Lệ trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ

Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ do Nội các triều Nguyễn biên soạn, ghi chép tương đối đầy đủ các chiếu chỉ, tấu sớ, phiếu dụ, sắc lệnh, dụ chỉ của triều đình nhà Nguyễn về các việc đem ra thi hành thuộc về sáu bộ và các ty kể từ năm Gia Long thứ nhất (1802) đến năm Tự Đức thứ tư (1851) (1). Bộ sách gồm 262 quyển, trong đó về Bộ Hình có 24 quyển (từ quyển 179 đến quyển 204), ghi chép về luật lệ và việc xử lý các vụ việc cụ thể.

Trong các quyển về Bộ Hình, ghi chép đủ 398 điều luật của bộ luật Gia Long, về mỗi một quy định của điều luật , được trình bày gồm ba mục: Mục thứ nhất là chép lại gần như nguyên văn điều luật của bộ luật; Mục thứ hai phụ chép thêm các điều lệ về luật này, như là một hướng dẫn cụ thể ( bao gồm cả việc quy định mở rộng thêm ) về điều luật ấy; Mục thứ ba sự lệ về các năm đã định ra, chép lại các Chỉ dụ của Vua về các vụ việc, vụ án cụ thể . Có một số trường hợp chỉ có mục thứ nhất, một số trường hợp khác chỉ có hai mục : Mục thứ nhất Mục thứ hai hoặc Mục thứ ba. Dưới đây xin trao đổi về mục thứ ba sự lệ về các năm đã định ra ( gọi tắt là lệ ).

I.Các loại lệ

Xin được tạm xác định các loại lệ như sau đây :

1.Lệ bổ sung cho khiếm khuyết về luật

Đây là lệ quy định việc áp dụng tương tự quy định của điều luật. Trong nhiều trường hợp, quy định của luật không bao hàm hết những sự việc xảy ra trong thực tế, lệ đã đưa ra cách áp dụng luật trong những trường hợp này.  Như trong quy định về tội Lấy trộm trâu ngựa và súc sản ( Điều 239 Bộ luật Gia Long ), chỉ có quy định là “ Nếu kẻ nào lấy trộm trâu ngựa (kể cả của công của tư) giết thịt đi…”, nhưng trong thực tế lại có vụ án “ lấy trộm lông đuôi voi, chém đuôi voi bị thương “ , Gia Long năm thứ 16 ( 1815 ) đã chuẩn định phải coi đó như “lấy trộm trâu ngựa của công đem giết thịt đi “ (2). Hay như về tội Các viên quan hầu cận tự xưng dối là được sai để ngầm đi tra xét ( Điều 328 Bộ luật Gia Long) quy định “Phàm người hầu cận ra bên ngoài tự xưng giả dối là được sai đi để ngầm tra xét công việc, làm mê hoặc nhân dân thì xử tội trảm (giam hậu), việc xưng giả dối này là do viên quan ấy tự xưng ra, không phải do người khác “. Minh Mạng năm thứ 9 đã chuẩn định một việc áp dụng quy định của điều luật này như sau : “Tên Phan Ngọc Lý trước đây can tội giả mạo, đã đày ra làm binh ở sở thú Ai Lao, giữa đường trốn thoát, sau lại dám khắc giả bài ngà giả xưng là thị vệ, đi khắp các thành hạt hống hách lừa dối quan tư để lấy tiền. Tội tên ấy nặng quá mức xử trong luật, nên nghĩ xử tội trảm, lấy đầu đem bêu lên “(3). Trường hợp này, tên tù bỏ trốn làm giả bài ngà, giả xưng là thị vệ bị coi như trường hợp các viên quan hầu cận tự xưng dối là được sai để ngầm đi tra xét.

2.Lệ sửa đổi bổ sung điều luật

Loại lệ này chiếm phần lớn trong các lệ, quy định sửa đổi, bổ sung quy định của điều luật. Như quy định về tội Lễ họp uống rượu trong làng (Điều 163 Bộ luật Gia Long) : “Phàm lễ kính lão trong hương thôn và lễ họp uống rượu trong làng, đã có thể lệ nhất định, kẻ nào làm trái ,phạt xuy 50 roi (Lễ kính lão trong hương thôn là nói về khi đi, khi ngồi trong ngày thường ; lễ họp uống rượu trong làng là nói về lễ nghi khi hội họp uống rượu. Lễ đã có thể lệ nhất định, làm trái thì phải phạt xuy )”(4). Theo phần phụ chép về điều luật này, thì điều luật chỉ quy định về thứ tự chỗ ngồi, cách vái chào trong “lễ lên lão” và lễ họp uống rượu trong làng. Nhưng trong ba lệ về điều luật này thì lại quy định về việc cấm nấu rượu, cấm uống rượu … Chẳng hạn lệ Tự Đức năm thứ 4 đã chuẩn định rằng : “Các quan địa phương sở tại sức cho các hộ nấu rượu trong hạt biết : Các lò nấu rượu, không được nấu nhiều. Phàm dân gian có việc quan, hôn, tang, tế, cùng thết khách, ngâm thuốc, cần dùng rượu mới cho mua để dùng , nhưng phải có hạn chế. Nếu không có những việc như trên, mà trong làng xóm, hoặc ở hàng chợ, họp nhau uống rượu bừa bãi, đều cấm chỉ. Các nơi hàng nước, quán cơm cũng không được mua chứa để bán. Ai trái thế, cho tổng lý sở tại bắt giải, chiểu luật “vi chế” trị tội. Nếu bọn sở tư, tổng lý sở tại kẻ nào hùa nhau bênh giấu và mượn cớ làm bậy, khi có người cáo giác, lập tức chiểu luật trừng phạt nghiêm ngặt “ (5).

Như vậy, lệ đã sửa đổi,bổ sung một quy định mới, khác hẳn quy định ban đầu.

3. Lệ về các vụ án để áp dụng cho những vụ án tương tự về sau

Đây là những lệ giải quyết những vụ án cụ thể mà “từ nay về sau có án nào xét ra rõ ràng như án này, cứ theo như thế mà xử đoán “(6). Một trong những lệ loại này là lệ năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) về vụ án Nguyễn Thị Tú ở Sơn Tây. Điều 17 Bộ luật Gia Long Phạm tội tồn lưu dưỡng thân (người phạm tội còn phải ở nhà nuôi dưỡng cha mẹ ), quy định :” Phàm người phạm tử tội không được ân xá theo bình thường mà ông bà nội (như cao tằng) cha mẹ già (trên 70 tuổi ) hay tàn tật (liệt bại nặng ) cần được săn sóc (vì già yếu, tàn tật) mà trong gia đình y không có ai lớn trưởng thành (từ 16 tuổi trở lên), nghĩa là không khác gì con trai duy nhất thì pháp quan phải điều tra kĩ lưỡng, sáng tỏ : kê khai rõ tội danh người ấy phạm (cũng như nguyên do) để căn cứ vào tâu lên vua chờ quyết định. Nếu phạm đồ lưu (mà ông bà cha mẹ già yếu không người nuôi dưỡng ) thì xử 100 trượng, tội còn thừa thì nhận giá chuộc, cho ở nhà nuôi dưỡng cha mẹ (quân nhân phạm tội cũng vậy ).(7)

Với tiêu đề Người phạm tội được ở lại để nuôi cha mẹ,ông bà, Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ cũng đã chép lại gần như nguyên văn điều luật này.

 Vua ban Dụ rằng : “Kẻ tù phạm về tội giảo ở Sơn Tây là Nguyễn Thị Tú nguyên trước can án giết người phải xử tử, trước đây sai người đi dụ được tên ăn cướp ra thú, kể cũng hơi biết sợ hãi, hối lỗi . Nay cha mẹ thị ấy già, ốm, không có người chăm nuôi, tình cũng đáng thương, gia ơn cho được tha ngay, nhưng phải già hiệu một tháng, phạt xuy 100 roi, chuẩn cho ở lại nuôi cha mẹ, lại phải nộp 20 lạng bạc cấp cho gia thuộc kẻ bị chết để làm tiền nuôi sống. Việc này là lòng ta thương tình mà định tội, mà đặt ra hình phạt. Từ nay trở đi , những án nào tình, lý không giống như thế, thì không được viện Dụ này để làm lệ“(8).

Theo như quy định của luật thì có hai trường hợp : trường hợp thứ nhất có hình phạt tử hình, trường hợp thứ hai là phạt đồ, lưu. Nguyễn Thị Tú thuộc trường hợp thứ nhất và có đủ điều kiện mà luật quy định để được “cho ở lại nuôi cha mẹ” , nhưng lệ đã quy định thêm một điều kiện, tạm gọi là lập công chuộc tội,ăn năn hối cải. Có thể hiểu là từ sau khi có lệ này, nếu vụ án nào không có thêm tình tiết này thì không được tha tội chết .

4. Lệ “gia ơn” cho những trường hợp cụ thể

Loại lệ này chỉ áp dụng một lần, như giảm án cho người có cha mẹ già từ 70 tuổi trở lên, hay tha cho những kẻ phạm tội trộm cướp “biết lỗi sửa mình thành người tốt”, hoặc nhân ngày “trọng đại “ như dịp Hoàng thái hậu 60 tuổi thì trừ những kẻ “không biết tự yên thân mình mà phạm vào phép nước, theo luật không thể khoan thứ được”, còn những trường hợp “tình đáng thương” thì đều tha cho cả …

Có thể hiểu loại lệ này như là quyết định về đặc xá hiện nay.

II.Vai trò của lệ

1.Lệ với vai trò là những quy phạm pháp luật

Như trình bày ở mục (I) nêu trên, ngoài những lệ ở điểm (4) thì các lệ khác đều có vai trò là những quy phạm pháp luật được áp dụng trong việc xử lý các vụ án xảy ra. Những lệ này được quy định dựa trên việc xử lý những vụ án cụ thể nhằm sửa đổi, bổ sung cho những quy định của luật thực định, đảm bảo cho “luật” phù hợp với thực tế, và có thể hiểu “lệ” là bộ phận cấu thành của luật. Chiếu năm Minh Mạng thứ nhất (1820) đã chỉ rõ : “ …Các đời dấy lên, đời nào cũng lấy hình luật làm công cụ để giúp cho việc trị nước. Song, luật thì theo ý đời xưa mà lệ thì phải châm chước cho hợp với thời nghi. Theo cũ hay đổi đi, biến cải cho thông, chứ không phải là giữ vững một mực…”(9). Như vậy, “lệ” là sửa đổi luật” cho hợp với thời nghi”, do vậy nếu việc nào đã có “lệ” thì sẽ áp dụng “lệ” thay cho luật.

2.Lệ với vai trò như là án lệ

Tự Đức năm thứ nhất (1848 ) có dụ chỉ rằng: “Từ nay về sau, phàm nghị xử về tội danh gì , phải nên tra xét trong luật lệ đã có chính điều nói đến tội ấy, thì theo điều ấy mà xử tội. Nếu không có chính điều nói về tội ấy, tất phải viện dẫn điều khác để so sánh mà xử tội, nhưng cần phải rất công bằng, rất đúng mức, cùng việc tra cứu xem trước đây có việc án nào như thế đã làm qua rồi, được chuẩn cho làm lệ nhất định theo thế mà làm, mà tội tình của người can phạm này cũng giống như thế, cũng được viện dẫn vào để xét xử. Cần phải có luật lệ rõ ràng, xác đáng để định tội, không được câu nệ một mực. Duy có những án nào tuy đã làm qua nhưng chưa được  chuẩn cho làm lệ nhất định, thì không kể tội nặng hay nhẹ, nhất thiết nghiêm cấm không được viện dẫn bậy vào …”(10). Theo như chỉ ra trong dụ này, có thể coi lệ như là án lệ hay không ? Tiến sĩ Huỳnh Công Bá coi các án đã “được chuẩn cho làm lệ” này là “các án lệ “(11). Ông Vũ Văn Mẫu thì cho rằng mặc dù lệ bắt nguồn từ những vụ án quan trọng để áp dụng cho việc xét xử các vụ án tương tự trong tương lai, nhưng nó không phải là án lệ. Bởi vì, dưới thời phong kiến, quan xử án không thể vượt quá khuôn khổ của luật pháp, không thể giải thích điều luật theo ý riêng ; và các bản án cũng không được công bố, bình luận . Do đó, lệ chỉ là “thuộc vào phần pháp luật thành văn “ (12).

Chúng ta có thể thấy, nếu so sánh với án lệ của những nước ở châu Âu và đối chiếu với cách hiểu hiện nay về án lệ, thì lệ từ những vụ án quan trọng dưới triều Nguyễn chưa thể được coi là án lệ. Nhưng xét dưới góc độ Vua là người xét xử cao nhất đã đưa ra cách áp dụng luật đối với những vụ án điển hình để áp dụng cho việc xét xử những vụ án tương tự trong tương lai , thì cũng có thể coi các lệ đó là án lệ (13).

III. Kết luận

1.Dưới triều Nguyễn thời kỳ độc lập, việc hệ thống hoá pháp luật nói chung và pháp luật về xét xử nói riêng đã được tiến hành một cách rất khoa học và công phu .

2.Các “ lệ “ của vua có tính chất như những qui phạm pháp luật , bổ khuyết cho những quy định của điều luật nhằm phù hợp với thực tế.

3.Việc năm Tự Đức thứ nhất có dụ: Khi xét xử nếu không có điều luật về tội ấy thì phải viện dẫn điều khác và “lệ” để xét xử, một mặt nói lên nguyên tắc áp dụng tương tự về luật để xét xử, mặt khác cũng cho thấy đã manh nha một nguyên tắc : quan xử án không thể không xét xử vụ án với lý do là chưa có luật .

“Lệ” qua những vụ án điển hình cho thấy bước đầu án lệ đã được áp dụng ở nước ta.

Cửa Hiển Nhơn, Huế – Ảnh: Thái Vũ

 

 

 

 (1)Viện sử học – Lời nói đầu , Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ ( KDĐNHĐSL ) tập 1, Nxb Thuận Hoá , Huế 1993.

(2) KDĐNHĐSL tập 12, tr 81, 82.

(3) KDĐNHĐSL tập 12, tr 308-309.

4) Xuy : Đánh bằng roi mây nhỏ , dài 2 thước 7 tấc, chu vi sợi mây ấy độ 6 phân trở xuống, 5 phân trở lên. Có 5 bậc xuy : 10 roi, 20 roi, 30 roi, 40 roi, 50 roi . KDĐNHĐSL tr26,30 . ( 1 thước ta = 0,47 m, 1 tấc = 0,47 cm, 1 phân = 0,47mm ).

(5) KDĐNHĐSL tập 11, tr 410- 411.

(6) KDĐNHĐSL tập 11, tr 288

(7) -Đồ : là bắt làm nô lệ cho biết nhục, đồ có 5 bậc,

    – Lưu : không nỡ giết, đem đày ra phương xa, lưu có 3 bậc,

  – Trượng : dùng một đoạn mây to vừa, dài 2 thước 8 tấc , chu vi sợi mây ấy độ 1 tấc 2 phân trở xuống, 1 tấc 1 phân trở lên. Phàm những người phải phạt trượng từ 60 trượng trở lên thì dùng thứ trượng này,

 – Nhận giá chuộc : cho thu tiền chuộc tội. KDĐNHĐSL tập 11, tr 26, 30.

(8) KDĐNHĐSL tập 11, tr 77 . 

 – Giảo : hình phạt tử hình thắt cổ cho chết,

 – Gông già hiệu: Dùng hai tấm gỗ khô, mỗi tấm dài 3 thước, rộng 7 tấc 5 phân, chỗ hai tấm giáp nhau nêm chặt vào, ở giữa khoét một lỗ vừa cái cổ , gần chỗ ấy đóng thêm miếng sắt mỏng . Gông già hiệu tầm thường nặng 20 cân, gông già hiệu hạng nặng thì 30 cân .KDĐNHĐSL tập 11, tr 19 ( 1 cân ta xưa vào khoảng 0,6 kg ). 

 (9) KDĐNHĐSL tập 11, tr 161.

 (10) KDĐNHĐSL tập 11, tr 165 .

(11) Huỳnh Công Bá, Hôn nhân và gia đình trong pháp luật triều Nguyễn, Nxb Thuận Hoá- Huế, 2005 tr 148.

(12) Vũ Văn Mẫu , Cổ luật Việt Nam và tư pháp sử ( đoạn thứ ba : án lệ ), quyển I,tập 1, Sài gòn 1973 .

(13) Xem thêm Ngô Cường – Án lệ đã được sử dụng dưới triều Nguyễn – Tạp chí Toà án nhân dân số 15 ( 8- 2012 ).

NGÔ CƯỜNG