Bàn về quyền chuyển đổi giới tính Dưới góc độ quyền nhân thân của cá nhân

Quyền chuyển đổi giới tính là một trong những quyền nhân thân của cá nhân, lần đầu tiên được ghi nhận tại Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015. Hiện nay, Luật chuyển đổi giới tính chưa được ban hành, cũng chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể. Tuy nhiên, từ những dự báo, đánh giá tác động của việc ghi nhận quyền chuyển đổi giới tính, bài viết làm rõ những ảnh hưởng của quyền chuyển đổi giới tính đến các quyền nhân thân khác của cá nhân.

Từ khoá: Quyền nhân thân; quyền chuyển đổi giới tính; Điều 37 BLDS 2015

 

Khái quát về quyền nhân thân của cá nhân

Cho đến nay, có nhiều quan điểm khoa học pháp lý khác nhau đề cập đến khái niệm quyền nhân thân với các góc độ tiếp cận khác nhau. Pháp luật thực định cũng có sự khác biệt khi quy định về quyền nhân thân. Tuy nhiên, có thể khái quát lại những đặc điểm cơ bản của quyền nhân thân như sau:

Thứ nhất, quyền nhân thân là một loại quyền dân sự thuộc về mỗi cá nhân được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Tất cả các cá nhân đều bình đẳng với nhau về quyền nhân thân, không bị chi phối bởi bất kỳ yếu tố khác như độ tuổi, giới tính, tôn giáo, trình độ,…

Thứ hai, quyền nhân thân không mang tính vật chất, không trị giá được bằng tiền mà hướng tới các giá trị tinh thần, có ý nghĩa cá biệt hoá cá nhân với cộng đồng, xã hội. Đặc điểm này cho phép phân biệt với quyền tài sản – là một quyền dân sự cơ bản, mang tính vật chất, có thể trị giá được bằng tiền. Chính vì mục đích tôn trọng, bảo vệ quyền của mỗi cá nhân, cá biệt hoá cá nhân với cộng đồng mà các quyền nhân thân không thể là đối tượng của các giao dịch chuyển nhượng, tặng cho, thuê,…

Thứ ba, quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân và không thể chuyển giao cho người khác (trừ trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác). Đây cũng là đặc trưng của quyền nhân thân khi chủ thể có quyền không thể tự mình định đoạt chuyển giao quyền cho chủ thể khác. Việc thực hiện quyền nhân thân phải do chính cá nhân đó thực hiện, chỉ trong một số trường hợp đặc biệt, người đại diện của cá nhân đó mới có thể thực hiện và cũng chỉ được phép chuyển giao khi luật khác có liên quan quy định.

Xuất phát từ những đặc điểm đó, trên cơ sở kế thừa và phát triển các quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005, BLDS năm 2015 tiếp tục ghi nhận các quyền nhân thân của cá nhân từ Điều 25 đến Điều 39. Trong đó, Quyền chuyển đổi giới tính được ví như một cuộc cách mạng về quyền nhân thân của cá nhân trong BLDS năm 2015. Bởi lẽ, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, quyền chuyển đổi giới tính đã được ghi nhận một cách chính thức tại Điều 37:  “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật”.

Khái quát về quyền chuyển đổi giới tính

Dưới góc độ pháp luật quốc tế, mặc dù các văn kiện quốc tế về nhân quyền chưa có quy định riêng về quyền được chuyển đổi giới tính nhưng trong rất nhiều văn bản đã ghi nhận các quyền có liên quan [1], đặc biệt Uỷ ban Nhân quyền Liên hiệp quốc còn hối thúc và khuyến khích các quốc gia “hỗ trợ thực thi quyền được thừa nhận về mặt pháp lý giới tính mà họ muốn của người chuyển giới và cung cấp những giấy tờ nhân thân chứng tỏ giới tính và tên gọi mà họ mong muốn.” [2].

Tại Việt Nam, xét về lịch sử hình thành, không phải lần đầu tiên quyền chuyển đổi giới tính được đưa ra xem xét khi xây dựng BLDS năm 2015 mà trước đó, khi xây dựng BLDS năm 2005, đã có nhiều ý kiến đồng thuận. Tuy nhiên, với những điều kiện kinh tế, xã hội tại thời điểm đó, nhiều quan điểm cho rằng: việc thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính sẽ gây ra những hệ luỵ khó kiểm soát như dễ gây ra việc chuyển giới ồ ạt trong một bộ phận giới trẻ chưa có sự chín chắn trong hành động; ảnh hưởng đến các chính sách hộ tịch, hôn nhân; trốn tránh nghĩa vụ,… Vì vậy, BLDS năm 2005 chỉ thừa nhận quyền xác định lại giới tính của các cá nhân có khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.[3]

Tuy nhiên, giữa quyền xác định lại giới tính và và quyền chuyển đổi giới tính lại có sự khác biệt rất lớn cả về đối tượng, phương thức thực hiện và kết quả. Cụ thể [4]:

  Quyền xác định lại giới tính (Người liên giới tính) Quyền chuyển đổi giới tính (Người chuyển giới)
Các đặc điểm giới tính trên cơ thể Phát triển không điển hình (không rõ là nam hay nữ) Phát triển điển hình (rõ là nam hay nữ)
Giới tính mong muốn so với giới tính khi sinh ra Tùy từng trường hợp (có thể nghĩ mình là nam, là nữ, hoặc hài lòng với tình trạng cơ thể hiện tại) Không giống nhau (sinh ra cơ thể nam và nghĩ mình là nữ; sinh ra cơ thể là nữ và nghĩ mình là nam)
Mong muốn phẫu thuật thay đổi giới tính Có hoặc không
Quy định pháp luật về phẫu thuật chuyển đổi giới tính Cho phép (Điều 36, Bộ luật Dân sự 2005) Cấm (khoản 1 Điều 4, Nghị định số 88/2008/NĐ-CP) [5]
Phương thức để xác định đúng giới tính Phải có sự can thiệp của y học Có hoặc không có sự can thiệp của y học
Kết quả sau khi phẫu thuật Giới tính trùng hoặc không trùng với giới tính hiện có Giới tính không trùng với giới tính hiện có

Chính vì những khác biệt này mà khi quyền xác định lại giới tính được quy định trong BLDS năm 2005 đã không giải quyết được nhu cầu của những người chuyển giới trong thực tiễn. Rất nhiều trường hợp mong muốn chuyển đổi giới tính nhưng không được chấp nhận vì lý do không có khuyết tật bẩm sinh về giới hoặc giới tính đã định hình chính xác để thực hiện theo quy định của Điều 36 BLDS năm 2005.

Việc không thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính đã gây ra nhiều bất cập trong thực tiễn. Nhiều người vì khát khao được sống đúng với giới tính thật sự của mình nên đã thực hiện phẫu thuật chuyển giới “chui” ở nước ngoài, khi trở về nước, họ gặp rất nhiều khó khăn, không có giấy tờ tùy thân hoặc giấy tờ tuỳ thân không khớp với thể hiện bên ngoài khiến họ gần như “sống ngoài vòng pháp luật”, chịu nhiều thiệt thòi cả về y tế, việc làm, sinh hoạt hàng ngày, an sinh xã hội; thậm chí nhiều trường hợp bị xâm hại nhưng không được bảo vệ thích đáng.

Tại Việt Nam hiện nay chưa có số liệu chính thức về số người chuyển giới, nhưng theo thống kê của ISEE (Viện nghiên cứu xã hội – kinh tế và môi trường), con số ước đoán chung cho tỉ lệ 0.5 – 1% (tỉ lệ chung trên thế giới) thì Việt Nam có khoảng nửa triệu người tự nhận là giới tính của mình không trùng với giới tính bẩm sinh [6]. Như vậy, khi quyền chuyển đổi giới tính chưa được thừa nhận thì có khoảng nửa triệu người chưa được bảo vệ các quyền nhân thân một cách trọn vẹn. “Thực tiễn áp dụng cho thấy, khi tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự cũng như trong quá trình thi hành án hình sự đối với người chuyển giới đã có một số khó khăn nhất định và có thể xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm và quyền tự do của họ” [7]. Theo thống kê, 16,3% người chuyển giới từng bị xâm hại tình dục; Đặc biệt với trường hợp khi bị tạm giam, tạm giữ hoặc ở trại giam, 42,9% người chuyển giới nữ đã từng bị giam/giữ chung với người nam [8].

Với sự quan tâm của các quốc gia trên thế giới, sự phát triển chung của xã hội Việt Nam, nhu cầu công nhận quyền chuyển đổi giới tính để bảo đảm quyền nhân thân chính đáng của các cá nhân trở thành nhu cầu bức thiết cần được giải quyết. Việc ghi nhận quyền chuyển đổi giới tính của cá nhân tại Điều 37 BLDS năm 2015 đã “tạo cơ chế pháp lý chống phân biệt đối xử đối với người chuyển đổi giới tính, qua đó, góp phần bảo đảm cho họ có địa vị pháp lý bình đẳng như những cá nhân khác, đồng thời, bảo đảm sự minh bạch trong việc thực hiện các quyền nhân thân, tài sản của chủ thể này trong các quan hệ dân sự.”.[9]

Trong BLDS năm 2015, quyền chuyển đổi giới tính được quy định trong mục 2 chương III và mang đầy đủ những đặc điểm của quyền nhân thân. Tuy nhiên, dưới góc độ là một quyền nhân thân của cá nhân, quyền chuyển đổi giới tính cũng không hoàn toàn giống như các quyền nhân thân khác mà là một quyền nhân thân đặc biệt. Tính chất đặc biệt thể hiện ở cả chủ thể hưởng quyền, điều kiện để thực hiện quyền cũng như trình tự, thủ tục để thực hiện quyền. Mặc dù chưa có những quy định cụ thể nhưng dự thảo Luật chuyển đổi giới tính của Việt Nam và pháp luật của các nước đều quy định những điều kiện và trình tự thủ tục nhất định mà chủ thể phải tuân theo khi thực hiện quyền. Đó có thể là điều kiện về tâm lý; sức khoẻ; tình trạng hôn nhân; khả năng sinh sản; trình tự thủ tục tiến hành phẫu thuật chuyển đổi giới tính; thủ tục thay đổi giới tính pháp lý và các giấy tờ tuỳ thân khác,…

Một số vấn đề về quyền nhân thân của cá nhân liên quan đến quyền chuyển đổi giới tính

Ngoài việc ghi nhận quyền chuyển đổi giới tính của cá nhân, Điều 37 BLDS năm 2015 còn ghi nhận: “Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”. Đây là cơ sở pháp lý để đảm bảo đảm các quyền nhân thân của những người chuyển đổi giới tính về hộ tịch, hôn nhân gia đình, nhận nuôi con nuôi,… Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa có bất kỳ văn bản pháp luật nào quy định về những vấn đề này, do đó theo tác giả, khi ban hành Luật chuyển đổi giới tính, ngoài các điều kiện để thực hiện chuyển đổi giới tính thì cần chú ý đến một số vấn đề khác về quyền nhân thân của cá nhân như sau:

Thứ nhất, về điều kiện thay đổi giới tính pháp lý

Đầu tiên, cần xác định rõ về các khái niệm có liên quan bởi lẽ khi xác định rõ các khái niệm mới có thể có các quy định phù hợp. Theo các tài liệu hiện hành thì:

Người chuyển giới là người có giới tính mong muốn khác với giới tính sinh học của họ khi sinh ra, không phụ thuộc vào việc người đó đã trải qua hoặc không trải qua việc điều trị y tế để chuyển sang bản dạng giới họ lựa chọn.

Người chuyển đổi giới tính là người mong muốn, hoặc đã trải qua phẫu thuật để đạt đến sự trùng khớp giữa cơ quan sinh dục và bản dạng giới thực sự trong não của họ [10].

Từ đây, tác giả cho rằng việc thay đổi giới tính pháp lý không nên có quy định bắt buộc phải trải qua quá trình phẫu thuật chuyển đổi giới tính mà chỉ nên yêu cầu có sự xác nhận đã trải qua quá trình kiểm tra tâm lý; đã sống với giới tính mong muốn và sử dụng hoocmon đủ thời gian quy định. Việc phẫu thuật chuyển đổi giới tính hay không tuỳ thuộc vào mong muốn và điều kiện của mỗi cá nhân bởi không phải ai cũng có điều kiện kinh tế và sức khoẻ để tiến hành phẫu thuật.

Theo khảo sát, tổng chi phí cho phẫu thuật chuyển giới tính dao động từ 23.000.000VNĐ đến 1.592.500.000VNĐ. Với nhóm chuyển giới nam, chi phí trung bình cho phẫu thuật là hơn 147 triệu VNĐ; với nhóm chuyển giới nữ, chi phí trung bình hơn 128 triệu VNĐ; Do đó, chỉ 40% có thể tự chi trả cho phẫu thuật chuyển giới tính. Với những người không thể tự chi trả, 61,1% vay tiền bạn bè hoặc người quen, 44,4% được gia đình đài thọ hoặc cho vay; 11,1% vay ngân hàng; 11,1% nhận được hỗ trợ từ bệnh viện hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ; Ngoài ra, các khảo sát cũng ghi nhận có khá nhiều ảnh hưởng đến sức khoẻ của người chuyển đổi giới tính, 14,3% nhận thấy sức khỏe giảm sút sau khi phẫu thuật. [11]

Vì những lý do trên, hướng quy định không bắt buộc phải phẫu thuật chuyển đổi sẽ vừa giải quyết được nhu cầu của người chuyển giới, vừa đảm bảo được sự thống nhất trong việc thực thi quyền của các chủ thể.

Đây cũng là xu hướng chung của pháp luật các quốc gia trên thế giới, ngày càng nhiều các nước có quy định “thoáng” hơn về điều kiện chuyển giới, như: Hà Lan, Đan Mạch, Pháp, Na Uy,..

Thứ hai, về thủ tục thay đổi họ tên và các giấy tờ tuỳ thân

Một trong những khó khăn của người chuyển giới ở Việt Nam là hoà nhập với cuộc sống sau khi đã thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Vì pháp luật Việt Nam chưa cho phép phẫu thuật chuyển đổi giới tính nên rất nhiều người có nhu cầu chuyển đổi đã sang Thái Lan, Hàn Quốc,.. để thực hiện phẫu thuật. Khi trở về, họ gặp rất nhiều vấn đề về thủ tục nhập cảnh, qua cửa kiểm tra khi lên máy bay,… vì giấy tờ tuỳ thân không khớp với ngoại hình. Trong cuộc sống hàng ngày, họ cũng gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các giao dịch thông thường liên quan đến việc sở hữu tài sản, hôn nhân, việc làm, sử dụng các dịch vụ y tế,…

Trong khi đó, hiện tại chưa có quy định rõ ràng về thủ tục thay đổi họ tên, giới tính của người chuyển đổi giới tính trên các giấy tờ tùy thân như giấy khai sinh, chứng minh thư nhân dân, giấy phép lái xe, hộ khẩu, thẻ bảo hiểm,… cho phù hợp với bản dạng giới sau phẫu thuật. Khảo sát cũng cho thấy có đến 71,4% cho biết sau khi phẫu thuật, họ gặp rắc rối liên quan đến giấy tờ tuỳ thân, do ngoại hình thật không khớp với thông tin và hình ảnh trên giấy tờ. [12]

Mới đây nhất, thông tư 57/2013/TT-BCA của Bộ Công an quy định về mẫu chứng minh nhân dân  và Luật Căn cước công dân năm 2014 [13] đều yêu cầu phải ghi giới tính trong chứng minh nhân dân và căn cước công dân. Quy định này càng gây khó khăn hơn cho người chuyển đổi giới tính khi tham gia vào các hoạt động có yêu cầu sử dụng những giấy tờ này.

Chính vì vậy, việc quy định cụ thể các trình tự, thủ tục để người chuyển giới có thể tiến hành thay đổi họ tên, giới tính,.. trên các giấy tờ tuỳ thân sẽ giúp họ thuận lợi hơn trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của bản thân khi tham gia các hoạt động pháp lý cũng như sinh hoạt hàng ngày.

Thứ ba, các quyền nhân thân khác phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi

Một trong những lý do cản trở việc thông qua Luật chuyển đổi giới tính tại các kỳ họp Quốc hội trước đây cũng như chậm trễ trong việc ban hành Luật chuyển đổi giới tính chính là những tác động, ảnh hưởng đối với các quyền khác có liên quan sau khi cá nhân thực hiện chuyển đổi giới tính.

Bên cạnh một số quyền nhân thân gần như không có sự liên quan, ảnh hưởng khi cá nhân thực hiện quyền chuyển đổi giới tính [14] thì có những quyền nhân thân sẽ liên quan, ảnh hưởng rất nhiều sau khi tiến hành chuyển giới. Có thể kể đến như các quyền: Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình; Quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình; Quyền của cá nhân đối với hình ảnh.. Do đó, khi ban hành Luật chuyển đổi giới tính, cần có sự xem xét, đánh giá tác động và dự trù các tình huống phát sịnh liên quan đến các quyền nhân thân khác để cá nhân có thể thực hiện tốt nhất quyền lợi của mình, bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân khỏi sự xâm phạm của các chủ thể khác.

Kết luận

Việc ghi nhận quyền chuyển đổi giới tính trong BLDS năm 2015 đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước và xã hội đối với việc bảo vệ quyền của những người chuyển giới, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người. Đây là cơ sở pháp lý để có thể tiến hành xây dựng và điều chỉnh các quy định pháp lý có liên quan. Trong đó, cần có sự nhìn nhận quyền chuyển đổi giới tính là một quyền nhân thân đặc biệt của cá nhân và xem xét nó trong mối quan hệ tổng hoà với các quyền nhân thân khác. Việc xây dựng Luật chuyển đổi giới tính cần được sự quan tâm của toàn xã hội để có thể vừa bao quát, toàn diện, vừa cụ thể, chi tiết để đảm bảo việc thực thi quyền chuyển đổi giới tính trong thực tế được thuận lợi, hiệu quả.

 

VĂN THỊ HỒNG NHUNG (Ths, Giảng viên Khoa Pháp luật –Trường Đại học An ninh nhân dân)