KỸ NĂNG ĐIỀU HÀNH TRANH TỤNG TẠI PHIÊN TÒA HÌNH SỰ CỦA THẨM PHÁN (Kỳ cuối)

Theo quy định tại Điều 307, trong giai đoạn xét hỏi chủ tọa phiên tòa được toàn quyền điều hành và đóng vai trò chính trong việc xét hỏi. Để điều hành tốt phần xét hỏi cũng như việc bảo đảm tranh tụng trong xét hỏi, chủ tọa phiên tòa cần lưu ý một số vấn đề.

Kỹ Năng điều hành tranh tụng tại phiên tòa hình sự của Thẩm phán (kỳ I)

Kỹ Năng điều hành tranh tụng tại phiên tòa hình sự của Thẩm phán (kỳ II)

Kỹ Năng điều hành tranh tụng tại phiên tòa hình sự của Thẩm phán (Kỳ III)

Kỹ Năng điều hành tranh tụng tại phiên tòa hình sự của Thẩm phán (Kỳ IV)

        2.3. Chuẩn bị xét xử phúc thẩm:

        Về phạm vi xét xử phúc thẩm:

        Về nguyên tắc, theo quy định tại Điều 345 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, thì Tòa án cấp phúc thẩm khi xét xử lại vụ án có kháng cáo, kháng nghị trong phạm vi nội dung kháng cáo, kháng nghị. Nếu nội dung kháng cáo, kháng nghị đề cập đến toàn bộ nội dung vụ của bản án sơ thẩm, thì Tòa án cấp phúc thẩm phải xem xét lại toàn bộ nội dung của vụ án. Nếu nội dung kháng cáo, kháng nghị chỉ đề cập đến một phần bản án sơ thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần đó của bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, trong trường hợp xét thấy cần thiết như phần bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có liên quan đến phần bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị ví dụ như: Khi xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị về giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, nếu thấy chấp nhận được kháng cáo, kháng nghị mà thấy rằng việc giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo khác không có kháng cáo hoặc kháng nghị phù hợp với quy định của pháp luật thì Hội đồng xét xử phúc thẩm cũng có thể giảm nhẹ hình phạt cho cả các bị cáo không có kháng cáo, kháng nghị.

        Về thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm:

        Theo quy định tại Điều 346 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, thì đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 60 ngày; Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.

        Thời hạn xét xử phúc thẩm quy định tại điều luật kể trên, bao gồm cả thời gian Viện kiểm sát nghiên cứu hồ sơ vụ án để chuẩn bị cho việc tham gia phiên tòa phúc thẩm.

        Khác với quy định tại Điều 242 Bộ luật tố tụng hình sự 2003, thì Điều 346 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định rõ, trong thời hạn 45 ngày đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu, 75 ngày đối với vụ án Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ toạ phiên tòa phải ra một trong các quyết định:

         Đình chỉ xét xử phúc thẩm;

         Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

         Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm.

        Chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa, bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị.

        Theo quy định tại Điều 346 nêu trên, thì Tòa án cấp phúc thẩm phải có quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng, chứ không phải là thông báo bằng văn bản như quy định tại Điều 242 Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành. Quy định này nhằm mục đích bảo đảm cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng có điều kiện chuẩn bị tốt cho việc tham gia phiên tòa phúc thẩm.

        Trước khi mở phiên tòa phúc thẩm mà người kháng cáo đã rút toàn bộ kháng cáo, Viện kiểm sát đã rút toàn bộ kháng nghị, thì Tòa án cấp phúc thẩm phải đình chỉ việc xét xử vụ án. Việc đình chỉ xét xử phúc thẩm trước khi mở phiên tòa do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định, tại phiên tòa do Hội đồng xét xử quyết định. Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.

         Trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo, Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị trước khi mở phiên tòa mà xét thấy không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị khác thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo, kháng nghị đã rút.

         2.4. Kỹ năng điều khiển phần tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm:

         Phiên tòa phúc thẩm cũng được tiến hành tương tự như phiên tòa sơ thẩm, khi kháng cáo, kháng nghị hợp lệ hoặc tuy kháng cáo quá hạn có lý do chính đáng. Phiên tòa phúc thẩm là cấp xét xử thứ hai có nhiệm vụ kiểm tra tính hợp pháp và có căn cứ của bản án sơ thẩm thông qua việc xét xử phúc thẩm. Phiên tòa phúc thẩm cũng bao gồm, phần thủ tục, phần xét hỏi, phần tranh luận.

         Để điều hành tốt phần tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm thì chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử, cần lưu ý sự khác nhau giữa phiên tòa phúc thẩm với phiên tòa sơ thẩm ở một số điểm như sau:

         Thứ nhất: Ở phần thủ tục, thì Tòa án cấp phúc thẩm chỉ kiểm tra căn cước của các bị cáo có kháng cáo hoặc kháng nghị (đối với các vụ án ở cấp sơ thẩm có đông bị cáo mà không phải tất cả đều kháng cáo hoặc bị kháng nghị) hoặc những người tham gia tố tụng có kháng cáo như người bị hại, đại diện hợp pháp của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Phần tranh luận tại phần thủ tục cũng như đã phân tích ở phần thủ tục của cấp sơ thẩm.

