Kỹ năng trợ giúp pháp lý phù hợp với đặc thù các vụ việc hôn nhân và gia đình

Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Bài viết giới thiệu kỹ năng trợ giúp pháp lý trong các vụ việc hôn nhân và gia đình, phù hợp với tính chất đặc thù của loại vụ việc này.

1. Thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015, thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình được quy định tại Điều 28 (Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án) và Điều 29 (Những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án).

So với Điều 27 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011), Điều 28 BLTTDS năm 2015 sửa đổi, bổ sung quan hệ tranh chấp chia tài sản sau khi ly hôn; tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc khi hủy kết hôn trái pháp luật. Đồng thời, điều luật cũng xác định rõ khi có quy định của pháp luật khác xác định thẩm quyền giải quyết các tranh chấp hôn nhân và gia đình thuộc cơ quan khác thì Tòa án không thụ lý, giải quyết.

So với Điều 28 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011), Điều 29 BLTTDS năm 2015 sửa đổi, bổ sung yêu cầu về công nhận việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 84 của Luật Hôn nhân và gia đình (HNGĐ) năm 2014; yêu cầu liên quan đến việc mang thai hộ theo quy định từ Điều 92 đến Điều 102 của Luật HNGĐ năm 2014; yêu cầu công nhận thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân đã được thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án; yêu cầu tuyên bố vô hiệu thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng theo quy định tại Điều 50 Luật HNGĐ năm 2014; yêu cầu xác định cha mẹ cho con hoặc con cho cha mẹ theo quy định từ Điều 89 đến Điều 102 Luật HNGĐ năm 2014. Đồng thời, điều luật cũng xác định rõ khi có quy định của pháp luật khác xác định thẩm quyền giải quyết các việc hôn nhân và gia đình thuộc cơ quan khác thì Tòa án không thụ lý, giải quyết.

2. Tính đặc thù của các vụ việc về hôn nhân và gia đình

So với các loại vụ việc khác trong tố tụng dân sự, các vụ việc về hôn nhân và gia đình có những đặc thù riêng như sau:

- Đương sự có quan hệ vợ chồng, cha mẹ và con, các thành viên khác trong gia đình (ông bà, cháu, anh, chị, em, cô, dì…)[1], có tính đặc thù trên cơ sở hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau; mọi lợi ích đều liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình, đặc biệt là về nhân thân và về tài sản.

- Tranh chấp về hôn nhân và gia đình là những tranh chấp được điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và pháp luật dân sự; Ngoài ra, còn bị ràng buộc bởi đạo đức, phong tục, tập quán, các quan hệ xã hội khác của dòng tộc, gia tộc,… không trái với quy định của pháp luật.[2]

- Việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình phải tuân thủ nguyên tắc bảo vệ hài hòa lợi ích các cá nhân/thành viên gia đình với lợi ích chung của gia đình. Quyền hôn nhân và gia đình của cá nhân được thực hiện trong gia đình, khi cá nhân đó là thành viên gia đình (là vợ, chồng, cha, mẹ, con…), vì vậy, để đảm bảo quyền hôn nhân và gia đình của cá nhân thì cần phải bảo vệ gia đình.

 - Ưu tiên vận dụng các biện pháp tư vấn, giải thích hướng đến hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp để vợ chồng đoàn tụ, chung sống thuận hòa, hiểu và cảm thông, chia sẻ với nhau, bảo vệ được trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật; gắn kết các thành viên gia đình, giúp họ tự điều chỉnh hành vi và có cách ứng xử cho phù hợp.[3]

3. Kỹ năng trợ giúp pháp lý phù hợp với đặc thù các vụ việc hôn nhân và gia đình[4]

3.1. Kỹ năng tiếp xúc đối tượng

- Khi tiếp xúc với đối tượng, người thực hiện trợ giúp pháp lý[5] (TGPL) cần có thái độ đúng mực, cởi mở, thân thiện, tôn trọng, cảm thông và tạo được sự tin cậy.

- Tính chất vụ việc thường là liên quan đến riêng tư và gia đình, nên đối tượng thường e ngại khi nói về những mâu thuẫn, xung đột gia đình và nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, xung đột, cũng như những biểu hiện không đẹp của hành vi. Do vậy, người thực hiện TGPL phải ổn định tâm lý cho người được TGPL bằng cách khích lệ, động viên, an ủi, biết cách đặt các câu hỏi để khuyến khích đối tượng trình bày vụ việc, chia sẻ cụ thể các tình tiết và nêu rõ mong muốn về hướng giải quyết vụ việc, tuyệt đối không gây kích động hoặc đánh giá, phán xét về đối tượng (cả khi gặp tình huống đối tượng có lỗi dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng hoặc là người có hành vi bạo lực gia đình (BLGĐ)).

- Cần tập trung lắng nghe, không làm việc riêng, kết hợp hỏi và ghi chép để có thể hiểu rõ các tình tiết vụ việc, từ đó đánh giá thực chất mối quan hệ gia đình của đối tượng, tìm ra được các vấn đề cần hỏi thêm, các tài liệu cần bổ sung...

- Nếu đối tượng là trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số… không tự trình bày được thì cần yêu cầu người đại diện của họ, nhân viên xã hội, người biết tiếng dân tộc, nhà tâm lý hoặc phiên dịch hỗ trợ cho đối tượng.

- Vấn đề tranh chấp trong hôn nhân và gia đình thường phát sinh từ mâu thuẫn gia đình diễn ra kéo dài hoặc có những bước ngoặt nào đó và chỉ khi vấn đề trở nên nghiêm trọng thì đối tượng mới tìm đến TGPL… Do đó, người thực hiện TGPL phải kiên trì, ổn định tinh thần và gợi ý khéo léo, nhưng không cắt lời họ, để họ trình bày theo diễn biến thời gian và không sa vào kể lể dài dòng hoặc đưa ra các tình tiết không cần thiết.

3.2. Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, nhận diện vụ việc

- Nghiên cứu hồ sơ để nhận diện vụ việc, xác định lĩnh vực pháp luật và hình thức cần TGPL là khâu rất quan trọng trong các vụ việc hôn nhân và gia đình nên người thực hiện TGPL phải kiểm tra hồ sơ vụ việc[6], cụ thể: (i) Đơn yêu cầu TGPL; (ii) Giấy tờ chứng minh là người được TGPL; (iii) Các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ, việc như Giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh của con, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận về quyền sử dụng nhà đất, giấy khám thương do BLGĐ, giấy chứng nhận nuôi con nuôi, giấy xác nhận giám hộ, giấy xác nhận người khuyết tật, v.v..

- Nghiên cứu hồ sơ để hiểu rõ tình trạng quan hệ vợ chồng, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn giữa vợ chồng cũng như giữa các thành viên gia đình, mức độ mâu thuẫn, diễn biến và tính chất nghiêm trọng của tranh chấp trong hôn nhân và gia đình, các căn cứ yêu cầu ly hôn, các hành vi BLGĐ đã xảy ra, vấn đề con cái, người cao tuổi, người khuyết tật cần nuôi dưỡng, các nghĩa vụ dân sự, các mối quan hệ xã hội của các bên, v.v..

- Bám sát yêu cầu của người được TGPL để xác định đúng, đầy đủ về quan hệ pháp luật cần phải giải quyết, ví dụ: Ly hôn có yêu cầu cấp dưỡng, có chia tài sản hoặc ly hôn do ngược đãi, đánh đập, yêu cầu thay đổi người nuôi con, hủy việc nuôi con nuôi…; lên danh sách theo thứ tự thời gian về các tài liệu, chứng cứ mà đối tượng đưa ra; xác minh tính chính xác và có cơ sở pháp lý, tính thống nhất và logic giữa các tình tiết với nhau; các quyết định đã giải quyết của các cơ quan (nếu có); các tài liệu, giấy tờ có trong hồ sơ đã đủ làm rõ các vấn đề cần giải quyết hay chưa; các giấy tờ, tài liệu có trong hồ sơ có giá trị làm chứng cứ khi vụ việc được đưa ra giải quyết tại Tòa án hay không? so sánh về thời điểm, các số liệu,… có cần phải thu thập thêm chứng cứ, tài liệu hoặc yêu cầu về giám định, hỏi thêm nhân chứng hoặc có cần phải kiểm tra, xác minh tính xác thực của tài liệu, giấy tờ mà đối tượng cung cấp hay không.

+ Xác định cụ thể các điều luật, văn bản pháp luật cần áp dụng; dự kiến các biện pháp và phương án giải quyết theo quy định của pháp luật; nắm rõ địa bàn của đối tượng để khi cần thiết có thể hỗ trợ hoặc liên hệ.

3.3. Kỹ năng thu thập tài liệu, chứng cứ và đánh giá chứng cứ

Trong một vụ việc về hôn nhân và gia đình thường tồn tại ba mối quan hệ cơ bản: quan hệ hôn nhân, quan hệ nuôi con chung và quan hệ về tài sản. Khi thực hiện TGPL những vụ việc về hôn nhân và gia đình, người thực hiện TGPL cần thu thập các tài liệu, chứng cứ về ba mối quan hệ trên để làm rõ các tình tiết của vụ việc và đưa ra các phương án tư vấn pháp lý phù hợp.

- Về quan hệ hôn nhân: Thông thường trong các vụ việc về hôn nhân và gia đình, khi có yêu cầu TGPL đương sự thường cung cấp các giấy tờ, tài liệu ban đầu như: Giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh của các con (nếu có con), chứng minh nhân dân/căn cước công dân, sổ hộ khẩu… Người thực hiện TGPL cần yêu cầu đương sự cung cấp bản chính để đối chiếu, xác thực, xác minh tính hợp pháp của các giấy tờ, tài liệu đó. Ngoài ra, người thực hiện TGPL có thể thu thập tài liệu, chứng cứ thông qua việc khai thác thông tin từ chính đương sự và những người có mối quan hệ gần gũi với đương sự như cha, mẹ, cơ quan quản lý của vợ, chồng; bởi quan hệ hôn nhân là mối quan hệ trong một thời gian dài, gắn liền với chính các đương sự, chỉ có các đương sự mới hiểu và biết rõ các sự kiện, tình tiết đã xảy ra. Từ các tài liệu, chứng cứ thu thập được người TGPL có thể xác minh được quan hệ vợ chồng có hợp pháp không? Tình trạng mâu thuẫn vợ chồng? Họ chung sống hạnh phúc đến khi nào? Các mâu thuẫn lớn nào làm gián đoạn cuộc sống hạnh phúc? Hai bên đã khắc phục những mâu thuẫn lớn đó như thế nào? Tình trạng sống chung hiện nay? Đánh giá về tình cảm của vợ chồng?...

  - Về con chung: Người thực hiện TGPL cần thu thập các tài liệu, chứng cứ để xác minh về quan hệ nuôi con chung của các đương sự như: Có bao nhiêu con? Con đã thành niên hay chưa thành niên? Có con nuôi hay không? Mối quan hệ giữa cha mẹ và các con? Tình trạng thu nhập của hai vợ chồng hiện nay? Nguyện vọng của con nếu cha mẹ ly hôn? Yêu cầu cụ thể về việc nuôi con sau khi ly hôn như ai trực tiếp nuôi? Mức cấp dưỡng nuôi con? Phương thức cấp dưỡng nuôi con? Có yêu cầu gì đặc biệt về nuôi con sau ly hôn không?

- Về quan hệ tài sản: Người thực hiện TGPL yêu cầu đương sự cung cấp các giấy tờ chứng minh tài sản chung của vợ chồng và các tài sản riêng như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà chung của vợ chồng, giấy tờ về việc tặng cho chung hoặc tặng cho riêng, văn bản thỏa thuận tài sản riêng trước hôn nhân… Để xác định tài sản chung, căn cứ pháp lý để xác lập tài sản chung vợ chồng là thời kỳ hôn nhân và là căn cứ cơ bản nhất. Về nguyên tắc, tất cả tài sản do vợ chồng tạo ra, không cần thiết là cả hai cùng trực tiếp tạo ra, không phụ thuộc vào điều kiện, công sức đóng góp của vợ hoặc chồng. Đặc điểm tài sản chung của vợ chồng là tài sản thuộc hình thức sở hữu chung hợp nhất, thời kỳ hôn nhân được hiểu là “khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân”[7]. Trong thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, ranh giới giữa tài sản chung và tài sản riêng dường như không có sự phân biệt. Đặc biệt đối với những trường hợp nguồn gốc nhà, đất, quyền sử dụng đất của một bên có trước khi kết hôn, nhưng trong quá trình chung sống, nhà đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi tên người sử dụng đất là vợ và chồng. Đối với việc vay nợ của vợ chồng, công sức đóng góp tạo dựng tài sản nếu chung sống với gia đình, yêu cầu giải quyết như thế nào, từ đó, yêu cầu họ cung cấp các tài liệu chứng cứ liên quan như: Nguồn gốc tài sản do đâu mà có; có từ trước hay sau khi kết hôn; do vợ chồng làm ra hay được tặng cho, thừa kế, được tặng cho chung hay được tặng cho riêng… Nếu là tài sản riêng thì đã nhập vào tài sản chung chưa, các văn bản thể hiện là gì, nếu không có văn bản thì quá trình sử dụng chung tài sản từ bao giờ, vào những việc gì, ai sử dụng, những ai biết, chứng kiến việc đó, ý kiến của người liên quan như thế nào, để từ đó, đánh giá xác định đúng các tài sản nào là tài sản chung, công sức đóng góp và phân chia đúng pháp luật.

3.4. Kỹ năng hòa giải và áp dụng biện pháp thay thế

- Cần khách quan, công bằng, tôn trọng sự thật và tính tự nguyện của các bên, hướng dẫn, giải thích, tạo cơ hội ngang bằng để họ trình bày, bày tỏ quan điểm,...

- Khi hòa giải cần hướng mục tiêu vào tính huyết thống, tình yêu, con cái, cha mẹ hai bên, sự nghiệp của vợ chồng và đạo đức xã hội để tạo cho các bên cơ hội suy nghĩ lại đầy đủ hơn về sự duy trì mối quan hệ gia đình hay phải ly hôn; để các bên thể hiện và làm rõ mức độ mâu thuẫn, tính chất nghiêm trọng của vụ việc và tâm tư, nguyện vọng giải quyết của các bên. Trường hợp vợ chồng đồng thuận ly hôn mà có bất đồng về phân chia tài sản nên yêu cầu trợ giúp thì người thực hiện TGPL cần hòa giải, phân tích và hỗ trợ để họ hiểu và tự thỏa thuận về việc chia tài sản, ví dụ: thông báo về mức án phí, về thời gian đi lại tại Tòa án, tài sản để cho con cái,… Điều này một mặt giảm căng thẳng giữa hai bên, để họ chia tay một cách nhân văn, không tốn kém, mặt khác giảm bớt công việc cho Tòa án.

- Khi tham gia hòa giải phải có thái độ chân tình, đúng mực, chủ động tiếp xúc, giải thích pháp luật áp dụng cụ thể vào các tình tiết của vụ việc ly hôn hoặc BLGĐ một cách kiên trì, khách quan, công bằng, hợp tình, hợp lý và giữ bí mật thông tin đời tư của các bên, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, không xâm phạm lợi ích công cộng. Hòa giải có thể được tiến hành nhiều lần. Quy trình, thành phần tham dự hòa giải có thể được điều chỉnh linh hoạt phù hợp với yêu cầu của từng vụ việc.

