Tư cách đương sự của tổ chức hành nghề công chứng trong vụ án liên quan đến công chứng văn bản

Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 quy định Tòa án có thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu (khoản 11 Điều 26). Tuy nhiên, việc xác định tư cách tố tụng của tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) trong vụ án liên quan đến văn bản công chứng vô hiệu, đến hoạt động công chứng văn bản trong thực tiễn giải quyết tại Tòa án còn chưa thống nhất. Bài viết sẽ luận giải, phân tích các căn cứ xác định tư cách tố tụng của TCHNCC thông qua một số tình huống thực tiễn.

1. TÌNH HUỐNG THỰC TIỄN

1.1.Tình huống 1[1]

Ngày 17-11-2015, ông S ký Hợp đồng mua nhà đất với vợ chồng ông M, bà V (giả). Hợp đồng được công chứng tại Văn phòng công chứng N. Tuy nhiên, do người ký hợp đồng mua bán với ông S là giả mạo, không phải là chủ sở hữu thật sự của nhà đất nên theo yêu cầu của ông M, bà V (thật), ngày 17-5-2017, Tòa án đã tuyên bố Hợp đồng mua bán nêu trên là vô hiệu do bị lừa dối theo yêu cầu của ông M, bà V (thật).

Ông S khởi kiện Văn phòng công chứng N yêu cầu bồi thường 600.000.000 đồng ông đã trả cho ông M, bà V (giả).

Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã thụ lý vụ án và xác định quan hệ tranh chấp là tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm ngày 24-4-2018, ông S là nguyên đơn, Văn phòng công chứng N là bị đơn.

1.2.Tình huống 2[2]

Ngày 4-2-2015, bà E yêu cầu ông A và bà B công chứng hợp đồng ủy
quyền cho bà E được quyền định đoạt đối với quyền sử dụng đất nhằm để bảo đảm khoản tiền vay 60.000.000 đồng. Hợp đồng ủy quyền được công chứng tại Văn phòng công chứng LS. Cùng ngày 4-2-2015, bà E lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà D và ông C. Hợp đồng chuyển nhượng được công chứng tại Văn phòng công chứng CP.

Tòa án đã thụ lý vụ án về “tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu”, xác định ông A, bà B là nguyên đơn; ông C, bà D, bà E là bị đơn; Văn phòng công chứng CP, Văn phòng công chứng LS là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

2. BÌNH LUẬN

2.1.Tổ chức hành nghề công chứng là nguyên đơn[3]

TCHNCC cũng giống như bất kỳ chủ thể nào khác nếu muốn xác định là nguyên đơn đều phải thỏa mãn các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 68 BLTTDS năm 2015.

Đối với tranh chấp có liên quan đến yêu cầu tuyên bố  văn bản công chứng vô hiệu (VBCCVH) quy định tại khoản 11 Điều 26 BLTTDS năm 2015 thì TCHNCC không thể là nguyên đơn. Bởi vì trong quan hệ công chứng hợp đồng, giao dịch, TCHNCC không phải là một bên của quan hệ pháp luật cần công chứng có tranh chấp mà chỉ là bên thứ ba thực hiện chức năng công chứng. Do đó, TCHNCC không có quyền khởi kiện đối với các tranh chấp này. Nói cách khác, TCHNCC không được xác định là nguyên đơn trong vụ án về tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố VBCCVH.

Theo quy định tại Điều 38[4], Điều 76[5] Luật Công chứng năm 2014 (LCC năm 2014) và hướng dẫn tại khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03-12-2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLDS[6], TCHNCC có thể khởi kiện công chứng viên (CCV), nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên gây thiệt hại ra Tòa án yêu cầu hoàn trả lại một khoản tiền cho TCHNCC đã chi trả khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật. Chẳng hạn, CCV, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của TCHNCC có lỗi trong quá trình công chứng, dẫn đến VBCCVH, gây thiệt hại cho người yêu cầu công chứng, cá nhân, tổ chức liên quan. TCHNCC đã bồi thường theo quy định của pháp luật cho người yêu cầu, cá nhân, tổ chức liên quan (khoản 1 Điều 38 LCC năm 2014). Sau khi bồi thường, TCHNCC có quyền yêu cầu CCV, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên gây thiệt hại phải hoàn trả lại một khoản tiền cho mình. Nếu không hoàn trả, TCHNCC có quyền khởi kiện CCV, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên gây thiệt hại (khoản 2 Điều 38 LCC năm 2014).