         Thứ hai: Trước khi tiến hành xét hỏi, thì một thành viên của Hội đồng xét xử phúc thẩm (thường là chủ tọa phiên tòa) trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm. Sau khi trình bày xong tóm tắt nội dung vụ án thì chủ tọa phiên tòa hỏi người kháng cáo có thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo hay không; nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu Kiểm sát viên trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo. Trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị thì Chủ toạ phiên tòa hỏi Kiểm sát viên có thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị hay không; nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu bị cáo và những người liên quan đến kháng nghị trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị.

         Thứ ba: Việc xét hỏi tại phiên tòa phúc thẩm, cũng chủ yếu tập trung vào làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến nội dung kháng cáo, kháng nghị. Tuy nhiên, đối với Chủ tọa phiên tòa cần nghiên cứu kỹ nội dung kháng cáo, kháng nghị  để có kế hoạch xét hỏi cũng như điều hành phần tranh luận tại giai đoạn xét hỏi, tùy theo từng nội dung kháng cáo mà có kế hoạch xét hỏi khác nhau, cần phải  xem xét cả chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội, chú ý các tình tiết, các chứng cứ đã được chứng minh tại Cơ quan điều tra cũng như tại phiên toà sơ thẩm. Đồng thời cũng phải chú ý đến các tình tiết mà bị cáo, người bào chữa đưa ra để chứng minh sự ngoại phạm của bị cáo. Xét hỏi để làm rõ những tình tiết, chứng cứ còn mâu thuẫn, làm rõ tính hợp pháp của các chứng cứ, nguồn chứng cứ, giá trị pháp lý của các chứng cứ.

         Ví dụ: Nếu bị cáo kháng cáo kêu oan thì Chủ tọa phiên tòa cần phải hết sức thận trọng trong việc xét hỏi nhằm đánh giá và sử dụng chứng cứ một cách khách quan và đúng đắn nhất. Để làm tốt vai trò, vị trí của Chủ tọa phiên tòa trong việc điều hành việc xét hỏi và tranh luận, Chủ tọa phiên tòa cần nghiên cứu xem cấp sơ thẩm sử dụng chứng cứ buộc tội là dựa vào lời khai của người bị hại hay người làm chứng hay dựa vào kết luận của Cơ quan giám định để có kế hoạch xét hỏi tập trung vào những người đó trước rồi mới đến xét hỏi những người tham gia tố tụng khác… Cần xét hỏi để làm rõ lý do những vấn đề kháng cáo kêu oan của bị cáo. Xét hỏi để kiểm tra các chứng cứ xác định sự vô tội của bị cáo đưa ra; kiểm tra tính có căn cứ và tính hợp pháp của bản án sơ thẩm khi tuyên bố bị cáo phạm tội.

         Thứ tư: Ở phần tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm có thuận lợi hơn so với giai đoạn xét xử sơ thẩm là toàn bộ nội dung tranh luận, các luận cứ của luật sư đưa ra để bảo vệ thân chủ của mình cũng ít nhiều được thể hiện. Do vậy, trên cơ sở đánh giá chứng cứ cũ và chứng cứ mới phát sinh tại phiên tòa phúc thẩm, thì kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa phát biểu quan điểm đánh giá về tính hợp pháp và có căn cứ hay không của bản án sơ thẩm để thể hiện quan điểm giải quyết vụ án. Cũng như ở cấp sơ thẩm, sau khi đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm về giải quyết vụ án thì Chủ tọa phiên tòa cũng phải làm tròn trách nhiệm trong việc điều hành phần tranh luận như đã phân tích ở phần xét xử sơ thẩm. Nếu qua tranh luận, thấy có đủ căn cứ khẳng định cấp sơ thẩm truy tố và xét xử bị cáo là có cơ sở thì sẽ là căn cứ để Hội đồng xét xử phúc thẩm bác kháng cáo. Nếu qua thẩm vấn thấy các chứng cứ chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc có nhiều mâu thuẫn mà tại phiên toà phúc thẩm không có điều kiện khắc phục được thì Hội đồng xét xử sẽ lấy đó làm căn cứ để huỷ án sơ thẩm để điều tra xét xử lại.