- Trong quá trình giải quyết vụ việc BLGĐ (không có yếu tố hình sự), nếu đương sự lựa chọn các biện pháp thay thế hoặc hình thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án trước khi nộp đơn khởi kiện thì người thực hiện TGPL phải chuẩn bị đẩy đủ các thông tin, các phương án giải quyết để tham gia các cuộc họp cộng đồng, phiên hòa giải cùng với đối tượng để bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng.

- Khi áp dụng các biện pháp thay thế như tư vấn, góp ý tại cộng đồng, khiển trách hoặc xin lỗi công khai tại cộng đồng… cần thể hiện thái độ thiện chí, với tinh thần xây dựng, đoàn kết, nhằm hàn gắn các mối quan hệ gia đình, tránh chỉ trích dẫn đến căng thẳng sẽ không đạt được hiệu quả.

3.5. Kỹ năng trợ giúp pháp lý cho trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số và phụ nữ

- Đối với các vụ việc về ly hôn, BLGĐ, tranh chấp về nuôi con nuôi hoặc giám hộ cần chú ý đến việc bảo vệ an toàn, chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, đang ở độ tuổi trẻ em, những người đang phải nuôi dưỡng như người khuyết tật, người cao tuổi,… Việc bảo vệ, đưa đến cơ sở an toàn khi có BLGĐ, giao con chưa thành niên cho cha hoặc mẹ nuôi dưỡng khi ly hôn… phải vì lợi ích về mọi mặt của con. Trường hợp con từ đủ 7 tuổi trở lên thì khi quyết định giao con cho bên nào trực tiếp nuôi phải xem xét nguyện vọng của con. Đặc biệt lưu ý vấn đề cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình khi cha mẹ ly hôn.

- Đối với các vụ việc BLGĐ mà trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, phụ nữ là nạn nhân và là đối tượng cần TGPL thì không chỉ trợ giúp về pháp lý mà còn hỗ trợ về tâm lý, tinh thần, ngôn ngữ, tìm kiếm các biện pháp luật định để yêu cầu bảo vệ. Đặc biệt, đối với trường hợp trẻ em hoặc người khuyết tật bị xâm hại tình dục bởi các thành viên gia đình (chẳng hạn cha dượng xâm hại con riêng của vợ), bị cưỡng ép tảo hôn… thì vấn đề tư vấn về tâm lý, giúp cho nạn nhân bớt hoảng loạn, sợ hãi là vô cùng cần thiết.

- Đối với các vụ việc về nuôi con nuôi hoặc giám hộ mà liên quan đến quyền của trẻ em là con nuôi hoặc là người được giám hộ thì cần dựa trên nguyên tắc bảo vệ trẻ em để đưa ra các giải pháp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em một cách tốt nhất.

- Cần tiếp xúc để nắm rõ sự việc nhưng tránh việc gây thêm sự xấu hổ hoặc đau khổ cho nạn nhân; đối với người câm hoặc người dân tộc thiểu số cần có phiên dịch, trẻ em, người khuyết tật nặng cần có người giám hộ hoặc đại diện hợp pháp lên tiếng để tránh giấu kín vụ việc, cam chịu, không chia sẻ thông tin. Người thực hiện TGPL phải thể hiện sự cảm thông, chia sẻ, giữ kín thông tin nhưng cần thông báo cho công an trong những vụ cần thiết; cần có địa điểm riêng khi tiếp xúc với những nạn nhân BLGĐ và bạo lực tình dục[8].

- Cần phối hợp tiếp cận, xử lý các thông tin liên quan đến đối tượng là trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số,… trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Lưu ý đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng có kiểm soát, giữ bí mật riêng tư, tránh tác động tiêu cực vô tình biến họ thành nạn nhân bị “bạo lực kép”. 

3.6. Kỹ năng trợ giúp pháp lý về ly hôn

- Khi tư vấn về ly hôn, thì cần nắm được nguyện vọng của họ để giải quyết các hậu quả pháp lý của việc ly hôn chính là liên quan đến con cái, người cần phụng dưỡng, tài sản, các trách nhiệm, nghĩa vụ dân sự,…Vấn đề thỏa thuận về việc nuôi con và cấp dưỡng cho con, giao con cho ai trực tiếp nuôi phải vì lợi ích về mọi mặt của con và xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên; việc nuôi dưỡng con không có khả năng lao động, con đang đi học xa… cũng cần được quan tâm.

- Cần làm cho hai bên hiểu về quyền, nghĩa vụ của hai bên như: người nuôi con có quyền yêu cầu người kia thực hiện các nghĩa vụ của họ; không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, giáo dục, cấp dưỡng cho con. Quyền, nghĩa vụ của người không nuôi con là cấp dưỡng cho con, thăm nom con, tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi con.

- Giải thích để hai bên hiểu những trường hợp thay đổi người nuôi con hoặc bị tước quyền nuôi con, thăm nom con,… Việc thay đổi do cha, mẹ thỏa thuận hoặc người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp nuôi con; trường hợp bị Tòa án tước quyền khi có vi phạm nghiêm trọng. Trong trường hợp cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì có thể giao con cho người giám hộ nuôi.

+ Khi có yêu cầu TGPL để phân chia tài sản khi ly hôn thì cần làm rõ chế độ tài sản theo Luật định hay chế độ tài sản theo thỏa thuận. Trong trường hợp vợ chồng theo chế độ tài sản thỏa thuận thì việc phân chia tài sản đã được ghi rõ trong văn bản thỏa thuận và thực hiện theo nội dung thỏa thuận đó. Nếu nội dung thỏa thuận không đầy đủ, không rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2,3,4, 5 Điều 59 và các điều 60, 61, 62, 63, 64 Luật HNGĐ năm 2014 để giải quyết.

- Trong trường hợp vợ chồng theo chế độ tài sản Luật định thì việc phân chia tài sản khi ly hôn do vợ chồng thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Tòa án chia tài sản theo quy định tại Điều 59 Luật HNGĐ năm 2014. Người thực hiện TGPL cần giải thích, hướng dẫn đối tượng tự thỏa thuận trong việc phân chia tài sản và những lợi ích và điểm tích cực của việc tự thỏa thuận phân chia tài sản, giảm chi phí, án phí và thời gian… Nếu họ yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản thì cần hiểu rõ nguyên tắc chia và việc chia tài sản trong một số trường hợp cụ thể như sau: (i) Tài sản chung được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố: hoàn cảnh của gia đình và của mỗi bên vợ, chồng; xác định công sức đóng góp của vợ, chồng đối với việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản chung. Người làm việc nhà được coi như lao động có thu nhập; lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; (ii) Về chia tài sản của vợ chồng trong một số trường hợp cụ thể như: đang sống chung với gia đình mà ly hôn; tài sản chung là quyền sử dụng đất; nhà ở là tài sản riêng của một bên nhưng trước khi ly hôn vợ chồng cùng chung sống tại đó; lưu ý khả năng bị tẩu tán tài sản…, nếu có sự tranh chấp về tài sản chung, tài sản riêng giữa vợ và chồng thì cung cấp cho đối tượng căn cứ xác định tài sản chung theo quy định của Luật HNGĐ[9].

3.7. Kỹ năng trợ giúp pháp lý tại phiên tòa

- Thực hiện tư vấn tiền tố tụng để nắm rõ bản chất vụ việc và nghiên cứu kỹ hồ sơ của đối tượng, lời khai của các đương sự (là nguyên đơn hoặc bị đơn trong vụ ly hôn, trong tranh chấp về nuôi con nuôi, về giám hộ, là người có quyền và lợi ích liên quan, là người có hành vi BLGĐ…) và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Cần phát hiện những tình tiết quan trọng của vụ án, nắm được các điểm thống nhất hoặc khác biệt về chứng cứ, tài liệu mà các bên đưa ra để chứng minh, ví dụ: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà chứng minh tài sản chung của vợ chồng hoặc tài sản riêng của một bên; giấy khám thương tích chứng minh về hành vi BLGĐ; chứng cứ về thiệt hại thể chất, tinh thần, tài sản…

- Đối với những vụ việc liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau (như đất đai, dân sự, thương mại, tài chính ngân hàng, hình sự…) mà người thực hiện TGPL thấy chưa đủ cơ sở để bảo vệ cho đối tượng tại Tòa án thì cần phải tiến hành điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ, gặp gỡ, tiếp xúc với các cơ quan chức năng và những người có liên quan để tìm hiểu rõ bản chất vụ việc, yêu cầu bổ sung tài liệu, người làm chứng...

- Tại phiên tòa, khi tham gia phần hỏi các đương sự, người thực hiện TGPL cần đặt câu hỏi làm rõ những vấn đề cốt lõi để bảo vệ quyền và lợi ích của đối tượng đã được trình bày, khẳng định trong yêu cầu của đối tượng và tạo căn cứ, cơ sở để bảo vệ quyền lợi của đối tượng, của trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật,… Ví dụ: Mâu thuẫn vợ chồng phát sinh khi nào, nguyên nhân mâu thuẫn? tài sản có nguồn gốc từ đâu? mỗi bên vợ chồng đóng góp công sức như thế nào trong việc tạo thu nhập cũng như công việc gia đình? bạo lực giữa các thành viên gia đình bắt nguồn từ đâu? tần xuất và mức độ nguy hiểm của hành vi bạo lực…

Lưu ý, việc sử dụng thuật ngữ tranh luận cần chính xác, dễ hiểu, trình bày vấn đề rõ ràng, mạch lạc, tránh dài dòng, kể lể, lặp đi lặp lại,… cần nhấn mạnh những điểm quan trọng, các căn cứ pháp lý để cơ quan tiến hành tố tụng hiểu rõ quan điểm của mình về bảo vệ quyền và lợi ích cho đối tượng. Đồng thời, phải tập trung lắng nghe, tiếp nhận thông tin mới được đưa ra tại phiên tòa một cách chính xác và có chọn lọc, nắm bắt được những thông tin quan trọng nhất phục vụ cho vụ việc, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng./.

 

Các trợ giúp viên pháp lý ở Bà Rịa - Vũng Tàu giải đáp thắc mắc của người dân về pháp luật đất đai và hôn nhân gia đình - Ảnh: Thanh Hải


[1] Khoản 16 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

[2] Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4, Điều 45 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[3] Xem Liên minh châu Âu, Bộ Tư pháp Việt Nam, Chương trình phát triển Liên hợp quốc, Tài liệu hướng dẫn trợ giúp pháp lý các vụ việc hôn nhân và gia đình (dành cho người thực hiện trợ giúp pháp lý), tr. 19-20, tại https://tgpl.moj.gov.vn/Pages/chi-tiet-tin.aspx?ItemID=195&l=Thongtindieuhanh

[4] Mục này được tổng hợp, giới thiệu từ nguồn: Liên minh châu Âu, Bộ Tư pháp Việt Nam, Chương trình phát triển Liên hợp quốc, Tài liệu hướng dẫn trợ giúp pháp lý các vụ việc hôn nhân và gia đình (dành cho người thực hiện trợ giúp pháp lý), tr. 22-35, tại https://tgpl.moj.gov.vn/Pages/chi-tiet-tin.aspx?ItemID=195&l=Thongtindieuhanh

[5] Điều 17 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.

[6] Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.

[7] Khoản 13 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

[8] Tham khảo Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.

[9] Điều 33 và Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

ĐÔ THÀNH