Một số bất cập trong quá trình thực hiện Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành

Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 sau một thời gian thi hành, bên cạnh những thuận lợi, đã bộc lộ những điểm bất cập, cần kiến nghị sửa đổi, bổ sung.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 (Luật LLTP) thì lý lịch tư pháp được hiểu là: “Lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản”. Đây là nội dung quan trọng thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, nhiều cấp, nhiều ngành trong hoạt động quản lý Nhà nước về lý lịch tư pháp của công dân, với sự phối hợp chặt chẽ, cập nhật thông tin thường xuyên, liên tục về kết quả hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan thi hành án dân sự, Cơ quan thi hành án hình sự… và các cơ quan có liên quan về thông tin cá nhân người bị kết án cho Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp) xây dựng dữ liệu lý lịch tư pháp cho công dân.

Thời gian qua, công tác cung cấp thông tin lý lịch tư pháp về án tích được theo dõi, cập nhật có hệ thống kết quả giải quyết các vụ án hình sự và thi hành án hình sự theo đúng quy định của pháp luật (Luật LLTP 2009; Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp; Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 10/5/2012 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh  trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp (TTLT số 04/2012)). Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì Luật LLTP và các văn bản hướng dẫn có liên quan dần bộc lộ những điểm bất cập, cần kiến nghị sửa đổi, bổ sung.

1.Thẩm quyền cung cấp thông tin lý lịch tư pháp

Khoản 4 Điều 2 TTLT số 04/2012 quy định: “Tòa án quân sự Trung ương thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của người bị Tòa án quân sự kết án” và tại Điều 10 quy định: “Tòa án quân sự Trung ương có nhiệm vụ cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của người bị Tòa án quân sự kết án cho trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia hoặc Sở Tư pháp đề nghị”.

Mặc dù Thông tư đã quy định rõ, nhưng thời gian qua Sở Tư pháp một số tỉnh, thành phố vẫn gửi văn bản đề nghị Tòa án quân sự cấp Quân khu và Khu vực cung cấp các thông tin liên quan đến người bị Tòa án quân sự kết án. Và trong một số trường hợp, Sở Tư pháp đề nghị cung cấp thông tin về án tích của công dân nhưng không thể hiện rõ công dân đó đã bị Tòa án xét xử hay chưa hoặc bị xét xử vào năm nào. Điều đó, làm cho cán bộ kiêm nhiệm công tác cung cấp thông tin tư pháp đối với người bị kết án mất rất nhiều thời gian trong việc phân loại, chuyển đề nghị lên cấp trên giải quyết và Tòa án quân sự Trung ương cung cấp thông tin cho Sở Tư pháp thiếu tính kịp thời, không đúng thời gian quy định, kéo dài thời gian chờ đợi của công dân, Sở Tư pháp cấp phiếu lý lịch tư pháp bị chậm trễ. Vì vậy, thời gian tới, các cơ quan có trách nhiệm cung cấp, quản lý thông tin lý lịch tư pháp của công dân cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, triển khai kịp thời các văn bản hướng dẫn liên quan đến công tác cung cấp thông tin lý lịch tư pháp, nhằm nâng cao kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác tra cứu, trao đổi, xác minh, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp nắm chắc các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo yêu cầu cung cấp thông tin tư pháp đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật, tránh lãng phí thời gian, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác của các cơ quan có liên quan và đặc biệt không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân.

2.Nguồn thông tin lý lịch tư pháp về án tích

Theo Luật LLTP năm 2009, thì thông tin lý lịch tư pháp về án tích được xác lập từ 18 nguồn, quy định rõ tại Điều 15. Tuy nhiên, qua thực tiễn và đối chiếu với các quy định của pháp luật có liên quan, đặc biệt là BLHS năm 2015, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 (Luật THAHS) có nhiều nội dung quy định mới mang ý nghĩa quan trọng đối với việc xác lập thông tin án tích đối với người bị kết án, như: Điều 66 BLHS 2015 quy định về chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người bị kết án; Khoản 4 Điều 23, Khoản 5 Điều 25, khoản 7 Điều 37, khoản 5 Điều 59 Luật THAHS năm 2019 quy định Tòa án đã ra quyết định thi hành án quyết định đình chỉ thi hành án đối với người bị kết án chết trong thời gian đang thi hành án, hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ thi hành án, tha tù trước thời hạn có điều kiện; Điều 64, 65 Luật THAHS năm 2019 quy định rút ngắn thời gian thử thách đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Và có những nội dung BLTTHS năm 2015 sửa đổi, bãi bỏ thẩm quyền của Tòa án trong việc “cấp giấy chứng nhận xóa án tích” đối với người bị kết án đương nhiên được xóa án tích và quy định việc xác định người bị kết án “đã được xóa án tích” thuộc thẩm quyền của Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, nhưng Luật LLTP năm 2009 không quy định bổ sung kịp thời. Vì vậy, để đảm bảo xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cho công dân thuận lợi, đầy đủ, chính xác, đồng bộ với các Luật có liên quan. Nên chăng, nguồn thông tin lý lịch tư pháp quy định tại Điều 15 Luật LLTP năm 2009 sửa đổi, bổ sung theo hướng:

+ Bỏ quy định tại khoản 15 (Giấy chứng nhận đương nhiên được xóa án tích).

+ Bổ sung Điều 15 những nội dung: Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; Quyết định đình chỉ thi hành án; Quyết định rút ngắn thời gian thử thách đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Theo đó, nhiệm vụ của Tòa án trong việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp quy định tại Điều 16 Luật LLTP năm 2009, Khoản 3 Điều 13 TTLT 04/2012 sửa đổi, bổ sung theo hướng:

+ Bỏ quy định tại điểm g khoản 1 (giấy chứng nhận đương nhiên xóa án tích);

+ Bổ sung khoản 2 Điều 16 Luật LLTP, Khoản 3 Điều 13 TTLT 04/2012 một số nội dung: Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; Quyết định đình chỉ thi hành án; Quyết định rút ngắn thời gian thử thách đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

3.Cập nhật thông tin lý lịch tư pháp trong trường hợp người bị kết án được xóa án tích

Điểm a khoản 1 Điều 33 Luật LLTP 2009 quy định:

“1. Trường hợp người bị kết án đương nhiên được xóa án tích thì Sở Tư pháp thực hiện việc cập nhật thông tin như sau: a) Khi nhận được giấy chứng nhận xóa án tích của Tòa án thì ghi “đã được xóa án tích” vào lý lịch tư pháp của người đó”.

Nội dung quy định trên, hiện không còn phù hợp, bởi lẽ: Trước đây, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (BLTTHS năm 2003) quy định người bị kết án thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích theo quy định của Bộ luật hình sự, thuộc thẩm quyền của Tòa án đã xét xử sơ thẩm. Theo đó, Tòa án cấp giấy chứng nhận xóa án tích cho người bị kết án khi có đủ điều kiện theo quy định của BLHS. Tuy nhiên, đến nay BLTTHS năm 2015 đã bỏ quy định trên, mà thay vào đó là thẩm quyền của Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Cụ thể, tại Điều 369 BLTTHS năm 2015 quy định:

“1. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của người được đương nhiên xóa án tích và xét thấy có đủ điều kiện quy định tại Điều 70 của Bộ luật hình sự thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp phiếu lý lịch tư pháp là họ không có án tích”. Những trường hợp quy định tại Điều 71 và Điều 72 của Bộ luật hình sự thì việc xóa án tích do Tòa án quyết định…”

Việc pháp luật quy định thay đổi thẩm quyền như đã nêu ở trên, nhưng chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện cụ thể đã dẫn đến thực trạng người bị Tòa án kết án không hiểu, không nắm được trình tự, thủ tục, quy định pháp luật và gửi đơn yêu cầu xóa án tích đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm, Tòa án lại hướng dẫn họ đến Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố nơi họ cư trú để yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận họ không có án tích. Điều đó đã gây ra khó khăn, mất thời gian, chi phí của người dân trong việc đi lại, hoàn thiện thủ tục giấy tờ. Vì vậy, thời gian tới đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần sửa đổi bổ sung Luật LLTP năm 2009 theo hướng: “Bỏ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 33 và thay vào đó là trình tự, thủ tục xác minh thông tin án tích đối với người bị kết án thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích” làm sơ sở cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận người bị kết án “đã được xóa án tích”.

4.Về nội dung mẫu biểu trích lục bản án hình sự

Điểm a khoản 1 Điều 3 TTLT số 04/2012 quy định: “Thông tin lý lịch tư pháp được gửi dưới một trong các hình thức: Trích lục bản án hình sự theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư liên tịch (gọi là trích lục bản án hình sự) hoặc bản chính hoặc bản sao bản án”.

Mặc dù quy định như vậy, nhưng một số nội dung thông tin yêu cầu cung cấp trong mẫu biểu trích lục bản án hình sự (theo TTLT số 04/2012) không phù hợp với mẫu biểu của bản án hình sự sơ thẩm, bản án hình sự phúc thẩm (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP ngày 19/9/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao). Cụ thể:

Mẫu biểu trích lục bản án hình sự theo TTLT số 04/2012 có những nội dung yêu cầu cung cấp như: “số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu; cấp ngày tháng năm; nơi cấp”. Nhưng ngược lại, trong bản án phần căn cước của người bị kết án lại không có những nội dung thông tin mà mẫu biểu trích lục bản án hình sự theo TTLT số 04/2012 yêu cầu. Điều đó, gây khó khăn cho cán bộ khi cập nhật thông tin, bởi việc cung cấp thông tin cá nhân người bị kết án phải căn cứ vào bản án, dẫn đến khi trích lục bản án hình sự không thể có những thông tin nêu trên để cung cấp cho Tòa án quân sự Trung ương cập nhật, quản lý thông tin giúp Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia có cơ sở dữ liệu tư pháp đầy đủ cho công dân, ảnh hưởng phần nào đến chất lượng trong cập nhật thông tin.

Để hoàn thiện hơn các quy định của pháp luật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quy định giữa các văn bản hướng dẫn, thuận lợi trong khai thác, cập nhật thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp đảm bảo độ chính xác cao, đầy đủ. Cơ quan có thẩm quyền cần phối hợp, có văn bản hướng dẫn bổ sung vào  mẫu bản án hình sự sơ thẩm, bản án hình sự phúc thẩm nội dung: “số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu; cấp ngày tháng năm; nơi cấp”, phục vụ tốt hơn cho công tác cung cấp thông tin.

Trên đây là một số bất cập trong công tác cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cũng như kiến nghị tôi đưa ra, rất mong ý kiến trao đổi của bạn đọc.

 

 

 

TRẦN THỊ THU THỦY (Tòa án quân sự Quân khu 5)