Giải pháp nào để ngăn chặn có hiệu quả nạn xâm phạm tình dục trẻ em?

Ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội vừa xảy ra vụ xâm hại trẻ em nhưng CQĐT huyện chỉ khởi tố về tội “dâm ô người dưới 16 tuổi” và cho người có hành vi dâm ô được tại ngoại. Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng hành vi của nghi phạm Nguyễn Trọng Trình có đủ dấu hiệu của tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi... Chỉ một trường hợp này đủ thấy tính chất phức tạp, khó khăn trong công tác ngăn chặn nạn xâm hại tình dục trẻ em ở nước ta hiện nay.

Diễn biến phức tạp

Trong vụ án xảy ra ở Chương Mỹ, Hà Nội, sau khi dư luận lên tiếng, các báo chí phản ánh thì Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã tiến hành rút toàn bộ hồ sơ vụ bé V.N.Q bị xâm hại và ngay trong đêm 18/3 cơ quan chức năng đã ra lệnh bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Trọng Trình…

Trước đó là rất nhiều vụ việc xâm hại trẻ đau lòng, nhức nhối xảy ra. Trong khi Nghệ sĩ Minh Béo bị bắt ở Mỹ về 3 tội danh liên quan đến hành vi xâm phạm tình dục trẻ em, thì ở Trường Tiểu học bán trú La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn (Mường Khương, Lào Cai) có đến 23 em bị Đỗ Văn Nam – bảo vệ nhà trường dâm ô, khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Mới đây, tại xã Vô Tranh, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, trong cái se lạnh của những ngày cuối xuân, sự buồn bã bao phủ trong gia đình nhà anh Nguyễn Gia Hưng khi cháu Nguyễn Gia Đ, đứa con gái mới hơn 6 tuổi kể lại vụ việc bị xâm hại tình dục khi bố mẹ vắng nhà bởi người hàng xóm tên Tuấn vào ngày 31/8/2018. Chị gái của Đ – bé Nguyễn Gia Mỹ, 8 tuổi – khi ấy cũng đã chứng kiến một phần hành vi xâm hại tình dục của Tuấn với em mình. Tuy nhiên, vì lời đe dọa của người hàng xóm và cả nỗi sợ bị bố mẹ đánh đòn nên phải 3 ngày sau, chuyện Đ bị xâm hại mới được hé lộ. Sự việc được trình báo với cơ quan chức năng địa phương. Quá trình điều tra được tiến hành, lộ diện thêm một sự thật đau lòng khác khi đây không phải lần đầu tiên bé Đ bị người hàng xóm này xâm hại.

Trước đó, vào tháng 9/2017, Tuấn đã từng có những hành vi xâm hại tình dục với bé Đ tại chính nhà mình. Đáng nói hơn, Tuấn sinh tháng 10/2003, theo đó ở 2 lần thực hiện hành vi xâm hại bé Đ, Tuấn mới 14 – 15 tuổi, nằm trong khung tuổi trẻ em theo quy định Luật Trẻ em hiện hành. 

Cũng ở Bắc Giang theo báo cáo, thầy D.T.M, giáo viên Trường Tiểu học Tiên Sơn (Bắc Giang), bị tố xâm hại nhiều nữ sinh, cho rằng hành động véo vào mũi, vỗ tai và mông nhiều học sinh trên lớp chỉ là hành động “vui đùa” !? Trước đó, phản ánh với báo chí, một phụ huynh của học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Tiên Sơn phản ánh về việc ông D.T.M, là giáo viên chủ nhiệm lớp 5 này, đã có hành vi xâm hại tình dục với hàng loạt nữ sinh của lớp này. M. đã có hành vi xâm hại vào vùng nhạy cảm của hơn 10 em học sinh nữ trong lớp. Vì sự việc nhạy cảm nên đã phản ánh đến cơ quan chức năng ngành giáo dục địa phương. 

Có thể nói tình trạng xâm hại tình dục trẻ em hiện nay có chiều hướng gia tăng và hết sức phức tạp, nếu không nói là rất nghiêm trọng. Theo thống kê chưa đầy đủ thì hàng năm ở nước ta xảy ra khoảng 900 vụ xâm phạm tình dục trẻ em. Điều đáng quan tâm là đa số các vụ xâm phạm tình dục đối với trẻ em lại do những người thân thích với nạn nhân như: bố dượng với con riêng của vợ; bác, chú, thậm chí có cả ông, bố đẻ và anh em ruột thịt. Điển hình là vụ cha đẻ và ông nội hiếp dâm con và cháu nhiều năm liền khi cháu mới 10 tuổi mà mẹ của cháu biết nhưng không dám tố cáo ở Vĩnh Long, gây bức xúc trong nhân dân.

Nếu trước đây, tình trạng xâm phạm tình dục đối với trẻ em chủ yếu xảy ra ở vùng sâu vùng xa, những khu vực dân cư thưa thớt, hẻo lánh, trình độ dân trí thấp, thì hiện nay, ngày càng nhiều vụ xâm phạm tình dục trẻ em được phát hiện ở các khu đô thị, thành phố lớn. Nạn nhân chủ yếu là các bé gái từ 12 đến dưới 16 tuổi, cá biệt có trường hợp nạn nhân mới chỉ 3, 4 tuổi. Gần đây còn có cả tình trạng xâm phạm tình dục đối với trẻ em nam, nhưng các cơ quan chức năng rất lúng túng khi xử lý vì cho rằng pháp luật của ta chưa có quy định.   

Thủ đoạn của những kẻ có hành vi xâm phạm tình dục đối với trẻ em thường là dụ dỗ cho quà, cho tiền. Sau khi thực hiện hành vi đồi bại thì dọa dẫm các em nếu tố cáo. Hậu quả của việc sau khi bị xâm phạm tình dục, các em thường rơi vào trạng thái hoảng loạn, sợ hãi, xấu hổ, sống mặc cảm, không muốn giao tiếp với mọi người, thậm chí mang thai khi tuổi mới chỉ 14, 15. Đặc biệt có trường hợp vì xấu hổ nên có em (ở Cà Mau) đã tự tử, gây bức xúc cho dư luận.

Những đối tượng xâm phạm thường có quan hệ láng giềng, họ hàng với người bị hại, nên gia đình nạn nhân ngại tố cáo, vì xấu hổ, sợ ảnh hưởng đến thanh danh gia đình, tương lai, hạnh phúc của con. Một số địa phương vì sợ mất thành tích nên đã không báo cáo các vụ xâm phạm tình dục đối với trẻ em để được công nhận là khu phố văn hóa, phường văn hóa!

Giải pháp đồng bộ

Phải nói rằng, các quy định về bảo vệ các em khỏi bị xâm phạm tình dục của Việt Nam tương đối đầy đủ. Công ước quốc tế về Quyền của trẻ em – mà nước ta tham gia rất sớm, Luật Chăm sóc và giáo dục trẻ em, Bộ luật Hình sự đều có những quy định xử lý rất nghiêm khắc đối với người có hành vi xâm phạm tình dục trẻ em. Các Tòa án ở các địa phương cũng đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi xâm phạm tình dục trẻ em, trong đó có cả những mức án chung thân, tử hình. Nhưng tình trạng xâm phạm tình dục đối với trẻ em vẫn không giảm, mà càng ngày càng nghiêm trọng, phức tạp hơn.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là môi trường xã hội ngày càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến trẻ em bị xâm hại; những ấn phẩm đồi trụy, internet, phim ảnh ngoài luồng có tính chất khiêu dâm… cùng các hiện tượng tiêu cực khác ngoài xã hội đã tác động mạnh đến tư tưởng, lối sống của một bộ phận lớp trẻ. Ngoài ra, hệ thống bảo vệ trẻ em ở nước ta vẫn chưa được như các nước khác trên thế giới, do đó, bên cạnh việc pháp luật xử lý nghiêm minh các đối tượng phạm tội thì việc phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp kịp thời để giảm thiểu hoặc loại bỏ các nguy cơ trẻ em bị xâm hại tình dục là việc phải được đặt ra như một giải pháp cấp bách trước khi để xảy ra những vụ án đau lòng.

Chúng ta không thể không kể đến một nguyên nhân nữa, đó là tâm lý của người Á Đông nói chung, Việt Nam nói riêng thường kín đáo, không muốn nhiều người biết chuyện đời tư nên các vụ hiếp dâm cũng như xâm hại tình dục trẻ em ít bị gia đình tố cáo, vì sợ ảnh hưởng đến tương lai của các em. Tâm lý này đã tạo điều kiện cho nhiều kẻ phạm tội thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật. Có một số trường hợp, khi bị hiếp dâm, do xấu hổ nên nạn nhân không tố cáo ngay. Sau khoảng thời gian dài, nạn nhân mới dần trở lại trạng thái tĩnh tâm và làm đơn tố cáo nên việc điều tra, thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra, cũng như việc xử lý gặp nhiều khó khăn, phức tạp.

Vai trò của gia đình là một trong những nguyên nhân làm cho nạn xâm phạm tình dục đối với trẻ em phát triển. Nhiều gia đình, bố mẹ lo tập trung làm ăn kinh tế, ít có sự quan tâm đến những biểu hiện không bình thường của con cái; nhiều vụ việc diễn ra trong một thời gian dài gia đình cũng không hay biết, chỉ đến khi con gái mang thai, cha mẹ mới hoảng hốt đưa con đến cơ sở y tế thì đã quá muộn. Vì vậy, cách tốt nhất là cha mẹ cần thường xuyên quan tâm, chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi tâm, sinh lý cần thiết. Và ở một chừng mực nào đó, cha mẹ cũng cần phải dạy con cái biết cách phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại. Bởi khả năng nhận thức và tự bảo vệ của trẻ em còn nhiều hạn chế nên các em chính là đối tượng có nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại tình dục cao nhất.

Các đoàn thể, nhà trường cần giáo dục cho các em hiểu biết về quyền được bảo vệ của mình; cần có những chương trình phát động tố cáo những hành vi xâm phạm tình dục trong nhà trường cũng như ngoài xã hội, lên án mạnh mẽ những hành vi xâm phạm tình dục đối với trẻ em, đồng thời có biện pháp bảo vệ các em một cách hữu hiệu.

Cơ quan điều tra khi điều tra vụ án về hành vi xâm phạm tình dục đối với trẻ em cần có biện pháp bảo vệ bí mật cho các em; Tòa án tuyệt đối không được triệu tập các em là người bị hại đến phiên tòa dù đó là phiên tòa xử kín (trừ trường hợp không thể không triệu tập). Tất cả các vụ xâm phạm tình dục trẻ em đều phải được xử kín; các cơ quan ngôn luận nên hạn chế đưa tin cụ thể về những vụ án xâm phạm tình dục trẻ em, nhất là việc đưa ảnh, nêu tên các em trên báo chí.

Cần nghiên cứu và đề xuất với Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan đến hành vi xâm phạm tình dục của trẻ em. Có thể học tập kinh nghiệm một của số nước sử dụng hình phạt “thiến hóa học” đối với người xâm phạm tình dục trẻ em.

Nếu tất cả xã hội đều vào cuộc, lên án mạnh mẽ hành vi xâm phạm tình dục trẻ em, các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý thật nghiêm những hành vi phạm tội xâm phạm tình dục trẻ em thì chắc chắn nạn xâm phạm tình dục trẻ em sẽ giảm.

ĐINH VĂN QUẾ ( Nguyên Chánh tòa hình sự TANDTC )