Một số vướng mắc và kiến nghị về hoãn thi hành dân sự theo sự thỏa thuận của đương sự

Theo quy định tại Điều 48 Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 (gọi tắt là Luật THADS năm 2014) quy định nhiều trường hợp được hoãn thi hành án. Trong phạm vi bài viết, tác giả sẽ nêu lên quy định của pháp luật về trường hợp hoãn thi hành án dân sự theo sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại điểm c khoản 1, Điều 48 Luật THADS năm 2014, qua đó phân tích ra những hạn chế trong quy định của pháp luật và đề xuất hướng hoàn thiện.

1. Quy định của pháp luật

1.1 Người có quyền yêu cầu

Trong giai đoạn thi hành án, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án. Đồng thời với việc cưỡng chế thi hành án thì theo quy định tại điểm c khoản 1, Điều 48 Luật THADS năm 2014 Đương sự đồng ý hoãn thi hành án; việc đồng ý hoãn thi hành án phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của đương sự; trong thời gian hoãn thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác”.

Như vậy, trong giai đoạn thi hành án các đương sự có quyền thỏa thuận về việc hoãn thi hành án, nhưng việc các đương sự đồng ý hoãn thi hành án phải được lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn và có tất cả chữ ký của các đương sự.

Người phải thi hành án có quyền tự nguyện thi hành án; thỏa thuận với người được thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án; tự nguyện giao tài sản để thi hành án; Ngoài ra, người được thi hành án, người phải thi hành án có các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định tại Điều 7, Điều 7a Luật THADS năm 2014.

1.2 Người có thẩm quyền ra quyết định hoãn thi hành án

Theo quy định tại Điều 48 Luật THADS năm 2014 thì:

“1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án

Theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật THADS năm 2014 thì “2. Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công hoặc ủy quyền của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự và chịu trách nhiệm trong phạm vi công việc được giao.”

Với những quy định trên thì người có thẩm quyền ra quyết định hoãn thi hành án là Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự và Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công hoặc ủy quyền của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự.

1.3 Thời hạn yêu cầu hoãn thi hành án

Thời hạn yêu cầu thi hành án là khoảng thời gian mà người được thi hành án, người phải thi hành án phải yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc thi hành án theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Nếu quá thời hạn quy định mà đương sự vẫn không thực hiện quyền yêu cầu thì đương sự không còn được quyền yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.

Đối với thời hiệu thi hành án pháp luật quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật THADS năm 2014 thì :

1. Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.”

Đối với thời hạn yêu cầu hoãn thi hành án, pháp luật thi hành án dân sự không quy định về việc yêu cầu hoãn thi hành án trong giai đoạn nào của hoạt động thi hành án. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 30 Luật THADS năm 2014  thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

2. Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định của Luật này thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án.

3. Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.”

  Theo quy định trên thì thời hiệu yêu cầu thi hành án là 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định của Luật này thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 52 Luật THADS năm 2014 thì:

“Việc thi hành án đương nhiên kết thúc trong trường hợp sau đây:

1. Có xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự về việc đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình.

2. Có quyết định đình chỉ thi hành án.”

Như vậy, các đương sự có thể thỏa thuận về việc hoãn thi hành án sau khi cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án và việc thỏa thuận này kết thúc trước khi có xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự về việc đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình hoặc trường hợp có quyết định đình chỉ thi hành án.

1.4 Thời hạn được hoãn thi hành án

Khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật THADS năm 2014 thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự sẽ ra quyết định hoãn thi hành án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có những căn cứ trên. Nhưng nếu những căn cứ này không còn thì theo quy định tại khoản 4 Điều 48 Luật THADS năm 2014 trong thời hạn 05 ngày làm việc Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định tiếp tục thi hành án.

2. Hạn chế và đề xuất hoàn thiện

Theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật THADS năm 2014 quy định Thủ trưởng cơ quan thi hành dân sự có quyền ra quyết định hoãn thi hành án. Tuy nhiên, pháp luật thi hành án dân sự không quy định về thẩm quyền của Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự về việc xem xét tính hợp pháp của đương sự về thỏa thuận hoãn thi hành án, nên ngay sau khi nhận được thỏa thuận của các được sự thì trong thời hạn 05 ngày làm việc bắt buộc người có thẩm quyền phải ra quyết định hoãn thi hành án. Đây là một hạn chế trong quy định của pháp luật về thẩm quyền của Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự trong việc hoãn thi hành án. Mặt khác, theo Điều 23 Luật THADS năm 2014 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cũng không quy định về thẩm quyền ra quyết định hoãn thi hành án nói chung cũng như việc xem xét tính hợp pháp của thỏa thuận hoãn thi hành án của các đương sự nói riêng. Do đó, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, sửa đổi, bổ sung về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự quy định tại Điều 23 Luật THADS năm 2014 trong việc xem xét yêu cầu hoãn thi hành án cũng như xem xét tính hợp pháp của thỏa thuận hoãn thi hành án.

Tại điểm c khoản 1 Điều 48 Luật THADS năm 2014 quy định “Đương sự đồng ý hoãn thi hành án; việc đồng ý hoãn thi hành án phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn”. Tuy nhiên, pháp luật thi hành án dân sự không ghi nhận cụ thể về thời gian tối đa hay tối thiểu trong từng trường hợp cụ thể để hoãn thi hành án, quy định trên mang tính định tính và thể hiện ý chủ quan của từng người. Hơn nữa, theo khoản 4 Điều 48 Luật THADS năm 2014, thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định tiếp tục thi hành án khi căn cứ hoãn thi hành án không còn. Vậy làm sao xác định được lý do hoãn không còn, ai là người xác định và ai là người yêu cầu tiếp tục việc thi hành án thì pháp luật cũng không quy định. Do đó, quá trình áp dụng cũng có nhiều cách hiểu cũng như có nhiều quan điểm khác nhau, nên việc vận dụng cũng không thống nhất, có nhiều vụ việc được hoãn thời gian dài, dẫn đến hết thời hiệu thi hành án, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Vì vậy, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, sớm ban hành hướng dẫn quy định cụ thể về thời hạn hoãn thi hành án và khi hết thời hạn hoãn thì ai có thẩm quyền yêu cầu tiếp tục thi hành án.

Từ những nội dung trên, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm xem xét ban hành văn bản hướng dẫn trong từng trường hợp cụ thể để việc áp dụng được thống nhất.

NGUYỄN THỊ HỒNG TUYẾT ( VKSND Tp. Ngã Bảy tỉnh Hậu Giang), VÕ VĂN TUẤN KHANH (TAND tỉnh Hậu Giang)