Một số vướng mắc về người thừa kế theo pháp luật và đề xuất, kiến nghị

Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 được đánh giá là hoàn thiện, trong đó có chế định thừa kế và nhiều nội dung mới được luật hóa, từng bước đáp ứng yêu cầu của xã hội. Tuy nhiên, qua một thời gian đi vào cuộc sống đã cho thấy vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, từ đó dẫn đến có nhiều quan điểm khác nhau, việc áp dụng trên thực tế cũng không thống nhất.

Chẳng hạn như quy định về quyền thừa kế thế vị của cháu và chắt hay của con nuôi; quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ hay giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế vẫn còn chưa phù hợp về mặt lý luận lẫn thực tiễn. Trên cơ sở những bất cập đó, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về người thừa kế theo pháp luật.

1. Về quyền thừa kế thế vị của cháu và chắt

1.1. Quy định của pháp luật

Theo quy định tại Điều 652 BLDS năm 2015 thì: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.

Với quy định trên, nếu hiểu theo câu chữ của điều luật thì khi cha hoặc mẹ của cháu hoặc chắt không được quyền hưởng di sản của ông, bà hoặc cụ do có một trong các hành vi được nêu tại khoản 1 Điều 621 BLDS năm 2015[1] sẽ kéo theo cháu hoặc chắt cũng không thể được thay thế vị trí của cha mẹ để hưởng di sản của ông, bà hoặc cụ.[2]

Theo giải đáp tại tiểu mục 4 Mục II Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của TANDTC thì: Thừa kế thế vị được hiểu là hưởng thay và đối tượng hưởng thay đã được quy định rõ là “phần di sản của cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống”. Trường hợp một người đã không được quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của BLDS năm 2015, như bị kết án về hành vi ngược đãi nghiêm trọng người cha thì họ sẽ không được hưởng di sản của người cha. Do vậy, nếu họ còn sống khi cha chết thì họ cũng không được hưởng di sản thừa kế nên không có “phần được hưởng nếu còn sống” để cho người khác hưởng thế vị. Như vậy, cha mẹ của cháu hoặc chắt phải là người được quyền hưởng di sản thì cháu hoặc chắt mới được hưởng thế vị thay cha, mẹ khi cha, mẹ chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản.

Dưới góc độ nghiên cứu khoa học, vẫn còn nhiều tác giả có quan điểm không thống nhất với cách lý giải nêu trên[3], với lý do nhằm bảo vệ quyền hưởng di sản của cháu và chắt khi: (1) bản thân họ không bị Tòa án tước quyền hưởng di sản và (2) không bị người để lại di sản truất quyền hưởng di sản và (3) họ có năng lực pháp luật để thừa hưởng di sản hoặc (4) trường hợp cháu và chắt chưa thành niên hoặc đã thành niên mà không có khả năng lao động. Do vậy, theo tác giả pháp luật cũng nên cho họ được hưởng thừa kế thế vị, mặc dù cha mẹ của họ trước khi chết đã rơi vào một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 621 BLDS năm 2015.

1.2. Kiến nghị

Trường hợp cha hoặc mẹ của cháu hoặc chắt có một trong các hành vi vi phạm được nêu tại khoản 1 Điều 621 BLDS năm 2015 thì cháu hoặc chắt là người không có lỗi và cũng không phải chịu trách nhiệm đối với hành vi do cha, mẹ của họ gây ra. Mặt khác, trách nhiệm hình sự chỉ được áp dụng đối với những người có hành vi phạm tội, tức là “chỉ người nào phạm một tội đã được BLHS quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự[4]”, do vậy các cháu hoặc chắt của người để lại di sản không có nghĩa vụ gánh chịu những hành vi độc lập của cha mẹ gây ra trong quan hệ cụ thể này. Ngoài ra, về phương diện lý luận và thực tiễn, không có quyền hưởng di sản là một chế tài được áp dụng đối với riêng người có lỗi[5]. Do vậy, quyền thừa kế thế vị của cháu hoặc chắt không thể bị pháp luật tước bỏ khi mà giữa cha, mẹ và các con hoàn toàn chịu trách nhiệm hình sự với tư cách cá nhân và hành vi của họ lại hoàn toàn độc lập với nhau. Cho nên, nếu chỉ hiểu một cách máy móc là cha hoặc mẹ của cháu khi còn sống không có quyền hưởng di sản, thì cháu cũng không có quyền hưởng thừa kế thế vị nếu cha, mẹ của cháu chết trước hoặc chết cùng với ông, bà thì đó là điều hết sức bất công, đã sa vào tình trạng “quýt làm, cam chịu”, không phù hợp với xu hướng chung của pháp luật hiện đại và trái với truyền thống, tập quán, quan niệm về thừa kế trong nhân dân[6].

Có thể thấy, pháp luật hiện hành nước ta cũng quy định giống với BLDS Pháp năm 1804: Phần của người không được hưởng di sản chuyển sang cho các đồng thừa kế; con, cháu của người này không được hưởng phần di sản mà người không được quyền hưởng di sản đáng ra được hưởng. Hiện nay, pháp luật của Pháp đã có sự thay đổi về vấn đề này. Từ năm 2001, pháp luật của Pháp đã theo hướng, trong trường hợp một người thừa kế không được hưởng di sản do có những hành vi vi phạm nghiêm trọng đối với người để lại di sản, thì con của người không được hưởng di sản sẽ thế vào vị trí của người này, tức thực hiện các quyền của người thừa kế không được hưởng di sản. Tuy nhiên, phần của người không được hưởng di sản chỉ được chuyển sang cho các đồng thừa kế nếu người không được hưởng di sản không có con (Điều 729-1)[7]. Đây là hướng phát triển pháp luật tương đối thuyết phục và được ghi nhận trong pháp luật của một số nước trên thế giới như: Achentina[8], Áo[9], Canađa[10], Braxin[11], Thụy Điển[12], Nhật Bản[13], cũng như Bộ dân luật Bắc Kỳ năm 1931 (Điều 315) và Bộ dân luật Trung Kỳ (Điều 307) thì cha mẹ còn sống nhưng bị tước quyền hưởng di sản (không còn là người thừa kế), con cháu vẫn được quyền hưởng[14]. Hay quy định tại Điều 505 Bộ dân luật Việt Nam cộng hòa năm 1972 thì: “Người bất xứng hay bị truất quyền được coi như không bao giờ là thừa kế. Tuy nhiên, phần di sản mà đáng lẽ ra người ấy được hưởng sẽ truyền cho con cháu dẫu rằng người quá cố còn thừa kế khác ngang hàng với người bất xứng hay người bị truất quyền, trừ khi chính các con cháu này cũng bất xứng hay bị truất quyền”.

Do vậy, thiết nghĩ để đảm bảo quyền, lợi ích của các cháu của người để lại di sản, đặc biệt là trường hợp cháu và chắt là người chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng không có khả năng lao động. Cho nên, BLDS cần quy định bổ sung trường hợp cháu và chắt vẫn được hưởng thừa kế thế vị trong trường hợp cha hoặc mẹ của cháu và chắt khi còn sống đã bị kết án về một trong các hành vi theo quy định tại khoản 1 Điều 621 BLDS năm 2015. Mặt khác, để bảo vệ quyền được hưởng di sản của cháu và chắt khi bản thân họ không bị Tòa án tước quyền và cũng không bị người để lại di sản truất quyền hưởng di sản, nhưng do họ không có khả năng lao động để tự nuôi sống bản thân mình, thì pháp luật cũng nên cho họ hưởng thừa kế thế vị thay cho cha mẹ họ bị truất hoặc bị tước quyền khi còn sống nhưng chết trước người để lại di sản để cháu được thừa kế di sản của ông bà, chắt được hưởng di sản của các cụ (tương tự như quy định tại Điều 644 BLDS năm 2015 về trường hợp những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc), trừ trường hợp khi chính con, cháu của họ cũng có một trong các hành vi vi phạm được nêu tại khoản 1 Điều 621 BLDS năm 2015.

2. Về quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ

2.1. Quy định của pháp luật

Vấn đề thừa kế thế vị liên quan đến con nuôi được quy định tại Điều 653 BLDS năm 2015: “Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này”. Quy định này vẫn còn khá chung chung dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau như: (1) khi người con đẻ của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản, thì người con nuôi của người con đẻ của người để lại di sản có được hưởng thừa kế thế vị hay không? (2) khi con nuôi của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản, thì con đẻ của người con nuôi đó có được hưởng thừa kế thế vị không? (3) người con nuôi của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản, thì con nuôi của người con nuôi đó có được hưởng thừa kế thế vị không? Có quan điểm cho rằng[15] trường hợp (3) không được thừa kế thế vị, trường hợp (2) được thừa kế thế vị, còn trường hợp (1) chỉ được thừa kế thế vị nếu người để lại di sản coi như cháu ruột.

Tham khảo quy định tại tiểu mục đ Mục 4 Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 (Nghị quyết 02/HĐTP)[16]: “Con nuôi không đương nhiên trở thành cháu của cha, mẹ của người nuôi dưỡng và cũng không đương nhiên trở thành anh, chị, em của con đẻ của người nuôi. Do đó, con nuôi không phải là người thừa kế theo pháp luật của cha, mẹ và con đẻ của người nuôi”. Và tại tiểu mục a Mục 6 Nghị quyết 02/HĐTP quy định: “Về phía gia đình cha nuôi, mẹ nuôi: con nuôi chỉ có quan hệ thừa kế với cha nuôi, mẹ nuôi mà không có quan hệ thừa kế với cha, mẹ và con đẻ của người nuôi. Trong trường hợp người có con nuôi kết hôn với người khác thì người con nuôi không đương nhiên trở thành con nuôi của người khác đó cho nên họ không phải là người thừa kế của nhau theo pháp luật”. Tại tiểu mục b Mục 5 Nghị quyết số 02/HĐTP quy định: “Trong trường hợp con nuôi chết trước cha nuôi, mẹ nuôi, thì con của người nuôi (tức là cháu của cha nuôi, mẹ nuôi) được hưởng phần di sản mà đáng lẽ cha, mẹ của chắt được hưởng nếu cha, mẹ của chắt còn sống vào thời điểm mở thừa kế”. Theo đó, trường hợp (2) được hưởng thừa kế thế vị, còn trường hợp (1) và (3) không được hưởng thừa kế thế vị (do con nuôi không phải là người thừa kế theo pháp luật của cha, mẹ và con đẻ của người nuôi).
Quy định trên còn cho thấy, nội dung chỉ thể hiện về quan hệ thừa kế giữa “con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi” mà không có nội dung nào quy định liên quan đến trường hợp của “cha đẻ, mẹ đẻ”. Tuy nhiên, tiêu đề của điều luật lại thể hiện là “Quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ”. Như vậy, có thể thấy giữa tiêu đề và nội dung của điều luật đã không có sự thống nhất với nhau.

2.2. Kiến nghị

– Thứ nhất, về trường hợp thừa kế thế vị có yếu tố con nuôi. Có quan điểm cho rằng, “con nuôi của con đẻ không được thừa kế thế vị”[17] và “chỉ có con đẻ thay thế vị trí của cha, mẹ đẻ”[18]. Kể từ khi BLDS năm 1995 ra đời, đến BLDS năm 2005 và nay là BLDS năm 2015 thì vẫn chưa có văn bản hướng dẫn về trường hợp thừa kế thế vị có yếu tố con nuôi, nên Nghị quyết 02/HĐTP vẫn còn mang tính chất tham khảo. Đến nay, Nghị quyết 02/HĐTP đã ra đời gần 30 năm, nên không phù hợp với xu thế chung của pháp luật hiện đại – hướng đến bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người dân.

