Khó khăn, vướng mắc trong giải quyết, xét xử các vụ án hành chính tại Tòa án hai cấp Tp Hồ Chí Minh

Trong năm 2019, TAND hai cấp Tp Hồ Chí Minh đã thụ lý 1.404 vụ án hành chính các loại, là đơn vị có số vụ án hành chính cao. Do đó, tham luận về những khó khăn, vướng mắc và kinh nghiệm của TAND hai cấp Tp Hồ Chí Minh, trình bày tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2020 rất cụ thể, thiết thực. Tạp chí toaan.vn xin lược thuật tham luận này.

1. Tình hình thụ lý, kết quả giải quyết các vụ án hành chính trong năm 2019

1.1. Số liệu thụ lý, giải quyết trong năm

Trong năm 2019, TAND hai cấp Tp Hồ Chí Minh đã thụ lý là 1.404 vụ án hành chính các loại (tăng 96 vụ so với cùng kỳ năm trước), đã giải quyết được 480 vụ, đạt tỷ lệ 34,19% (giảm 106 vụ so với cùng kỳ năm trước), trong đó:

TAND hai cấp Tp Hồ Chí Minh đã thụ lý 1.252 vụ (giảm 26 vụ so với cùng kỳ năm trước); bao gồm: Án hành chính sơ thẩm thụ lý: 1.135 vụ (giảm 44 vụ so với cùng kỳ năm trước); hành chính phúc thẩm thụ lý: 117 vụ (tăng 18 vụ so với cùng kỳ năm trước). Đã giải quyết là 382 vụ (tăng 05 vụ so với cùng kỳ năm trước), đạt tỷ lệ giải quyết là 30,51%; bao gồm: Án hành chính sơ thẩm giải quyết 303 vụ (tăng 11 vụ so với cùng kỳ năm trước), đạt tỷ lệ 26,7%; hành chính phúc thẩm giải quyết 79 vụ (giảm 06 vụ so với cùng kỳ năm trước), đạt tỷ lệ 67,52%.

+ Số vụ hành chính còn tạm đình chỉ là 105 vụ;
+ Số vụ án hành chính quá hạn giải quyết là 20 vụ;
+ Số bản án, quyết định sơ thẩm bị hủy theo thủ tục phúc thẩm: 08 vụ.
+ Số bản án, quyết định sơ thẩm bị sửa theo thủ tục phúc thẩm: 18 vụ.

TAND 24 quận – huyện đã thụ lý 152 vụ (so với cùng kỳ năm trước thụ lý tăng 56 vụ); đã giải quyết: 98 vụ (so với cùng kỳ năm trước giảm 111 vụ), đạt tỷ lệ giải quyết là 62,42%.

Các khiếu kiện hành chính thuộc nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước nhưng thường liên quan đến các lĩnh vực như: Lĩnh vực quản lý đất đai (Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, giải phóng mặt bằng, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký cập nhật biến động về nhà đất…); lĩnh vực xây dựng (cấp giấy phép xây dựng, buộc tháo dỡ công trình xây dựng…); lĩnh vực thuế, hải quan (thu thuế, truy thu thuế, thu tiền sử dụng đất, áp giá hàng hóa nhập khẩu)…

Đặc biệt, trong 06 tháng cuối năm 2019, thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TU ngày 25/7/2019 của Thành ủy Tp Hồ Chí Minh về lập lại trật tự trong lĩnh vực xây dựng, các cơ quan chức năng đã đồng loạt tiến hành các biện pháp cưỡng chế buộc tháo dỡ công trình xây dựng không phép hoặc trái phép nên số lượng các khiếu kiện hành chính đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến việc cưỡng chế tháo dỡ các công trình xây dựng đã tăng lên rất nhiều. Cùng với việc khởi kiện, người khởi kiện thường yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tạm đình chỉ thi hành quyết định hành chính, việc này đã làm phát sinh thêm nhiều khiếu nại đối với việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc việc từ chối áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án.

Nhìn chung số lượng khiếu kiện hành chính tại TAND hai cấp Tp Hồ Chí Minh khá nhiều. Mặc dù Tòa án đã áp dụng nhiều giải pháp để tăng tỷ lệ giải quyết nhưng nhiều khó khăn, vướng mắc đã làm cho tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính của Tòa án vẫn không cao.