Trường hợp này bắt buộc văn bản công chứng phải bị tuyên vô hiệu trước đó. Vì VBCCVH do lỗi của CCV, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của TCHNCC nên mới phát sinh trách nhiệm bồi thường của TCHNCC cho người yêu cầu, cá nhân, tổ chức liên quan. Do TCHNCC đã bồi thường cho người yêu cầu, cá nhân, tổ chức liên quan nên mới phát sinh nghĩa vụ hoàn trả của CCV, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên gây thiệt hại.

Như vậy, TCHNCC có thể được xác định là nguyên đơn (nếu khởi kiện và Tòa án thụ lý) trong vụ án về tranh chấp khác (khoản 14 Điều 26 BLTTDS năm 2015).

Bên cạnh đó, TCHNCC cũng có thể khởi kiện cá nhân, tổ chức đã thực hiện hành vi bị nghiêm cấm “cản trở hoạt động công chứng” (điểm d khoản 2 Điều 7 LCC năm 2014) và hành vi cản trở này đã gây ra thiệt hại cho TCHNCC để yêu cầu bồi thường. Khi đó, TCHNCC cũng được xác định là nguyên đơn trong vụ án về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (khoản 6 Điều 26 BLTTDS năm 2015).

Ngoài ra, nếu TCHNCC có tranh chấp khác với người yêu cầu công chứng hoặc với chính CCV thì tùy vào yêu cầu cụ thể là gì mà Tòa án xác định loại tranh chấp tương ứng nhưng đều không thuộc tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố VBCCVH.

Tóm lại, TCHNCC có thể được xác định là nguyên đơn trong các vụ án về hoạt động hành nghề công chứng nếu như TCHNCC đã khởi kiện và được Tòa án thụ lý.

2.2.Tổ chức hành nghề công chứng là bị đơn[7]

Quan điểm thứ nhất: TCHNCC không có tư cách bị đơn dân sự trừ trường TCHNCC bị chủ thể khác khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại

Nhà nước giữ vai trò quản lý trật tự xã hội, trong hoạt động đảm bảo các an toàn cho các hợp đồng, giao dịch; để xác lập và duy trì trật tự này, Nhà nước trao quyền cho […] các TCHNCC. Quan hệ pháp luật giữa […] TCHNCC và người yêu cầu công chứng […] mang bản chất là quan hệ pháp luật hành chính không phải là quan hệ pháp luật dân sự. Do đó, trong mọi trường hợp tranh chấp về dân sự (vụ án dân sự) […] thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì TCHNCC không có tư cách bị đơn dân sự, trừ trường hợp các bên khởi kiện đòi TCHNCC bồi thường thiệt hại.[8]

Như vậy, dường như quan điểm này cho rằng quan hệ giữa TCHNCC với người yêu cầu công chứng chỉ có thể được điều chỉnh bởi quan hệ pháp luật hành chính trừ khi người yêu cầu công chứng khởi kiện đòi TCHNCC bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, kể cả trường hợp có yêu cầu TCHNCC bồi thường thiệt hại thì dường như theo quan điểm này căn cứ làm phát sinh trách nhiệm của TCHNCC/CCV sẽ được giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính theo quy định tại Điều 7 của Luật Tố tụng hành chính năm 2015: “Khi giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính, các quy định pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và pháp luật về tố tụng dân sự được giải quyết”.[9]

Quan điểm thứ hai: TCHNCC là bị đơn dân sự[10] trong các vụ án tranh chấp về dân sự liên quan đến yêu cầu tuyên bố VBCCVH hoặc liên quan đến hoạt động công chứng[11]

Theo quan điểm này thì các tranh chấp (kiện) về công chứng là kiện về dân sự (giải quyết theo tố tụng dân sự). Chỉ có tranh chấp (kiện) về chứng thực mới là kiện về hành chính. Và cũng vì vậy, văn bản công chứng không bao gồm văn bản chứng thực, hay nói cách khác, văn bản chứng thực không phải là đối tượng của vụ việc tuyên bố VBCCVH.[12]

Như vậy, các tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố VBCCVH, tranh chấp khác liên quan đến hoạt động công chứng… đều là tranh chấp về dân sự. Cụ thể hơn, TCHNCC có thể bị người yêu cầu công chứng, cá nhân, tổ chức liên quan kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp văn bản công chứng đã bị tuyên bố vô hiệu hoặc chưa bị tuyên vô hiệu. Ngoài ra, TCHNCC còn có thể bị kiện về tranh chấp khác liên quan đến hoạt động công chứng…

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của TCHNCC, theo quy định tại Điều 38 LCC năm 2014, TCHNCC có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng, cá nhân, tổ chức khác do lỗi của CCV, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của TCHNCC gây ra. Như vậy, vấn đề đặt ra, phải chăng TCHNCC đương nhiên là bị đơn trong vụ án về tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại?