Tác giả cho rằng, quan điểm trên về mặt lý luận chưa thực sự được thuyết phục, khi vận dụng phương pháp phân tích câu chữ (biện luận dựa vào nguyên tắc áp dụng tương tự pháp luật và nguyên tắc suy lý mạnh)[19] để tìm ra ý chí của người làm luật. Cụ thể: Theo quy định tại Điều 652 BLDS năm 2015 thì: “… cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống…”. Quy định này chỉ đề cập đến “cha hoặc mẹ” của cháu chứ không có sự phân biệt là “cha đẻ hoặc mẹ đẻ với cha nuôi hoặc mẹ nuôi”, cho nên chúng ta có thể suy luận cả hai trường hợp này đều thuộc diện thừa kế thế vị. Sự suy luận này được củng cố thêm bởi quy định tại Điều 653 BLDS năm 2015, đó là: “Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 (thừa kế theo pháp luật) và Điều 652 (thừa kế thế vị) của Bộ luật này”. Hơn nữa, khi bàn đến “cháu”, nếu các nhà làm luật muốn giới hạn cháu được hưởng di sản như quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 651 BLDS năm 2015 về hàng thừa kế thứ hai và thứ ba, thì các nhà làm luật sẽ nêu rõ là “cháu ruột”. Tuy nhiên, khi quy định về thừa kế thế vị các nhà làm luật chỉ đề cập đến “cháu” mà không đề cập đến “cháu ruột” thì chúng ta có thể hiểu rằng các nhà làm luật đã không giới hạn trường hợp thừa kế thế vị chỉ được áp dụng cho cháu ruột như quy định về hàng thừa kế thứ hai và thứ ba. Đồng thời, trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng được thừa nhận như một nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, khi: “Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản”[20] và đó cũng như một nguyên tắc của pháp luật thừa kế, khi: “Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”[21]. Cho nên, chúng ta có thể khẳng định thừa kế thế vị bao gồm trường hợp cả con (con đẻ hay con nuôi) của con đẻ và con (con đẻ hay con nuôi) của con nuôi của người để lại di sản và thực tiễn xét xử[22] cũng đã theo hướng cháu nuôi cũng được hưởng thừa kế thế vị.

– Thứ hai, cần phải chỉnh sửa lại tiêu đề tại Điều 653 BLDS năm 2015 cho phù hợp và thống nhất với nội dung của điều luật hoặc chỉnh sửa phần nội dung của điều luật lại cho thống nhất với tiêu đề.

3. Về quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế

3.1. Quy định của pháp luật

Theo quy định tại Điều 654 BLDS năm 2015 thì: “Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này”. Theo đó, để được hưởng quyền thừa kế di sản giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế thì pháp luật quy định họ phải có quan hệ chăm sóc nhau như cha con, mẹ con. Tuy nhiên, trên thực tế khi áp dụng quy định này để giải quyết các trường hợp cụ thể thì có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất về nội dung như thế nào được hiểu là “chăm sóc như cha con, mẹ con” và dựa vào tiêu chí nào để đánh giá là có sự chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì pháp luật cũng chưa đề cập đến. Chẳng hạn như: (1) thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng nhau giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế là bao lâu sẽ được coi là chăm sóc như cha con, mẹ con; (2) hành vi chăm sóc sẽ được thể hiện từ hai bên hay chỉ từ một bên (người được thừa kế) và (3) nếu như một bên chỉ thể hiện hành vi chăm sóc, nuôi dưỡng, nhưng về tình cảm giữa họ đối với nhau không như cha con, mẹ con thì họ có được thừa kế theo pháp luật của nhau không?. Ngoài ra, việc xác định hàng thừa kế sau khi đã xác định được quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng như cha con, mẹ con thì điều luật lại không quy định trong trường hợp này thì con riêng, bố dượng, mẹ kế sẽ thuộc hàng thừa kế thứ mấy nếu đối chiếu với quy định tại khoản 1 Điều 651 BLDS năm 2015 về người thừa kế theo pháp luật.

Có quan điểm còn cho rằng, nên bỏ quy định về thừa kế thế vị của con riêng, vì giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế với lý do là giữa họ không có mối quan hệ huyết thống và cũng không có mối quan hệ pháp lý nào ràng buộc, nếu có ràng buộc đi chăng nữa thì đó cũng chỉ là sự ràng buộc về mặt đạo đức xã hội. Có thể lý giải cho cơ sở của quan điểm này là xuất phát từ sự so sánh với trường hợp người con dâu không được hưởng thừa kế đối với phần di sản của cha mẹ chồng, vì giữa họ không có mối quan hệ huyết thống, nhưng do phong tục tập quán của người Việt và trên thực tế phần lớn người con dâu cũng là người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ chồng. Chính vì vậy, quan điểm trên cho rằng việc quy định con riêng được hưởng thừa kế thế vị thay bố dượng, mẹ kế là không thuyết phục và cần phải được xóa bỏ.

Dưới góc độ kỹ thuật lập pháp, Điều 654 BLDS năm 2015 còn cho thấy việc dẫn chiếu đến Điều 652 và Điều 653 làm cho người đọc có sự hiểu nhầm là thiếu Điều 651 về người thừa kế theo pháp luật, nhưng ở Điều 653 đã có dẫn chiếu đến Điều 651; đồng thời còn thể hiện sự trùng lắp khi Điều 653 đã có dẫn chiếu đến Điều 652 nhưng Điều 654 lại tiếp tục dẫn chiếu đến Điều 652. Lẽ ra, các nhà làm luật chỉ cần dẫn chiếu trực tiếp đến Điều 651 và Điều 652 sẽ hợp lý và chính xác hơn.

3.2. Kiến nghị

Quan hệ thừa kế giữa con riêng và cha dượng, mẹ kế phát sinh dựa trên cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc nhau như cha con, mẹ con. Tuy nhiên, để hiểu như thế nào là “chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con” thì hiện nay vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn một cách cụ thể. Do đó, để áp dụng chế định “quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế”, chúng ta cần phải chứng minh sự tồn tại “quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con” giữa cha dượng và con riêng của vợ, mẹ kế và con riêng của chồng[23]. Ngoài ra, chúng ta còn có thể hiểu, con riêng và cha dượng, mẹ kế chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con khi giữa họ thể hiện những hành vi được quy định tại các điều 69, 70, 71 và 72 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Theo đó, cha dượng, mẹ kế có nghĩa vụ và quyền cùng yêu thương, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con riêng, chăm lo cho việc học tập và giáo dục con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức,… cha, mẹ không được phân biệt đối xử giữa các con, không ngược đãi, hành hạ, xúc phạm con,…; con riêng có bổn phận yêu quý, kính trọng, hiếu thảo với cha dượng, mẹ kế, có quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ, không được ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ,… Hay nói cách khác, pháp luật cần ghi nhận các tiêu chí để đánh giá việc chăm sóc, nuôi dưỡng nhau giữa con riêng và cha dượng, mẹ kế tương tự như quyền và nghĩa vụ của con đẻ với cha, mẹ đẻ. Đồng thời, cũng cần quy định rằng việc chăm sóc lẫn nhau giữa con riêng và cha dượng, mẹ kế không nhất thiết phải dựa trên cơ sở cùng sống chung với nhau dưới một mái nhà, bởi vì trên thực tế có rất nhiều trường hợp người con ở xa (như đi làm xa hoặc có vợ chồng xa) nhưng vẫn luôn quan tâm, thể hiện được tình cảm yêu thương lẫn nhau và có những hành động giúp đỡ cha dượng, mẹ kế bằng cách gửi tiền cũng như các vật chất khác[24]. Do đó, việc xác định thế nào là chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha, mẹ con theo tác giả không nên chỉ phụ thuộc vào nơi cư trú của các thành viên trong gia đình.