         Tranh tụng là nguyên tắc quan trọng trong tố tụng nói chung và xét xử nói riêng. Để đảm bảo cho nguyên tắc tranh tụng được thực hiện đầy đủ trong tố tụng nhằm giải quyết đúng đắn, khách quan vụ án, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia tố tụng chúng tôi có một số kiến nghị như sau:

         Thứ nhất: Cần có các quy định đầy đủ, hợp lý và khả thi về địa vị tố tụng của các bên tham gia tố tụng tại phiên tòa để họ có đầy đủ điều kiện, khả năng thực hiện các nội dung tranh tụng theo chức năng, nhiệm vụ hoặc lợi ích của mình: được chủ động thu thập vật chứng, được xét hỏi những người tham gia tố tụng, đặc biệt là người làm chứng trong giai đoạn điều tra, được yêu cầu cung cấp tài liệu;

         Thứ hai: Cần có các quy định thủ tục tố tụng thể hiện sự bình đẳng giữa các chủ thể buộc tội và gỡ tội, nhất là tại phiên tòa; đảm bảo để các bên tham gia tố tụng được xét hỏi, tranh luận một cách khách quan, công bằng và bình đẳng; mở rộng thêm phạm vi các vụ án có sự tham gia bắt buộc của luật sư, không nên quy định bắt buộc người bào chữa phải giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Cơ quan tiến hành tố tụng như hiện nay mà để họ tự công bố tại phiên tòa, có như vậy mới đúng tính chất của tranh tụng;

         Thứ ba: Tăng cường các tổ chức luật sư, mở rộng phạm vi bào chữa để đảm bảo các phiên tòa có sự tham gia của người bào chữa ngày càng nhiều, không nên quy định người đại diện hợp pháp cũng là người bào chữa; nâng cao văn hoá pháp lý trong tố tụng nói chung và tại phiên tòa nói riêng;

         Thứ tư: Nâng cao trình độ, nhận thức của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, đảm bảo cho họ có đủ năng lực về chuyên môn, về phong cách, về khả năng diễn đạt để thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa.

         Thứ năm: Bảo đảm cơ sở vật chất cho quá trình tranh tụng. Cần bố trí vị trí của các bên buộc tội và gỡ tội tại phiên tòa là bằng nhau để đảm bảo không khí tố tụng bình đẳng, khách quan không nên để như hiện nay chủ thể buộc tội thì ngồi trên ngang hàng với Hội đồng xét xử, còn chủ thể gỡ tội thì ngồi dưới; tạo điều kiện cho các bên dễ dàng tiếp xúc trong quá trình tố tụng; hệ thống âm thanh, hình ảnh thuận tiện cho việc theo dõi tiến trình tố tụng là những điều kiện rất cần thiết cho tranh tụng cần được nghiên cứu v.v.

         Thứ sáu: Các quy định về trình tự, thủ tục xét xử tại phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm,… cần được thiết kế lại theo hướng xác định vai trò trọng tài của Toà án; trách nhiệm chứng minh được phân đều cho các bên buộc tội và bào chữa; trình tự, thủ tục xem xét chứng cứ, tài liệu về vụ án và tranh luận tại phiên toà cần được thay đổi;…

         Thứ bảy: Cần trang bị cho đội ngũ Thẩm phán các cấp đầy đủ về kỹ năng nghề nghiệp theo yêu cầu cải cách tư pháp, kịp thời đổi mới tư duy và phương pháp công tác. Thẩm phán chủ tọa cần được rèn luyện nâng cao bản lĩnh để không còn bị lúng túng trong xử lý tình huống, dẫn đến không chủ động điều khiển quá trình tranh luận, đối đáp của các bên, nhất là đối với các vụ án có đông bị cáo và nhiều luật sư tham gia nên mặc dù thời gian tranh luận kéo dài nhưng chất luợng luận tội và bào chữa không cao, việc tranh luận, đối đáp của các bên không đi vào trọng tâm các vấn đề cần giải quyết trong vụ án.

         Thứ tám: Kiên quyết không để việc thực hiện chức năng xét xử tại phiên toà vẫn theo “nếp cũ”. Tạo điều kiện tốt nhất để Hội đồng xét xử thực hiện triệt để  nguyên tắc “Khi xét xử Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Việc xét hỏi tại phiên toà cần thực sự đổi mới theo tinh thần cải cách tư pháp của Nghị quyết số 08-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW tránh tình trạng khi xét hỏi chỉ do HĐXX (chủ toạ phiên toà) thực hiện mà cần  phát huy vai trò tích cực, chủ động của Kiểm sát viên, luật sư và những nguời tham gia tố tụng khác trong xét hỏi và tranh luận tại phiên toà để làm sáng tỏ các tình tiết, các chứng cứ, tài liệu về vụ án.

         Tóm lại

         Tranh tụng là hình thức tố tụng trong giải quyết các vụ án nói chung và các vụ án hình sự nói riêng. Phạm vi và nội dung tranh tụng có khác nhau trong các hệ thống pháp luật của các nước và các loại án. Thực hiện việc tranh tụng tại phiên tòa và Tòa án ra phán quyết trên cơ sở kết quả tranh tụng tại phiên tòa là đảm bảo quan trọng cho việc xác định sự thật khách quan của vụ án, để từ đó giải quyết vụ án một cách  đúng đắn, khách quan.

         Tranh tụng tồn tại trong tất cả thủ tục tố tụng hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính. Tuy nhiên, mỗi loại án có những đặc trưng khác nhau về yếu tố tranh tụng. Việc tranh tụng được thực hiện tại phiên tòa, cả trong giai đoạn bắt đầu, trong xét hỏi và trong tranh luận. Tùy theo địa vị tố tụng mà người tham gia tố tụng thực hiện nội dung tranh luận khác nhau.

TS. PHẠM MINH TUYÊN (Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh)