MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN HƯỚNG DẪN THỐNG NHẤT VỀ PHẦN “XÉT XỬ VỤ ÁN HÌNH SỰ” TRONG BLTTHS 2015

"XÉT XỬ VỤ ÁN HÌNH SỰ" là phần quan trọng nhất trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự, quyết định bị cáo có tội hay không có tội, quyết định tội danh, hình phạt... Do đó thủ tục tố tụng trong giai đoạn này cần được quy định hết sức chặt chẽ. Trong phạm vi bài này chúng tôi kiến nghị hướng dẫn một số quy định trong BLTTHS nhằm thống nhất áp dụng chung.

Về chỉ định người bào chữa

       Chỉ định người bào chữa tuy không phải là điều luật trong phần “xét xử vụ án hình sự” nhưng liên quan đến hoạt động xét xử của Tòa án. Điểm a, khoản 1, Điều 76 BLTTHS năm 2015 quy định về các trường hợp sau nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ: “Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình”. Quy định này chưa chính xác vì trong một tội phạm cụ thể, Bộ luật Hình sự quy định nhiều khung hình phạt khác nhau. Không phải là khi bị can, bị cáo phạm vào tội mà có khung hình phạt cao nhất 20 năm tù, tù chung thân, tử hình là phải chỉ định luật sư, người bào chữa mà chỉ chỉ định người bào chữa trong trường hợp bị can, bị cáo bị buộc tội theo khung hình phạt của tội đó mà Bộ luật Hình sự có quy định mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù chung thân, tử hình. Do đó cần có sự hướng dẫn thống nhất khi thực hiện

Về thành phần Hội đồng xét xử

 Khoản 1 Điều 254 “Thành phần Hội đồng xét xử” cũng không phải là “Đối với vụ án có bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là tù chung thân, tử hình thì Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm”.  Vấn đề này Điều 57 và Điều 185 BLTTHS năm 2003 đã quy định đầy đủ. Hội đồng xét xử gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm chỉ khi bị cáo bị truy tố theo khung hình phạt của tội phạm đó mà Bộ luật Hình sự quy định mức hình phạt cao nhất là tù chung thân, tử hình. Vấn đề này cũng cần được hướng dẫn để thống nhất thực hiện.

Về Bản án

Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 367 BLTTHS năm 2015 thì: “ Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.” Đây là quy định kế thừa quy định tại Điều 258 BLTTHS năm 2003. Tại phụ lục 1 về mẫu bản án hình sự sơ thẩm ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/ 2004/ NQ-HĐTP ngày 5/11/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ ba “xét xử sơ thẩm” của BLTTHS năm 2003, có hướng dẫn ở điểm 27 là đối với bị cáo bị xử phạt tử hình thì cần ghi thêm “nếu họ không kháng cáo, thì họ có quyền làm đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm án tử hình trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày hết hạn kháng cáo.”

 Mẫu bản án hình sự phúc thẩm ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08/12/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ tư “xét xử phúc thẩm” của BLTTHS năm 2003 và  Mẫu số 27-HS ; 28-HS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP ngày 19 tháng 9 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao) không có hướng dẫn về quyền được xin ân giảm hình phạt tử hình của người bị kết án.

 Điều 260 BLTTHS năm 2015, không có quy định về quyền được xin ân giảm của người bị kết án tử hình, do đó về mặt lý thì trong bản án tử hình sơ thẩm và bản án hình sự phúc thẩm không phải tuyên quyền này mà chỉ giải thích theo quy định của điểm d khoản 1 Điều 367 BLTTHS. Tuy nhiên, tử hình là hình phạt cao nhất. Vậy quyền được xin ân giảm hình phạt tử hình là quyền hết sức quan trọng, quyền đó nên được tuyên trong bản án chứ không thể chỉ giải thích, phổ biến sau khi tuyên án và trong tình trạng người bị kết án tử hình không còn tâm trí để nghe giải thích.

 Do đó, chúng tôi cho rẳng đây cũng là một quy định mới tại Điều 260 BLTTHS cần được hướng dẫn cụ thể. Đảm bảo rằng người bị kết án tử hình đã biết về quyền của họ, để họ thực hiện hoặc không thực hiện quyền làm đơn xin ân giảm hình phạt tử hình lên Chủ tịch nước.

Những kiến nghị sửa chữa thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý.

“1. Cùng với việc ra bản án, Tòa án ra kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp cần thiết để khắc phục nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm tại các cơ quan tổ chức đó. Trong thời hạn 30 ngày kể tử ngày nhận được kiến nghị của Tòa án, cơ quan, tổ chức nhận được kiến nghị phải thông báo bằng văn bản cho Tòa án biết về những biện pháp được áp dung.”

 Đây là một điều luật quy định cụ thể về Điều 6 BLTTHS năm 2015 “Phát hiện và khắc phục nguyên nhân, điều kiện phạm tội”. Tòa án cũng là một trong các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự và theo quy định của Điều 6 thì thời hạn mà các cơ quan, tổ chức hữu quan nhận được kiến nghị phải có văn bản trả lời là 15 ngày. Điều 6 là quy định của phần thứ nhất: “Những quy định chung” của BLTTHS năm 2015. Về nguyên tắc thì những quy định trong các phần cụ thể của Bộ luật Tố tụng hình sự, trong đó có phần thứ tư “Xét xử vụ án hình sự” không được trái với quy định chung.

 Điều 264 quy định thời hạn thông báo cho Tòa án biết (đúng ra là trả lời về việc thự hiện kiến nghị của Tòa án) là 30 ngày là trái với quy định của phần quy định chung. Lẽ ra, Điều 264 phải dựa trên quy định của Điều 6 mới phù hợp. Mặt khác, điều luật này còn thiếu chữ “khắc phục” trong câu “…bằng văn bản cho Tòa án biết về những biện pháp khắc phục được áp dụng”.

Trên đây là những kiến nghị về việc hướng dẫn để thống nhất áp dụng chung trong quá trình xét xử vụ án hình sự.

 Th.sy Nguyễn Quang Lộc,Nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao