Phân biệt tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” và tội “Xâm phạm sở hữu công nghiệp”

Trong thực tiễn công tác điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng thường gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc phân biệt tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” theo Điều 192 Bộ luật hình sự với tội “Xâm phạm sở hữu công nghiệp” theo Điều 226 Bộ luật hình sự. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích những điểm khác biệt trong các quy định của pháp luật của hai loại tội này.

Quy định của pháp luật hình sự về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” và tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”

Các quy định của pháp luật hình sự về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả được hình thành khá sớm. Điều 5 Pháp lệnh số PL/1982 ngày 30 tháng 06 năm 1982 của Hội đồng nhà nước về trừng trị tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép đã có những quy định cụ thể đối với các hành vi làm hàng giả hoặc buôn bán hàng giả với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân. Kế thừa các quy định Pháp lệnh, Bộ luật hình sự 1985 (Sửa đổi, bổ sung năm 1992) đã quy định về tội Làm hàng giả, buôn bán hàng giả, theo đó, đây là một tội phạm thuộc chương các tội phạm về kinh tế và có mức hình phạt nghiêm khắc (mức hình phạt cao nhất là tử hình).

Trong suốt thời kỳ đó, pháp luật hình sự chưa có quy định xử lý đối với các hành vi xâm phạm sở hữu công nghiệp. Sự ra đời của Bộ luật dân sự 1995 và các quy định của pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp được hình thành, từ đó Bộ luật hình sự 1999 lần đầu tiên quy định về tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” tại Điều 171 BLHS 1999 với hành vi khách quan là “vì mục đích kinh doanh mà chiếm đoạt, sử dụng bất hợp pháp sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi, xuất xứ hàng hoá hoặc các đối tượng sở hữu công nghiệp khác đang được bảo hộ tại Việt Nam gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. Như vậy, hành vi khách quan của tội “Xâm phạm sở hữu công nghiệp” trong thời kỳ này được quy định khá rộng, bao gồm tất cả các hành vi chiếm đoạt, sử dụng các đối tượng quy định tại Mục 1, Chương II, Phần thứ sáu Bộ luật dân sự 1995 và sau này là Phần thứ ba Luật sở hữu trí tuệ 2005. So với tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” quy định tại Điều 156 BLHS 1999 thì tội “Xâm phạm sở hữu công nghiệp” được xác định là có tính nguy hiểm cho xã hội ít hơn, do đó mức hình phạt của tội này được quy định thấp hơn nhiều so với tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” với mức hình phạt cao nhất là đến 03 năm tù.

Bộ luật hình sự 2015 ra đời đã hoàn thiện quy định về tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” để phù hợp với pháp luật về dân sự, kinh doanh thương mại, sở hữu trí tuệ, theo đó, tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” là hành vi cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý. Như vậy, từ việc quy định tất cả các hành vi chiếm đoạt, sử dụng các đối tượng thuộc quyền sở hữu công nghiệp theo Luật sở hữu trí tuệ thì nay, mặt khách quan của tội này chỉ còn là hành vi cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý. Tội phạm này được xác định là tội ít nghiêm trọng với mức hình phạt cao nhất là đến 03 năm tù đối với cá nhân phạm tội, hoặc  phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

Phân biệt tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” với tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”

Trong cấu thành tội phạm của tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” và tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” có sự tương đồng về chủ thể tội phạm và mặt chủ quan của tội phạm. Chủ thể tội phạm của các tội này đều không phải là chủ thể đặc biệt và phải thỏa mãn các điều kiện về năng lực hành vi hình sự và tuổi chịu trách nhiệm hình sự, đồng thời tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Việc phân biệt hai tội phạm trên dựa trên yếu tố khách thể và mặt khách quan của tội phạm, cụ thể như sau:

Khách thể của tội phạm:

BLHS 2015 xác định tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” thuộc nhóm các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại tại Mục 1, Chương XVIII. Nhóm tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả quy định tại Mục này còn bao gồm các tội: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi (Điều 195). Nhóm tội phạm này tương đồng về cấu thành tội phạm, tuy nhiên do những đặc thù về mặt hàng bị làm giả dẫn đến sự phân loại tính nguy hiểm cho xã hội khác nhau. Vì vậy BLHS quy định về căn cứ định tội và định khung hình phạt đối với từng tội phạm trên có sự khác biệt.

Tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” được quy định thuộc Mục 3, Chương XVIII của BLHS, tức là nhóm tội phạm khác xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Cụ thể hơn, tội phạm này cùng với tội “Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” quy định tại Điều 225 BLHS thuộc nhóm tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế đối với quyền sở hữu trí tuệ.

Việc xác định sự khác biệt về khách thể của tội phạm đối với tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” và tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” có ý nghĩa xác định sự khác nhau giữa các quan hệ pháp luật mà các tội phạm này xâm phạm, từ đó có một nhận thức đúng đắn về mặt khách quan như phân tích dưới đây.

Mặt khách quan của tội phạm

Để phân biệt rõ mặt khách quan của tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” và tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” cần phải làm rõ quy định của pháp luật hiện hành về khái niệm “hàng giả” là đối tượng của tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” và “hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý” là đối tượng của tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”.

Các văn bản pháp luật hình sự hiện chưa quy định cụ thể về hai khái niệm trên, do đó cần phải căn cứ vào các quy định của pháp luật liên quan và phù hợp với quy định của pháp luật hình sự. Khái niệm hàng giả trước đây được quy định tại Thông tư liên tịch của Bộ thương mại – Bộ tài chính – Bộ công an – Bộ Khoa học công nghệ và môi trường số 10/2000/TTLT – BTM – BTC – BCA – BKHCNMT ngày 27/04/2000 hướng dẫn thực hiện chỉ thị số 31/1999/CT – TTg ngày 27/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả. Hiện nay, khái niệm hàng giả được ghi nhận tại Khoản 8, Điều 3 Nghị định số 185/2013/NĐ – CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sau đây gọi là Nghị định 185).

Theo Nghị định 185, “hàng giả” có thể chia làm 04 loại khác nhau, đó là:

Loại thứ nhất: Hàng giả về chất lượng, công dụng quy định tại điểm a, b, c, d khoản 8 Điều 3 của Nghị định 185. Đối với loại hàng giả này, Nghị định 185 quy định cụ thể về mức xử phạt hành chính đối với hành vi buôn bán và sản xuất chúng với số lượng tương đương với số lượng của hàng thật và chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 11, Điều 12;

Loại thứ hai: Hàng giả về nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa quy định tại điểm đ và e khoản 8 Điều 3 Nghị định này. Nghị định 185 quy định về xử phạt hành vi buôn bán, sản xuất loại này với số lượng tương đương với số lượng của hàng thật và chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 13, Điều 14;

Loại thứ ba: Tem, nhãn, bao bì giả. Nghị định 185 quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi sản xuất, mua bán tem, nhãn, bao bì giả tại Điều 15, Điều 16 Nghị định này.

Đối với ba loại hàng giả trên, Nghị định 185 quy định rất rõ về số lượng hàng giả bị xử phạt là từ dưới 01 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng. Trong một số trường hợp, hàng giả tương đương với số lượng hàng thật trị giá từ 30 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì vẫn chịu chế tài về hành chính.

Loại thứ tư: Quy định tại điểm g Khoản 8 Điều 3 Nghị định 185 là hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ (trên thị trường thường gọi là “hàng nhái”) quy định tại Điều 213 Luật sở hữu trí tuệ bao gồm hàng hóa giả mạo về nhãn hiệu, giả mạo về chỉ dẫn địa lý và hàng hóa sao chép lậu. Tuy nhiên chỉ có hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và hàng hóa giả mạo về chỉ dẫn địa lý đối tượng của chế tài hình sự theo Điều 226 BLHS. Theo quy định thì đây là loại hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.

Với loại hàng hóa này thì cần phải chú ý: Nghị định 185 không quy định về xử phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán loại hàng giả này bởi lẽ hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ là đối tượng điều chỉnh của Luật sở hữu trí tuệ, do đó việc xử lý đối với các hành vi này bằng các biện pháp dân sự, hành chính sẽ được căn cứ vào quy định tại Phần thứ năm Luật sở hữu trí tuệ và các văn bản liên quan. Việc xử phạt hành chính sẽ được căn cứ vào quy định tại Điều 12 Nghị định 99/2013/NĐ – CP ngày 29/08/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (Nghị định 99/2013).

Như vậy, có thể thấy rằng mặc dù Nghị định 185 xác định hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật sở hữu trí tuệ là hàng giả, tuy nhiên việc xác định hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ cần căn cứ vào quy định của Luật sở hữu trí tuệ và các văn bản pháp luật có liên quan, cụ thể là Nghị định 99/2013.

Từ những phân tích như trên, cần chú ý phân biệt những yếu tố khác trong mặt khách quan của hai tội phạm này như sau:

Về xác định giá trị hàng hóa vi phạm: Đối với giá trị hàng giả thì theo quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự; Điều 60 Luật xử lý vi phạm hành chính; Điều 5 Nghị định 185, được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 6, Điều 1 Nghị định 124/2015/NĐ – CP thì giá trị hàng giả được xác định là giá thị trường của hàng hóa thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng, kỹ thuật, công dụng tại thời điểm nơi phát hiện vi phạm.

Trong khi đó, theo quy định tại Khoản 2 Điều 60 Luật xử lý vi phạm hành chính; Điều 4 Nghị định 99/2013/NĐ – CP được hướng dẫn tại Điều Thông tư 11/2015/TT – BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ thì giá trị hàng hóa vi phạm đối với hàng hóa giả mạo sở nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được xác định theo giá niêm yết hoặc giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu; giá theo thông báo của cơ quan tài chính địa phương. Trường hợp không có thông báo giá thì giá theo giá thị trường của địa phương tại thời điểm xảy ra vi phạm hành chính hoặc giá thành của hàng hóa vi phạm nếu là hàng hóa chưa xuất bán. Trường hợp không thể áp dụng các căn cứ trên để xác định giá trị tang vật là hàng hóa vi phạm thì có thể ra quyết định tạm giữ tang vật vi phạm và thành lập Hội đồng định giá theo quy định.

Về xác định hành vi khách quan của tội sản xuất, buôn bán hàng giả và tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp:Hành vi “sản xuất”, “buôn bán” đối với hàng giả đã được hướng dẫn tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Nghị định 185, bao gồm các hoạt động chế tạo, in ấn, gia công, đặt hàng, sơ chế, chế biến, chiết xuất, tái chế, lắp ráp, đóng gói…, cũng như các hoạt động chào hàng, bày bán, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác đưa hàng hóa vào lưu thông.

Còn đối với việc xác định hành vi cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam thì cần áp dụng theo quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 211 Luật sở hữu trí tuệ, tức là hành vi sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.

Một số khó khăn, vướng mắc trong quy định của pháp luật và kiến nghị hoàn thiện

Theo quan điểm của tác giả, Nghị định 185 cần sửa đổi theo hướng không liệt kê hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 là hàng giả theo quy định của Nghị định này, bởi như đã phân tích, đây là hàng hóa thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định 99/2013. Từ đó, việc phân biệt “hàng giả” và “hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý” để định tội danh, định khung hình phạt được rõ ràng và cụ thể. Bên cạnh đó, một số vướng mắc khác cần có hướng dẫn cụ thể bao gồm:

Về xác định giá trị hàng hóa vi phạm để định tội danh, định khung hình phạt đối với tội Sản xuất, buôn bán hàng giả

Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về thế nào là hàng hóa có cùng tính năng, kỹ thuật, công dụng. Ngay tại các quy định tại Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14 Nghị định 185 cũng chỉ xác định giá trị hàng hóa vi phạm để xử phạt là giá trị của số lượng hàng hóa tương đương với hàng thật mà không có hướng dẫn về xác định hàng giả có giá trị tương đương với hàng hóa có cùng tính năng, kỹ thuật, công dụng và cách tính giá trị của chúng. Trong khi đó, đối với loại hàng giả về chất lượng, công dụng thì chưa có quy định cụ thể về cách xác định loại hàng giả này cũng như phương pháp tính giá trị của chúng làm căn cứ định tội, định khung hình phạt.

Theo quan điểm của tác giả, đối với hàng giả về chất lượng, công dụng thì cách xác định giá trị hàng hóa vi phạm được căn cứ vào giá trị tương đương với hàng hóa có cùng tính năng, kỹ thuật, công dụng. Cách hiểu này sẽ phù hợp với quy định của pháp luật, cũng như phản ánh đúng bản chất của tội phạm. Tuy nhiên các nhà làm luật cần phải xây dựng hướng dẫn cụ thể để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.

Về đường lối xử lý đối với hàng hóa sao chép hàng thật

Trên thị trường tiêu dùng hiện nay (phổ biến là mặt hàng da giày, may mặc, thời trang) có rất nhiều loại hàng hóa được sao chép từ hàng chính hãng về mẫu mã, kiểu dáng cho đến nhãn hiệu (thường được gọi là hàng “fake”). Cách sao chép của loại hàng hóa này rất đa dạng và được phân loại tùy thuộc vào mức độ hoàn thiện sản phẩm mà có chất lượng và mức giá bán khác nhau, phân loại thông thường bao gồm các loại sau: Hàng giả được sao chép hàng chính hãng một cách tỉ mỉ, có mức độ hoàn thiện cao và rất khó phân biệt với hàng thật (còn được gọi là hàng “replica”); hàng hóa mô phỏng tốt về ngoại hình nhưng có điểm khác biệt với hàng thật (hàng “super fake”); hàng hóa được sao chép có những điểm tương đồng với hàng thật nhưng có sự khác biệt về kích thước, màu sắc, thiết kế, chất liệu…(hàng “fake F1”, “fake F2”,…); thậm chí có hàng hóa khác biệt với hàng thật nhưng giả mạo nhãn hiệu (hàng giả hiệu),…

Đây đều là những loại hàng hóa vi phạm về nhãn hiệu, tuy nhiên trong thực tế, phần lớn người tiêu dùng biết đây là hàng hóa giả mạo, sao chép nhưng vì những lý do, nhu cầu khác nhau nên vẫn đồng ý mua bán các loại hàng hóa này. Do đó, xác định hàng hóa này là “hàng giả”, hay “hàng hóa giả mạo nhãn hiệu” để định tội danh còn có sự vướng mắc cả về lý luận và thực tiễn.

Do vậy, pháp luật hình sự cần có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này theo hướng phân định rõ trong trường hợp nào thì xác định là hàng giả và trường hợp nào xác định đây là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu./.

Theo kiemsat.vn

Đội QLTT số 8 Quảng Ninh kiểm tra mặt hàng mũ bảo hiểm – Ảnh: Tuấn Hương/ Báo QN

Ths. NGUYỄN THÀNH CHUNG ( VKSND TP. Hà Nội)