như vậy đối với tố tụng tại Toà án, BLTTDS 2015 có quy định cho phép bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự nếu “các bên đã tự hoà giải với nhau”[22]. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến băn khoăn quy định “đã tự hoà giải” có nghĩa là các bên tự hoà giải thành nhưng sau đó lại có một bên vi phạm và khởi kiện ra Toà án thì Toà án sẽ xem xét cho phép bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện. Quan điểm này cho rằng thoả thuận hoà giải thành được coi như là một hợp đồng dân sự mới nên sẽ có thời hiệu mới. Nhưng nếu việc hoà giải không thành thì toàn bộ thời gian hoà giải vẫn thuộc về khuôn khổ của thời hiệu theo hợp đồng bị tranh chấp mà không được trừ đi. Cũng có ý kiến cho rằng BLTTDS 2015 chỉ cho phép bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện khi các bên tiến hành hoà giải tại Toà án[23]. Vấn đề thời hiệu có thể là một thách thức lớn để người dân, doanh nghiệp lựa chọn phương thức hoà giải ngoài Toà án.

Khả năng Toà án có thể xem xét lại nội dung của thoả thuận hoà giải thành

BLTTDS 2015 đã quy định hẳn một chương với bốn điều về thủ tục công nhận kết quả hoà giải thành ngoài Toà án[24]. Bộ luật đưa ra các điều kiện để kết quả hoà giải thành ngoài Toà án được công nhận, bao gồm:

“1. Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.

Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý.

Một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận.

Nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba” [25].

Như vậy, Toà án sẽ phải kiểm tra lại việc hoà giải của các bên có đáp ứng được các điều kiện hay không? Đặc biệt là điều kiện thứ tư nêu trên. Việc chứng minh “nội dung thoả thuận hoà giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện” trong khi toàn bộ quá trình hoà giải phải được tiến hành theo thể thức bảo đảm bí mật vụ việc sẽ là một thách thức lớn. Suy luận logic cho thấy trong trường hợp một bên có đơn yêu cầu Toà án công nhận kết quả hoà giải thành thường xảy ra khi bên kia không tuân thủ thoả thuận hoà giải thành đó. Việc bên còn lại có thể nại bất kỳ một lý do nào của điều kiện thứ tư để yêu cầu Toà án xem lại toàn bộ nội dung của thoả thuận hoà giải hoặc tiến trình hoà giải. Việc này dẫn đến kéo dài quá trình công nhận thoả thuận hoà giải thành hoặc không công nhận thoả thuận đó[26].

 3.Vai trò của Toà án là điểm tựa cho hoà giải ngoài Toà án phát triển

Như đã phân tích ở trên, hoà giải được coi là một hoạt động hỗ trợ cho hoạt động giải quyết tranh chấp bằng tố tụng. Hoà giải không chỉ đơn thuần giúp cho việc giảm tải khối lượng giải quyết tranh chấp tại Toà án mà còn giúp cho các bên tranh chấp đánh giá được ưu điểm và nhược điểm khi giải quyết vụ tranh chấp tại Toà án. Việc này giúp cho việc định hướng, thái độ của các bên khi giải quyết tranh chấp tại Toà án. Thực tiễn giải quyết tranh chấp dân sự tại Toà án ở Việt Nam cho thấy các Thẩm phán thường tạo điều kiện cho các bên tranh chấp hoà giải ngay trong giai đoạn đầu tố tụng.

Để hoạt động công nhận thoả thuận hoà giải thành của Toà án giúp cho hoạt động hoà giải trở nên đúng đắn về pháp lý và đạo đức và có chất lượng chuyên môn hơn, Toà án cần phổ biến, tuyên truyền về hoạt động hoà giải ngoài Toà án để mọi người nói chung và đội ngũ Thẩm phán, cán bộ Toà án hiểu và hỗ trợ để những ưu điểm của hoạt động này được phát huy.

Ngành Toà án cần có hướng dẫn bằng văn bản đối với việc dụng quy định tại Điều 157 BLTTDS 2015 về bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện và Điều 417 về điều kiện công nhận kết quả hoà giải thành ngoài Tòa án để có thể hạn chế được những thách thức đối với hoạt động hoà giải.

Để thúc đẩy được về thời gian thực hiện thủ tục công nhận thoả thuận hoà giải thành do thực hiện theo thủ tục giải quyết vụ việc dân sự,Toà án cần khuyến khích; tăng cường áp dụng việc gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử. Ở một số quốc gia như Singapore, Hàn Quốc, Malaysia… những hoạt động mang tính thủ tục tại Toà án, như tiếp nhận đơn, tống đạt, nộp án phí, trình bày quan điểm, giao nộp chứng cứ… bằng các phương tiện điện tử đã giúp cho hoạt động Toà án được gần với dân, cải thiện được đáng kể môi trường kinh doanh và pháp lý của quốc gia mình[27].

Hy vọng trong thời gian tới, TANDTC và Toà án các cấp có nhiều biện pháp về chính sách và thực tiễn để hoạt động hoà giải ở Việt Nam được phát triển và chia sẻ được gánh nặng xét xử của Toà án và Trọng tài./.

Ls Nguyễn Hưng Quang là Hoà giải viên do Trung tâm giải quyết tranh chấp có hiệu quả (CEDR) của Anh Quốc – một trung tâm có uy tín trên thế giới về hoà giải cấp chứng chỉ. 

 

 

 

 

 

[1] Tờ trình về Dự án Luật Hoà giải cơ sở.

[2] Tờ trình về Dự án Luật Hoà giải cơ sở.

[3] Ngân hàng Thế giới, Sổ tay hoà giải viên, 2017, trang 9.

[4] Ngân hàng Thế giới, Doing Business – Enforcing contract, Good Practices, http://www.doingbusiness.org/data/exploretopics/enforcing-contracts/good-practices#Computerization%20and%20court%20efficiency

[5] Ngân hàng Thế giới, Doing Business – Enforcing contract, Good Practices, http://www.doingbusiness.org/data/exploretopics/enforcing-contracts/good-practices#Computerization%20and%20court%20efficiency

[6] Ngân hàng Thế giới, Sổ tay hoà giải viên, 2017, trang 7.

[7] Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hoà giải thương mại, Điều 4 và Điều 9.

[8] Luật Trọng tài thương mại 2010, Điều 12.

[9] Luật Trọng tài thương mại 2010, Điều 4.

[10] Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Điều 15, Điều 267.

[11] Nguyễn Hưng Quang, ‘Bảo đảm thực thi hợp đồng’ trong Báo cáo Chẩn đoán tăng trường kinh tế Việt Nam, Ban Kinh tế trung ương, trang 119-220.

[12] Bộ luật tố tụng dân sự, Điều 147, khoản 3.

[13] Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hoà giải thương mại, Điều 6.

[14] Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hoà giải thương mại, Điều 13 và Điều 14.

[15] Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hoà giải thương mại, Điều 16; Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Chương XXXIII (Điều 416-419).

[16] Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hoà giải thương mại, Điều 9 và Điều 14.

[17] Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hoà giải thương mại, Điều 9.

[18] Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hoà giải thương mại, Điều 13.

[19] Luật Trọng tài thương mại 2010, Điều 44.

[20] Luật Trọng tài thương mại 2010, Điều 33.

[21] Luật thương mại 2005, Điều 319.

[22] Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Điều 157.

[23] Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, “Dấu mốc” quan trọng của hoạt động hoà giải thương mại Việt Nam, ngày 18/01/2018, http://enternews.vn/dau-moc-quan-trong-cua-hoat-dong-hoa-giai-thuong-mai-viet-nam-123665.html

[24] Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Chương XXXIII (Điều 416-419)

[25] Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Điều 417

[26] Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, “Dấu mốc” quan trọng của hoạt động hoà giải thương mại Việt Nam, ngày 18/01/2018, http://enternews.vn/dau-moc-quan-trong-cua-hoat-dong-hoa-giai-thuong-mai-viet-nam-123665.html

[27] Ngân hàng Thế giới, Doing Business – Enforcing contract, Good Practices, http://www.doingbusiness.org/data/exploretopics/enforcing-contracts/good-practices#Computerization%20and%20court%20efficiency

Ls. NGUYỄN HƯNG QUANG (Văn phòng luật sư NHQuang &Cộng sự)