1.2. Các khó khăn, trở ngại trong công tác giải quyết, xét xử các vụ án hành chính

Một là: Việc tống đạt các văn bản tố tụng cho người bị kiện là Ủy ban nhân dân hay Chủ tịch Ủy ban nhân dân gặp phải khó khăn do người bị kiện rất ít khi trực tiếp tham gia tố tụng đồng thời cũng không ủy quyền cho cấp phó trực tiếp tham gia tố tụng để nhận các văn bản tố tụng của Tòa án. Khi Tòa án tống đạt văn bản tố tụng qua bộ phận văn thư của người bị kiện thì những người này thường không đồng ý ký tên vào biên bản tống đạt để việc tống đạt được hợp lệ.

Hai là: Việc trả lời Thông báo thụ lý vụ án của Tòa án và cung cấp tài liệu chứng cứ cho Tòa án cũng rất chậm; thậm chí có nhiều vụ thụ lý đã lâu (có nhiều vụ hơn 1 năm) nhưng người bị kiện vẫn chưa có ý kiến đối với yêu cầu của người khởi kiện và chưa cung cấp tài liệu chứng cứ liên quan cho Tòa án.

Ba là: Việc người bị kiện rất ít khi trực tiếp tham gia tố tụng đồng thời cũng không ủy quyền cho cấp phó trực tiếp tham gia tố tụng, không trả lời ý kiến đối với yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện nên Tòa án thường không thể tiến hành đối thoại được và việc giải quyết vụ án luôn bị kéo dài vì Tòa án phải lần lượt triệu tập lấy lời khai, yêu cầu cung cấp chứng cứ, tiến hành đủ hai lần đối thoại, hai lần triệu tập xét xử mới xét xử vắng mặt được; thường làm cho người khởi kiện bức xúc, phản ứng rất gay gắt, không đồng tình việc Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt người bị kiện và khiếu nại, yêu cầu thay đổi Thẩm phán.

Bốn là: Việc tống đạt các văn bản tố tụng của Tòa án cho các đương sự ngoài tỉnh gặp rất nhiều khó khăn vì khó có thể thực hiện được thủ tục tống đạt trực tiếp trong khi việc tống đạt qua hình thức thư bảo đảm gặp rất nhiều rủi ro về mặt pháp lý vì thường không có gì chứng minh chữ ký tại biên nhận của bưu chính là chữ ký của người được tống đạt.

Năm là: Việc giải quyết án hành chính liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội được điều chỉnh bởi rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, đặc biệt là các quy phạm pháp luật về đất đai có nhiều thay đổi theo từng thời kỳ đòi hỏi cần có nhiều thời gian tập hợp, tìm hiểu, trao đổi, nghiên cứu.

Sáu là: Cùng với việc giải quyết khiếu kiện của Tòa án, cần chờ kết luận thanh tra, chủ trương đường lối giải quyết của các cơ quan chức năng thực hiện việc thanh tra các dự án ví dụ như dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2); dự án đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi, dự án khu công nghệ cao chỉnh trang đô thị Quận 9… vì phải tạm đình chỉ giải quyết vụ án để đợi kết quả thanh tra nên việc giải quyết các vụ án này của Tòa án cũng không thể thực hiện ngay được.

Bảy là: Trong cùng một dự án với các hồ sơ pháp lý giống nhau, bản án có hiệu lực pháp luật lại bị kháng nghị giám đốc thẩm. Khi giải quyết các vụ tương tự, các Thẩm phán thường chần chừ giải quyết để đợi kết quả xét xử giám đốc thẩm. Với các hồ sơ pháp lý giống nhau nhưng kết quả xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm của Tòa án lại khác nhau cũng làm cho các Thẩm phán e dè, không yên tâm khi giải quyết những vụ tương tự.

Tám là: Cho đến nay, một số Thẩm phán vẫn còn tâm lý e ngại khi phải xét xử đối với các quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của lãnh đạo các cơ quan hành chính nhà nước (nhất là các Thẩm phán mới được điều động, phân công xét xử án hành chính).

Chín là: Nhiều vướng mắc trong giải quyết án hành chính chưa được giải đáp và hướng dẫn kịp thời của cơ quan có thẩm quyền.

Mười là: Tình trạng thiếu thư ký nghiệp vụ tại các Tòa án quận huyện, một số thư ký kiêm nhiệm công tác khác hoặc phải giúp việc cho nhiều Thẩm phán nên dẫn đến tình trạng thiếu người giúp việc đối với công việc thuộc nhiệm vụ của thư ký. Một số Thẩm phán sơ cấp mới được bổ nhiệm cần thời gian tiếp cận, tìm hiểu công việc chưa thể xét xử ngay được.

Mười một là: Tình trạng thiếu phòng xử án và trang thiết bị nhất là tại TAND hai cấp Tp Hồ Chí Minh trong điều kiện vừa trùng tu vừa làm việc nên không đáp ứng được cơ sở vật chất, môi trường làm việc hiện nay ảnh hưởng đến năng suất giải quyết.

2. Các khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật

Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, TAND hai cấp Tp Hồ Chí Minh đã gặp những khó khăn, bất cập liên quan đến việc áp dụng các quy định của Luật Tố tụng hành chính như sau:

2.1. Về thẩm quyền giải quyết của Tòa án

(1) Về khiếu kiện yêu cầu hủy giấy đăng ký kết hôn trái pháp luật

Có quan điểm cho rằng đối chiếu với quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn là quyết định hành chính nên khiếu kiện này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng hủy giấy chứng nhận đăng ký kết hôn là loại yêu cầu về xử lý việc kết hôn trái pháp luật. Tại Khoản 1 Điều 11 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Xử lý việc kết hôn trái pháp luật được Tòa án thực hiện theo quy định tại luật này và pháp luật về tố tụng dân sự”. Theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án gồm có:“Yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật”. Đồng thời, điểm e Điều 69 và điểm h Điều 70 Luật hộ tịch 2014 quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện có trách nhiệm thu hồi, hủy bỏ giấy tờ hộ tịch do Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cấp xã cấp trái quy định của Luật này, trừ trường hợp kết hôn trái pháp luật. Do đó, yêu cầu trên phải được thụ lý theo thủ tục giải quyết các vụ án dân sự.

Trong thời gian chưa có hướng dẫn thống nhất của cơ quan có thẩm quyền, khi có đơn kiện yêu cầu hủy giấy giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì Tòa án nhân dân hai cấp Tp Hồ Chí Minh không áp dụng Luật Tố tụng hành chính mà áp dụng các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình và quy định của BLTTDS năm 2015 để xem xét thụ lý vụ án.

(2) Về khiếu kiện đối với việc chứng thực của Ủy ban nhân dân

Có quan điểm cho rằng việc chứng thực của Ủy ban nhân dân là một loại dịch vụ công giống như hoạt động công chứng. Do đó, khiếu kiện về loại này phải được thụ lý theo thủ tục tố tụng dân sự giống như các loại khiếu kiện đối với các hoạt động của công chứng.

Nhận thấy mặc dù có tính chất giống như hoạt động công chứng nhưng chứng thực là một hoạt động thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước nên khiếu kiện về loại này phải được xác định là khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính.

(3) Về khiếu kiện đối với việc phê duyệt kết quả đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu

Theo quy định của Luật Đấu thầu thì thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu thầu có trường hợp thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư, có trường hợp thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước, làm thế nào để xác định được thủ tục tố tụng để thụ lý đối với loại khiếu kiện này. TAND hai cấp Tp Hồ Chí Minh đã xác định khiếu kiện đối với việc phê duyệt kết quả đấu thầu của chủ đầu tư thì khiếu kiện trên được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Trường hợp khiếu kiện đối với việc phê duyệt kết quả đấu thầu của cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền quản lý nhà nước trong hoạt động đấu thầu thì khiếu kiện trên được giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính.

(4) Khiếu kiện đối với việc khấu trừ thuế mà cá nhân, người sử dụng lao động khấu trừ trước khi thanh toán các khoản thu nhập cho người có thu nhập