Vì vậy, trong thời gian tới cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Điều 654 BLDS năm 2015 về trường hợp thế nào là “chăm sóc như cha con, mẹ con” và việc “con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con” nếu được hưởng di sản của nhau thì sẽ được xác định là hàng thừa kế nào trong các hàng thừa kế được quy định tại khoản 1 Điều 651 BLDS năm 2015. Theo tác giả, cần thừa nhận theo hướng để con riêng, bố dượng, mẹ kế nếu có quyền thừa kế của nhau thì sẽ được thừa kế ở hàng thứ nhất như thực tiễn xét xử[25] trong thời gian vừa qua là hợp lý và thuyết phục[26].

Kết luận. Các quy định về thừa kế theo pháp luật nói chung và người thừa kế theo pháp luật nói riêng trong thời gian qua đã phần nào phát huy được hiệu quả điều chỉnh trên thực tế. Tuy nhiên, qua phân tích đã cho thấy vẫn còn có một số hạn chế nhất định, chưa phù hợp về mặt lý luận, cũng như xu thế chung của pháp luật hiện đại. Chính vì vậy, trong tương lai BLDS năm 2015 cần sửa đổi để quy định về người thừa kế theo pháp luật được hoàn thiện và phù hợp hơn, nhưng trước hết cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn để tránh trường hợp có nhiều cách hiểu khác nhau, không những gây khó khăn trong quá trình giải quyết trên thực tiễn, mà còn ảnh hưởng đến quyền thừa kế thế vị của cháu (chắt) và con nuôi; quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha mẹ nuôi và cha mẹ đẻ, giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế./.

[1]Khoản 1 Điều 621 BLDS năm 2015 quy định những trường hợp không được quyền hưởng di sản, đó là:
– Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
– Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
– Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
– Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
[2] Có quan điểm cho rằng “dù đã được xóa án tích cũng không được quyền hưởng di sản của người chết”. (Xem: Hoàng Thế Liên, Nguyễn Đức Giao – Đồng chủ biên (2001), Bình luận khoa học Bộ luật dân sự Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 3, tr. 31.)
Đây cũng là quy định tại Tiểu mục a Mục 2 Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh thừa kế.
[3] (1) Nguyễn Văn Cừ, Trần Thị Huệ – Đồng chủ biên (2017), Bình luận khoa học Bộ luật dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 1014.
(2) Phùng Trung Tập (2008), Luật thừa kế Việt Nam, Nxb. Hà Nội, Hà Nội, tr. 275.
(3) Đỗ Văn Đại (2016), Luật thừa kế Việt Nam, Bản án và bình luận bản án (tái bản lần thứ 4), Nxb. Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam, Hà Nội, tập 2, tr. 312.
[4] Khoản 1 Điều 2 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
[5] Nguyễn Ngọc Điện (1999), Một số suy nghĩ về thừa kế trong Luật dân sự Việt Nam, Nxb. Trẻ TP. HCM, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 59.
[6] Phùng Trung Tập (2008), Luật thừa kế Việt Nam, Nxb. Hà Nội, Hà Nội, tr. 275.
[7] Đỗ Văn Đại (2016), Luật thừa kế Việt Nam, Bản án và bình luận bản án (tái bản lần thứ 4), Nxb. Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam, Hà Nội, tập 2, tr. 311.
[8] Theo pháp luật Achentina, con của người bị xác định là không được quyền hưởng di sản có thể thế vị cha mẹ của họ. (Xem: Đỗ Văn Đại (2016), Luật thừa kế Việt Nam, Bản án và bình luận bản án (tái bản lần thứ 4), Nxb. Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam, Hà Nội, tập 2, tr. 312)
[9] Theo pháp luật Áo, trong khuôn khổ thừa kế theo pháp luật, con của người bị tướt quyền thừa kế được thừa kế thế vị cho dù người bị tướt quyền còn sống sau thời điểm mở thừa kế. (Xem: Đỗ Văn Đại (2016), Luật thừa kế Việt Nam, Bản án và bình luận bản án (tái bản lần thứ 4), Nxb. Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam, Hà Nội, tập 2, tr. 312)
[10] Ở Canađa, trước khi có sửa đổi pháp luật về thừa kế, con của người bị tướt quyền hưởng di sản không được thừa kế thế vị bất kể người bị tướt quyền chết trước hay chết sau người để lại di sản. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự mới đã cho phép một cách minh thị khả năng thế vị trong những trường hợp này. (Xem: Đỗ Văn Đại (2016), Luật thừa kế Việt Nam, Bản án và bình luận bản án (tái bản lần thứ 4), Nxb. Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam, Hà Nội, tập 2, tr. 312)
[11] Thep pháp luật Braxin, con của người thừa kế (không được hưởng di sản) thừa kế như trường hợp người thừa kế (bị tướt quyền) chết trước thời điểm mở thừa kế. (Xem: Đỗ Văn Đại (2016), Luật thừa kế Việt Nam, Bản án và bình luận bản án (tái bản lần thứ 4), Nxb. Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam, Hà Nội, tập 2, tr. 312)
[12] Ở Thụy Điển, người bị tướt quyền hưởng di sản bị coi là chết trước người để lại di sản nên thừa kế thế vị được áp dụng. (Xem: Đỗ Văn Đại (2016), Luật thừa kế Việt Nam, Bản án và bình luận bản án (tái bản lần thứ 4), Nxb. Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam, Hà Nội, tập 2, tr. 312)
[13] Điều 887 Bộ luật dân sự Nhật Bản. (Xem: Nguyễn Văn Cừ, Trần Thị Huệ (2017), Bình luận khoa học Bộ luật dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 1014).
[14] Đỗ Văn Đại (2016), Luật thừa kế Việt Nam, Bản án và bình luận bản án (tái bản lần thứ 4), Nxb. Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam, Hà Nội, tập 2, tr. 311 – 312.
[15] Phạm Văn Tuyết, Lê Kim Giang (2017), Pháp luật về thừa kế và thực tiễn giải quyết tranh chấp, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 328 – 329.
[16] Tác giả dùng từ “tham khảo”, bởi vì theo quy định tại khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, khi: “Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành, văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”.
[17] (1) Hoàng Thế Liên, Nguyễn Đức Giao – Đồng chủ biên (2001), Bình luận khoa học Bộ luật dân sự Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 3, tr. 115.
(2) Nguyễn Minh Tuấn – Chủ biên (2016), Bình luận khoa học Bộ luật dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 960 – 961.
Các tác giả trên cho rằng, con nuôi của con đẻ không thể mặc nhiên là cháu của người chết vì quan hệ gia đình xuất phát từ các quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng. Tuy nhiên, quan hệ giữa con nuôi với cha đẻ của bố nuôi không có một trong các mối quan hệ trên, vì vậy người con nuôi không thể là người thừa kế của những người khác trong gia đình cha, mẹ nuôi. Ngược lại, con đẻ của người con nuôi sẽ là cháu gọi người chết là ông hoặc bà, vì vậy họ có quyền thừa kế của nhau.
[18] Phạm Văn Tuyết, Lê Kim Giang (2017), Pháp luật về thừa kế và thực tiễn giải quyết tranh chấp, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 323.
[19] Xem thêm: Nguyễn Ngọc Điện (2019), Phương pháp phân tích luật viết, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tr. 77 – 141.
[20] Khoản 1 Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015.
[21] Điều 610 Bộ luật dân sự năm 2015.
[22] Xem thêm Bản án số 294/2006/DSPT ngày 22/12/2006 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
[23] Xem thêm: Bản án số 232/2005/DSPT ngày 31/10/2005 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
[24] Xem thêm: Bản án số 232/2005/DSPT ngày 31/10/2005 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
[25] Xem thêm: Quyết định Giám đốc thẩm số 195/2013/DS-GĐT ngày 23/4/2013 của Tòa Dân sự – Tòa án nhân dân tối cao; Bản án số 01/2014/DS-ST ngày 15/01/2014 của Tòa án nhân dân Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh; Bản án số 658/2010/DS-PT ngày 17/6/2010 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
[26] Đỗ Văn Đại (2016), Luật thừa kế Việt Nam, Bản án và bình luận bản án (tái bản lần thứ 4), Nxb. Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam, Hà Nội, tr. 269.

ThS. PHAN THÀNH NHÂN (Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp)