Bác Đỗ Văn Chỉnh, những kỷ niệm không quên...                                                                                         

Bác Đỗ Văn Chỉnh (1940-2021) là một cộng tác viên kỳ cựu của Tạp chí Tòa án nhân dân, là người có thời gian cộng tác dài nhất, có nhiều bài đã đăng trên Tạp chí nhất và cũng thường xuyên qua lại, gắn bó với anh em Tạp chí nhất, trong số đông đảo các cộng tác viên. Sau một thời gian lâm bệnh, ông đã tạ thế sáng ngày 2/6/2021. Tạp chí xin đăng một bài tưởng nhớ ông, để bày tỏ lòng tiếc thương vị cộng tác viên đáng kính!

Do công việc gắn bó nhiều năm và có nhiều đồng cảm, tôi và ông khá thân thiết, ông là người thầy của tôi trong các vấn đề pháp lý phức tạp và cũng có thể tôi được ông coi là người bạn vong niên khi chia sẻ nhiều chuyện riêng chung. Điều khiến tôi kính trọng ông trước hết là tư cách đạo đức thanh sạch và  nghĩa khí nơi ông.

1.

Ông là một trong những cộng tác viên thân thiết của Tạp chí Tòa án nhân dân, của báo Công lý, nơi tôi làm việc. Với thực tiễn qua cương vị Phó Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội rồi Thẩm phán, Trưởng ban Thanh tra Tòa án nhân dân tối cao và tư chất của người nghiên cứu, ông viết đủ các lĩnh vực pháp luật từ hình sự, dân sự, đến hành chính, lao động, từ luật tố tụng đến luật nội dung… Ngoài các vấn đề mang tính lý luận, những tình huống pháp lý được bàn thảo, ông là người thường xuyên lên tiếng về các vụ việc cụ thể mà dư luận quan tâm hoặc có nhà báo nhờ ông lên tiếng. Ông viết bài không ngại mất lòng, không ngại va chạm, vì ông chỉ nói theo pháp luật, bình luận, đánh giá trên cơ sở pháp luật. Ông viết báo, cộng tác với báo chí liên tục từ khi còn công tác cho đến khi ông thượng thọ tám mươi.

Điều đặc sắc trong các bài viết của ông là không những chỉ ra sai sót mà ông nêu rõ sai so với quy định nào, văn bản nào và phải áp dụng quy định nào để giải quyết mới đúng pháp luật. Ông không thích kiểu viết dài dòng, ông gọi là “kể chuyện cổ tích” mà không có những mấu chốt pháp lý để giúp cơ quan chức năng và người dân giải quyết vụ việc.

Không chỉ những vấn đề thuộc các ban ngành khác ông mới lên tiếng mà rất nhiều vụ việc, vấn đề thuộc Tòa án nơi ông công tác, ông cũng không ngại nêu quan điểm của mình. Tra trên Google, chỉ trong giây lát đã thấy nhiều bài viết, nhiều ý kiến của ông được đăng ở nhiều cơ quan báo chí như : “Vụ “nhắn tin đe dọa Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh: Bị cáo có thực hiện hành vi “khủng bố”?; “Vụ án OceanBank: Cần xét lại tội danh và làm rõ những góc khuất”; “Vụ kỳ án ở Nhơn Trạch, Đồng Nai - Bài học rút ra từ vụ án kéo dài gần 20 năm”; “Vụ tranh chấp đất ở Cà Mau: 7 năm 9 bản án vẫn còn đó…” ; “Nhiều thẩm phán như máy phát thanh hợp pháp”… Ông còn viết bài với bút danh Đỗ Thanh Huyền, Lý Minh để chia sẻ quan điểm của mình.

Trên báo Dân trí có đăng bài ông Đỗ Văn Chỉnh trả lời phỏng vấn, ông nói: Thực tế việc cải cách đã được tiến hành từ nhiều năm qua nhưng rõ ràng vẫn còn nhiều tồn tại. Trong cải cách cũng phải đề cao trách nhiệm của những cán bộ, trong nhiều vụ án chính những cán bộ tham gia tố tụng lại làm thiệt hại cho nhà nước, oan sai cho người dân, tuy nhiên việc xử lý lại chưa nghiêm. Chưa có ai bị truy tố vì xử oan cho người vô tội cả!

Ông nói: “Hiện nay, nội dung cải cách mới chỉ đi vào phần tranh tụng mà chưa chú trọng vào các phần chính yếu của tố tụng. Lẽ ra chúng ta phải cải cách từ khâu điều tra, nghĩa là luật sư phải được tham gia vào quá trình hỏi cung để tránh bị bức cung, ép cung”. Đến Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã đưa vấn đề luật sư tham gia từ khâu điều tra vào luật.

Tuyển tập những bài báo đã đăng, chủ yếu trên Tạp chí Tòa án nhân dân được xuất bản năm 2020, là niềm vui cuối đời của tác giả Đỗ Văn Chỉnh

Ông chia sẻ: “Nếu đưa ra xét xử, kết tội oan cho một người thì phải coi đây là một thảm họa cho bản thân họ và cả gia đình của họ. Phải coi đây là một việc mà cả cộng đồng chúng ta phải chịu trách nhiệm. Đây là một vấn đề lớn thuộc trách nhiệm của cả một hệ thống cơ quan tư pháp”.

Ông nói: “Ngay trong ngành Tòa án nhiều người xét xử chưa thật khách quan. Việc “chạy án” là có và đã có nhiều điều tra viên bị đi tù vì làm sai lệch hồ sơ, nhiều lãnh đạo tòa án bị truy tố vì tội nhận hối lộ. Việc phát hiện, xử lý những trường hợp tiêu cực này không đơn giản. Hoặc phát hiện, xử lý nhưng lại làm nửa vời, lấy lệ, chưa triệt để nhiều khi trở thành tiền lệ”.

2.

Những bài viết thẳng thắn, mang tính phê phán không nể nang như thế là phong cách của Trưởng ban Thanh tra Tòa án nhân dân tối cao.

Năm 1985, ông được bổ nhiệm là Phó Chánh án Tòa án thành phố Hà Nội, lúc đó ông Trịnh Hồng Dương là Chánh án. Năm 1990, ông Trịnh Hồng Dương được bổ nhiệm làm Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đã đề xuất Chánh án Phạm Hưng đưa ông Đỗ Văn Chỉnh lên bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án tối cao,  Phó Trưởng ban Thanh tra. Đến năm 1996 ông làm Trưởng ban cho  đến năm 2004, khi ông nghỉ hưu ở tuổi 64.

Hồi đó Thanh tra có chức năng thanh tra nghiệp vụ xét xử, không thanh tra về công tác cán bộ, đơn thư khiếu nại tố cáo như sau này. Những vụ án người dân khiếu nại phức tạp, đã được các Tòa chuyên trách trả lời nhưng vẫn khiếu nại thì Chánh án chuyển cho Thanh tra xem xét, đề xuất hướng giải quyết. Sau một thời gian thấy hoạt động của Thanh tra rất hiệu quả, Chánh án chỉ đạo Ban Thanh tra trực tiếp đến các Tòa phúc thẩm và các Tòa án địa phương thanh tra, xem lại những vụ án khiếu nại gay gắt nói riêng và các bản án có hiệu lực pháp luật nói chung, nếu phát hiện sai sót thì xử lý ngay, như vậy đỡ cho người dân khắp cả nước mang đơn khiếu nại về Hà Nội rất cực khổ.

Vì thế hồi đó mỗi chuyến Ban Thanh tra đi công tác kéo dài hàng chục ngày, thậm chí hàng tháng, do đó nữ ít phải đi công tác hơn anh em nam giới. Thông thường là kiểm tra tất cả các bản án đã có hiệu lực pháp luật trong một năm, đọc hết không sót bản án nào. Mỗi chuyến đi sẽ thanh tra một vài tỉnh, tập trung hồ sơ về một tỉnh nào đó để đọc, nếu đến Tòa phúc thẩm Tòa án tối cao thì đọc ngay tại trụ sở. Có những sai sót được nhắc nhở, rút kinh nghiệm, có vụ phải xử lý kịp thời, những sai sót nghiêm trọng được Thanh tra báo cáo Chánh án, đề xuất kháng nghị để xét xử lại.

Từ những hồ sơ vụ án phức tạp được ông nghiên cứu và tìm ra sai sót khiến người dân khiếu nại đó, ông viết bài đăng Tạp chí Tòa án, Tạp chí Pháp lý… để rút kinh nghiệm chung. Chánh án Phạm Hưng và sau đó là Chánh án Trịnh Hồng Dương ủng hộ việc viết bài của ông, vì mục tiêu bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật.

3.

Một cán bộ của Ban Thanh tra hồi đó nói: Bác Chỉnh liêm khiết và cẩn thận giữ gìn lắm, nên luôn tránh làm phiền Tòa án nơi mình thanh tra, cả đoàn ăn cơm nhà bếp. Nếu họ có tiếp một bữa cơm khi mới đến thì cũng chỉ là bữa cơm tập thể, không có tiệc tùng, bia rượu.

Bác luôn căn dặn giữ quan hệ đúng mức giữa đoàn thanh tra với đơn vị được thanh tra; giữ quan hệ giữa các thành viên nội bộ đoàn thanh tra với nhau. Vì thế, nếu đoàn công tác có nữ thì phải có hai nữ. Nhiều chuyến thanh tra ở thành phố ven biển, nhưng đi tắm biển cũng phải len lén,  kẻo bác lại lo lắng, nhắc nhở nhỡ có gì không hay xảy ra.

Để việc tiếp nhận và giải quyết đơn thư của công dân được nhanh chóng, năm 1998, Tòa án tối cao thành lập Phòng tiếp dân thuộc Ban Thanh tra. Ông Chỉnh cho rằng cán bộ tiếp dân là bộ mặt của cơ quan nên phải chọn người phù hợp, nhã nhặn, lịch thiệp, tư cách đạo đức tốt bên cạnh yêu cầu về chuyên môn. Nhận được đơn khiếu nại của người dân, nếu thuộc thẩm quyền của các tòa chuyên trách thì chuyển đơn, nếu vụ việc nóng, cấp bách thì tùy từng trường hợp Ban Thanh tra đề nghị Chánh án tiếp dân, yêu cầu Tòa án đã xét xử vụ án gửi hồ sơ lên để nghiên cứu, nếu phát hiện sai sót ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân thì nhất định là đề xuất Chánh án kháng nghị.

Đa số kiến nghị của Thanh tra được Chánh án chấp nhận, vì thế, dân thì vui mà nhiều Thẩm phán buồn lòng vì bị hủy án. Dưới quyền ông có những thanh tra tâm huyết và có tinh thần trách nhiệm cao như ông Lê Ngọc Ánh, ông Nguyễn Văn Dân, ông Lê Bá Thân… nên hoạt động rất hiệu quả. Những vụ ông đề xuất kháng nghị, sau đó người dân được minh oan, được trả lại quyền lợi hợp pháp suốt 13 năm 4 tháng 5 ngày ông làm Phó rồi Trưởng ban Thanh tra Tòa án tối cao, nhiều lắm, không thể nhớ hết.

Dù đã về hưu từ lâu, nhưng ông vẫn không ngừng nghiên cứu pháp luật, theo sát các diễn biến thời sự, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến Tòa án cả nước. Ông có nhiều thông tin vì có mạng lưới “học trò” khắp cả nước và nhiều phóng viên  báo chí liên hệ với ông. Ông tham gia giảng dạy ở Học viện Tư pháp nên nhiều học trò, nhưng nhiều Thẩm phán, công chức Tòa án không học cũng coi ông là thầy, có việc gì khó là họ cầu cứu đến ông. Người ta gọi ông là 1080.

Lắm khi đang ngồi quán cà phê cũng có người gọi đến, ông giải đáp nhanh chóng các câu hỏi: “Anh có Bộ luật tố tụng Hình sự đấy không, không có thì kéo trên trời xuống (ý ông nói down từ mạng Internet), có rồi hả, mở điều A, điều B ra đọc cho kỹ… Hiểu chưa? Đáp án ngay đấy chứ đâu”. Cúp máy rồi ông nói với tôi: Thẩm phán đấy nhưng lười đọc quá, luật cũng không đọc.

Nhiều vụ án phức tạp, Thẩm phán đến tận nơi gặp ông để tham vấn. Và có nhiều Tòa án tỉnh tập hợp các vấn đề khó, từ hình sự, dân sự đến hành chính, lao động rồi mời ông đến giải đáp trực tiếp. Nhờ sự am hiểu pháp luật và sự tận tình của ông mà nhiều vụ án được tháo gỡ.

4.

Từng giữ cương vị Phó Chánh án Tòa án Hà Nội – một trong những Tòa án nhiều việc và ở trung tâm kinh tế xã hội phát triển nhất nước, rồi Thẩm phán, Trưởng ban Thanh tra Tòa án tối cao, nhưng ít ai ngờ ông cần kiệm, đơn sơ đến tối giản. Vợ chồng ông có nửa căn hộ 24 mét vuông ở tầng 5 nhà tập thể lắp ghép Giảng Võ, căn hộ chật hẹp và không êm ấm. Bà vợ ông thường than phiền, chê trách ông “chỉ biết có đồng lương còm”, “lương không đủ sống”, ông nói: Tôi đi bộ đội bao nhiêu năm, nhiều hôm không có cơm mà ăn, bây giờ được như thế này tôi thấy tốt rồi… Cuối cùng, năm 1991, hai ông bà chia tay. Ông bằng lòng với cuộc sống đạm bạc.

Có lần tôi hỏi ông, có bao giờ ông đi thanh tra mà đơn vị hay Thẩm phán đưa phong bì cho ông không? Ông nói rằng, chưa có ai đưa phong bì cho ông vì người ta biết tiếng ông là người rất nghiêm túc, không thể có chuyện tiêu cực như thế.

Một cán bộ Ban Thanh tra nhớ lại: Hồi đó không có “khái niệm phong bì”, chỉ cuối năm Ban Thanh tra mới có bữa liên hoan, sang nhất là quán thịt chó ở ngõ Hàng Hương, ai không ăn thịt chó thì được gọi thêm đĩa thịt gà. Trước khi nghỉ Tết, bao giờ cũng có cuộc họp cuối năm, Trưởng ban Đỗ Văn Chỉnh dặn dò công việc, chúc Tết mọi người và gửi cho những ai có con nhỏ tiền mừng tuổi mỗi cháu 10 ngàn đồng và chốt lại: Tết là ngày dành cho gia đình, tôi đề nghị tuyệt đối không ai đến chúc tết nhà tôi. Và theo đúng chỉ đạo, không ai đến tặng quà, chúc tết ông. Sau này, khi ông đã nghỉ hưu thì mọi người mới thường đến thăm và chúc Tết ông.

Một điều đặc biệt khiến ông Đỗ Văn Chỉnh khá nổi tiếng trong ngành Tòa án nhờ tài xem tử vi, rất nhiều người có những kỷ niệm đáng nhớ về những câu ông phán về họ. 

**

Tôi và ông thường có cữ cà phê cuối năm, quãng 28-29 Tết Nguyên đán ở quán cà phê Trần Huy Liệu cạnh nhà ông, khi đó phố sá khác hẳn ngày thường, chợ cóc cạnh nhà ông xôn xao người đi sắm tết… Nói chuyện năm cũ, năm mới, chuyện người này người kia, khi nói đến những người bậy bạ, gian tham ông thường chốt lại rằng: Có hai thứ luật, luật người và luật Trời, anh đó nhiều tiền, chạy giỏi nên thoát được luật người nhưng dứt khoát không thoát luật Trời, nhất định gánh quả báo không xa. Có trường hợp biết tuổi của đương sự, ông nhẩm tính và nói năm đó, năm đó anh ta sẽ biết thế nào là nhân quả.

Bây giờ ông đã trở thành "người muôn năm cũ", gửi lại thể gian biết bao ân tình với người thân, bạn bè và cả những người được ông giúp dù chẳng bao giờ gặp mặt...

 

Lễ viếng ông ĐỖ VĂN CHỈNH từ 10g45 đến 12g ngày 4/6/2021

Tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội

Hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Văn Điển, Hà Nội

 

 

NGUYỄN PHAN KHIÊM