Có quan điểm cho rằng, theo quy định của pháp luật người chi trả thu nhập phải thực hiện việc khấu trừ thuế mà cá nhân, người sử dụng lao động khấu trừ trước khi thanh toán các khoản thu nhập cho người có thu nhập. Cơ quan thuế có trách nhiệm ký hợp đồng ủy quyền thu cho người chi trả thu nhập để thực hiện việc khấu trừ. Do đó, khiếu kiện này là khiếu kiện hành chính. TAND hai cấp Tp Hồ Chí Minh đã xác định việc khấu trừ thuế này tương tự như việc khấu trừ các khoản bảo hiểm bắt buộc của người sử dụng lao động đối với người lao động. Theo quy định của BLTTDS thì tranh chấp về việc khấu trừ các khoản bảo hiểm bắt buộc của người sử dụng lao động đối với người lao động được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Do đó, khiếu kiện đối với việc khấu trừ thuế mà cá nhân, người sử dụng lao động khấu trừ trước khi thanh toán các khoản thu nhập cho người có thu nhập không phải là khiếu kiện hành chính. Tùy theo quan hệ giữa các bên tranh chấp nêu trên có thể là tranh chấp về dân sự, lao động hoặc kinh doanh thương mại và việc giải quyết sẽ được thực hiện theo thủ tục tố tụng dân sự.

(5) Về khiếu kiện đối với quyết định của Bộ Tư pháp thu hồi quyết định bổ nhiệm thừa phát lại
Có quan điểm cho rằng thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của Nghị định và pháp luật có liên quan nên quyết định của Bộ Tư pháp thu hồi quyết định bổ nhiệm thừa phát lại là quyết định hành chính mang tính nội bộ của Bộ Tư pháp không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
TAND hai cấp Tp Hồ Chí Minh nhận thấy các quy định của pháp luật về thừa phát lại còn nhiều vấn đề chưa cụ thể, Thừa phát lại không phải là công chức nhà nước. Việc quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp đối với thừa phát lại là hoạt động quản lý nhà nước đối với một lĩnh vực nghề nghiệp tương tự như quản lý nghề luật sư, nghề công chứng viên… quyết định bổ nhiệm thừa phát lại gần giống như là một loại chứng chỉ hành nghề, không phải là một quyết định mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức. Do đó, loại khiếu kiện này là khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

2.2. Về xác định người bị kiện

(1) Xác định người kiện trong trường hợp khởi kiện nhiều quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Việc xác định đương sự trong vụ án được căn cứ vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ án. Trường hợp vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ án, người khởi kiện khởi kiện cả quyết định hành chính lần đầu và quyết định giải quyết khiếu nại thì người bị kiện là người đã ban hành quyết định hành chính lần đầu và người đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại. Trường hợp sau khi Tòa án đã thụ lý vụ án hành chính đối với quyết định hành chính lần đầu đương sự mới khởi kiện bổ sung đối với quyết định giải quyết khiếu nại thì Tòa án đưa người đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nếu việc đưa người đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại vào tham gia tố tụng làm thay đổi thẩm quyền giải quyết vụ án của Tòa án thì Tòa án đang giải quyết vụ án phải chuyển vụ án đến Tòa án có thẩm quyền để giải quyết.

(2) Xác định người bị kiện trong trường hợp Văn phòng đăng ký đất đai từ chối tiếp nhận, hoặc từ chối thực hiện các thủ tục để trình cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Có quan điểm cho rằng theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013 và nghị định của Chính phủ thì thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu là của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện. Đối với những trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng mà thực hiện các quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng thì thuộc thẩm quyền của Sở tài nguyên và môi trường. Văn phòng đăng ký đất đai chỉ là cơ quan được giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ ban đầu. Do đó, người bị kiện trong vụ án phải là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Sở tài nguyên và môi trường.

TAND hai cấp Tp Hồ Chí Minh nhận thấy theo quy định tại điểm a, Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai thì “ Văn phòng đăng ký đất đai có chức năng thực hiện đăng ký đất đai và tài sản khác gắn liền với đất; xây dựng, quản lý, cập nhật, chỉnh lý thống nhất hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai; thống kê, kiểm kê đất đai; cung cấp thông tin đất đai theo quy định cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu”. Tại Khoản 2 Điều 60 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP có quy định “Cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận là Văn phòng đăng ký đất đai”. Do đó, trong trường hợp có căn cứ để cho rằng việc từ chối tiếp nhận, hoặc từ chối thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Sở tài nguyên và môi trường thì người bị kiện là các cơ quan này. Trường hợp không có căn cứ thì việc từ chối của Văn phòng đăng ký đất đai là từ chối của cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất và người bị kiện là Văn phòng đăng ký đất đai.

2.3. Về thời hiệu khởi kiện

(1) Việc áp dụng thời hiệu theo đề nghị của đương sự trong vụ án hành chính

Theo quy định tại Khoản 5, Điều 116 của Luật Tố tụng hành chính thì “Các quy định của Bộ luật dân sự về cách xác định thời hạn, thời hiệu được áp dụng trong tố tụng hành chính”. Tại Khoản 2, Điều 149 của Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc”. Vậy Tòa án có áp dụng quy định tại Khoản 2, Điều 149 của BLDS năm 2015 khi giải quyết các vụ án hành chính hay không. Theo quan điểm của TAND hai cấp Tp Hồ Chí Minh, Khoản 5 Điều 116 của Luật Tố tụng hành chính chỉ quy định các quy định của BLDS về cách xác định thời hạn, thời hiệu được áp dụng trong tố tụng hành chính, không quy định việc áp dụng quy định về thời hiệu trong BLDS cũng được áp dụng trong việc giải quyết vụ án hành chính. Do đó, Tòa án không áp dụng quy định này.

(2) Đương sự chỉ khởi kiện quyết định hành chính lần đầu, không khởi kiện quyết định bổ sung, sửa đổi quyết định hành chính lần đầu. Trong quá trình Tòa án thụ lý giải quyết vụ án đương sự mới khởi kiện bổ sung đối với quyết định bổ sung, sửa đổi quyết định hành chính lần đầu. Tuy nhiên tính từ ngày đương sự nhận được, biết được quyết định đến ngày đương sự có yêu cầu khởi kiện thì thời hiệu khởi kiện đã hết. Vậy Tòa án có được đình chỉ giải quyết yêu cầu này với lý do thời hiệu khởi kiện đã hết hay không?

Tòa án nhân dân hai cấp Thành phố Hồ Chí Minh xác định Quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định hành chính ban đầu nên nội dung sửa đổi này trở thành một bộ phận của quyết định hành chính lần đầu. Do quyết định lần đầu đã bị khởi kiện khi thời hiệu khởi kiện vẫn còn nên thời hiệu khởi kiện đối với quyết định bổ sung, sửa đổi quyết định hành chính lần đầu vẫn còn và Tòa án không được đình chỉ giải quyết yêu cầu này với lý do thời hiệu khởi kiện đã hết.

2.4. Một số vướng mắc khác

(1) Xử lý thế nào trong trường hợp người khởi kiện có yêu cầu rút đơn khởi kiện khi đơn kiện đang được Tòa án xem xét việc thụ lý

BLTTDS có quy định trong trường hợp này thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nhưng Luật Tố tụng hành chính không có quy định gì về trường hợp này. Tuy nhiên để bảo đảm quyền khiếu nại của đương sự và khắc phục những sai sót có thể có khi xử lý vụ việc, trong trường hợp này TAND hai cấp Tp Hồ Chí Minh đã thực hiện việc trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện.

(2) Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án hành chính, Chánh án Tòa án có quyền kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, hủy bỏ quyết định hành chính có dấu hiệu trái pháp luật liên quan đến quyết định hành chính bị khiếu kiện hay không?

Do Luật Tố tụng hành chính chỉ quy định quyền này của Chánh án Tòa án khi có đề nghị của Hội đồng xét xử nên TAND hai cấp Tp Hồ Chí Minh cho rằng Chánh án Tòa án không có quyền kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, hủy bỏ quyết định hành chính này trong giai đoạn chuẩn bị xét xử.

(3) Trường hợp người khởi kiện được triệu tập lấy lời khai, tham dự phiên họp kiểm tra, công khai chứng cứ, đối thoại đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt nhưng không vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì TA có đình chỉ giải quyết vụ án hay không. Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao sớm có hướng dẫn.

(4) Thẩm quyền và thủ tục xử lý khiếu nại của đương sự vắng mặt tại phiên tòa đối với việc áp dung, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng xét xử tại phiên tòa.

Do pháp luật không có quy định về trường hợp này nên hiện nay Tòa án nhân dân hai cấp Thành phố Hồ Chí Minh thường chuyển lại đơn này cho Hội đồng xét xử xử lý khi mở lại phiên tòa hoặc chuyển kèm theo hồ sơ kháng cáo để cấp xét xử phúc thẩm xem xét khi giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm.

Một phiên tòa xét xử vụ án hành chính – Ảnh Hải Minh (Báo GDTĐ)

THÁI VŨ