  • TCHNCC đương nhiên và duy nhất là bị đơn

Theo quan điểm này thì trong mọi trường hợp, người yêu cầu, cá nhân, tổ chức khác chỉ có quyền khởi kiện TCHNCC để yêu cầu bồi thường thiệt hại do lỗi của CCV, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của TCHNCC gây ra mà không được quyền khởi kiện CCV, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của TCHNCC.

Quan điểm này dựa trên các cơ sở như sau:

Một. Điều 38 LCC năm 2014 quy định minh thị rằng: TCHNCC có nghĩa vụ bồi thường cho người yêu cầu công chứng, cá nhân, tổ chức khác khi CCV, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của TCHNCC có lỗi trong quá trình công chứng.

Hai. Liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Điều 597 BLDS năm 2015 quy định: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, cho dù, trong quá trình công chứng, lỗi do CCV, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của TCHNCC gây ra nhưng vì những chủ thể này là người của TCHNCC (pháp nhân),[13] do đó, TCHNCC phải có trách nhiệm bồi thường.

Do đó, khi người yêu cầu công chứng, cá nhân, tổ chức liên quan khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do việc CCV, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của TCHNCC gây ra thì chỉ có thể khởi kiện TCHNCC. Nghĩa là, khi xem xét đơn khởi kiện trong trường hợp này Tòa án cần phải xác định và giải thích cho người khởi kiện biết để khởi kiện đúng TCHNCC nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ một cách chính xác và hiệu quả.

Chẳng hạn, trong tình huống thứ nhất, trong quá trình công chứng Văn phòng công chứng N (thực chất là CCV vì CCV chịu trách nhiệm thực hiện việc công chứng) đã không kiểm tra tính hợp pháp của hồ sơ trước khi công chứng nên đã gây thiệt hại cho mình, nguyên đơn – ông S đã khởi kiện yêu cầu Văn phòng công chứng bồi thường. Văn phòng công chứng N được Tòa án xác định là bị đơn trong vụ án về tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Tuy nhiên, quan điểm này bị thách thức bởi trường hợp CCV tự mình thực hiện việc công chứng (không do TCHNCC giao nhiệm vụ). Và TCHNCC đã hoàn toàn không biết việc CCV thực hiện hoạt động công chứng nhưng theo quan điểm này phải chịu nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do CCV gây ra thì dường như chưa thực sự thuyết phục. Do đó, tồn tại quan điểm ngược lại, trong trường hợp này người khởi kiện chỉ có thể khởi kiện CCV chứ không thể khởi kiện TCHNCC.

  • TCHNCC/CCV đều có thể bị kiện và trở thành bị đơn một cách độc lập

Theo đó, chỉ có người yêu cầu công chứng mới có quyền khởi kiện TCHNCC. Cá nhân, tổ chức liên quan không có quyền khởi kiện TCHNCC để yêu cầu bồi thường thiệt hại do lỗi của CCV, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của TCHNCC gây ra. Nói cách khác, cá nhân, tổ chức khác phải khởi kiện CCV nếu bị thiệt hại do VBCCVH gây ra.

Quan điểm này xuất phát từ những căn cứ sau đây:

Một. Chỉ có người yêu cầu công chứng và TCNHCC mới tồn tại quan hệ hợp đồng (hợp đồng dịch vụ công chứng).[14] Vì vậy, khi phát sinh thiệt hại cho TCHNCC không thực hiện hoặc thực hiện nhưng không đúng, không đủ những nội dung trong “hợp đồng” thì người yêu cầu công chứng có quyền khởi kiện TCHNCC yêu cầu bồi thường thiệt hại (phát sinh từ hợp đồng). Hoặc tranh chấp liên quan đến việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng dịch vụ công chứng (tranh chấp về hợp đồng). Khi đó, TCHNCC được xác định là bị đơn.

Hai. Khác với người yêu cầu công chứng, đối với các cá nhân, tổ chức liên quan không thể khởi kiện TCHNCC vì giữa các chủ thể này với TCHNCC không có bất kỳ một giao dịch/hợp đồng nào trước đó liên quan đến VBCCVH. Mặt khác, khi VBCCVH do lỗi của CCV thì cá nhân, tổ chức liên quan cho rằng đã gây thiệt hại cho họ chỉ có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với chính cá nhân CCV – chủ thể trực tiếp thực hiện hành vi công chứng làm cho VBCCVH và cá nhân, tổ chức liên quan chứ không phải là khởi kiện TCHNCC. Do đó, TCHNCC không thể bị kiện trong trường hợp này nên cũng không thể trở thành bị đơn của vụ án.

Ba. Quan điểm này giải quyết được thách thức đặt ra ở quan điểm thứ nhất. Bởi lẽ, CCV tự mình thực hiện việc công chứng mà không phải do TCHNCC giao nhiệm vụ gây thiệt hại thì người yêu cầu công chứng, cá nhân, tổ chức khác có thể khởi kiện CCV để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Điều này cũng phù hợp với quy định tại Điều 38 LCC năm 2014 và Điều 597 BLDS năm 2015 vì TCHNCC chỉ có trách nhiệm bồi thường do lỗi của CCV “trong quá trình công chứng” theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định, và pháp nhân chỉ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra “trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao”.

Tuy nhiên, quan điểm thứ hai này cũng bị thách thức bởi vấn đề, tại thời điểm khởi kiện, người khởi kiện cũng như Tòa án chưa xác định được chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường là TCHNCC hay CCV. Do đó, nếu chỉ khởi kiện TCHNCC hoặc CCV có thể dẫn đến yêu cầu khởi kiện không được Tòa án chấp nhận và phải khởi kiện bằng một vụ án khác để yêu cầu bồi thường. Điều này làm cho vụ án bị kéo dài, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp của các đương sự. Do đó, xuất hiện quan điểm thứ ba để giải quyết những hạn chế của các quan điểm thứ nhất và thứ hai.

  • TCHNCC và CCV là đồng bị đơn

Nghĩa là, cá nhân, tổ chức liên quan có thể kiện đồng thời cả TCHNCC và CCV để yêu cầu bồi thường thiệt hại liên quan đến VBCCVH do lỗi của CCV, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của TCHNCC gây ra.

Quan điểm này xuất phát từ các cơ sở sau:

Một là, theo nguyên tắc hành nghề công chứng quy định tại khoản 4 Điều 4 LCC năm 2014: “Chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng”. Do đó, nguyên tắc cá nhân, pháp nhân – CCV/TCHNCC – đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản công chứng trong quá trình hành nghề công chứng.

Hai là, sở dĩ có thể kiện TCHNCC yêu cầu bồi thường thiệt hại vì như đã nêu ở quan điểm (i), theo Điều 38 LCC năm 2014, TCHNCC có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng, cá nhân, tổ chức khác do lỗi của CCV, nhân viên, người phiên dịch là cộng tác viên của TCHNCC gây ra trong quá trình công chứng.

Ba là, cũng có thể kiện đối với CCV, là chủ thể trực tiếp thực hiện hành vi công chứng. Do đó, nếu CCV có lỗi dẫn đến thiệt hại cho người yêu cầu công chứng, cá nhân, tổ chức khác thì họ có quyền khởi kiện CCV để yêu cầu bồi thường.

Bốn là, theo quan điểm thứ ba này sẽ giải quyết được đồng thời các thách thức đặt ra ở quan điểm thứ nhất và quan điểm thứ hai. Nghĩa là, giải quyết được trường hợp CCV tự mình thực hiện việc công chứng không thông qua TCHNCC, có lỗi làm cho VBCCVH và đã gây thiệt hại; cũng như giải quyết được trường hợp tại thời điểm khởi kiện, người khởi kiện không biết ai (TCHNCC/CCV) để thực hiện khởi kiện cho đúng và chính xác để yêu cầu bồi thường thiệt hại cho cá nhân, tổ chức có liên quan đó.

Năm là, khi người yêu cầu công chứng, cá nhân, tổ chức có liên quan đồng thời khởi kiện TCHNCC và CCV thì cả hai chủ thể này đều được xác định là bị đơn (đồng bị đơn). Sau khi Tòa án xem xét và giải quyết, tuyên chủ thể nào có nghĩa vụ bồi thường thì chủ thể đó phải thực hiện việc bồi thường theo phán quyết của Tòa. Điều này cũng giúp tránh trường hợp người yêu cầu công chứng, cá nhân, tổ chức phải khởi kiện nhiều lần để yêu cầu bồi thường thiệt hại, tiết kiệm được thời gian, công sức của đương sự cũng như cơ quan tiến hành tố tụng.

Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ ba này. Việc xác định tư cách bị đơn trong vụ án dân sự nói chung cũng như xác định tư cách bị đơn của TCHNCC/CCV phải đảm bảo tôn trọng quyền quyết định của chủ thể khởi kiện (trước thụ lý) và quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự (sau thụ lý). Nghĩa là khởi kiện ban đầu/khởi kiện bổ sung ai thì người đó là bị đơn trong vụ án dân sự. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả cũng như ý nghĩa của việc khởi kiện thì việc kiện ai, ai là bị đơn cần phải xuất phát từ bản chất của quan hệ pháp luật đang tranh chấp trong mối liên hệ với quyền khởi kiện của người khởi kiện. Và đối với đặc thù của vụ án yêu cầu bồi thường thiệt hại liên quan đến VBCCVH, tại thời điểm khởi kiện chưa xác định được TCHNCC hay CCV có nghĩa vụ bồi thường thì việc đồng thời khởi kiện cả hai chủ thể này dường như có hiệu quả hơn cả.[15]

3. Tổ chức hành nghề công chứng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan[16]

Tranh chấp có liên quan đến yêu cầu tuyên bố VBCCVH được hiểu “bao gồm tất cả các trường hợp khi người khởi kiện khởi kiện về bất kỳ tranh chấp nào: theo hợp đồng (kể cả chính hợp đồng mà hợp đồng đó được công chứng), giao dịch dân sự; thừa kế; bồi thường thiệt hại… mà khi khởi kiện hoặc trong quá trình giải quyết tranh chấp có liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu và việc tuyên bố hay không tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu là cần thiết để giải quyết tranh chấp đó”.[17]

Như vậy, trong các tranh chấp theo hợp đồng, giao dịch dân sự; thừa kế; bồi thường thiệt hại… mà khi khởi kiện hoặc trong quá trình giải quyết tranh chấp có liên quan đến yêu cầu tuyên bố VBCCVH và việc tuyên bố hay không tuyên bố VBCCVH là cần thiết để giải quyết tranh chấp đó thì TCHNCC thông thường được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án về tranh chấp có liên quan đến yêu cầu tuyên bố VBCCVH.

Ngoài ra, theo những nội dung đã phân tích, nếu TCHNCC không kiện ai hoặc không bị ai kiện thì TCHNCC được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố VBCCVH hoặc trong các tranh chấp khác về dân sự có liên quan đến VBCCVH/hoạt động công chứng.

Trong tình huống thứ hai như đã nêu, nguyên đơn đưa ra nhiều yêu cầu: tuyên bố VBCCVH (Hợp đồng ủy quyền, Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất); hủy chỉnh lý biến động trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đòi lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Để giải quyết yêu cầu hủy chỉnh lý biến động trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đòi lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ bà D, ông C thì bắt buộc phải tuyên bố vô hiệu đối với các văn bản công chứng nêu trên. Như vậy, đây là vụ án về tranh chấp có liên quan đến yêu cầu tuyên bố VBCCVH. Và TCHNCC trong vụ án này được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Bởi vì, nguyên đơn không khởi kiện TCHNCC, nhưng việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của TCHNCC.

THAY LỜI KẾT

Từ những phân tích trên có thể thấy hiện nay thực tiễn xét xử vẫn còn khá lúng túng, có nhiều quan điểm khác nhau khi xác định tư cách đương sự của TCHNCC trong vụ án liên quan đến VBCCVH/hoạt động công chứng văn bản.

Để xác định chính xác tư cách tố tụng của TCHNCC trong vụ án liên quan đến VBCCVH/hoạt động công chứng văn bản cần thiết xuất phát từ bản chất các quan hệ tranh chấp và trên cơ sở quy định của pháp luật tố tụng về xác định tư cách đương sự cho chính xác và phù hợp. Bởi vì, tư cách tố tụng của đương sự có liên quan mật thiết và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc xác định loại vụ hay việc trong tố tụng dân sự; chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bản chất các mối quan hệ pháp luật trong hoạt động công chứng. Nếu không bóc tách được các mối quan hệ này thì rất dễ dẫn đến sự nhầm lẫn khi xác định tư cách tố tụng của TCHNCC.

Công chứng viên Phòng Công chứng số 3 (TP. Vũng Tàu – BRVT) kiểm tra hồ sơ của khách hàng bằng thiết bị soi xác định giấy tờ thật – giả. Ảnh; Huyền Trang/báo BRVT

 

 

[1]   Theo Bản án số 523/2018/DS-PT ngày 25-5-2018 của Tòa án nhân dân thành phố H.

[2] Theo Bản án số 16/2019/DS-ST ngày 30-9-2019 của Tòa án nhân dân huyện U, tỉnh X.

[3]  Khoản 2 Điều 68 BLTTDS năm 2015 quy định: “Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm”.

[4] Điều 38 LCC năm 2014 quy định: “1. Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng. 2. Công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên gây thiệt hại phải hoàn trả lại một khoản tiền cho tổ chức hành nghề công chứng đã chi trả khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật; trường hợp không hoàn trả thì tổ chức hành nghề công chứng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết”.

[5]  Điều 76 LCC năm 2014 quy định: “Trong trường hợp giữa người yêu cầu công chứng và công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng có tranh chấp liên quan đến hoạt động hành nghề công chứng thì các bên có quyền khởi kiện vụ việc ra Tòa án để giải quyết tranh chấp đó”.

[6]  Xem hướng dẫn trước đây quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP cũng có nội dung tương tự: “Trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người có quyền lợi và lợi ích liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật công chứng tranh chấp với nhau về việc tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu theo quy định tại khoản 9 Điều 25 của Bộ luật Tố tụng dân sự”.

[7] Khoản 3 Điều 68 BLTTDS năm 2015 quy định: “Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm”.

[8] Ninh Thị Hiền, Hoàng Mạnh Thắng (2019), “Xác định quan hệ pháp luật và tư cách tham gia tố tụng của tổ chức hành nghề công chứng và người yêu cầu công chứng”, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 13, tr. 11 – 27.

[9]  Ninh Thị Hiền, Hoàng Mạnh Thắng (2019), tlđd, tr. 16.

[10]  Về cách xác định bị đơn trong vụ án dân sự xem thêm bài 4 “Xác định bị đơn trong vụ án dân sự”.

[11] Quan điểm này chỉ sử dụng Tình huống thực tiễn thứ hai để phân tích và luận giải vì có sự tương thích.

[12]   Chu Xuân Minh (2020), tlđd.

[13]    Phòng công chứng và Văn phòng công chứng đều có tư cách pháp nhân (Điều 19, Điều 22 LCC năm 2014).

[14]   Theo nội dung của LCC năm 2014 thì không có quy định cụ thể về hợp đồng dịch vụ công chứng được xác lập giữa người yêu cầu công chứng với TCHNCC. Tuy nhiên, quy định tại Điều 40 của LCC năm 2014 đã phân tích trong hồ sơ yêu cầu công chứng có Phiếu yêu cầu công chứng có các nội dung như họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung yêu cầu công chứng, tên TCHNCC… Như vậy, nếu TCHNCC chấp nhận công chứng thì về bản chất giữa các bên coi như đã xác lập giao dịch/hợp đồng về việc công chứng này. Do vậy, có cơ sở để cho rằng có tồn tại “hợp đồng dịch vụ công chứng” giữa người yêu cầu công chứng với TCHNCC.

[15]  Mặc dù việc Tòa án chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn (tuyên CCV hoặc TCHNCC bồi thường sẽ dẫn đến hệ quả nguyên đơn phải gánh chịu án phí đối với phần yêu cầu không được chấp nhận đó (khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14), tuy nhiên lại tránh được rủi ro bị bác yêu cầu khởi kiện, hay khởi kiện nhiều lần.

[16]  Khoản 4 Điều 68 BLTTDS năm 2015 quy định: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.

[17]   Xem thêm Lưu Tiến Dũng, Đặng Thanh Hoa (đồng Chủ biên) (2020), tlđd, tr. 157.

ThS. PHẠM THỊ THÚY (Giảng viên Trường Đại học Luật Tp. HCM)